(MPI) – Ngày 22/11/2022 đã diễn ra Hội thảo Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện một số bộ, ngành liên quan, giúp tỉnh Khánh Hòa sớm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh để trình Hội đồng thẩm định thông qua.
|
Ông Lê Văn Thụy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu mở đầu Hội thảo, ông Lê Văn Thụy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tỉnh Khánh Hòa có tiềm năng lợi thế về du lịch; mong muốn xây dựng, phát triển các khu đô thị mới gắn với các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ tới; phát triển công nghiệp, hệ thống giao thông, đô thị.
Ông Lê Văn Thụy đề nghị các đại biểu tham gia ý kiến thẳng thắn, khách quan nhằm giúp tỉnh Khánh Hòa đưa ra được các giải pháp tốt nhất, giảm thiểu các tác động của quy hoạch đến môi trường; đưa ra giải pháp phát triển nhanh nhưng bền vững, đáp ứng mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP 26.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cho biết, qua gần hai năm kể từ khi triển khai công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thiện hồ sơ gửi xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan.
Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lập với yêu cầu rất cao, nội dung khoa học và thiết thực, phương pháp thực hiện gần như hoàn toàn mới, đây là quy hoạch gốc tạo cơ sở, nền tảng, làm đề dẫn cho các Quy hoạch khác. Sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt, làm cơ sở triển khai các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, xây dựng được kế hoạch triển khai thực hiện, từ đó xác định các dự án, công trình ưu tiên đầu tư.
Ông Trần Hòa Nam cho biết, nội dung Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đưa ra 11 nội dung chính theo quy định tại khoản 2, Điều 27, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14. Thực hiện quy định tại Khoản 2, Điều 38, Nghị định 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ, theo đó phiên họp thẩm định quy hoạch được tiến hành khi có văn bản của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với quy hoạch..
Với những yêu cầu rất quan trọng và cấp thiết trong việc xây dựng và hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ tới, tỉnh Khánh Hòa mong muốn nhận được các ý kiến góp ý để Tỉnh hoàn thiện Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch tỉnh, chuẩn bị cho cuộc họp Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh trong thời gian tới, cũng như sớm hoàn thiện Quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
|
Ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Theo Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được trình bày tại Hội thảo, báo cáo bao gồm các nội dung của quy hoạch có khả năng tác động đến môi trường; Phạm vi thực hiện đánh giá môi trường chiến lược; Thành phần môi trường, di sản thiên nhiên có khả năng bị tác động bởi quy hoạch; Các phương pháp đánh giá môi trường chiến lược đã áp dụng; So sánh, đánh giá sự phù hợp của quan điểm, mục tiêu quy hoạch với quan điểm, mục tiêu, chính sách về bảo vệ môi trường, chiến lược, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; Kết quả nhận dạng các vấn đề môi trường chính có tính tích cực và tiêu cực của quy hoạch; Tác động của biến đổi khí hậu…
Mục tiêu tổng quát của quy hoạch tỉnh Khánh Hòa là phấn đấu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; thể hiện rõ vai trò một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Khu kinh tế Vân Phong trở thành địa bàn động lực phát triển mới của tỉnh và vùng Nam Trung Bộ. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Chuỗi đô thị ven biển phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc. Nhân dân được hưởng thụ mức sống cao, có cuộc sống an toàn, hạnh phúc. Môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ; có năng lực ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Các tiêu chí lựa chọn vấn đề môi trường chính là những vấn đề môi trường có tác động lớn khó đảo ngược và diễn ra trong thời gian dài; những vấn đề môi trường mang tính đặc thù đã được nghiên cứu, kiểm chứng thực tiễn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa; những vấn đề môi trường đã được nghiên cứu và chứng minh trong các tài liệu trong và ngoài nước đã được công bố có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa; các vấn đề môi trường được sự đồng thuận bởi các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý trong quá trình tham vấn. Trong đó, có các vấn đề về môi trường chính như gia tăng phát sinh chất thải rắn (gồm chất thải nhựa); Xâm nhập mặn và ô nhiễm môi trường nước; Suy giảm đa dạng sinh học; Ô nhiễm môi trường không khí.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Tham gia ý kiến tại Hội thảo, đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các bộ, ngành liên quan thống nhất đánh giá, dự thảo Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của tỉnh Khánh Hòa đã được xây dựng rất công phu, chi tiết, với định hướng phát triển bền vững, rõ ràng, sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên; phát triển kinh tế xanh và kinh tế biển xanh; phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển đất nước, với xu thế chung trên thế giới hiện nay.
Dự thảo quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng phương án phân vùng môi trường thành 03 vùng, gồm vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và vùng khác. Việc phân vùng môi trường về cơ bản đã tuân thủ theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường và các đặc điểm tự nhiên, môi trường, kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các giải pháp môi trường nhấn mạnh việc chủ động phòng ngừa, kiểm soát đối với các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao, đồng thời, tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, nâng cao chất lượng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị, Báo cáo cần bổ sung cập nhật các văn bản hiện hành, ví dụ như chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn; xem xét, làm rõ hơn việc tích hợp các giải pháp bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính; xem xét kịch bản biến đổi khí hậu và lồng ghép việc thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu trong các định hướng, phương án phát triển các ngành, lĩnh vực trong quy hoạch tỉnh; bổ sung những thông tin về không gian biển, kinh tế biển và những tác động từ biển trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, bổ sung mối quan hệ với quy hoạch vùng; kết cấu hạ tầng các ngành, các phương án phát triển, nhiệm vụ trọng tâm của quy hoạch; quy mô và bố trí không gian phát triển các ngành du lịch, công nghiệp; phương hướng phát triển vùng kinh tế động lực với các ngành sẵn có, công nghiệp chế biến, khai khoáng; bản đồ các khu, cụm công nghiệp, bản đồ phân vùng, phương án bảo tồn sinh học; bảo về nguồn nước.
Các ý kiến cũng cho rằng, cần phân tích, làm rõ hơn các yếu tố, điều kiện đặc thù, hiện trạng kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa để làm cơ sở cho việc đề xuất phương án phát triển các ngành, lĩnh vực trong quy hoạch tỉnh; định hướng và phương án phát triển các ngành công nghiệp; phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; phát triển du lịch; phát triển kết cấu hạ tầng;…
Thay mặt cơ quan lập quy hoạch, ông Trần Hòa Nam cảm ơn ý kiến quý báu, trách nhiệm của các đại biểu và khẳng định, trên cơ sở các ý kiến góp ý, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo, hoàn thiện hồ sơ lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chất lượng cao nhất trước khi trình Hội đồng thẩm định thông qua./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư