(MPI) - Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo trình tự rút gọn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Nghị định được xây dựng nhằm cụ thể hóa giải pháp triển khai nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp quy định của pháp luật, với thực tiễn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, bổ sung, cụ thể hóa các cơ chế đặc thù liên quan đến quản lý, tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nhằm thể chế hóa yêu cầu của Quốc hội tại các Nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đẩy mạnh phân cấp, trao quyền chủ động cho chính quyền cơ sở trong triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động, dự án đầu tư thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các cơ quan liên tiến hành xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP theo trình tự rút gọn. Bộ tiến hành tổng hợp khó khăn, vướng mắc theo phản ánh của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; rà soát các quy định của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP cần được sửa đổi, sửa đổi bổ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/02/2023, của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tại Thông báo số 50/TB-VPCP ngày 22/02/2023 của Văn phòng Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước, xây dựng, đấu thầu, các quy định liên quan và rà soát các kiến nghị của bộ, cơ quan trung ương và địa phương để xây dựng dự thảo Nghị định; tổ chức các cuộc họp để xin ý kiến các thành viên Ban soạn thảo; tổ chức các cuộc kỹ thuật Tổ biên tập, họp thảo luận trực tiếp với các địa phương để lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định trước khi xin ý kiến các tổ chức, cá nhân có liên quan và đối tượng chịu sự tác động theo quy định.
Dự thảo Nghị định được kết cấu thành 3 điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 5 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP để làm rõ cơ chế phân bổ, giao kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 5 năm các chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình phương án phân bổ, giao mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 5 năm; Bộ Tài chính tổng hợp phương án phân bổ, giao kế hoạch vốn sự nghiệp giai đoạn 5 năm; Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đầu tư công, kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 5 năm.
Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 6 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP để làm rõ cơ chế giao mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 5 năm và việc ban hành kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại các cấp của địa phương.
Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 7 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP để làm rõ quy trình giao mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đầu tư vốn, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của các chương trình mục tiêu quốc gia. Việc sửa đổi, bổ sung một số khoản tại Điều 7 để phù hợp với thực tiễn công tác tổng hợp, trình phân bổ, giao kế hoạch năm 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 9 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP: Quy định cụ thể cơ chế huy động nguồn vốn ngân sách địa phương của các tỉnh, thành phố nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương và không nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nhằm bổ sung cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai thực hiện. Đồng thời, bổ sung cơ chế sử dụng vốn đầu tư công thực hiện một số chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình thuộc nội dung đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 10 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP để làm rõ nguyên tắc lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và nguyên tắc lồng ghép giữa các chương trình, dự án khác tại địa phương với các chương trình mục tiêu quốc gia để các địa phương ban hành cơ chế lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình tại địa phương.
Dự thảo cũng quy định các nội dung sửa đổi, bổ sung quy định tại các Điều 11, Điều 13, Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 26 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP; Sửa đổi, bổ sung quy định tại các Điều 34, Điều 35, Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP tương ứng với việc sửa đổi các Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 9, Điều 13, Điều 21, Điều 22. Trong đó, bỏ quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải lấy ý kiến các bộ, cơ quan trung ương về danh mục dự án, công trình thực hiện theo cơ chế đặc thù tại khoản 4 Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.
Dự thảo Nghị định bãi bỏ 01 quy định về thủ tục hành chính trong xây dựng, ban hành danh mục dự án đặc thù trong áp dụng cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp. Đồng thời, Dự thảo Nghị định không không có yếu tố gây nên vấn đề bất bình đẳng giới.
Dự thảo Tờ trình nêu rõ, về cơ chế sử dụng vốn đầu tư công hỗ trợ trực tiếp đối tượng chính sách trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, để đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý làm căn cứ để ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ chế sử dụng vốn đầu tư công hỗ trợ trực tiếp đối tượng hộ gia đình dân tộc thiểu số, hộ nghèo sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Về giao kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 5 năm của các chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ báo cáo, xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện giao kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương) giai đoạn 5 năm cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Về thẩm quyền quyết định trình tự, thủ tục lựa chọn các dự án, phương án, mô hình, kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, qua rà soát quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ quy định về kiểm soát thủ tục hành chính, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, phương án, mô hình phát triển sản xuất. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giữ nguyên quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, mô hình phát triển sản xuất theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.
Về hướng dẫn mô hình tổ chức, biên chế, nhiệm vụ bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp tại địa phương, tại Điều 26 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định “Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia các cấp ở địa phương được thành lập, hoạt động theo quyết định của cấp có thẩm quyền, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả và không làm tăng biên chế”. Tuy nhiên, nhiều địa phương kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 26 theo hướng quy định chi tiết cơ cấu tổ chức, bộ phận giúp việc, biên chế của các bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp tại địa phương để các địa phương có cơ sở triển khai thống nhất việc kiện toàn, tổ chức lại bộ máy, biên chế các văn phòng giúp việc các cấp.
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị không bổ sung quy định chi tiết cơ cấu tổ chức, bộ phận giúp việc, biên chế bộ phận giúp việc của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia các cấp. Việc thành lập Ban Chỉ đạo, xác định cơ cấu tổ chức, bộ phận giúp việc thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền tại từng giai đoạn để đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong điều hành.
Việc sửa đổi Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP nhằm mục đích hoàn thiện khung khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, tăng cường thực hiện nguyên tắc phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Dự thảo Nghị định được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin ý kiến các tổ chức, cá nhân./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư