Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/07/2012-09:59:00 AM
Báo cáo tình hình một số vấn đề nổi lên trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp tháng 7 năm 2012
Báo cáo của Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 24 tháng 7 năm 2012
1. Nông nghiệp
1.1. Trồng trọt
Sản xuất trồng trọt trong tháng 7 tập trung chủ yếu vào công tác làm đất và gieo cấy lúa mùa, chăm sóc và thu hoạch lúa hè thu sớm.
Tính đến 15/7/2012, cả nước đã gieo cấy được 961,3 nghìn ha lúa mùa, bằng 121,9% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy769,2 nghìn ha, nhanh hơn 35,7%; Các địa phương phía Nam gieo cấy được 192,2 nghìn ha, bằng 86,6% cùng kỳ năm 2011.
Song song với việc thu hoạch lúa đông xuân, các địa phương phía Bắc cũng triển khai làm đất và gieo mạ mùa, đảm bảo lúa mùa được gieo cấy đúng lịch thời vụ. Đến trung tuần tháng 7, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng đã gieo cấy được 343,3 nghìn ha lúa mùa, đạt xấp xỉ 60% kế hoạch vụ, tăng 55,7% so cùng kỳ, trong đó một phần diện tích được gieo thẳng để kịp thời vụ. Một số địa phương có tiến độ gieo cấy nhanh là: Bắc Ninh 11,1 nghìn ha, bằng 338 %, trong đó gieo thẳng 1,9 nghìn ha; Hải Dương 52,8 nghìn ha, bằng 230% so cùng kỳ, trong đó gieo thẳng 13,3 nghìn ha; Hải Phòng cấy và gieo sạ 15,7 nghìn ha, bằng 450% so cùng kỳ; Hưng Yênbằng 184%; Các tỉnh Bắc Trung Bộđạt 123,8 nghìn ha, tăng 18% so cùng kỳ. Lúa mùa năm nay cơ bản được gieo trồng đúng thời vụ (năm trước thời vụ gieo cấy lúa mùa chậm do thu hoạch lúa đông xuân muộn); ngoài ra thời tiết nắng ấm, mưa trên diện rộng, tạo điều kiện cho bà con nông dân làm đất và gieo trồng lúa đúng lịch. Hiện tại thời tiết khá thuận lợi cho các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển, cây lúa đang ở thời kỳ hồi xanh - đẻ nhánh. Một bất lợi là thời gian ngừng giữa 2 vụ đông xuân và mùa ngắn nên tiềm ẩn mầm bệnh lây lan. Nét nổi bật trong vụ mùa năm nay là một số tỉnh có kế hoạch, chính sách khuyến khích nhân dân quy hoạch vùng sản xuất lúa lai, lúa hàng hóa chất lượng; kế hoạch xây dựng mô hình thí điểm “Cánh đồng mẫu lớn” nên nhiều địa phương đã mở rộng quy mô, tập trung gieo trồng các giống lúa cho giá trị kinh tế cao.
Cũng đến trung tuần tháng Bảy, cả nước đã gieo cấy được 2 358,3 nghìn ha lúa hè thu và thu đông, bằng 103,5% cùng kỳ năm trước do thời tiết tương đối thuận lợi ở các tỉnh; vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ 1915 nghìn ha, bằng 100,8%, trong đó diện tích lúa thu đông đạt 262,1 nghìn ha, bằng 106,3% so cùng kỳ do chủ động điều tiết nguồn nước tưới tiêu nên bà con nông dân tranh thủ làm đất xuống giống sớm. Đến nay các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được khoảng 600 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 31% diện tích xuống giống; diện tích lúa hè thu còn lại phát triển khá tốt, đang trong giai đoạn làm đòng, chắc hạt đến chín.
Các địa phương tiếp tục đẩy nhanh gieo trồng các loại hoa màu khác trong thời vụ gieo trồng đang cho phép. Tính đến giữa tháng Bảy, cả nước đã gieo trồng được 834,7 nghìn ha ngô, bằng 92,9%; 105,7 nghìn ha khoai lang, bằng 86,5%; 77,3 nghìn ha đậu tương, bằng 54,2%; 182,3 nghìn ha lạc, bằng 90,8%; 680,9 nghìn ha rau, đậu, bằng 103%.
Sâu bệnh, thiên tai: Cuối tháng6 đầu tháng 7, tại một số địa phương phía Bắc, đã có mưa lớn làm hơn 35 nghìn ha lúa và rau màu bị ngập úng, mất trắng 97ha; tại các địa phương phía Nam có 16,3 nghìn ha lúa và rau màu bị hạn, gần 5,5 nghìn ha mất trắng (chủ yếu ở Đắc Lắc). Hiện có khoảng 35 nghìn ha lúa và rau màu bị nhiễm sâu bệnh cần phòng trừ, đã trừ 32 nghìn ha, chủ yếu tập trung ở vùng ĐB SCL (hơn 25 nghìn ha).
1.2. Chăn nuôi
Chăn nuôi trong tháng 7 gặp nhiều khó khăn do giá thịt hơi, giá trứng gia cầm đứng ở mức thấp, ảnh hưởng khả năng tái đàn, đặc biệt bắt đầu chu kỳ chăn nuôi phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm; Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn xảy ra ở một số địa phương và có nguy cơ lây lan rộng do đang ở thời điểm nắng nóng, giao mùa. Tình hình chăn nuôi cụ thể như sau:
Chăn nuôi lợn: mặc dù số tỉnh có dịch lợn tai xanh đã giảm xuống còn 5 tỉnh (tháng trước là 8 tỉnh) nhưng dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp do xuất hiện ở 2 tỉnh có mật độ chăn nuôi rất cao là Đồng Nai và Bình Dương nên nguy cơ dịch lây lan rộng là rất lớn. Trong khi đó, giá bán thấp khiến nhiều hộ không còn chăn nuôi nữa, ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư tái đàn. Ước tính số lượng lợn của cả nước tăng khoảng 1-1,3% so với cùng kỳ năm 2011.
Chăn nuôi gia cầm: So với thời điểm đầu năm 2012, giá thịt gia cầm hiện giảm từ 20-25%, đặc biệt giá trứng gia cầm giảm từ 38-40% làm cho các hộ chăn nuôi phải sản xuất cầm chừng, giảm bớt đàn do thiếu vốn và hiệu quả kinh tế thấp. Dịch cúm gia cầm hiện chỉ xuất hiện ở tỉnh Quảng Bình nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát do thời tiết nắng nóng và thay đổi thất thường. Ước tính đàn gia cầm của cả nước tăng khoảng 5,5-6% so với cùng kỳ năm 2011.
Đàn trâu, bò trong cả nước có xu hướng giảm nhưng không biến động lớn. Đàn bò sữa phát triển tốt do một số doanh nghiệp mở rộng quy mô chăn nuôi và áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, chế biến sản phẩm. Ước tính hiện tại số lượng trâu, bò của cả nước giảm khoảng 5-7% so với cùng kỳ năm 2011.
2. Lâm nghiệp
Trong kỳ để đảm bảo thời vụ các địa phương thuộc Bắc bộ và Trung bộ tập trung đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, các tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ do thời vụ chậm hơn nên đến nay mới đang bắt đầu triển khai trồng rừng. Điều kiện thời tiết trong kỳ nhìn chung thuận lợi do có mưa lớn trên diện rộng. Tuy nhiên, khu vực Trung bộ còn nắng nóng và khô hạn nên có phần ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng.
Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu ước tính tháng 7 như sau: Diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 34,1 nghìn ha, tăng 6,2% so với cùng kỳ; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 16,4 triệu cây, tăng 1,9%; sản lượng gỗ khai thác 380 nghìn m3, tăng 11,1%; củi khai thác 2,35 triệu ste, tăng 2,2%.
Tính chung 7 tháng năm 2012: Diện tích rừng trồng tập trung ước đạt 87,9 nghìn ha, tăng 4,4%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 125,1 triệu cây, tăng 0,8%; sản lượng gỗ khai thác 2.628,8 nghìn m3 (tăng 11,9%); củi khai thác 16,95 triệu ste (tăng 2,7%).
Công tác bảo vệ rừng và tình hình thiệt hại rừng: Do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng và khô hạn ở khu vực Trung bộ nên một số địa phương có nguy cơ cháy rừng cao, đặc biệt các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khánh Hòa, Phú Yên. Mặc dù các cấp, các ngành đã tập trung tăng cường công tác phòng chống cháy rừng nhưng do nắng hạn kéo dài nhiều ngày nên một số nơi đã xảy ra cháy rừng; một số địa bàn vùng sâu thuộc Tây Nguyên và Đông Nam bộ vẫn còn rải rác tình trạng chặt phá rừng trái phép làm nương rẫy. Diện tích rừng bị thiệt hại trong kỳ là 79 ha trong đó: Diện tích rừng bị cháy 48 ha, diện tích rừng bị chặt phá 31 ha. Tính chung 7 tháng đầu năm diện tích rừng thiệt hại là 2,3 nghìn ha, tăng 31%so cùng kỳ năm 2011, trong đó diện tích rừng bị cháy là 1,7 nghìn ha, tăng 94,6%; diện tích rừng bị phá 624 ha, bằng 70% so cùng kỳ.
3. Thủy sản
Sản lượng thủy sản tháng 7 ước đạt 531,3 nghìn tấn, tăng 4,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng cá đạt 379,2 nghìn tấn, tăng 3,4%; sản lượng tôm đạt 101,2 nghìn tấn, tăng 7,3%. Tính chung bảy tháng năm 2012, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 3 180,5 nghìn tấn tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng cá đạt 2 426,2 nghìn tấn, tăng 4,8%; sản lượng tôm đạt 339 nghìn tấn, tăng 6,5%.
3.1. Nuôi trồng thuỷ sản
Trong tháng, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 344,2 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá 232,6 nghìn tấn, tăng 3%; tôm 91,8 nghìn tấn; tăng 8%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng bảy tháng ước tính đạt 1731 nghìn tấn; tăng 6,4%, trong đó sản lượng cá đạt 1342,9 nghìn tấn, tăng 5,9%; sản lượng tôm đạt 261,4 nghìn tấn, tăng 7,4%.
Hiện tại, diện tích cá tra đến kỳ thu hoạch tăng nhanh, trong khi các doanhnghiệp chế biến thiếu vốn thu mua, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ phía ngân hàng. Vì vậy, giá cá tra nguyên liệu tiếp tục giảm mạnh, hiện còn khoảng 18.000đ/kg-19.000đ/kg (giảm gần 10.000 đ/kg so mức giá cao điểm vào tháng 4 năm nay), với mức giá này người nuôi đang lỗ và gặp nhiều khó khăn. Trong tháng, sản lượng cá tra thu hoạch ở một số địa phương trọng điểm như sau: An Giang 20,5 nghìn tấn; Đồng Tháp 25,7 nghìn tấn; Cần Thơ 13 nghìn tấn; Vĩnh Long 4 nghìn tấn; Trà Vinh 1,6 nghìn tấn.
Tôm nuôi đang trong kỳ thu hoạch vụ chính, trong tháng sản lượng tôm nuôi thu hoạch đạt 91,8 nghìn tấn, tăng 8% so cùng kỳ, trong đó: Cà Mau thu hoạch 13 nghìn tấn; Long An 4,9 nghìn tấn; Kiên Giang 3,7 nghìn tấn; Trà Vinh 3,4 nghìn tấn; Bạc Liêu đã thu hoạch 2,3 nghìn tấn; Bến Tre 1,7 nghìn tấn... Đến nay tình hình dịch bệnh trên tôm cơ bản đã được khống chế, tuy nhiên ở một số địa phương trong tháng vẫn phát sinh thêm diện tích nuôi tôm bị dịch bệnh: Tiền Giang 107 ha; Quảng Trị 28 ha,... với các bệnh chủ yếu là đốm trắng và hoại tử gan, tụy.
3.2. Khai thác thuỷ sản
Thời tiết biển thuận lợi chưa có bão lớn lại đang chính vụ khai thác cá Nam nên bà con ngư dân ra khơi bám biển nhiều hơn. Sản lượng thủy sản khai thác tháng Bảy năm 2012 đạt 187,1 nghìn tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó khai thác biển đạt 170,3 nghìn tấn, tăng 4,1%. Tính chung bảy tháng tổng sản lượng khai thác đạt 1 449,5 nghìn tấn, tăng 4%, trong đó cá đạt 1 083,3 nghìn tấn, tăng 3,5%; tôm đạt 77,6 nghìn tấn, tăng 3,9%. Riêng khai thác biển đạt 1 356,2 nghìn tấn; tăng 4,6%. Đến nay, nghề câu cá ngừ đại dương đã hết mùa đánh bắt, sản lượng khai thác đạt khá: Bình Định đạt 5.635 tấn, tăng 49,8%; Phú Yên đạt 6.000 tấn tăng 10,5% so cùng kỳ.
4. Tình hình thiên tai dịch bệnh
Tính đến ngày 20/7/2012, cả nước có 5 tỉnh là: Lạng Sơn, Đồng Nai, Bình Dương, Đăk Lăk và Nghệ An có dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày; còn tỉnh Quảng Bình có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày và không còn tỉnh nào có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày./.

File đính kèm:
BCKTNongnghiep T7.12.pdf

Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1357
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)