Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/12/2022-17:38:00 PM
Thúc đẩy phục hồi kinh tế nhằm mở rộng kết quả 30 năm hợp tác GMS theo định hướng phát triển bao trùm và bền vững
(MPI) - Đây là chủ đề của Hội nghị Bộ trưởng Chương trình Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) lần thứ 25 được tổ chức tại Luang Prabang, Lào vào ngày 08/12/2022. Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); Bộ trưởng, lãnh đạo cơ quan phụ trách GMS các nước Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao nỗ lực của GMS trong việc nhanh chóng có những hành động, sáng kiến hỗ trợ các nước thành viên, nhất là trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19; phục hồi kinh tế sau đại dịch; duy trì, đẩy mạnh tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư và mở cửa thị trường nội khối GMS cũng như với thế giới; đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gẫy trong bối cảnh bất ổn và xung đột an ninh quốc tế.

GMS là cơ chế, khuôn khổ hợp tác rất quan trọng, phù hợp để các nước cùng trao đổi, phối hợp thực hiện các sáng kiến, hành động trên cơ sở 3 trụ cột (kết nối, cạnh tranh và cộng đồng), giúp GMS nói chung và từng nước thành viên nói riêng đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức, sát cánh cùng nhân dân khu vực và thế giới vì mục tiêu hội nhập, bao trùm và bền vững hơn trong thập kỷ tới. Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các sáng kiến, hoạt động hợp tác thuộc khuôn khổ GMS; dành ưu tiên cao giúp các địa phương thuộc khu vực Tiểu vùng, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long nâng cao năng lực, phát huy lợi thế so sánh, cải thiện sinh kế, chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo công bằng trong cơ hội và trình độ phát triển với các vùng miền khác của đất nước.

Ảnh: MPI

Hội nghị đã đưa ra Tuyên bố chung với những nội dung chính là thông qua: Chiến lược Giới GMS; Khung kết quả GMS 2030; Sáng kiến hợp tác kinh tế số GMS; Khung đầu tư khu vực GMS đến năm 2025 (RIF 2025); ghi nhận các hoạt động hợp tác: Thành lập Mạng lưới tri thức GMS; Thành lập Nhóm chuyên trách của GMS về thương mại và đầu tư; Tăng cường sự tham gia của đối tác phát triển trong GMS; Kỷ niệm 30 năm thành lập GMS.

Hội nghị Bộ trưởng GMS lần thứ 25 đã thành công tốt đẹp, tạo nền tảng giúp hiện thực hóa những thỏa thuận đã đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 7. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Trần Quốc Phương dẫn đầu tại Hội nghị nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao của các nước thành viên GMS và góp phần vào thành công chung của Hội nghị./.

Chương trình Hợp tác GMS được chính thức hình thành từ năm 1992 với sự hỗ trợ của ADB nhằm thúc đẩy sự hợp tác và kết nối giữa 6 quốc gia trong khu vực GMS. Trải qua 30 năm hoạt động, Chương trình đã khẳng định tầm quan trọng và vai trò của mình thông qua mở rộng cơ cấu tổ chức, phạm vi hoạt động và đa dạng hoá quan hệ với nhiều khuôn khổ hợp tác khác. Việt Nam là một trong các nước GMS được hưởng lợi nhiều từ sáng kiến hợp tác GMS, đặc biệt là các dự án vay vốn ADB trong các lĩnh vực: kết nối hạ tầng giao thông, nông nghiệp, y tế, môi trường, du lịch, năng lượng, phát triển đô thị dọc hành lang kinh tế, phát triển nguồn nhân lực,… Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID-19, Hợp tác GMS đã có những phản ứng, nghiên cứu, hành động nhằm giúp các nước thành viên đối phó và vượt qua khó khăn.

Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1789
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)