Báo cáo của Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 24 tháng 10 năm 2012
I. BỐI CẢNH CHUNG
10 tháng đầu năm 2012, nền kinh tế thế giới biến động rất phức tạp và khó khăn nhiều hơn, thương mại sụt giảm mạnh, tăng trưởng toàn cầu thấp so với dự báo đầu năm. Trên thị trường tài chính tiền tệ, đồng Euro tiếp tục đà giảm so với các đồng tiền chủ chốt khi khủng hoảng nợ châu Âu vẫn bế tắc. Thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha đang cao gấp 3 lần so với giới hạn mà EU đề ra, trong khi suy thoái nghiêm trọng khiến tỷ lệ thất nghiệp của nước này vọt lên đến 25% khiến chi niềm tin của các nhà đầu tư giảm mạnh.
Ở trong nước, việc thắt chặt tài khóa và tiền tệ để kiềm chế lạm phát là cần thiết nhưng hệ quả là cầu nội địa giảm mạnh, hàng tồn kho lớn, lãi suất tín dụng tăng cao; doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, sản xuất khó khăn. Bên cạnh đó, chúng ta phải dành nhiều thời gian và công sức để đối phó với thiên tai, dịch bệnh, các âm mưu thủ đoạn gây mất ổn định chính trị - xã hội và đe dọa chủ quyền quốc gia. Với tác động của nền kinh tế thế giới, sự trì trệ của nền kinh tế trong nước đã được thể hiện rõ rang hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, nguy cơ lạm phát cao vẫn tiềm ẩn, quản lý thị trường, quản lý giá đối với một số mặt hàng chưa tốt, tác động tiêu cực đến đời sống của người dân.
II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN 10 THÁNG NĂM 2012
1. Du lịch
Trong tháng 10: có gần 496 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam (giảm gần 8% so với tháng 10/2011, trong đó cótrên 292 nghìn lượt khách đi du lịch, nghỉ ngơi (giảm 6,5% so với cùng kỳ); 90 ngìn lượt đi vì mục đích công việc (tăng 4,5%); 86 nghìn lượt khách đi thăm thân nhân (giảm 1%); và 27 nghìn lượt khách đến với mục đích khác.
Như vậy, ước 10 tháng đầu năm 2012: số lượt khách quốc tế đến Việt Nam, ước đạt khoảng 5,35 triệu lượt, tăng khoảng 11,2% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó khách đi theo mục đích du lịch và nghỉ ngơi chiếm 59%, theo công việc khoảng 18%, thăm thân nhân 17,7% và theo mục đích khác 6%. Trong 10 tháng đàu năm, có nhiều thị trường có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái như khách Hàn Quốc tăng khoảng 35%, khách Nhật Bản tăng khoảng 23%, khách Thái Lan tăng khoảng 23%), ...., một số thị trường thì giảm so với cùng kỳ năm trước như khách Trung quốc giảm 2,5%, khách Úc giảm 1%, khách Cămpuchia giảm 23%;
Thu nhập 10 tháng đầu năm của ngành du lịch ước đạt khoảng 125.000 tỷ đồng, tăng khoảng 22% so với cùng kỳ năm 2011.
Dự kiến cả năm 2012:
Dự kiến cả năm 2012, doanh thu ngành du lịch đạt trên 150.000 tỉ đồng tăng khoảng 15,4 % so với năm 2011 và bằng kế họach đề ra. Lượng khách quốc tế dự kiến tăng khoảng 5% so cùng kỳ và đạt mức 6,3-6,5 triệu lượt khách (không đạt kế hoạch đề ra 6,807 triệu lượt). Khách du lịch nội địa đạt khoảng 32 triệu lượt, tăng 6,67% so với năm 2011 .
2. Xuất nhập khẩu
a. Xuất khẩu
Ước thực hiện xuất khẩu tháng 10 năm 2012 đạt 9,9 tỷ USD, tăng 4,4%so với tháng trước; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 5,6 tỷ USD.
10 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 93,45 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt hơn 51,5 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 55,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu 10 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt 7,8 triệu tấn, tăng 13,7% về lượng và tăng 15,6% về kim ngạch; than đá ước đạt gần 11,6 triệu tấn, giảm 16% về lượng và giảm 26% về kim ngạch; dệt may đạt 12,5 tỷ USD, tăng 8,2%; da giày hơn 5,7 tỷ USD, tăng 10,5%; gỗ và sản phẩm gỗ gần 3,8 tỷ USD, tăng 19,1%; điện thoại các loại và linh kiện 9,9 tỷ USD, tăng 107,6%; linh kiện điện tử gần 6,1 tỷ USD, tăng 69,3%; thuỷ sản 5 tỷ USD, tăng 1,4%; cao su 818 nghìn tấn, tăng 38,2% về lượng và giảm 8,4% về kim ngạch; gạo 6,8 triệu tấn, tăng 7% về lượng và giảm 3,9% về kim ngạch; cà phê 1444 nghìn tấn, tăng 40,2% về lượng và tăng 35,4% về kim ngạch...
Giá cả của hầu hết các mặt hàng nông sản giảm so với cùng kỳ: gạo giảm 10%; cao su giảm 34%; cà phê giảm 3,5%; hạt điều giảm 19,3%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 13%.
Về thị trường xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2012, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 17% và chiếm tỷ trọng 17,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; xuất khẩu vào EU tăng 20,1% và chiếm tỷ trọng 18,2%; xuất khẩu vào ASEAN tăng 26% và chiếm tỷ trọng 14,9%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 26% và chiếm tỷ trọng 11,6%; xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 14,6% và chiếm tỷ trọng 10,9%.
b. Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 10 năm 2012 ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 11,7%so với tháng trước, trong đó, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 5,6 tỷ USD.
10 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 93,8 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 49,2 tỷ USD, tăng 23,9%.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 10 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm trước như sau: xăng dầu 8121 nghìn tấn, giảm 11,8% về lượng và giảm 6,3% về kim ngạch; sắt thép các loại 6385 nghìn tấn, tăng 5,5% về lượng và giảm 4,3% về kim ngạch; phân bón 3027 nghìn tấn, giảm 13,3% về lượng và giảm 9,9% về kim ngạch; giấy các loại 982 nghìn tấn, tăng 14,9% về lượng và tăng 8,9% về kim ngạch; chất dẻo nguyên liệu 2243 nghìn tấn, tăng 8,6% về lượng và tăng 1,3% về kim ngạch; máy móc thiết bị đạt gần 13,4 tỷ USD, tăng 5%; máy tính và linh kiện gần 10,7 tỷ USD, tăng 77,5%; vải đạt gần 5,7 tỷ USD, tăng 1,5%; nguyên phụ liệu dệt may gần 2,6 tỷ USD, tăng 3,4%...
10 tháng đầu năm 2012, nhập khẩu từ Châu Á chiếm 79,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc (kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này tăng 17,5%, tỷ trọng ước đạt 24,8%), ASEAN (giảm 2,1%, tỷ trọng 18,5%), Hàn Quốc (tăng 17,8%, chiếm tỷ trọng 13,4%), Nhật Bản (tăng 13,8%, chiếm tỷ trọng 10,3%) và EU (tăng 11,8%, chiếm tỷ trọng hơn 7,4%).
10 tháng đầu năm 2012, cả nước nhập siêu 357 triệu USD, bằng 0,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nhập siêu lớn với các nước như Trung Quốc (ước đạt 13 tỷ USD), ASEAN (gần 3,4 tỷ USD), Hàn Quốc (8 tỷ USD), Đài Loan (hơn 5,6 tỷ USD).
c. Một số nhận xét về tình hình xuất nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2012:
- Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2012 tiếp tục duy trì ở mức khá cao (18,4% so với cùng kỳ 2011) và cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu (6,8%):
+ Các mặt hàng công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đặc biệt mặt hàng điện thoại và linh kiện tăng 107,6%, máy vi tính và linh kiện 69,3% đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng xuất khẩu (riêng 2 mặt hàng này đã góp phần làm kim ngạch xuất khẩu tăng 7,6 tỷ USD.
+ Năm 2011, giá cả xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt mức cao kỷ lục. 10 tháng đầu năm 2012 giá cả hầu hết nông sản xuất khẩu giảm hoặc không tăng so với cùng kỳ năm 2011 và so với giá bình quân cả năm 2011. 10 tháng đầu năm 2012, nhóm hàng nông lâm thủy hải sản chỉ tăng khoảng hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2011.
- Khu vực FDI tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong 3 năm liên tục và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2012 của cả nước tăng 14,55 tỷ USD, trong đó kim ngạch của khu vực FDI (kể cả dầu thô) tăng 14,28 tỷ USD.
- Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu 10 tháng của khu vực FDI(23,9%) cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chung của cả nước, do các mặt hàng chủ lực của khu vực này chủ yếu là gia công, lắp ráp, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nhập khẩu của khu vực này tăng 9,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2011, trong khi nhập khẩu của cả nước tăng 6 tỷ USD.
- 10 tháng đầu năm 2012 cả nước nhập siêu ước đạt 357 triệu USD, bằng 0,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu 2364 triệu USD; nếu tính cả dầu thô, khu vực FDI xuất siêu 9368 triệu USD.
- Như vậy, trong 10 tháng đầu năm 2012, nhập siêu giảm là một tín hiệu đáng mừng (10 tháng đầu năm 2011, nhập siêu 8,9 tỷ USD), nhưng mặt khác cho thấy nhu cầu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước hiện tại đang giảm sút. Nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đang gặp nhiều khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh.
3. Thị trường trong nước
10 tháng đầu năm, theo số liệu của Tổng cục thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.917,32 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2011. Trong các thành phần kinh tế tham gia thị trường, thành phần kinh tế cá thể vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 48,3%, tiếp đó là kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước với tỷ trọng tương ứng là 35,5% và 12,4%. Giá trị đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài còn 2,8%, trong khi khu vực kinh tế tập thể chiếm 1,0%.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,85% so với tháng trước và tăng 6,02% so với tháng 12 năm 2011.
Như vậy, CPI đã tăng 7,0% so với tháng cùng kỳ năm 2011 và bình quân 10 tháng năm 2012 tăng 9,66%.
Nhóm tăng nhiều nhất trong tháng 10 là dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và ăn uống ngoài gia đình.
c. Tình hình cung - cầu, giá cả một số mặt hàng trọng yếu
(1) Xăng dầu
Trung tuần tháng 10/2012, giá hầu hết các mặt hàng năng lượng trên thị trường giao dịch quốc tế đều giảm do tác động của đồng đô la Mỹ tăng giá cùng những số liệu trái chiều về kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Mỹ công bố số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tháng 10/2012 đã tăng lên 388.000 người. Cùng thời điểm này, Trung Quốc công bố GDP quý 3 của nền kinh tế này chỉ đạt mức tăng trưởng 7,4%, so với mức 7,6% trong quý 2. Một yếu tố khác cũng có tác động tới kết quả giao dịch dầu thô trên thị trường quốc tế là việc chỉ số USD so với rổ 6 loại tiền tệ chủ chốt khác đã tăng lên 79,372 điểm, từ mức 79,022 điểm. Cùng đi xuống với dầu thô, giá dầu sưởi giao tháng 11 hạ 0,11% xuống 3,18 USD/gallon. Xăng giảm 4 cent, tương ứng 1,3%, xuống 2,75 USD/gallon.
Tại thị trường trong nước, Trước thông tin về việc giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục giảm và các doanh nghiệp đầu mối chưa có động tĩnh giảm giá cùng mặt bàng giá xăng dầu thế giới, Bộ Tài chính đã có Công văn số 13693/BTC-QLG ngày 09 tháng 10 năm 2012về công tác điều hành giá xăng, dầu trong thời điểm hiện nay. Sau khi tính toán cùng các khoản chi phí như thuế, trích quỹ bình ổn giá, lợi nhuận định mức thì giá xăng bán lẻ vẫn đang thấp hơn giá cơ sở 733 đồng/lít, giá dầu diezel 0,05S thấp hơn 710 đồng/lít và dầu hỏa thấp hơn là 817 đồng/lít. Để bù đắp, liên Bộ Tài chính - Công Thương chủ trương vẫn cho sử dụng Quỹ bình ổn giá 500 đồng/lít, kg như hiện nay. Phần còn lại (xăng RON 92 là 233 đồng/lít, dầu diezel 0,05S là 210 đồng/lít, dầu hỏa là 317 đồng/lít, dầu mazut 3,5S là 64 đồng/kg), các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải trừ vào lợi nhuận định mức. Liên Bộ Tài chính - Công Thương luôn theo dõi sát tình hình giá xăng dầu thế giới, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng tinh thần Nghị định 84 và sẽ có giải pháp điều hành kịp thời khi thị trường có diễn biến mới.
Với nguyên tắc và các thông số tính toán như trên, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu so với giá bán hiện hành như sau:
Đơn vị tính: VNĐ/lít,kg
Mặt hàng
|
Giá bán hiện hành
|
Giá cơ sở
|
Chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành
|
(1)
|
(2)
|
(3) =(2)-(1)
|
1. Xăng RON 92
|
23.650
|
24.383
|
+ 733
|
2. Điêzen 0,05 S
|
21.850
|
22.560
|
+ 710
|
3. Dầu hoả
|
21.900
|
22.717
|
+ 817
|
4. Madút 3,5S
|
18.650
|
19.214
|
+ 564
|
Với công thức tính giá cơ sở như trên, nếu không sử dụng công cụ bình ổn giá thì giá bán lẻ xăng dầu sẽ tăng chứ không giảm. Để bù đắp, liên Bộ Tài chính – Công Thương chủ trương vẫn cho sử dụng Quỹ bình ổn giá 500 đồng/lít, kg như hiện nay; phần còn lại (xăng RON 92 là 233 đồng/lít, dầu điêzen 0,05S là 210 đồng/lít, dầu hỏa là 317 đồng/lít, dầu madut 3,5S là 64 đồng/kg), các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải trừ vào lợi nhuận định mức.
Thị trường thép trên thế giới tiếp tục ảm đạm. Do giá thép phế sụt giảm nên phần lớn các nhà máy thép ở Mỹ cũng bắt đầu giảm giá thép xây dựng. Hãng thép Nucor giảm giá thép hình cỡ nhỏ khoảng 31 USD/tấn, báo giá thép góc 2x2x1/4 giảm còn 885 USD/tấn, giá chào bán thực tế thép thanh vằn và thép hình giảm 17 USD/tấn. Nguyên nhân các nhà máy giảm giá là do lo ngại về thị trường nhập khẩu. Sau khi giá giảm thì giá xuất xưởng thép thanh vằn trên thị trường Mỹ khoảng 728-739 USD/tấn, giá xuất xưởng thép hình H cỡ vừa khoảng 854 USD/tấn. Tại Hàn Quốc, giá thép cuộn cán nóng (HRC) xuất khẩu cũng đang trong chiều hướng đi xuống. Các nhà sản xuất thép của Hàn Quốc, bao gồm Posco và Hyundai Steel đã giảm giá thép HRC xuất khẩu xuống còn 540 USD/tấn FOB. Tuy nhiên, giá này vẫn cao hơn giá trên thị trường thế giới. Thép HRC của Hàn Quốc xuất khẩu chủ yếu sang Đông Nam Á. Tại Trung Quốc, giá thép kỳ hạn tại sàn giao dịch Thượng Hải ở mức thấp nhất mọi thời đại vào phiên hôm 14/9/2012. Hầu hết các giao dịch thép thanh giao kỳ hạn tháng giêng tại Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đạt mức thấp 3.276 NDT (tương đương 520 USD)/tấn, mức thấp nhất kể từ khi thị trường chứng khoán đưa ra giá thép thanh kỳ hạn năm 2009. Giá thép thanh lúc đóng cửa giảm 2,1% xuống còn 3.282 NDT/tấn.
Tại thị trường trong nước, do lượng thép tồn kho trong nước còn cao và phải cạnh tranh khốc liệt với thép giá rẻ nhập khẩu về nhiều khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước buộc phải giảm giá bán để giảm hàng tồn kho, quay vòng đồng vốn.Giá thép niêm yết tại nhà máy (đầu tháng 10) giảm xuống từ 300.000 – 900.000đ/tấn, mức giá bán chưa có thuế VAT ở mức 15,7-16,2 triệu đồng/tấn ở miền Bắc; từ 15,3-17,1 triệu đồng/tấn ở miền Nam. Giá bán thực tế của các công ty chưa tính thuế VAT phổ biến ở mức 15,1-15,5 triệu đồng/tấn đối với thép tròn cuộn và từ 15,1-15,5 triệu đồng/tấn đối với thép cây thông dụng, tùy từng thương hiệu và từng khu vực. Giá bán lẻ thép tại các địa phương ổn định và phổ biến ở mức 17,4-18 triệu đồng/tấn tại miền Bắc và từ 17,5-18,1 triệu đồng tại miền Nam. Sau khi giảm, giá thép bán lẻ dao động 17,3 - 17,9 triệu đồng/tấn, nhưng sức mua vẫn ở mức thấp.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, đến đầu tháng 10/2012, lượng thép nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã lên tới 137.500 tấn, cao gấp 5,5 lần so với cùng thời điểm năm 2011. Trong khi đó, vào năm 2010, con số này chỉ ở mức 24.900 tấn. Năm 2011 cũng chỉ đến 53.600 tấn. Để hạn chế nhập lậu và bảo vệ sản xuất thép trong nước, Hiệp hội Thép Việt Nam và Tổng công ty Thép Việt Nam kiến nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra giám sát hàng sau thông quan, nhất là việc đưa vào sử dụng. Sản phẩm thép nhập khẩu phải được sử dụng đúng quy định. Mặt khác, nên quy định sản phẩm thép nhập khẩu bắt buộc phải có nhãn mác tiếng Việt, thậm chí bắt buộc ghi thông tin kỹ thuật có liên quan. Đối với thép nhập khẩu có nguyên tố Bo, Tổng công ty Thép Việt Nam đề nghị nên có sự tham gia kiểm tra, kiểm định của các Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng với các trang thiết bị hiện đại, đầy đủ để xác định chính xác hàm lượng chất này trong thép nhập khẩu.
Dự báo trong thời gian tới, mặc dù bước vào mùa xây dựng nhưng nhu cầu thép xây dựng trong nước tiếp tục ổn định.
c) Xi măng
Theo Bộ Xây dựng, giá trị sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng ước thực hiện10 tháng đạt trên 4,4 nghìn tỷ đồng, tháng 10/2012 đạt trên 43 tỷ đồng, đạt 69% so kế hoạch năm và bằng 100,1% cùng kỳ 2011. Sản lượng xi măng toàn ngành sản xuất tháng 10 đạt 3,85 triệu tấn, 10 tháng đạt 34,6 triệu tấn, bằng 63% so kế hoạch năm. Do sự trầm lắng của thị trường BĐS nên sản lượng tiêu thụ tháng 10 đạt 3,62 triệu tấn, 10 tháng đạt 34,7 triệu tấn bằng 62,9% so kế hoạch năm. Để giảm áp lực về dư thừa công suất, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh xúc tiến tìm kiếm thị trường xuất khẩu, 10 tháng 2012, toàn ngành xuất khẩu khoảng 6,2 triệu tấn clinker và xi măng.
Hiện giá bán lẻ xi măng tại thị trường trong nước mác PCB 30 như sau:
+ Hà Nội: Xi măng Chin Fon 1430.000 đ/tấn; Xi măng Phúc Sơn là 1.360.000đ/tấn; Xi măng X78 1.000.000đ/tấn; Xi măng Tam Điệp 1360.000đ/tấn; Xi măng Hoàng Thạch 1.500.000đ/tấn; Xi Măng Bỉm Sơn 1490.000 đ/tấn; Xi măng Bút Sơn 1420.000 đ/tấn; Xi măng mác PCB 40 của Nghi Sơn là 1420.000đ/tấn, Xi Mằn Thăng Long là 1350.000đ/tấn.
+ Tại TP Hồ Chí Minh, giá xi măng ở mức cao hơn miền Bắc: xi măng Vicem Hà Tiên PCB 40 là 1860.000 đ/tấn; xi măng Nghi Sơn PCB 40 là 1730.000 đ/tấn; xi măng Chin Fon PCB 30 là 1640.000đ/tấn; xi măng Phúc Sơn 1600.000đ/tấn; xi măng Holcim đa dạng PCB 40 là 1.840.000 đ/tấn; tương tự xi măng Cẩm Phả tại TP HCM được bán với giá 1.670.000 đ/tấn.
Hầu hết các doanh nghiệp đều giảm giá từ 50 – 100 ngàn đồng/tấn so với giá niêm yết, rất ít doanh nghiệp giữ nguyên giá bán nhưng dù cố giảm để kích cầu nhưng cầu vẫn không khả quan hơn bởi nhu cầu xây dựng không cao. Nhiều doanh nghiệp xi măng tìm các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài. Mặc dù tổng lượng xuất khẩu 10 tháng năm 2012 đạt 5,7 triệu tấn nhưng thị trường xuất khẩu xi măng nước ta lại rơi vào tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá, manh mún, thiếu tổ chức gây thiệt hại cho toàn ngành và thiệt hại riêng cho chính các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo Hiệp hội xi măng Việt Nam, thị trường tiêu thụ xi măng 3 tháng cuối năm cũng không khả quan hơn. Dự báo nhu cầu xi măng quý 4/2012 cũng chỉ khoảng 12-13 triệu tấn và cả năm tiêu thụ sẽ ở mức 47 triệu tấn, giảm 5% so với năm 2011.
d) Phân bón
Thị trường phân bón tháng 10/2012 vẫn chưa thoát khỏi tình trạng ảm đạm bởi nhu cầu thị trường vẫn còn ở mức thấp, hoạt động giao dịch không nhiều. Nguyên nhân là do mưa bão lũ và chiều cường xảy ra tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã ảnh hưởng đến canh tác và chăm bón. Ngoài ra, các địa phương phía Bắc cũng đang giai đoạn thu hoạch vụ lúa mùa nên nhu cầu phân bón giảm.
Tại Đà Nẵng, giá Urê TQ giảm 0,5% xuống còn 9.200 đồng/kg; Urê Phú Mỹ giảm 1% xuống còn 9.800 đồng/kg; Tại Qui Nhơn đã giảm 3,4%, xuống còn 9.800 - 9.850 đồng/kg.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động giao dịch khá trầm lắng,giá tiếp tục giảm do nhu cầu vẫn ở mức thấp. Giá Urê Phú Mỹ giảm 2,2% xuống còn 9.800 - 9.900 đồng/kg; giá Urê Trung Quốc giảm 4,2% xuống còn 9.000 - 9.100 đồng/kg.
Khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ, nhu cầu phân bón cho cho lúa và các loại cây công nghiệp như cao su, hồ tiêu v.v. đã tăng so với tháng trước nhưng do thời tiết mưa liên tục khiến cho việc chăm bón gặp khó khăn và gây áp lực giảm giá phân bón. Giá Urê Phú Mỹ đã giảm 3,8%, xuống còn 10.100 đồng/kg; Urê TQ giảm 2,9%, xuống còn 10.300 đồng/kg.
Theo thông tin từ Hiệp hội phân bón Việt Nam, thời gian qua phân bón từ phía Bắc đưa vào thị trường phía Nam tiêu thụ với số lượng lớn. Nguồn hàng này chủ yếu nhập lậu, có chất lượng không ổn định với giá thấp hơn nhập chính thức từ 1-2 triệu đồng/tấn, khi đưa vào thị trường nội địa, họ bán thấp hơn thị trường khoảng 300 đồng/kg nên tiêu thụ khá chạy.
Phân bón nhập lậu giá rẻ đẩy giá phân bón trong nước giảm xuống liên tục, khiến các doanh nghiệp bị thiệt hại, Nhà nước thất thu thuế, nông dân mua phân bón giá thấp nhưng sử dụng không hiệu quả trong sản xuất. Các cơ quan chức năng đã siết chặt kiểm tra, giám sát cũng như kiên quyết xử phạt nhưng vẫn chưa đủ mạnh để dẹp, hạn chế hoạt động kinh doanh bất hợp pháp này. Do đó, để quản lý chất lượng phân bón cần đẩy mạnh hoạt động trên mọi lĩnh vực như luật pháp, năng lực của người dân, doanh nghiệp và Hiệp hội phân bón cùng các cơ quan liên quan...
e) Lương thực, thực phẩm
Trên thị trường thế giới, thị trườnglúa gạo Thế giới trong tháng 10/2012 tiếp tục ổn định, mặc dù lượng mưa năm nay tại Ấn Độ giảm gây ảnh hưởng đến sản lượng gạo của Ấn Độ, nhưng theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), xuất khẩu gạo Ấn Độ năm nay sẽ đạt kỷ lục cao 9,75 triệu tấn, tăng 22% hay 1,75 triệu tấn so với mức 8 triệu tấn dự báo cách đây một tháng, và như vậy Ấn Độ sẽ vươn lên vị trí nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới. Xuất khẩu gạo Thái Lan, nước năm ngoái xuất khẩu nhiều gạo nhất thế giới,năm nay dự báo sẽ đạt khoảng 6,5 đến 7 triệu tấn. Còn Việt Nam, nước xuất khẩu số thứ hai thế giới năm ngoái, năm nay sẽ xuất khoảng 7,5 triệu tấn.
Giá gạo thế giới hiện phổ biến ở mức giá như sau:
+ Gạo trắng hạt dài, chất lượng cao: Thái Lan 100% từ 555 – 565 USD/tấn fob; Việt Nam 5 % từ 450-460 USD/tấn fob; Ấn Độ 5% từ 435-445 USD/tấn fob; Pakistan 5 % từ 445-455 USD/tấn fob.
+ Gạo trắng hạt dài, chất lượng thấp: Thái Lan 25% từ 530 – 540 USD/tấn fob; Việt Nam 25% từ 415-425 USD/tấn fob; Pakistan 25% từ 380 - 390 USD/tấn; Ấn Độ 25% từ 385-3955 USD/tấn fob.
+ Gạo Thơm hạt dài: Thái Lan từ 1.055-1.065USD/tấn fob; Việt Nam 5% từ 655-665 USD/tấn fob; Ấn Độ 2% từ 1.055-1.065 USD/tấn fob; Pakistan 2% từ 1.015-1.025 USD/tấn fob.
+ Gạo tấm giá fob: Thái Lan từ 495-505 USD/tấn; Việt Nam từ 375-385 USD/tấn; Ấn Độ từ 345-355 USD/tấn; Pakistan từ 345-355 tấn.
Tại thị trường trong nước, sau khi Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) điều chỉnh tăng giá sàn xuất khẩu gạo và có hiệu lực áp dụng kể từ ngày 10-10, giá lúa gạo trong nước nhanh chóng tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên, hiện lúa hàng hóa trong dân không còn nhiều.Đảo chiều tăng mạnh trở lại với mức giá 300 – 500 đồng/kg.Tại An Giang, Đồng Tháp giá lúa IR 50404 tươi tái lập lại mức giá 5.100 – 5.200 đồng/kg. Đối với lúa IR 50404 khô, giá bán cũng nhanh chóng vọt lên 6.000 – 6.100 đồng/kg. Dù có giá thấp hơn tại An Giang, Đồng Tháp nhưng thương nhân thu mua lúa tại Tiền Giang, Long An cũng nhanh chóng nâng mức giá lên 5.000 – 6.000 đồng/kg đối với lúa IR 50404 (tùy loại khô hay tươi). Cụ thể, gạo nguyên liệu của giống IR 50404 có giá 7.700 – 7.800 đồng/kg ; 7.800 – 7.900 đồng/kg đối với gạo nguyên liệu của các loại giống lúa hạt dài, tăng 300 – 400 đồng/kí lô gam so với mức giá hồi đầu tháng 10. Giá gạo thành phẩm dao động từ 8.900 – 9.000 đồng/kg đối với gạo 5% tấm và 8. 700 – 8.800 đồng/kg đối với gạo 15% tấm, tăng bình quân 400 đồng/kg so với hồi đầu tháng 10/2012.
Trong khi đó, những tín hiệu lạc quan về thị trường xuất khẩu là nguyên nhân để giới doanh nghiệp và chuyên gia nhận định, giá lúa gạo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.Cụ thể, Tổng công ty lương thực miềm Nam (Vianfood 2) vừa ký được hợp đồng xuất khẩu 300.000 tấn gạo (15% tấm) cho Indonesia và có thời điểm giao hàng từ tháng 10 -12, đúng vào lúc lúa vụ 3 ở ĐBSCL thu hoạch rộ.
Theo Hiệp hội lúa gạo Việt Nam ( VFA) nhận định, từ nay cho đến đầu năm 2013, diễn biến giá lúa gạo sẽ theo chiều hướng có lợi cho người trồng lúa. “Ngoài lượng gạo 300.000 tấn vừa mua, nhiều khả năng Indonesia sẽ mua tiếp của Việt Nam một lượng gạo nữa trong quí 4 này (dự kiến khoảng 300.000 – 450.000 tấn)”, Nhận định về diễn biến tình hình lúa gạo thời gian tới, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gạo tại chợ Bà Đắc và cụm công nghiệp An Thạnh, huyện Cái Bè, Tiền Giang cũng phấn khởi đưa ra dự báo xuất khẩu sẽ khả quan cho đến đầu năm sau.
Thực phẩm
Khác với lúa gạo, giá cả các loại thực phẩm tươi sống có xu hướng tăng nhẹ trong những tháng cuối năm. Đặc biệt trong những ngày trung tuần tháng 10/2012 do chiều cường liên tục tăng cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Sóc Trăng, Tiền Giang nên một số loại thực phẩm và rau củ quả tăng từ 15-20%.Theo đó, giá thịt lợn hơi và thịt gà ta có xu hướngtăng, trong khi giá thịt bò, thịt lợn có xu hướng tăng cao so vớitháng trước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tăng khoảng 1,5% so với cùng kỳ năm 2011.Trong khi đó, những tháng gần đây, sản lượng thịt giảm do giá bán sản phẩm giảm nhiều, người chăn nuôi hạn chế đầu tư tái đàn. Đáng lưu ý, lượng thịt nhập khẩu 8 tháng đầu năm giảm đến 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng thịt gia cầm nhập khẩu cũng giảm đáng kể, tổng lượng thịt nhập khẩu giảm 22,6% so với cùng kỳ năm 2011. Bộ Tài chính dự báo, trong những tháng tới, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu có thể tăng cao khi doanh nghiệp tăng mua các loại thực phẩm để sản xuất phục vụ Tết Nguyên Đán sắp tới.
Hiện giá một số mặt hàng thực phẩm có tăng nhẹ so với tháng trước, hiện thịt lợn thăn có giá từ 90.000 - 110.000 đồng/kg, thịt ba chỉ, thịt vai, thịt mông giá 90.000 – 100.000 đồng/kg, thịt bò giá 180.000- 235.000 đồng/kg tùy loại, thịt gà công nghiệp giá 50.000-75.000 đồng/kg, gà ta có giá từ 120.000-140.000đồng/kg... Trứng gà, vịt giá đều tăng 30.000- 35.000 đồng/chục. Đối với mặt hàng thủy sản có xu hướng tăng nhẹ , tôm sú giảm 180.000 đồng/kg lên 200.000 đồng/kg, cua tại Cà Mau giảm từ 400.000đồng lên 450.000đồng/kg (cua ngạch son).
Các loại rau củ quả giá đang có dấu hiệu tăng, hiện rau muống từ 4.000 đồng/mớ tăng 5.000đ/mớ, rau ngót giá 5.000 đồng/mớ tăng 6.000 đồng/mớ, mùng tơi giá 4.000 đồng/mớ tăng 5.000 đồng/mớ. Các loại quả như: bí đao giá 13.000 đồng/kg tăng 14.000 đồng/kg, cà chua, khoai tây giá 10.000-12.000 đồng/kg tăng 13.000-15.000 đồng/kg...
Dự báo giá lương thực, thực phẩm trong thời gian tới có xu hướng tăng nhẹ do các doanh nghiệp chuẩn bị nguyên liệu phục vụ dịp tết nguyên đán sắp tới.
II. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP ĐIỀU HÀNH CÁC THÁNG CUỐI NĂM 2012
1. Du lịch
2. Xuất nhập khẩu
Đẩy mạnh xuất khẩu
- Chú trọng nâng cao chất lượng để tăng giá trị với nhóm hàng sản xuất truyền thống (đặc biệt là nông, lâm, thủy sản) không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng. Mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao, có đóng góp quan trọng thực hiện kế hoạch xuất khẩu, giải quyết việc làm, ổn định xã hội.
- Nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu nhóm hàng không hạn chế về khả năng sản xuất, dùng nhiều nguyên liệu trong nước. Tăng nguồn kinh phí cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
- Khai thác chiều sâu, chiều rộng thị trường truyền thống cùng với thị trường có chung biên giới. Ðẩy mạnh công tác thông tin, dự báo với thị trường ngoài nước, sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật.
- Ưu tiên cấp tín dụng, bảo đảm đủ vốn cho nông dân và doanh nghiệp mua gom nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa ngoại tệ trong giao dịch. Có quy chế để ngân hàng thương mại bảo đảm lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu vay theo quy định, không phát sinh thêm chi phí.
Kiểm soát nhập khẩu
- Tiếp tục triển khai một loạt biện pháp về bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu trên cơ sở nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo tình hình thị trường. Phối hợp các Hiệp hội, Bộ, ngành đánh giá nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng và khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước để có biện pháp hạn chế cụ thể với từng mặt hàng.
- Bộ Công Thương chủ trì xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng cường sử dụng máy móc vật tư, thiết bị sản xuất trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ.
- Các giải pháp về thuế: Trong ngắn hạn, đối với nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu, cần nghiên cứu bổ sung thêm số lượng mặt hàng cần tăng thuế suất; Xem xét phương án bổ sung số lượng mặt hàng có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan để kiểm soát chặt chẽ hơn số lượng nhập khẩu.
- Đối với kinh tế biên mậu: Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để một mặt thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, một mặt kiểm soát chặt chẽ lượng hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng, trong đó chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng.
- Tăng cường công tác hậu kiểm về chất lượng, an toàn vệ sinh đối với sản phẩm nhập khẩu và lưu thông theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn; thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ người tiêu dùng và tạo hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, kiểm soát việc nhập nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu...
- Rà soát các Hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký kết và cẩn trọng trong việc đẩy mạnh đàm phán ký kết các Hiệp định mới. Các Hiệp định thương mại quốc tế một mặt tạo cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng Việt Nam, mặt khác cũng gây nguy cơ nhập siêu nếu không đàm phán chặt chẽ.
- Tiếp tục nhấn mạnh nhóm biện pháp thông tin tuyên truyền, nhất là chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, coi đây là một kênh gián tiếp nhằm tăng tỷ lệ sử dụng hàng Việt Nam, qua đó giảm tỷ lệ hàng nhập khẩu./.
3. Thị trường trong nước
- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012.
-Thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra thị trường, xử lý kịp thời, đặc biệt tại các điểm nóng, vùng giáp biên, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, găm hàng gây sốt giá ảo, đặc biệt là đối với các hàng hóa thiết yếu như lương thực, xăng dầu, xi măng, sắt thép, dược phẩm.
- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực đưa hàng hóa về các vùng nông thôn; vùng sâu; vùng xa, nhằm mở rộng và thiết lập thị trường vững chắc cho hàng hóa sản xuất trong nước; Nghiên cứu giải pháp khuyến khích tiêu thụ, kích cầu tiêu dùng để tăng cường tiêu thụ sản phẩm, giảm tồn kho nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất./.
File đính kèm: BC Kinh te Dich vu T10.12.pdf
Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư