(MPI) - Phát biểu tại Hội nghị thẩm định quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra chiều ngày 13/02/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến để quy hoạch thành phố Cần Thơ có chất lượng cao nhất; phát triển thành phố Cần Thơ là trung tâm của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cực tăng trưởng của đất nước, bệ đỡ thúc đẩy, lan tỏa, kết nối, phát triển trong thời gian tới.
Tham dự Hội nghị có các thành viên Hội đồng là đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các chuyên gia là ủy viên phản biện. Về phía thành phố Cần Thơ có Bí thư Thành ủy Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND thành phố Phạm Văn Hiệu, cùng các đồng chí Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Cần Thơ trong công tác xây dựng quy hoạch, tiếp thu, hoàn thiện theo ý kiến góp ý một cách nghiêm túc. Đồng thời nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của công tác quy hoạch trong thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững; nhất là trong thời điểm có nhiều thách thức, đòi hỏi cần phải khai thác, phát huy các tiềm năng lợi thế, sắp xếp lại không gian để tạo xung lực, động lực mới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến những thuận lợi trong công tác xây dựng quy hoạch thành phố Cần Thơ; đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến để thành phố Cần Thơ sớm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, đảm bảo chất lượng tốt nhất để giúp thành phố Cần Thơ cũng như Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có bước phát triển mới trong thời gian tới; thực hiện các mục tiêu tại Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị trung tâm vùng; đảm bảo phù hợp với Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phù hợp nội dung quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 và Nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1056/QĐ-TTg ngày 20/7/2020.
Báo cáo tóm tắt quy hoạch được Phó Chủ tịch Thường trực Dương Tấn Hiển trình bày tại Hội nghị đưa ra quan điểm Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương với tầm nhìn thành phố đáng sống ở Việt Nam, tập trung phát triển hướng tới sự phát triển cân bằng, phát huy các tiềm năng, lợi thế cho việc phát triển hài hòa theo 3 trụ cột: Kinh tế - Xã hội - Môi trường với chất lượng cuộc sống con người được đảm bảo.
Về kinh tế, Cần Thơ định hướng trở thành trung tâm động lực của Đồng bằng sông Cửu Long: chiến lược này khẳng định Cần Thơ là một phần không thể thiếu cho sự phát triển của vùng. Thành phố Cần Thơ sẽ đảm nhiệm vai trò động lực cho sự phát triển của vùng, hợp tác và liên kết vùng, là cầu nối giữa vùng với quốc gia, quốc tế để phát triển toàn diện để trở thành trung tâm công nghiệp cao, đô thị hạt nhân của đồng bằng sông Cửu Long với kết cấu hạ tầng hiện đại, thông minh.
Mục tiêu tổng quát: Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Về những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá trong thời kỳ quy hoạch, Cần Thơ xác định 04 lĩnh vực trọng tâm chính để đạt được tầm nhìn và mục tiêu chính là: Phát triển toàn diện các ngành và dịch vụ trong dài hạn; Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng; Chính sách và cơ chế ưu đãi và giữ chân và thu hút nhân tài và nâng cao kỹ năng.
Có thể cô đọng lại toàn bộ các chiến lược phát triển chính, mang tính chất đột phá cho Cần Thơ trong một sơ đồ 03 tầng ba trụ, với tổng thể 09 nhóm nhiệm vụ chính, 27 khâu đột phá lớn bao gồm cả 03 lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường, đồng bộ cả phần chương trình phát triển và không gian phát triển, ông Dương Tấn Hiển nhấn mạnh.
Tham gia ý kiến, đại biểu cho rằng, hồ sơ quy hoạch của thành phố Cần thơ được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học, có ý tưởng mới; đáp ứng các quy định pháp luật về quy hoạch, môi trường; phù hợp với định hướng phát triển đất nước; Nghị quyết số 59-NQ/TW, Nghị quyết 13-NQ/TW, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Cần Thơ nhiệm kỳ 2020-2025; phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng tập trung phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của địa phương; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; thực trạng các ngành và lĩnh vực xã hội; thực trạng phát triển và sự phù hợp về phân bố phát triển không gian của hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; xác định những tồn tại, hạn chế cần giải quyết; phân tích, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức; phương hướng phát triển các ngành quan trọng; phương án phát triển khu, cụm công nghiệp; mối quan hệ trong kết nối giao thông của vùng; giải pháp huy động vốn đầu tư.
Về quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển, các ý kiến cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát và chỉnh sửa, cần có điểm nhấn để làm nổi bật những điểm riêng có của thành phố Cần Thơ, xứng đáng là trung tâm của Vùng; làm rõ nội dung để thể hiện khát vọng phát triển trong thời gian tới; cần phân tích sâu các tiềm năng mới xuất hiện sau khi có quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch tổng thể quốc gia, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố; đầu mối về liên kết vùng, hạ tầng vùng. Về kịch bản và lựa chọn phương án phát triển, cần xem xét, nghiên cứu chỉnh sửa các phương án phù hợp với quy định và thông lệ, bổ sung căn cứ tính toán trong các phương án tăng trưởng; làm rõ hơn các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá; cần nghiên cứu các nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với điều kiện của Thành phố; phương hướng phát triển các ngành quan trọng cần phân tích các cơ sở pháp lý việc lựa chọn các ngành ưu tiên; Về các hiện tượng thiên nhiên, thời tiết cực đoan, tác động của đổi khí hậu;…
|
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Lê Quang Mạnh cho biết, thực hiện Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, thành phố Cần Thơ đã tổ chức lập Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng trình tự thủ được được quy định. Trong quá trình đó, thành phố Cần Thơ đã nhấn được đã nhận được sự hỗ trợ quý báu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của các bộ ngành trung ương, các chuyên gia, các nhà khoa học. Thành phố Cần Thơ xác định đây là nội dung có tính chất nền tảng cho phát triển trong thời kỳ tới.
Bí thư Thành ủy Lê Quang Mạnh cảm ơn những ý kiến, góp ý vô cùng quý giá và cần thiết đối với quy hoạch Thành phố, để có thể ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng của quy hoạch và đưa thành phố Cần Thơ phát triển xứng tầm với nội lực và tiềm năng; khẳng định, trên tinh thần cầu thị, quyết tâm hoàn thiện, thành phố Cần Thơ tiếp thu và giải trình khẩn trương, trọn vẹn.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, qua ý kiến tại phiên họp cho thấy, quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Cơ quan lập quy hoạch chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện triển khai lập theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch.
Thành phố Cần Thơ đã thực hiện khá nghiêm túc quy trình lập quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đồng thời đã quan tâm, chỉ đạo sát sao Cơ quan lập quy hoạch tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ quy hoạch theo các ý kiến thẩm định. Nội dung quy hoạch đã thể hiện khá rõ nét về sự khát vọng phát triển của Thành phố; thể hiện được sự liên kết và đồng bộ trong định hướng phát triển kết cấu hạ tầng; việc sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế - xã hội; về cơ bản, nội dung quy hoạch thành phố đã đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ. Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch thành phố Cần Thơ cũng đã được tiếp thu, giải trình ý kiến của chuyên gia, cơ bản đảm bảo yêu cầu theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Để sớm hoàn thiện nội dung quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị UBND thành phố Cần Thơ chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Hồ sơ quy hoạch theo ý kiến góp ý. Trong đó, làm rõ vấn đề tích hợp, đảm bảo đầy đủ và tránh chồng chéo; làm rõ cơ sở xác định vai trò, vị trí trong vùng, phải làm rõ những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn làm cản trở phát triển trong giai đoạn qua; xác định những thách thức mới; Về điều kiện tự nhiên, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tổ chức không gian chức năng và sử dụng đất; phát triển kết cấu hạ tầng; bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Trong đó đặc biệt lưu ý làm rõ vấn đề về nguồn nhân lực và cân đối cơ cấu kinh tế của Thành phố trong thời kỳ quy hoạch.
Đồng thời, cần xác định những thuận lợi, cơ hội mới xuất hiện để phát hiện, nắm bắt, từ đó xác định động lực tăng trưởng mới có tính đột phá theo hướng đạt mục tiêu cao hơn đúng với vị trí, vai trò của Cần Thơ đã được xác định trong các Nghị quyết của Đảng cũng như trong quy hoạch tổng thể quốc gia; rà soát lựa chọn khâu đột phá, động lực tăng trưởng mới đảm bảo yêu cầu Trung ương cũng như các quy hoạch đã đề ra với tư duy, tầm nhìn tốt hơn.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Bổ sung luận chứng để làm rõ về tính khả thi của kịch bản phát triển được lựa chọn, trong đó khẳng định được cơ sở lựa chọn; cần xác định rõ các động lực, đột phá của tăng trưởng, đóng góp của từng ngành, lĩnh vực vào tăng trưởng chung của Thành phố.
Chỉnh sửa bổ sung làm rõ một số nội dung về quan điểm phát triển; cơ sở lựa chọn kịch bản phát triển; rà soát, điều chỉnh bổ sung một số mục tiêu, chỉ tiêu để đảm bảo tính khả thi; lựa chọn và sắp xếp các ngành, lĩnh vực quan trọng của thành phố; danh mục dự án và thứ tự ưu tiên; xác định rõ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế theo các Nghị quyết mới và theo xu thế của thế giới là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm. “Cần Thơ phải xác định rõ mô hình tăng trưởng, hướng phát triển, hướng đi, vừa là xu thế, vừa là yêu cầu, vừa cơ hội để thu hút đầu tư; phát huy mạnh mẽ hơn những giá trị vốn là trung tâm của vùng về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo.
Về phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với định hướng phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long đã nêu trong quy hoạch tổng thể quốc gia như hành lang kinh tế - đô thị - công nghiệp Cần Thơ - Long An là động lực của vùng; hành lang kinh tế Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, kết nối với cảng biển Trần Đề phục vụ xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng trong tương lai, thúc đẩy phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics liên quan đến nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long...
Về phương án phát triển kết cấu hạ tầng, để tạo động lực giúp Cần Thơ thực sự là cực tăng trưởng của vùng, rà soát, điều chỉnh phù hợp với định hướng phát triển vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long tại quy hoạch tổng thể quốc gia, đặc biệt là kết nối các tuyến đường cao tốc; hệ thống đường ven biển qua các tỉnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị cần tập trung rà soát, xác định rõ việc phát triển hệ thống đô thị hướng tới xây dựng hệ thống đô thị với đô thị trung tâm là thành phố Cần Thơ và các đô thị lân cận trở thành trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục, đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao của cả vùng. Khai thác trục giao thông kết nối Cần Thơ - Mỹ Thuận - Trung Lương - Thành phố Hồ Chí Minh để tập trung phát triển đô thị, tạo sự lan tỏa tới các khu vực khác trong vùng. Phát triển thành phố Cần Thơ là cực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Rà soát hệ thống bản đồ và cơ sở dữ liệu quy hoạch đảm bảo tính chính xác và thống nhất với nội dung quy hoạch; Rà soát và chỉnh lý Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược để đưa ra được những kiến nghị nhằm hoàn thiện quy hoạch.
Trên cơ sở giải trình, làm rõ một số nội dung được nêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị UBND thành phố Cần Thơ hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định; phát triển Cần Thơ xứng tầm với vị trí, vai trò là trung tâm, là động lực phát triển của cả vùng./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư