Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 31/01/2013-09:27:00 AM
Báo cáo tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 01 năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2013
Báo cáo của Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 31 tháng 01 năm 2013
I. SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
1. Trồng trọt
Trọng tâm của sản xuất nông nghiệp tháng 01/2013 là tập trung vào gieo cấy, chăm sóc lúa đông xuân và gieo trồng cây vụ đông trên cả nước.
- Cây lúa
Tính đến ngày 15/01/2013, cả nước đã gieo cấy được 1943 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 104,6% cùng kỳ năm trước, bao gồm: các địa phương phía Bắc gieo cấy 59 nghìn ha, bằng 65,6%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1884 nghìn ha, bằng 106,6%, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy 1583,1 nghìn ha, bằng 109,5%.
Tại các địa phương phía Bắc, từ những ngày đầu tháng 01/2013 đến nay liên tiếp chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh kéo dài, trời rét đậm, nhiệt độ ban ngày thường ở mức dưới 15oC, ban đêm dưới 10oC là nguyên nhân chính làm chậm tiến độ gieo trồng lúa cũng như các cây hoa màu khác của vụ Đông Xuân 2013. Đối với diện tích mạ đã gieo, bà con nông dân các tỉnh phía Bắc đang tập trung chăm sóc và phòng chống rét như bao phủ nylon, thắp đèn chiếu sáng, làm ấm cho mạ nên hiện chưa có diện tích mạ bị chết rét.
Tại các địa phương phía Nam, do nước lũ thấp và rút nhanh nên tiến độ gieo cấy lúa đông xuân năm nay nhanh hơn so với năm trước. Hiện nay, lúa Đông xuân chủ yếu vào giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng. Do thời tiết se lạnh về đêm và sáng sớm rất dễ làm phát sinh các loại dịch bệnh trên lúa như rầy nâu, đạo ôn và sâu cuốn lá. Để hạn chế dịch bệnh phát sinh bà con nông dân đã tích cực chăm sóc và phát hiện kịp thời các đối tượng dịch hại, chủ động phòng trị bằng các giải pháp kỹ thuật theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp địa phương nên lúa sinh trưởng và phát triển khá tốt.
- Cây trồng khác
Thời tiết trong tháng 1 năm nay giá lạnh hơn cùng kỳ năm trước, đồng thời các cây hoa màu vụ Đông thu hoạch chậm hơn nên tiến độ sản xuất hoa màu tính đến thời điểm này không khá hơn so với cùng kỳ năm trước. Bà con nông dân tập trung gieo trồng những cây hoa màu có lịch thời vụ ngắn, dễ chăm sóc, nhanh thu hoạch, cho năng suất cao như cây khoai lang, cây rau đậu.
+ Cây ngô: Tổng diện tích gieo trồng được 176,6 nghìn ha, bằng 83,3 % so với năm trước.
+ Cây khoai lang: Tổng diện tích gieo trồng được 58 nghìn ha, bằng 107,7 % so với năm trước.
+ Cây đậu tương: Tổng diện tích gieo trồng được 45,5 nghìn ha, bằng 49,4% so với năm trước.
+ Rau đậu các loại: Tổng diện tích gieo trồng được 289 nghìn ha, bằng 111,6 % so với năm trước.
Đến nay, đa phần diện tích hoa màu vụ Đông đang vào thời kỳ thu hoạch. Dự ước năng suất một số cây trồng vụ đông năm nay đạt thấp so với vụ đông năm trước do ảnh hưởng của cơn bão số 8 làm cho các loại rau màu bị ngập úng dẫn đến thối rễ và chết, những chân ruộng cao được tháo nước kịp thời nhưng do môi trường đất bị nước lớn bão hoà nên cây trồng chậm phát triển. Hiện tại giá rau màu các loại tăng cao, tuy nhiên rau thu hoạch không được nhiều. Ngành Nông nghiệp các tỉnh phía Bắc đang tích cực đôn đốc khẩn trương thu hoạch các cây vụ đông đã đến kỳ cho thu hoạch, trồng quay vòng các cây rau ngắn ngày trên đất màu nhằm tận dụng quỹ đất và tăng thu nhập cho bà con nông dân.
2. Chăn nuôi
Trong tháng, tình hình rét đậm, rét hại kéo dài xảy ra đã gây ảnh hưởng đáng kể đến tình hình chăn nuôi tại một số tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhờ sự chỉ đạo sát sao, có hiệu quả của các cấp các ngành và nhận thức, kinh nghiêm của người dân trong việc phòng tránh đói rét cho gia súc, thiệt hại đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, do cường độ rét đậm và thời gian kéo dài, một số địa phương vẫn có khoảng trên 500 con trâu, bò bị chết, trong đó các tỉnh có số trâu, bò chết nhiều là Bắc Kạn gần 150 con, Cao Bằng hơn 100 con. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trâu, bò bị chết là do tập quán chăn nuôi của đồng bào thả rông gia súc trên rừng, chuồng trại không đảm bảo hoặc do không đủ thức ăn dự trữ kết hợp với nhiệt độ ngoài trời xuống quá thấp đã làm cho trâu, bò già và bê, nghé non chết do sức đề kháng kém và kiệt sức. Ước tính hiện tại số lượng trâu, bò của cả nước giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2012.
Thời gian này chăn nuôi lợn đã dần đi vào ổn định do giá thịt có chiều hướng tăng và dịch lợn tai xanh không xảy ra. Hiện tại, người chăn nuôi lợn đang tập trung đầu tư vỗ béo để chuẩn bị nguồn thịt cung cấp cho thị trường tết Nguyên đán 2013 sắp tới. Ước tính đàn lợn của cả nước giảm khoảng 1-2% so với cùng kỳ năm 2012.
Chăn nuôi gia cầm đang tập trung chuẩn bị nguồn cung cho thị trường tết Nguyên đán 2013 do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng. Giá các sản phẩm thịt, trứng gia cầm có chiều hướng tăng trong thời gian qua, tạo tâm lý tốt cho người chăn nuôi yên tâm phát triển sản xuất. Tuy vậy, rét đậm, rét hại kéo dài cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng, phát triển của đàn gia cầm và có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây bùng phát dịch bệnh trong thời gian tới cho nên bà con nông dân cần chủ động trong công tác phòng chống dịch nhất là dịch cúm gia cầm. Ước tính hiện tại tổng số gia cầm của cả nước giảm khoảng 2-3% so với cùng kỳ năm 2012.
Nói chung, sản xuất chăn nuôi đang diễn biến khá thuận lợi, dịch bệnh cơ bản được khống chế, không xảy ra trên diện rộng, giá sản phẩm chăn nuôi có xu hướng tăng, việc tái đàn thuận lợi. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm thịt và các sản phẩm chăn nuôi.
Tình hình dịch bệnh
Tính đến ngày 21/1/2013, cả nước không còn tỉnh nào có dịch lợn tai xanh, dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.
II. LÂM NGHIỆP
Sản xuất lâm nghiệp trong tháng các địa phương chủ yếu tập trung công tác nghiệm thu, phúc tra, thanh quyết toán các hoạt động lâm sinh năm 2012 như trồng rừng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng, khoán bảo vệ rừng, đồng thời tích cực triển khai chuẩn bị cho sản xuất lâm nghiệp năm 2013 như thiết kế ngoại nghiệp, phát dọn thực bì tại hiện trường trồng rừng; gieo ươm, chăm sóc cây giống chuẩn bị cho Tết trồng cây Xuân Quý Tỵ và trồng rừng tập trung năm 2013. Trong tháng số cây lâm nghiệp phân tán đạt 561,2 nghìn cây, tăng 0,3% so cùng kỳ năm 2012; sản lượng gỗ tròn khai thác 365 nghìn m3, (+8,6% so với tháng 12/2012); sản lượng củi khai thác 2,54 triệu ste, (+3,3%).
Trong kỳ tình hình khô hạn tại nhiều địa phương trong cả nước, một số nơi đã xuất hiện nguy cơ cháy rừng cao; các cấp, các ngành đang tích cực phối hợp tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng. Theo thông tin cảnh báo đến ngày 18/01 của Cục Kiểm lâm trên địa bàn cả nước 14 tỉnh có nguy cơ cháy rừng ở cấp IV và cấp V (nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm), trong đó trọng điểm là các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Tổng hợp tình hình thiệt hại trong kỳ, diện tích rừng bị thiệt hại cho cháy rừng, phá rừng là 20,8 ha, gấp 2,8 lần so cùng kỳ năm 2012; trong đó diện tích rừng bị cháy 9 ha, diện tích rừng bị chặt phá 11,8 ha.
III. THỦY SẢN
Trong tháng, thời tiết lạnh kéo dài ảnh hưởng xấu tới sản xuất thủy sản ở các tỉnh phía Bắc, thời gian này ở khu vực phía Nam hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản khá ổn định. Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng trong tháng ước đạt 376,1 nghìn tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó sản lượng cá đạt 281,7 nghìn tấn tăng 2,1%, sản lượng tômđạt 33,2 nghìn tấn tăng 2,5%, sản lượng thuỷ sản khác đạt 61 nghìn tấn, tăng 9,7%.
Nuôi trồng thuỷ sản
Các hộ nuôi đẩy mạnh chăm sóc và thu hoạch để phục vụ nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở thị trường trong nước dịp Tết. Sản xuất cá tra xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn do giá cá tra nguyên liệu vẫn còn thấp, nhu cầu nhập khẩu tại thị trường châu Âu giảm 20% so với cùng kỳ trong khi các thị trường mới chưa được khai thác. Sản lượng cá tra thu hoạch giảm 9% so với cùng kỳ.
Tình hình nuôi tôm khá ốn định, lịch thả nuôi tôm thẻ chân trắng sớm hơn 1 tháng ở các địa phương phía Nam. Đối với tôm sú thâm canh, các hộ nuôi đang tiến hành nạo vét cải tạo ao nuôi chuẩn bị cho thả vụ mới. Sản lượng tôm nuôi thu hoạch trong tháng tăng chủ yếu tại các vùng nuôi nội địa, quảng canh cải tiến, nuôi kết hợp và tỉa thưa thả bù.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 170,6 nghìn tấn, giảm 0,8%; trong đó sản lượng cá nuôi ước đạt 125 nghìn tấn giảm 3%; sản lượng tôm nuôi ước đạt 23,5 nghìn tấn tăng 2,2%.
Khai thác thuỷ sản
Hiện tại khai thác biển hiện đang vào vụ cá Bắc, sản lượng hải sản khai thác tiêu thụ tốt. Trong tháng do thời tiết biển bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 1, gió bấc thổi mạnh nên các tàu giảm bớt thời gian bám biển so với tháng trước. Tuy nhiên, số lượng tàu và thời gian bám biển nhiều hơn so với cùng kỳ do vào thời kỳ này năm trước ngư dân nghỉ ăn Tết Nguyên đán dẫn tới sản lượng thuỷ sản khai thác tăng khá. Ước tính sản lượng hải sản khai thác (biển) đạt 193,3 nghìn tấn, tăng 7,4% so với cùng kỳ dẫn tới tổng sản lượng thủy sản khai thác trong tháng đạt 205,5 nghìn tấn, tăng 6,9%; trong đó cá 157 nghìn tấn tăng 6,5%, tôm đạt 9,7 nghìn tấn, tăng 3,2%.
IV. QUẢN LÝ GIÁ CẢ, THỊ TRƯỜNG
Trong tháng 01/2012 các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng nhẹ so với tháng trước do nhu cầu của người dân tăng. Giá các sản phẩm chăn nuôi đều tăng, người chăn nuôi đã có lãi, tạo điều kiện để tái đàn, đảm bảo nhu cầu trong nước. Đặc biệt, do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài trong tháng đã đẩy giá một số loại rau xanh tăng mạnh từ 20%-300% tùy từng loại.
Đối với giá trứng gia cầm, trong tháng đã có đợt tăng giá mạnh một phần là do nhu cầu tăng, một phần là ảnh hưởng của việc tăng giá bất hợp lý của một số doanh nghiệp cung cấp. Với sự chỉ đạo quyết liệt của các ngành các cấp, đặc biệt chính quyền các địa phương và các doanh nghiệp phân phối, giá trứng đã được đưa trở lại mức chấp nhận được đối với người tiêu dùng nhưng vẫn đảm bảo người sản xuất có lãi. Việc quản lý, ngăn chặn việc nhập lậu gia cầm và các sản phẩm chăn nuôi đã tiếp tục phát huy hiệu quả và từng bước đi vào nề nếp.
Giá cá tra nguyên liệu vẫn còn thấp: từ 20.000đ – 21.000đ/kg. Mặt khác giá thức ăn tăng 500-1000đ/kg, giá thuốc thú y tăng 15% nên giá thành cao hơn giá bán.
V. HỖ TRỢ SẢN XUẤT VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xâu, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất tín dụng phù hợp với mức giảm lạm phát; có biện pháp đơn giản hóa thủ tục cho vay và tăng tín dụng đối với khu vực nông nghiệp nông thôn; Giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay đối với các doanh nghiệp có nhu cầu vốn vay tín dụng xuất khẩu theo cơ chế vay vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, xem xét gia hạn thời gian vốn vay tối đa từ 12 tháng lên 36 tháng đối với khoản vay vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước cho các nhóm hàng xuất khẩu rau quả, thủy sản.
Ngoài ra, để tăng cường hạ tầng kỹ thuật sản xuất và sinh hoạt tại nông thôn, Chính phủ cũng đã chỉ đạo bổ sung tối đa 10.000 tỷ đồng cho chương trình tín dụng đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở nuôi thủy sản và hạ tầng làng nghề nông thôn ngoài số vốn hàng năm 5.000 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; mở rộng đối tượng cho vay là các công trình bê tông hóa cầu, đường giao thông nông thôn./.

File đính kèm:
BCKT NongnghepT1.13.pdf

Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1510
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)