Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/12/2012-13:32:00 PM
Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và cả năm 2012
Theo tài liệu số 10748/BC-BKHĐT ngày 24 tháng 12 năm 2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tài liệu phục vụ họp báo của Chính phủ ngày 25-26/12/2012)

1. Tình hình chung:

Tính đến hết tháng 12 năm 2012, chỉ số sản xuất công nghiệp (tính theo năm gốc 2010 tăng 6,1% so với năm 2011 (ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng 4,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,8%; sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 12,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải tăng 8,4%).
Một số ngành có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: khai thác dầu thô và khí tự nhiên tăng 9,9%; chế biến, bảo quản thuỷ sản và sản phẩm từ thuỷ sản tăng 4,1%; chế biến sữa và sản phẩm từ sữa tăng 10,1%; sản xuất bia tăng 9,8%; sản xuất sợi tăng 8,1%; sản xuất phân bón tăng 9,8%; Sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh tăng 11,4%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 23,7%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 48,3%; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe tăng 39,6%; đóng tàu và cấu kiện nổi tăng 6,2%; sản xuất, truyền tải và phân phối điện tăng 12,4%; sản xuất giấy nhăn, bì nhăn, bao bì từ giấy và bìa tăng 12,7%; sản xuất dây cáp, dây điện và điện tử khác tăng 13,6%;...
Ngược lại, khai thác và thu gom than cứng giảm 9,1%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) giảm 3,9%; sản xuất xi măng giảm 5%; sản xuất điện tử dân dụng giảm 8,1%; sản xuất xe có động cơ giảm 12,6%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 12%;...
2. Tình hình sản xuất của một số ngành công nghiệp chủ yếu năm 2012 như sau:
a. Ngành dầu khí:
Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thì sản lượng khai thác dầu thô cả năm 2012 ước đạt 16,68 triệu tấn (bằng 102,3% kế hoạch năm) tăng 9,8% so với cùng kỳ; khai thác khí ước đạt 9,02 tỷ m3 (bằng 100,1% KH) tăng 3,6% so với cùng kỳ; sản phẩm đạm ước đạt 1,4 triệu tấn (bằng 116,5% KH) tăng 75%; xăng dầu các loại đạt 4,84 triệu tấn (bằng 89%KH) giảm 13,8%; gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 35 triệu tấn thu hồi, bằng 100%KH.
Sản lượng xăng dầu sản xuất không đạt so với kế hoạch năm 2012 và giảm 13,8% so với cùng kỳ là do trong năm 2012 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất dừng hoạt động 02 đợt để khắc phục các điểm tồn đọng kỹ thuật trước khi nghiệm thu cuối cùng.
Tập đoàn Dầu khí đã ký 04 Hợp đồng dầu khí mới (ở trong nước 03 hợp đồng và ở nước ngoài 01 hợp đồng), cụ thể như sau:
- 03 Hợp đồng trong nước: Hợp đồng PSC lô 127 với nhà thầu Mitra Energy (Malaysia); HĐ PSC lô 09-3/12 với tổ hợp nhà thầu VSP/PVEP/Bitexco; HĐ PSC lô 144-145 với tổ hợp nhà thầu Murphy/PVEP.
- 01 Hợp đồng ở nước ngoài: Hợp đồng mua tài sản lô 67- Peru.
Tập đoàn đã đưa 06 mỏ/công trình dầu khí mới vào khai thác (trong đó: ở trong nước 04 mỏ và ở nước ngoài 02 mỏ), cụ thể như sau:
- 04 mỏ ở trong nước đưa vào khai thác: mỏ Lan Đỏ, mỏ Sư tử Trắng, mỏ Tê Giác Trắng, mỏ Gấu Trắng.
- 02 mỏ ở nước ngoài đưa vào khai thác: mỏ Tây Khosedaiu (Nhennhexki – LB Nga); mỏ Junin 2 (Venezuela).
b. Ngành điện
Điện sản xuất và mua năm 2012 ước đạt 116,5 tỷ Kwh (đạt 98,73% KH năm) tăng 9,39% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, điện mua Trung Quốc ước đạt 2,67 tỷ Kwh (đạt 56,4%KH) giảm 47,5% so với cùng kỳ.
Những tháng cuối năm 2012, cơ cấu huy động nguồn điện chủ yếu từ các nhà máy điện tuốc bin khí và từ thủy điện. Năm 2012, tình hình cung cấp điện ổn định, đảm bảo đủ điện sản xuất và tiêu dùng dân cư.
Qua theo dõi, tính chung 12 tháng điện cung cấp cho công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 10 -10,3 % (năm 2011 tăng 13% so với năm 2010), chiếm tỷ trọng 52,3%; điện dùng cho khu vực thương nghiệp, khách sạn nhà hàng tăng 15%, chiếm tỷ trọng 4,8%; điện cho tiêu dùng dân cư tăng khoảng 12,5-13%, chiếm tỷ trọng 36,9%; điện dùng cho nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng khoảng 18,2%, chiếm 1,2%; điện cho các hoạt động khác tăng khoảng 2,7%, chiếm tỷ trọng 4,8%.
Nguyên nhân dẫn đến nhu cầu sử dụng điện công nghiệp giảm thấp là do sản xuất, kinh doanh trong nước tiếp tục khó khăn. Nhiều ngành, lĩnh vực chịu tác động của suy thoái kinh tế đã phải điều chỉnh giảm quy mô sản xuất vì chi phí đầu vào tăng cao, tiêu thụ sản phẩm giảm sút, lượng hàng tồn kho lớn, đặc biệt là một số ngành sản xuất công nghiệp thép, xi măng, vật liệu xây dựng.
c. Ngành thép
Tính chung 12 tháng, sản lượng thép tròn các loại ước đạt 3,36 triệu tấn, giảm 5,5% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc đạt 1,67 triệu tấn, giảm 1,6% so với năm 2011.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, lượng tiêu thụ mặt hàng thép trên thị trường có cải thiện hơn nhưng nếu so sánh với yếu tố mùa vụ thì sức mua của thị trường vẫn chậm và yếu. Hiện nay lượng thép tồn kho giảm chưa đáng kể trong khi thép nhập khẩu từ nước ngoài tiếp tục tăng, đặc biệt là thép Trung Quốc tăng mạnh càng khiến ngành thép trong nước thêm khó khăn. Vì vậy, ngành thép phải tìm biện pháp tháo gỡ nhằm hạn chế việc cạnh tranh không lành mạnh của thép nhập khẩu với thị trường trong nước và tăng cường xúc tiến thương mại tìm hiểu cơ hội và đầu tư tại các thị trường nước ngoài tiềm năng (năm 2012, xuất khẩu mặt hàng sắt thép đạt 1,94 triệu tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ).
03 tháng cuối năm 2012, thị trường thép xây dựng nội địa có sự điều chỉnh tăng nhẹ cả về cung cầu và giá cả. Hiện giá niêm yết trên thị trường tháng 11 đối với loại thép tròn đốt từ 15,6 - 17,1 triệu đồng/tấn; thép cuộn phi 6 từ 16,3 - 16,4 triệu đồng/tấn (giá xuất xưởng chưa tính thuế, chưa trừ triết khấu).
d. Ngành Than và Khoáng sản:
Sản xuất khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như nhu cầu trong nước giảm nên tiêu thụ than đạt thấp. Năm 2012, sản lượng than sạch ước đạt 41,89 triệu tấn, giảm 9,4% so với năm 2011.
Theo báo cáo của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam sản lượng than nguyên khai ước thực hiện 44 triệu tấn bằng 91% so với thực hiện năm 2011. Than sạch: 39,6 triệu tấn bằng 88% so với thực hiện năm 2011 (đạt 86%KH năm). Than tiêu thụ: 39 triệu tấn bằng 86% so với năm 2011, trong đó: xuất khẩu 14,4 triệu tấn bằng 84% so với năm 2011 (cả nước xuất khẩu ước đạt 15,5 triệu tấn than, giảm 9,3% so với cùng kỳ), than phục vụ sản xuất trong nước ước đạt 24,6 triệu tấn bằng 87% so với năm 2011.
e. Ngành sản xuất phân bón và hóa chất:
Theo báo cáo của Bộ Công thương, thị trường trong nước đã bắt đầu khởi sắc do nhu cầu phân bón cho vụ mùa Đông Xuân. Năm nay lũ về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sớm nên nhu cầu sử dụng phân bón sớm hơn mọi năm; sức mua đã dần hồi phục nên dự báo, nhu cầu sử dụng phân bón sẽ ổn định từ nay đến cuối năm và cả trong vụ đông xuân 2012 - 2013. Hiện nay, do các nhà máy ổn định công suất, lượng hàng tồn kho trên thị trường khá lớn, lượng nhập khẩu tăng nên giá phân bón trên thị trường ổn định và nguồn cung được bổ sung dồi dào hơn.
Tính chung 12 tháng, sản lượng phân hóa học ước đạt 2,3 triệu tấn, tăng 11,6%; phân NPK ước đạt 2,93 triệu tấn, tăng 5,8% so với năm 2011. Lượng phân bón các loại nhập khẩu 12 tháng ước đạt 3,8 triệu tấn, giảm 9,8% so với cùng kỳ (trong đó phân urê nhập khẩu ước đạt 513 nghìn tấn, giảm 54,7%).
f. Ngành sản xuất xi măng
Tính chung 12 tháng năm 2012, sản lượng xi măng cả nước ước đạt 57,2 triệu tấn, giảm 4,3% so với năm 2011.
Theo số liệu báo cáo của Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam, tính chung cả năm 2012, sản lượng xi măng và clinker tiêu thụ đạt 19,5 triệu tấn (tăng 2,6% so với KH năm), bằng 100% so với cùng kỳ. Trong đó, lượng xi măng và clinker tồn kho đạt 1,4 triệu tấn.
3. Tình hình tồn kho của một số ngành
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 01 tháng 12, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2% so với tháng trước và tăng 20,1% so với cùng kỳ. Tuy tồn kho cao hơn tháng trước và cao hơn cùng kỳ nhưng tập trung chủ yếu ở một số ngành hàng phục vụ tiêu dùng dân cư chuẩn bị đón tết như: sản xuất bia tăng 44,5% so với cùng kỳ; sản xuất thuốc lá tăng 42,2%; may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) tăng 41,5%; sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh tăng tăng 24,7%; sản xuất pin và ắc quy tăng 17,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 76,6%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 42,1%... Tuy nhiên, một số ngành tồn kho giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ như: sản xuất đường giảm 24%; sản xuất thiết bị điện giảm 9,7%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng giảm 20,8%; sản xuất thiết bị truyền thông giảm 11,2%.
4. Tình hình xuất nhập khẩu 12 tháng năm 2012
a. Tình hình xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu 12 tháng năm 2012 ước đạt 114.631 triệu USD (đạt 106,7%KH), tăng 18,3% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không kể dầu thô đạt 63.903 tr USD (đạt 138,9%KH), tăng 33,5% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ như sau: dầu thô ước đạt 9,5 triệu tấn (đạt 100%KH), tăng 15,4%; hàng dệt may đạt 15 tỷ USD (bằng 96,7%KH), tăng 7,1%; hàng dày dép đạt 7,24 tỷ USD (đạt 100,5%KH), tăng 10,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 7,88 tỷ USD (đạt 172%KH), tăng 69,1%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 5,54 tỷ USD, tăng 26,9%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 12,64 tỷ USD, tăng 97,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 4,5 tỷ USD, tăng 29,8%; hóa chất đạt 429 triệu USD, tăng 16,9%; sản phẩm nhựa đạt 1,58 tỷ USD, tăng 16%; cao su đạt 1 triệu tấn, tăng 23,9%; sắt thép đạt 1,94 triệu tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm công nghiệp có mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ như: xăng dầu các loại đạt 1,91 triệu tấn, giảm 14,7%; than đá đạt 15,5 triệu tấn (đạt 103%KH), giảm 9,3% so với cùng kỳ.
b. Tình hình nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu 12 tháng năm 2012 đạt 114.347 triệu USD (đạt 95,4%KH), tăng 7,1% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 60.338 triệu USD (tăng 20% so với KH), tăng 23,5% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm công nghiệp có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ như: xăng dầu các loại đạt 9,1 triệu tấn (giảm 25,5% so với KH), giảm 14,6% so với cùng kỳ; khí đốt hóa lỏng đạt 698 nghìn tấn, giảm 6,3%; phân bón các loại đạt 3,83 triệu tấn, giảm 9,8% (trong đó phân ure đạt 513 nghìn tấn, giảm 54,7%); ô tô nguyên chiếc đạt 27.421 chiếc, giảm 49,8%; linh kiện phụ tùng ô tô giảm 28,1%; xe máy nguyên chiếc giảm 42,7% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng như xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, phân bón (đặc biệt là phân ure) có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ là do sản xuất trong nước đã đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ.
Một số sản phẩm công nghiệp có mức tăng trưởng so với cùng kỳ như: nguyên phụ liệu dược phẩm tăng 51,1%; giấy các loại đạt 1,2 triệu tấn, tăng 14,1%; bông các loại đạt 416 nghìn tấn, tăng 27,2%; nguyên phụ liệu dệt may da đạt 3,1 tỷ USD, tăng 7,9%; sắt thép các loại đạt 7,63 triệu tấn, tăng 3,4%; máy tính và linh kiện điện tử đạt 13 tỷ USD, tăng 66,8%;
5. Về các giải pháp, kiến nghị:
Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về đăng ký, kê khai, niêm yết giá, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường,...Tăng cường quản lý thị trường xăng dầu, lương thực, thực phẩm,... Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, nâng cao chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước, thực hiện đồng bộ các giải pháp kích cầu tiêu dùng để giảm lượng hàng hóa tồn kho.
Tiếp tục giữ mức thuế cao đối với việc xuất khẩu khoáng sản thô chưa qua chế biến (bao gồm cả tinh quặng) để tăng thu ngân sách và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dài hạn chế biến sâu khoáng sản.
Đề nghị Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam xây dựng lộ trình tiếp theo điều chỉnh giá bán than cho sản xuất điện thực hiện theo hướng đảm bảo bằng giá thành toàn bộ (thực hiện theo Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012).
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tiếp tục đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ có sản phẩm đầu ra có chất lượng và giá trị gia tăng cao để tạo đà phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại./.

Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1191
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)