(MPI) - Ngày 07/4/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông tham dự phiên họp thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
|
Thứ trưởng Trần Duy Đông tham dự và phát biểu tại phiên họp. Ảnh: MPI |
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cùng đại diện các bộ, ngành liên quan.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, gửi Bộ Tư pháp thẩm định, hoàn thiện trình Chính phủ cho ý kiến và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV.
Theo Báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được trình bày tại phiên họp, Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đều xác định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh đối với vùng Đông Nam bộ và cả nước; xác định mục tiêu đến năm 2030 của Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; trung tâm kinh tế, tài chính; thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
Tại Nghị quyết số 31, Bộ Chính trị cũng đã giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành Nghị quyết của Quốc hội (thay thế Nghị quyết số 54 của Quốc hội) để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, đã có đủ căn cứ chính trị để xây dựng Nghị quyết mới về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự thảo Nghị quyết đưa ra 04 nhóm cơ chế, chính sách (CCCS) gồm: Các CCCS đã được quy định tại Nghị quyết số 54 của Quốc hội; Các CCCS có nội dung tương tự đã được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác; Các CCCS có trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong thời gian sắp tới; Các CCCS mới, chưa được thí điểm tại các địa phương và quy định tại các Luật hiện hành.
Các CCCS này trong dự thảo Nghị quyết gồm các nhóm CCCS về quản lý đầu tư; Tài chính ngân sách; Quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; Thu hút nhà đầu tư chiến lược; Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Tổ chức bộ máy của Thành phố; Tổ chức bộ máy của thành phố Thủ Đức.
Việc ban hành một Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 nhằm tạo điều kiện cho Thành phố khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của Thành phố để tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của Vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Đồng thời cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển đã nêu tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nghị quyết được xây dựng với mục tiêu xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết số 24-NQ/TW, 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Trần Duy Đông cảm ơn ý kiến góp ý của các đại biểu và khẳng định, trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết, báo cáo Chính phủ, xin ý kiến các Thành viên Chính phủ, để hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; dự kiến trình Quốc hội quyết định tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 5/2023.
Sau khi nghe đại diện các bộ, ngành liên quan cho ý kiến cụ thể đối với nội dung dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu tổng hợp các ý kiến và cho rằng, nội dung của Dự thảo cơ bản đã phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Các chính sách được đề xuất có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá, tính đổi mới, tập trung giải quyết những vấn đề lớn, tháo gỡ điểm nghẽn, tạo điều kiện cho Thành phố phát triển. Đồng thời nhấn mạnh thêm một số nội dung nhằm tiếp tục hoàn thiện Dự thảo, trình cấp có thẩm quyền theo quy định./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư