Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 12/11/2012-08:53:00 AM
Báo cáo tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 10 và 10 tháng năm 2012
Báo cáo của Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 10 tháng 11 năm 2012.
I. NÔNG NGHIỆP
1. Trồng trọt
Trong tháng 10 năm 2012, tại các địa phương phía Bắc tập trung chủ yếu thu hoạch lúa mùa, tại các địa phương phía Nam thu hoạch lúa hè thu, thu đông và gieo cấy lúa mùa.
Tiến độ sản xuất nông nghiệp cả nước tính đến ngày 15/10/2012 như sau:
Các địa phương phía Bắc đã thu hoạch được 699,1 nghìn ha lúa mùa, chiếm 59% diện tích gieo cấy và bằng 160,9% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng thu hoạch 320,4 nghìn ha chiếm 55,9% diện tích gieo cấy, bằng 170,3% so với năm 2011. Tiến độ thu hoạch lúa Mùa tại các địa phương năm nay nhanh hơn cùng kỳ năm trước do thời tiết thuận lợi, lúa mùa được xuống giống đúng lịch thời vụ. Theo đánh giá sơ bộ của các tỉnh, năng suất lúa mùa miền Bắc tăng nhẹ (0,2 – 0,4 tạ/ha) so cùng kỳ năm 2011.
Các địa phương phía Nam gieo cấy được 720,6 nghìn ha lúa mùa, tăng 44,8% so với cùngkỳ năm 2011. Nguyên nhân chủ yếu do giá lúa đang tăng cao, bà con nông dân mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích gieo trồng.
Cả nước đã thu hoạch được 2212,6 nghìn ha ha lúa hè thu và thu đông, chiếm 83% diện tích gieo trồng và bằng 103,1% so với cùng kỳ năm trước; Vùng đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1887 nghìn ha lúa hè thu và thu đông, trong đó lúa hè thu đã thu hoạch xong, đạt 1655 nghìn ha; năng suất đạt 52,8 tạ/ha, tăng 0,3tạ/ha; sản lượng lúa vùng này đạt 8,97 triệu tấn, tăng 2,5%; lúa thu đông thu hoạch 222 nghìn ha, chiếm trên 43% diện tích xuống giống; một số tỉnh có tiến độ thu hoạch lúa thu đông khá như Vĩnh Long đạt 75%; Đồng Tháp đạt 79%; Cần Thơ đạt 94%; Hậu Giang đạt 63% diện tích xuống giống. Năng suất lúa thu đông đã thu hoạch đạt xấp xỉ cùng kỳ do sâu bệnh còn phát sinh trên diện rộng.
Lúa hè thu chính vụ ở các vùng khác đã cơ bản thu hoạch xong, sơ bộ diện tích, năng suất và sản lượng đều tăng nhẹ ở tất cả các vùng.
Tiến độ gieo trồng một số cây vụ đông như lạc, đỗ tương, rau đậu đạt khá. diện tích gieo trồng đậu tương đạt 39,4 nghìn ha, bằng 153,5%; lạc đạt 5 nghìn ha, bằng 108,9%; rau đậu đạt 80,5 nghìn ha, bằng 134,8%; khoai lang đạt 20,7 nghìn ha, bằng 132,8%; riêng cây ngô đạt 102,5 nghìn ha, bằng 82,5% so với cùng kỳ năm 2011 do không hiệu quả.
2. Chăn nuôi
Chăn nuôi lợn trong tháng 10 vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do giá thịt hơi vẫn ở mức thấp và chưa có dấu hiệu tăng, giá nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao. Ước tính đàn lợn của cả nước giảm khoảng 2-3%% so với cùng kỳ năm 2011. Hiện tại không ít trang trại, doanh nghiệp lớn đang gặp nhiều khó khăn khi cố gắng duy trì đàn, hầu hết các trang trại đều không có ý định tăng đàn. Nếu giá lợn hơi tiếp tục ở mức thấp như hiện tại và tiếp tục kéo dài phần lớn người chăn nuôi sẽ không còn đủ khả năng để tiếp tục nuôi và tái đàn. Bên cạnh đó, một số hệ thống siêu thị lớn và cả chợ truyền thống có bán thịt lợn nhập khẩu thấp hơn giá thịt lợn trong nước cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới người chăn nuôi trong nước.
Chăn nuôi gia cầm hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn do giá bán thấp và tình hình nhập lậu gia cầm vẫn diễn ra. Theo các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian gần đây tình trạng nhập lậu gia cầm vào Việt Nam diễn ra khá phức tạp và có chiều hướng tăng. Lượng gia cầm nhập lậu không chỉ là nguyên nhân gây lây lan, bùng phát dịch bệnh mà còn làm giảm giá gà trong nước, gây ảnh hưởng không nhỏ cho sản xuất, thu nhập của người chăn nuôi. Ước tính đàn gia cầm của cả nước giảm trên 2% so với cùng kỳ năm 2011.
Tình hình dịch bệnh
Tính đến ngày 21/10/2012, cả nước còn tỉnh là Quảng Ngãi có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày; 3 tỉnh có dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày là Đăk Lăk, Quảng Nam và Phú Yên; không còn tỉnh nào có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.
II. LÂM NGHIỆP
Đến nay, các tỉnh phía Bắc đã cơ bản hoàn thành kế hoạch trồng rừng tập trung năm 2012; các tỉnh Trung bộ và Nam bộ đang thực hiện trồng rừng chính vụ, việc trồng rừng có nhiều thuận lợi do thời tiết mưa nhiều. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu lâm nghiệp chủ yếu ước tính tháng 10/2012 đạt được như sau: Diện tích rừng trồng tập trung ước đạt 18,1 nghìn ha; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 6,9 triệu cây (+1,5%); sản lượng gỗ khai thác 509 nghìn m3 (+9,5%); sản lượng củi khai thác 2,9 triệu ste (+1,8%).
Tính chung 10 tháng đầu năm 2012: Diện tích rừng trồng tập trung ước đạt 141,6 nghìn ha, giảm 5,6% so cùng kỳ năm 2011; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 171 triệu cây (+0,3%); sản lượng gỗ các loại khai thác 3 927,5 nghìn m3, (+11,2%); sản lượng củi khai thác 24,9 triệu ste (+2,3%).
Nhìn chung đến thời điểm này tại hầu khắp các vùng miền trong cả nước tình trạng khô hạn đã chấm dứt, nguy cơ cháy rừng tại nhiều địa phương trong thời gian qua nay đã giảm nhiều, hiện nay theo cảnh báo của Cục Kiểm lâm chỉ còn một số khu vực thuộc các tỉnh Bắc Giang, Lai Châu, Phú Thọ là còn nguy cơ cháy rừng ở cấp nguy hiểm trở lên. Tổng hợp tình hình thiệt hại rừng trong kỳ: Diện tích rừng bị thiệt hại (do cháy rừng, phá rừng) là 171 ha, trong đó diện tích rừng bị cháy 22 ha; diện tích rừng bị chặt phá 149 ha, diện tích bị phá chủ yếu thuộc khu vực Tây Nguyên, trong đó riêng Đăk Lăk 135 ha. Tính chung 10 tháng đầu năm diện tích rừng thiệt hại 3 183 ha (diện tích bị cháy 2 088 ha, diện tích bị phá 1 095 ha)
III. THỦY SẢN
Sản lượng thủy sản tháng 10/2012 ước tính đạt 499,3 nghìn tấn, tăng 2,1% so cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 373,4 nghìn tấn, tăng 3,1%; tôm đạt 56,4 nghìn tấn, giảm 8.9%. Tính chung 10 tháng năm 2012, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản ước tính đạt 4.700,4 nghìn tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 2.514,9 nghìn tấn, tăng 4,8%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2.185,5 nghìn tấn, tăng 4%, trong đó khai thác biển ước đạt 2.020,4 nghìn tấn, tăng 4,5%.
1. Khai thác thủy sản
Trong tháng, khai thác thủy sản, đặc biệt là đánh bắt xa bờ gặp nhiều khó khăn do thời tiết đang vào mùa động, biển có mưa sớm, gió nghịch và chịu ảnh hưởng của cơn bão số 7 nên việc ra khơi đánh bắt không thuận lợi, nhiều chủ tàu đánh cá khu vực miền Trung tranh thủ thời điểm này để sửa chữa bảo trì tàu thuyền. Việc tập trung sửa chữa, bảo trì tàu cá đồng loạt dẫn đến tình trạng thiếu vốn cục bộ tại một số địa phương do chi phí sửa chữa tàu thuyền khá lớn (khoảng 150 triệu đồng/tàu bảo trì và sửa chữa nhỏ). Sản lượng khai thác tháng 10/2012 ước đạt 228,2 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng khai thác biển đạt 207,5 nghìn tấn, tăng 5%.
2. Nuôi trồng thuỷ sản
Sản lượng nuôi trồng tháng 10/2012 ước tính 271,1 nghìn tấn, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 211,1 nghìn tấn, tăng 2%; tôm đạt 40,9 nghìn tấn, giảm 13%.
Sản xuất cá tra gặp nhiều khó khăn do giá bán cá nguyên liệu giảm thấp, chi phí đầu vào tăng cao nên diện tích nuôi trồng bị thu hẹp. Tổng diện tích nuôi cá tra công nghiệp tới trung tuần tháng 9 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 5200 ha giảm 13% so với cùng kỳ (An giang927 ha, giảm18%; Vĩnh Long 507 ha, giảm 4%; Trà Vinh 90 ha, giảm 35%; Sóc Trăng 125ha, giảm 25,6%).Hiện nay Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng cho ngành hàng cá tra và lãi suất ngân hàng đã giảm xuống ở mức trên dưới 11% năm nhưng người nuôi vần chưa mạnh dạn tái đầu tư sản xuất.
Nuôi tôm cũng đang gặp phải khó khăn do dịch bệnh lan rộng và có chiều hướng xấu đi, làm ảnh hưởng tới sản lượng thu hoạch, đặc biệt là tôm sú. Tính đến 15/10 diện tích tôm nuôi thiệt hại tại Sóc trăng là 22.705 ha, chiếm 53% tổng diện tích thả nuôi của tỉnh, trong đó tôm sú thiệt hại 21.483 ha; Trà Vinh thiệt hại 12.110 ha tôm sú, chiếm 40,6%; Long an thiệt hại 2.416,5 ha chiếm 42,4%, trong đó diện tích tôm sú thiệt hại 563,5 ha....
IV. PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO VÀ GIẢM NHẸ THIÊN TAI, HỖ TRỢ SẢN XUẤT VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Tình hình thiên tai nước ta trong những năm gần đây và năm 2012 diễn biến phức tạp, gây nhiều tổn thất về tài sản, tính mạng của nhân dân. Ngay từ đầu năm, công tác duy tu, bảo dưỡng đê điều đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt để chủ động ứng phó với thiên tai. Công tác duy tu bảo dưỡng đê điều được tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành các hạng mục duy tu; đến nay hầu hết các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện được trên 100% khối lượng công việc. Để phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1458/QĐ-TTg ngày 4/10/2012 bổ sung 400 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương thực hiện các dự án tái định cư, di dân khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất đến các khu vực an toàn trước mùa mưa lũ.
Về hỗ trợ sản xuất và phát triển nông thôn: Tiếp tục thúc đẩy ngành trồng trọt, chỉ đạo sản xuất thực hiện thắng lợi vụ mùa, đẩy mạnh áp dụng VietGAP trong sản xuất rau an toàn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng, giá cả vật tư đầu vào như thuộc BVTV, phân bón, chất lượng rau trên thị trường, chủ động khắc phục khó khăn của mưa bão, ngập úng, nắng hạn. Các cơ quan BVTV trong cả nước tăng cường công tác kiểm tra dự báo sâu bệnh, kịp thời dập dịch; Tháo gỡ các khó khăn trong chăn nuôi lợn và gia cầm, kiểm soát chặt chẽ gia cầm nhập lậu, giãn nợ đối với doanh nghiệp gặp khó khăn, kiểm soát giá cả thức ăn chăn nuôi, tích cực phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm và phòng chống rét vào mùa đông.
Những năm gần đây, cuộc mưu sinh của ngư dân trên biển thường xuyên phải đối mặt với những rủi ro, bất trắc do thiên tai, nhân tai gây ra. Đặc biệt, trên vùng biển truyền thống là Hoàng Sa và Trường Sa, ngư dân thường xuyên bị Trung Quốc bắt người, thu tàu, phá hoại lưới... ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khai thác bình thường của bà con ngư dân. Ngoài các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 18/3/2008 Thủ tướng chính phủ về việc Ban hành một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân; chính sách khuyến khích đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ hiện đại trong và sau thu hoạch (Quyết định 63/2010/QĐ-TTg), nhân dân cả nước tiếp tục thể hiện tinh thần đoàn kết, sẻ chia với ngư dân, những người ngày đêm bám biển, bám ngư trường truyền thống để mưu sinh và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ. Đến nay, Chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa - Trường Sa” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động đã huy động được hơn 30 tỷ đồng. Ngày 20/10/2012, Chương trình đã trao tặng tàu cá, tiền, thiết bị trạm bờ, bảo hiểm tàu cá... cho ngư dân gặp khó khăn do bị mất tàu; bị thiên tai, địch họa khi tham gia đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa ở 7 địa phương: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận. Tổng cộng, mức hỗ trợ cho ngư dân trong đợt này lên tới 13 tỉ đồng.
V. QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG, GIÁ CẢ NÔNG SẢN VÀ VẬT TƯ NÔNG SẢN
Trong tháng 10/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đãtổ chức họp với các tỉnh có đường biên giới để bàn giải pháp chống nhập lậu gia súc, gia cầm; kiểm tra tình hình nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên tình trạng nhập lậu gia cầm vào Việt Nam diễn ra khá phức tạp và có chiều hướng tăng. Lượng gia cầm nhập lậu không chỉ là nguyên nhân gây lây lan, bùng phát dịch bệnh mà còn làm giảm giá gà trong nước, gây ảnh hưởng không nhỏ cho sản xuất, thu nhập của người chăn nuôi và sức khỏe người tiêu dùng.
Trong tháng 10, giá lương thực giảm nhẹ so với tháng trước; giá thịt hơi vẫn ở mức thấp và chưa có dấu hiệu tăng; giá rau củ quả giữa tháng có đợt tăng đột biến, đặc biệt ở các thành phố lớn với mức tăng từ 50-100% do ảnh hưởng của những mưa to kéo dài, khiến rau xanh bị hư hỏng nặng, nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu; giá nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao.
Giá cá tra nguyên liệu vẫn ở mức thấp khoảng 19.500 – 20.500 đồng/kg .Với mức giá này, nông dân nuôi cá tra thua lỗ từ 2.000 - 5.000 đồng/kg. Giá tôm sú tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khoảng 220.000 đồng/kg (loại 20 con/kg)./.

File đính kèm:
BCKTNongnghiep T10.12.pdf

Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1427
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)