(MPI) - Tại phiên thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm để hoàn thiện dự án Luật. Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
|
Toàn cảnh phiên thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn |
Trước khi tham gia thảo luận, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) và cho biết, quá trình nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật, hầu hết các ý kiến khác nhau đã được trao đổi thống nhất.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan bám sát mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật để hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng rà soát, chỉnh lý phạm vi, đối tượng áp dụng luật, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Luật Đấu thầu với các luật có liên quan. Rà soát quy trình, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế thời gian qua.
Dự thảo Luật sửa đổi quy định về các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu được xây dựng trên cơ sở kế thừa, hoàn thiện quy định đã áp dụng ổn định, tại các Luật được ban hành từ năm 2005, 2013 và phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong những năm qua, việc thực thi Luật Đấu thầu đã có tác động tích cực góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước, nguồn thu hợp pháp của các đơn vị sự nghiệp công lập, vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các nhà cung cấp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển lành mạnh. Mặt khác, hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu tương tự như Việt Nam. Vì vậy, đề nghị không bãi bỏ các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu đã được áp dụng ổn định trong thời gian qua để tránh các xáo trộn không cần thiết.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn |
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cũng nhấn mạnh thêm một số nội dung về chỉ định thầu; lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất; mua thuốc, vật tư y tế; bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu; các hình thức, phương thức, ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư. Đồng thời khẳng định, qua quá trình nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật, hầu hết các ý kiến khác nhau đã được trao đổi thống nhất, có một nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến cụ thể.
Sau khi nghe trình bày báo cáo, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Các ý kiến thảo luận tập trung vào phạm vi, đối tượng áp dụng; việc áp dụng luật đối với doanh nghiệp nhà nước; các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; các trường hợp chỉ định thầu, đấu thầu trước; việc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, trường hợp thực hiện dự án có sử dụng đất, đơn vị sự nghiệp công lập; quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; trách nhiệm của các bên tham gia hoạt động đấu thầu; mua sắm thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế; giải quyết kiến nghị, khiếu nại trong đấu thầu, hủy thầu.
|
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Dương Tấn Quân phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn |
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Dương Tấn Quân đánh giá rất cao cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã nghiên cứu, tiếp thu rất nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cũng như là các chuyên gia qua các hội thảo, hội nghị. Dự thảo luật trình Quốc hội cho ý kiến lần này đã rất hoàn chỉnh và có đủ điều kiện để thông qua, sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu trong thời gian qua. Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, Đại biểu đã góp ý vào một số nội dung tại khoản 1 Điều 61 về điều kiện được xem xét đề nghị trúng thầu đối với nhà thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn mua sắm hàng hóa, xây lắp hỗn hợp; Điểm e quy định "có giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu đã được phê duyệt"; về chào hàng cạnh tranh tại Điều 24.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An Lê Thị Song An cho rằng, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này cơ bản tiếp thu khá đầy đủ các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội và dự thảo luật cũng quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn, nhất là các nội dung về thẩm quyền, trách nhiệm của các bên trong công tác đấu thầu, đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu, tạo niềm tin cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai hoạt động đấu thầu.
Đại biểu cũng nhấn mạnh đến một số quy định của Dự thảo cần phải xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bổ sung vào dự thảo luật quy trình, trình tự, thủ tục đấu thầu đối với các trường hợp cấp bách, bất khả kháng như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh để nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, tổ chức căn cứ thực hiện, tránh trường hợp sau khi thực hiện lại có những cách hiểu khác nhau. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành kịp thời ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, thống nhất giữa các quy định, tránh sự chồng chéo gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình áp dụng.
|
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Trần Khánh Thu phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn |
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Trần Khánh Thu, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) trình tại kỳ họp này đã được cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan tích cực nghiên cứu, tiếp thu cơ bản đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đấu thầu với các luật có liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động đấu thầu trong thời gian qua.
Dự thảo luật đã tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã góp ý tại kỳ họp thứ 4, nhất là các nội dung liên quan đến các quy định về chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt về mua thuốc và vật tư y tế, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Khang Thị Mào nhấn mạnh.
Về đối tượng áp dụng, đại biểu cho rằng, còn ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước tại khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật. Đồng thời bày tỏ tán thành quy định theo phương án 2, theo đó quy định áp dụng Luật Đấu thầu đối với các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước trên 50% vốn điều lệ. Tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp và nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho rằng, phương án 2 là hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp có vốn doanh nghiệp nhà nước trên 50% vốn điều lệ, bởi lẽ việc quyết định như phương án này sẽ giúp việc quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp nhà nước và nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối.
Phương án 1, tuy phát huy được quyền tự chủ, tự quyết định kinh doanh của doanh nghiệp khi các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ cổ phần vốn góp đã được giao cho người đại diện vốn nhà nước nhưng sẽ thu hẹp đáng kể dự án sử dụng vốn nhà nước phải đấu thầu, tạo khoảng trống trong pháp luật trong quản lý vốn nhà nước, dẫn tới toàn bộ các dự án đầu tư của công ty con của tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước,… sẽ không phải đấu thầu theo quy định của điều luật này. Do vậy, Đại biểu đề nghị lựa chọn phương án 2.
|
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn |
Về chỉ định thầu, đại biểu Nguyễn Hữu Chính hoàn toàn nhất trí quy định tại Điều 23 dự thảo nêu các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu, trong đó bổ sung trường hợp gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để cấp cứu người bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đủ số thuốc, hóa chất, thiết bị y tế. Gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ duy nhất có một hãng sản xuất trên thị trường do yêu cầu giải pháp công nghệ, áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp này là giải pháp kịp thời đối với các trường hợp cấp bách, ví dụ như đại dịch Covid vừa qua.
Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 99 điều (Giữ nguyên số chương, tăng thêm 1 điều). Trong đó: bỏ 5 điều và thêm 6 điều, giữ nguyên 21 điều, sửa đổi nội dung 48 điều, chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản 20 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Dự thảo Luật được hoàn thiện theo hướng rà soát, chỉnh lý phạm vi, đối tượng áp dụng luật, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Luật Đấu thầu với các luật có liên quan; Rà soát quy trình, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế thời gian qua; Quy định rõ các hành vi bị cấm, các ưu đãi đối với doanh nghiệp trong nước, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu; Luật hóa những nội dung đã được quy định ở văn bản dưới luật đã thực hiện ổn định; Quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, bên mời thầu, bên dự thầu, góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu thầu./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư