Theo tài liệu số 9970/BC-BKHĐT ngày 28 tháng 11 năm 2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tài liệu phục vụ họp báo của Chính phủ ngày 29/11/2012)
1. Về thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô
- Về giá cả và lạm phát: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,47% so với tháng trước; trong đó: nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 5,16% (riêng dịch vụ y tế tăng 6,66%); may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,83%. Riêng hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,08% (thực phẩm giảm 0,21%); bưu chính viễn thông giảm 0,01%.
Tốc độ tăng CPI tiếp tục giảm mạnh từ mức 2,2% trong tháng 9 (cao nhất kể từ đầu năm) xuống còn 0,85% trong tháng 10 và 0,47% trong tháng 11. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11tăng 6,52%so với tháng 12/2011 và tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của các năm trước[1]. Bình quân 11 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 9,43% so với cùng kỳ năm 2011.
-Về thu chi NSNN:Lũy kế từ đầu năm đến 15/11/2012, tổng thu NSNN ước đạt 593,42 nghìn tỷ đồng, bằng 80,1% dự toán (cùng kỳ năm 2011 đạt 98,5%; 2010 đạt 98,7%). Tổng chi NSNN ước đạt trên 747,2 nghìn tỷ đồng, bằng 82,7% dự toán (cùng kỳ năm 2011 đạt 88,1%; năm 2010 đạt 88,7%).
- Về xuất, nhập khẩu: Kim ngạch xuất khẩu tháng 11 ước đạt 10,2 tỷ USD, giảm 1,2% so với tháng trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,25 tỷ USD, tăng 0,8%; nhập siêu 50 triệu USD. Tính chung 11 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 104 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 103,98 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở mức khá cao; 11 tháng đầu năm đã cân bằng xuất nhập khẩu.
-Vốn đầu tư từ NSNN giải ngân lũy kế từ đầu năm đến 15/11/2012 ước đạt trên 144,2 nghìn tỷ đồng, bằng 80,1% kế hoạch năm. Lũy kế 11 tháng đầu năm, Vốn tín dụng trong nước cho vay đầu tư của Nhà nước ước đạt 18,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,9% kế hoạch năm; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 10 tỷ USD, bằng 99,5% so với cùng kỳ năm 2011; vốn ODA giải ngân ước đạt 3.560triệu USD, bằng 117% kế hoạch.
2. Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế
- Sản xuất công nghiệp: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, đã có tín hiệu tích cực so với các tháng trước; lũy kế 11 tháng đầu năm tăng 4,6%, chỉ bằng gần 66,7% mức tăng cùng kỳ năm trước (6,9%), trong đó:công nghiệp khai khoáng tăng 4%; công nghiệp chế biến, chế tạotăng3,9%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 12,4%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,1%.
- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, tuy có chịuảnh hưởng của thiên tai gây thiệt hại, giảm năng suất của nhiều diện tích lúa mùa đang thu hoạch nhưng vẫn tiếp tục phát triển và đạt kết quả khá. Tính đến ngày 15/11/2012, cả nước đã thu hoạch 1.411,2 nghìn ha lúa mùa, bằng 99,7% so với cùng kỳ; riêng các tỉnh miền Bắc đã thu hoạch 1.110,6 nghìn ha, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Các tỉnh miền Nam đã gieo sạ được 218,1 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 90,3% so với cùng kỳ năm 2011. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá tra vẫn gặp nhiều khó khăn do giá sản phẩm vẫn ở mức thấp trong khi chi phí đầu vào cao, sản xuất, kinh doanh thua lỗ.
- Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá: Lũy kế 11 tháng đầu năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 2.118 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2011 (nếu trừ trượt giá, còn tăng khoảng 6,4%); khách quốc tế ước đạt trên 6 triệu lượt người, tăng 11,4%. Các hoạt động dịch vụ khác phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
3. Về an sinh xã hội, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội khác
- Về lao động việc làm: Trong 11 tháng đầu năm 2012, cả nước ước tạo việc làm trên 1,39 triệu lao động, đạt 86,9% chỉ tiêu kế hoạch năm, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 72,5 nghìn người, đạt 85% kế hoạch năm.
- Về trật tự an toàn giao thông: Trong 11 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 9.727 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.558 người và làm bị thương 7.022 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 19,8%, số người chết giảm 15,5% và số người bị thương giảm 24,4%.
- Công tác bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và các lĩnh vực xã hội khác tiếp tục được quan tâm: Các cấp, các ngành tiếp tục triển khai tích cực và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, như: triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống bão, lũ, hạn hán, giảm thiểu thiệt hại về người và của; khẩn trương phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân; hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; hỗ trợ cứu đói và trợ cấp xã hội; đào tạo, dạy nghề và giới thiệu việc làm; triển khai chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm bắt buộc cho người lao động; quan tâm gia đình chính sách, người có công; người nghèo, lao động mất việc làm;...
Đánh giá chung, tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng đầu năm tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đúng hướng. Các giải pháp ổn định giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy và đạt kết quả. Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở mức cao, xuất nhập khẩu cơ bản được cân bằng, góp phần cải thiện cán cân thương mại và cán cân tổng thể, tăng dự trữ ngoại tệ Nhà nước. Sản xuất nông nghiệp, mặc dù chịu ảnh hưởng của thiên tai nhưng vẫn phát triển ổn định, đạt kết quả tốt. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi với chỉ số sản xuất công nghiệp tháng sau tăng cao hơn tháng trước; khó khăn trong sản xuất, kinh doanh từng bước được tháo gỡ; chỉ số tồn kho giảm dần. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển. Công tác quản lý thu - chi NSNN được tăng cường, quản lý chặt chẽ. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; rủi ro hệ thống từng bước được kiểm soát, nguy cơ đổ vỡ hệ thống từng bước được đẩy lùi. Các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông được quan tâm triển khai; tai nạn giao thông giảm mạnh. An sinh và phúc lợi xã hội được bảo đảm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; chủ quyền biên giới vùng trời, vùng biển được giữ vững. Công tác đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc; vẫn còn tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao trở lại. Tốc độ tăng nhập khẩu tiếp tục duy trì ở mức thấp; nhập khẩu trang thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất giảm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động. Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; sức mua của thị trường trong nước vẫn còn thấp. Sản xuất nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm vẫn gặp nhiều khó khăn. Đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là người nghèo vùng dân tộc thiểu số, vùng chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, người lao động mất việc làm còn nhiều khó khăn. Nạn chặt phá rừng và các tệ nạn xã hội, tội phạm còn diễn biến phức tạp; tai nạn giao thông vẫn còn nghiêm trọng;...
[1] Tháng 11 so với tháng cùng kỳ năm trước các năm 2010, 2011 lần lượt là: 11,09% và 19,83%.
File đính kèm: BCChinhphuT11.12.pdf
Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân - Bộ Kế hoạch và Đầu tư