Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/11/2022-13:45:00 PM
Diễn đàn Thúc đẩy khu vực tư nhân hướng tới tăng trưởng bền vững (Xem tin ảnh)
(MPI) - Nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh, tăng trưởng xanh và bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam, ngày 22/11/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Diễn đàn Thúc đẩy khu vực tư nhân hướng tới tăng trưởng bền vững dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Trần Quốc Phương và Giám đốc Khu vực châu Á của USAID Michael Schiffer.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: MPI

Tham dự Diễn đàn có bà Melissa Bishop, Phó Đại sứ của Phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam, bà Aler Grubbs, Giám đốc Quốc gia của USAID tại Việt Nam; đại diện các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trong xu hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ngày càng được quan tâm mạnh mẽ hiện nay, việc tổ chức Diễn đàn Thúc đẩy khu vực tư nhân hướng tới tăng trưởng bền vững là hết sức phù hợp và có ý nghĩa lớn. Điều này không chỉ nhằm giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao nhận thức hơn nữa về phát triển bền vững, tiếp cận với các nguồn hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực thực hành các bộ tiêu chuẩn, khung đánh giá, mô hình kinh doanh bền vững, mà còn góp phần tích cực triển khai các chính sách giải pháp của Chính phủ Việt Nam để đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, chưa bao giờ, quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lại đạt được nhiều dấu mốc quan trọng như hiện nay. Năm 2022, Hoa Kỳ lần đầu tiên trở thành đối tác chiến lược toàn diện của ASEAN và sang năm 2023 sẽ là kỷ niệm tròn 10 năm hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao sự hợp tác của USAID trong đồng hành cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân bền vững trong suốt thời gian qua. USAID, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, cũng như các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp đã rất nỗ lực trong thúc đẩy hoạt động hợp tác song phương giữa hai Chính phủ Việt Nam - Hoa Kỳ vì mục tiêu phát triển bền vững.

Trong thời gian qua, USAID và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam.

Với những cải cách, đổi mới mạnh mẽ về thể chế, chính sách của Đảng và Nhà nước trong gần 3 thập kỷ vừa qua, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, thực sự trở thành một trong các động lực quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Tinh thần kinh doanh được nâng cao, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh được cải thiện, không ít doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu và có thương hiệu vươn tầm quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam. Giai đoạn 2011-2020 cũng đã ghi nhận xu thế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế sau hơn 10 năm đạt hơn 878.600 doanh nghiệp, tăng hơn 2,7 lần so với khoảng 324.700 vào cuối năm 2011. Bên cạnh đó, cả nước hiện có khoảng 15,3 nghìn hợp tác xã và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh (trong đó khoảng 1,6 triệu hộ có mã số thuế). Khu vực kinh tế này liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng khoảng 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, cần thẳng thắn nhìn nhận các doanh nghiệp tư nhân trong nước còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng, mức độ phát triển và đóng góp chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực này. Trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức mới, cạnh tranh ngày càng gay gắt, áp lực trước năng suất lao động và chuyển đổi số trong bối cảnh mới, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dự kiến tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ các yếu tố khách quan như nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại; vấn đề biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt diễn ra bất thường; xung đột quân sự Nga - Ucraina có thể kéo dài; lạm phát tăng cao, nhiều khả năng trở thành vấn đề dai dẳng trong trung hạn; giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu còn ở mức cao,... gây ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, hiện nay, biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội của mọi quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Trước tác động đó, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững đang diễn ra mạnh mẽ; các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), ưu tiên trong các khuôn khổ hợp tác quốc tế ASEAN, APEC về kinh doanh bền vững, sản xuất xanh, vấn đề thuế cacbon, công cụ kiểm chứng carbon đang áp dụng ngày càng ở nhiều nước trên thế giới đang đặt ra những thách thức cần phải đổi mới cho các doanh nghiệp Việt Nam để bắt kịp xu thế mới nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tham gia và tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhận thức rất rõ điều đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình Nghị sự 21 “Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam”; tiếp đó là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” với 17 mục tiêu phát triển bền vững; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 trong đó phấn đấu cường độ phát thải khí nhà kính giảm 15% vào năm 2030, giảm 30% vào năm 2050, đồng thời chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, trong đó, bộ phận doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi này. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết hết sức mạnh mẽ khi đưa mức phát thải ròng các-bon về không (0) vào năm 2050.

Để hiện thực hóa những mục tiêu, cam kết về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các kế hoạch, chương trình hành động trong đó có nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm huy động nguồn lực từ khối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân.

Giám đốc Khu vực châu Á của USAID Michael Schiffer phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Diễn đàn, Giám đốc Khu vực châu Á của USAID Michael Schiffer cho rằng, đây là dịp để chúng ta cùng nhau tăng cường năng lực và nâng cao hơn nữa nhận thức các vấn đề về môi trường, xã hội, quản trị để phát triển bền vững. Ngoài những vấn đề này cần phải quan tâm đến vấn đề nguồn lực và con người. Đối với các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cần quan tâm đến cộng đồng để đạt được sự tăng trưởng nhất quán với mức độ và khả năng thích ứng cao hơn.

USAID và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm tăng cường hơn nữa năng lực của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa; “chúng tôi sẽ hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp Việt Nam để họ có thể cạnh tranh trên thế giới và có sự phát triển bền vững hơn”, ông Michael Schiffer nói.

Hỗ trợ của USAID nhằm giúp Việt Nam tăng cường hơn nữa năng lực cạnh tranh với việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững hơn. Các thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp này đóng góp quan trọng trong việc tăng cường phát triển bền vững, nâng cao hơn nữa sự tham gia vào chuỗi cung ứng xanh của toàn cầu.

Ông Michael Schiffer nhấn mạnh, USAID sẽ hỗ trợ thông qua công nghệ phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh; tăng cường hơn nữa các giải pháp để khu vực doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát triển bền vững, định hình ra giải pháp thị trường. Đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, với nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng ta có thể giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể phát triển bền vững.

Tại Diễn đàn đã diễn ra Lễ công bố Sáng kiến Thúc đẩy thực hành khung đánh giá môi trường - xã hội - quản trị (ESG) trong khu vực tư nhân hướng tới tăng trưởng bền vững giai đoạn 2023-2025. Đây là hành động hết sức thiết thực và cụ thể, qua đó sẽ tìm kiếm được những ý tưởng xuất sắc, tạo thành những mô hình, câu chuyện điển hình, tạo tác động lan tỏa, khuyến khích ngày càng nhiều hơn nữa các doanh nghiệp tích cực thực hành khung đánh giá này, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.

Hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và USAID triển khai ESG trong khu vực tư nhân hướng tới tăng trưởng bền vững giai đoạn 2023-2025 hỗ trợ xây dựng chính sách và công cụ nhằm khuyến khích khu vực tư nhân chủ động thực hành ESG; Tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp triển khai kinh doanh bền vững; Xây dựng năng lực triển khai ESG cho khu vực tư nhân; Phát triển mạng lưới đối tác nhằm lan tỏa và củng cố các thực hành kinh doanh bền vững.

Theo đó, nâng cao nhận thức cho 100 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tăng trưởng về ESG; Triển khai Gói hỗ trợ kỹ thuật về ESG cho 300 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tăng trưởng nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững của các thị trường xuất khẩu trọng tâm, phát triển mô hình kinh doanh bao trùm, sản xuất xanh; Tài trợ thí điểm, triển khai hoặc nhân rộng 10 sáng kiến ESG xuất sắc nhằm lan tỏa các mô hình kinh doanh bền vững với tổng giá trị hỗ trợ kỹ thuật lên tới 6 tỷ đồng.

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Phiên tọa đàm “Hành trình ESG: Cơ hội và thách thức”. Tại đây, các diễn giả đã tập trung trao đổi, thảo luận về những cơ hội và thách thức khi thực hành khung đánh giá ESG hướng tới tăng trưởng bền vững; Kinh nghiệm, giải pháp để hỗ trợ khu vực tư nhân áp dụng các thực hành khung đánh giá ESG./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1213
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)