Báo cáo của Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 26 tháng 9 năm 2012
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2012 gặp một số khó khăn: rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh phía Bắc ảnh hưởng đến thời vụ gieo cấy và năng suất một số cây trồng chính, giá các nguyên vật liệu dùng cho sản xuất tăng, giá bán sản phẩm chăn nuôi, thủy sản giảm mạnh vào quý III,... Bên cạnh đó, sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản cũng có những thuận lợi cơ bản: dịch bệnh phát sinh nhưng không lan rộng như các năm trước, thị trường xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản ổn định, thời tiết thuận lợi cho khai thác và nuôi trồng thủy sản...Vì vậy, kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2012 tăng so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2010 (theo giá cố định 1994) ước đạt 173.722,14 tỷ đồng, tăng 3,69% so cùng kỳ năm trước; trong đó nông nghiệp đạt 120.337,14 tỷ đồng tăng 2,94%, lâm nghiệp đạt 5.910 tỷ đồng tăng 6,24% và thuỷ sản đạt 47.475 tỷ đồng tăng 5,31%. Kết quả sản xuất từng ngành khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản như sau:
I. NÔNG NGHIỆP
1. Trồng trọt
Lúa mùa: Tính đến trung tuần tháng 9/2012, cả nước đã gieo cấy được 1.716,8 nghìn ha lúa mùa, bằng 100,6% cùng kỳ năm trước. Các địa phương phía Bắc đã kết thúc gieo cấy lúa mùa với 1.184,6 nghìn ha, bằng 99,4%; các địa phương phía Nam đạt 532,3 nghìn ha, tăng 3,6%.
Diện tích gieo cấy lúa mùa của các địa phương phía Bắc giảm nhẹ ở hầu hết các địa phương do thời vụ thu hoạch lúa đông xuân chậm: ĐBSH giảm 0,9% (-4,9 nghìn ha), Bắc Trung bộ giảm 3,8% (-7 nghìn ha). Do ảnh hưởng của hoàn lưu Bão số 5 (giữa tháng 8) và đợt mưa lớn đầu tháng 9 gây mưa lớn kèm bão lốc đã làm ngập úng và vùi lấp nhiều diện tích lúa (Thanh Hóa có 19 nghìn ha, trong đó 10,6 nghìn ha có khả năng mất trắng; Nghệ an có 20,8 nghìn halúa bị ngập úng, trong đó diện tích bị ngập nặng khoảng 11,7 nghìn ha; Hà Tĩnh ngập 3,9 nghìn ha, trong đó mất trắng 672 ha). Hiện nay hầu hết các diện tích đã được phục hồi nhưng khả năng sẽ ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch. Nếu từ nay đến cuối vụ không bị ảnh hưởng của sâu bệnh và thời tiết thì năng suất lúa mùa miền Bắc ước tăng nhẹ (0,2 – 0,4 tạ/ha); sản lượng đạt khoảng 5,7 triệu tấn, đạt xấp xỉ so với vụ mùa năm trước.
Do thời tiết không thuận lợi nên diện tích lúa mùa một số tỉnh miền Nam giảm nhẹ (Quảng Ngãi giảm khoảng 1 nghìn ha, Bình Định giảm 1,4 nghìn ha, Tây Ninh giảm 0,7 nghìn ha.)
Sản lượng lúa mùa cả nước ước đạt 9,32; tăng 10 vạn tấn chủ yếu do tăng diện tích và sản lượng lúa mùa các tỉnh ĐBSCL (diện tích tăng 12,9 nghìn ha, sản lượng tăng 13 vạn tấn).
Lúa hè thu và thu đông:
Tính đến 15/9/2012, các địa phương phía Nam đã thu hoạch 1.696,9 nghìn ha lúa hè thu và thu đông, bằng 101,6% cùng kỳ năm trước và chiếm 84,4% diện tích gieo trồng, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1.582,6 nghìn ha, bằng 99,2% cùng kỳ năm trước và bằng 72% diện tích xuống giống. Vụ lúa hè thu và thu đông năm nay gặp khó khăn do thời tiết tương đối phức tạp, mưa bão thường xuyên xuất hiện, nhiều diện tích gần đến ngày thu hoạch, gặp mưa gây đổ ngã, sâu bệnh tăng cao và phát sinh trên diện rộng. Năng suất lúa hè thu và thu đông cả nước ước đạt 52 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha; sản lượng ước đạt 13,78 triệu tấn, trong đó lúa hè thu chính vụ đã thu hoạch xong, đạt 11,25 triệu tấn, tăng 26,1 vạn tấn; lúa thu đông vùng ĐBSCL đang bước vào thu hoạch, ước đạt 2,53 triệu tấn, tăng 12,23 vạn tấn do diện tích tăng 61 nghìn ha ở cả 2 vụ (hè thu chính vụ tăng 37,3 nghìn ha và thu đông tăng 23,7 nghìn ha).
Cây hàng năm khác:
So với cùng kỳ năm 2011, 9 tháng đầu năm diện tích gieo trồng cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày giảm nhẹ. Đến 15/9/2012, cả nước đã gieo trồng được 972,7 nghìn ha ngô, bằng 98,2%; khoai lang 130,5 nghìn ha, bằng 98,1%; lạc 208,1 nghìn ha , bằng 96,7%; đậu tương 115,8 nghìn ha, bằng 65,1%. Riêng diện tích gieo trồng rau đậu tăng 4% do nhu cầu tăng, người tiêu dùng đã có xu hướng sử dụng rau sản xuất trong nước do lo ngại vấn đề an toàn thực phẩm từ sản phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc.
Cây lâu năm:
Sản lượng một số cây lâu năm vẫn tiếp tục tăng do nhiều diện tích đã bắt đầu cho sản phẩm. Ước tính sản lượng chè cả năm đạt 897,5 nghìn tấn, tăng 2,1%; sản lượng cà phê ước đạt 1.291 nghìn tấn, tăng 1,1%; sản lượng cao su ước đạt 858 nghìn tấn, tăng 8,7%; sản lượng hồ tiêu ước đạt 112,7 nghìn tấn, tăng 0,6%; sản lượng điều ước đạt 317,5 nghìn tấn, tăng 2,7%; sản lượng dừa ước đạt 1237 nghìn tấn, tăng 3%. Sản lượng một số cây ăn quả đạt xấp xỉ cùng kỳ hoặc thấp hơn do nhiều diện tích đang được cải tạo, chuyển đổi (xoài, nhãn, vải) và thời tiết không thuận lợi. Ước tính sản lượng cam, quýt bằng 102%; sản lượng xoài bằng 91,3%; sản lượng dứa bằng 106,3%; sản lượng chuối bằng 98%; sản lượng nhãn bằng 91%; sản lượng vải bằng 80%.
Tình hình bảo vệ thực vật:
Tính đến ngày 18/9/2012, cả nước có 8 tỉnh là Hà Tĩnh, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Hòa Bình, Tuyên Quang và Thanh Hóa có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày; 4 tỉnh có dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày là Đăk Lăk, Cao Bằng, Bắc Kạn và Cần Thơ; không còn tỉnh nào có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.
Thời tiết tháng 9 có mưa nhiều, ngày nắng cũng là tác nhân cho sâu bệnh phát triển, nhất là bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, chuột... Cơ quan bảo vệ thực vật và các địa phương đã tích cực phòng tránh, xử lý các vùng dịch, không để phát sinh diện rộng.
Sâu cuốn lá nhỏ: Tổng diện tích nhiễm trên 257 ngàn ha, trong đó nhiễm nặng hơn 134,5ha; Rầy các loại: Tổng diện tích nhiễm trên 41,3 ngàn ha, trongđó nhiễm nặng khoảng 100 ha, chủ yếu ở các tỉnh Bắc Bộ; Bệnh lùn sọc đen: Diện tích nhiễm khoảng 447 ha, tập trung tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Các bệnh khác cũng phát sinh nhưng với diện hẹp và mức độ thấp hơn năm trước: Bệnh khô vằn 180 ngàn ha, đạo ôn 21 ngàn ha …
Các đối tượng dịch hại khác như: bọ trĩ, sâu phao; sâu keo; tuyến trùng hại rễ,chuột, ốc bươu vàng ...cũng phát sinh rải rác, gây hại nhẹ.
2. Chăn nuôi
Chăn nuôi trong cả nước 9 tháng đầu năm 2012 diễn biến khá phức tạp: chăn nuôi 6 tháng đầu năm phát triển khá nhưng trong quý III chăn nuôi có xu hướng giảm so với cùng kỳ do gặp rất nhiều khó khăn: giá thức ăn và các chi phí khác cho chăn nuôi vẫn ở mức cao trong khi giá các sản phẩm chăn nuôi ở mức thấp; dịch bệnh trên đàn vật nuôi tuy không bùng phát thành dịch lớn nhưng vẫn thường xuyên xảy ra tại một số địa phương, nhất là dịch cúm gia cầm và dịch lợn tai xanh; bên cạnh đó trong những tháng đầu năm do thông tin có hiện tượng sử dụng chất cấm tạo nạc trong chăn nuôi lợn .... gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất của ngành chăn nuôi, đặc biệt là việc tăng đàn.
Đàn trâu, bò có xu hướng giảm nhưng không biến động lớn. Đàn bò sữa phát triển tốt do một số doanh nghiệp mở rộng quy mô và áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, chế biến sản phẩm. Ước tính số lượng trâu của cả nước đến 15 tháng 9 năm 2012 giảm khoảng 5%; số lượng bò giảm khoảng 6,5% so với cùng kỳ năm 2011. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2011; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tăng khoảng 1,5% so với cùng kỳ năm 2011.
Ước tính đàn lợn của cả nước đến 15/9/2012 chỉ đạt xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2011; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng khoảng 2,6% so với cùng kỳ năm 2011. Đáng chú ý là sản lượng thịt lợn 9 tháng đầu năm tăng chủ yếu do số lượng lợn xuất chuồng tăng cao trong khoảng thời gian 6 tháng đầu năm 2012, những tháng gần đây sản lượng thịt lợn giảm do giá bán sản phẩm giảm nhiều, người chăn nuôi thua lỗ, không đầu tư tái đàn. Điều này dễ dẫn đến việc khan hiếm thực phẩm trong những tháng cuối năm.
Tổng số gia cầm của cả nước đến 15/9/2012 ước đạt tương đương so với cùng kỳ năm 2011; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2011. Tương tự như chăn nuôi lợn, sản lượng thịt gia cầm tăng chủ yếu do số lượng gia cầm xuất chuồng tăng trong khoảng thời gian 6 tháng đầu năm 2012 còn những tháng gần đây sản lượng thịt gia cầm giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước do giá bán thấp, hiệu quả chăn nuôi thấp.
II. LÂM NGHIỆP
Sản xuất lâm nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2012 bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi do rét đậm, rét hại ở những tháng đầu năm kéo dài, sau đó là khô hạn tại hầu khắp các địa phương. Sang quý III miền Bắc đã có mưa, thuận lợi cho sản xuất nhưng ở khu vực Trung và Nam bộ khô hạn vẫn còn tiếp diễn nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất lâm nghiệp đặc biệt công tác lâm sinh, tiến độ trồng rừng đạt thấp, cây trồng phát triển chậm, nguy cơ cháy rừng cao… Bên cạnh đó, do khó khăn về kinh phí nên tại một số địa phương việc triển khai các dự án trồng rừng chậm cũng làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất. Tình hình khai thác các loại lâm sản chủ yếu nhìn chung vẫn tăng khá do diện tích rừng sản xuất đã được quy hoạch ổn định và đầu tư hợp lý, sản phẩm đầu ra có thị trưởng tiêu thụ ổn định cả trong nước và xuất khẩu.
Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu ước tính 9 tháng đầu năm đạt được như sau: Diện tích rừng trồng tập trung ước đạt 123,5 nghìn ha, bằng 95,2% so cùng kỳ 2011; cây lâm nghiệp trồng phân tán 164,1 triệu cây (+0,3%); diện tích rừng trồng được chăm sóc 411 nghìn ha (+1,3%); diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh 932 nghìn ha, tương đương so cùng kỳ năm 2011; diện tích rừng được bảo vệ 2 302 nghìn ha (-2%); sản lượng gỗ khai thác 3 418,5 nghìn ha (+11,5%).
Công tác phòng chống cháy rừng, thiệt hại rừng: Do thời tiết nắng nóng, khô hạn gay gắt trong thời gian dài nên một số địa phương đã xảy ra cháy rừng, trọng điểm là các tỉnh thuộc khu vực Trung du miền núi phía bắc, Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung. Một số địa phương vẫn còn rải rác tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy trái phép. Sơ bộ diện tích rừng thiệt hại 9 tháng đầu năm là 3.011,7 ha, tăng 50,8% so cùng kỳ 2011, trong đó diện tích rừng bị cháy 2 065,4 ha, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ; diện tích rừng bị phá 946,3 ha (-6,7%), chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên.
III. THỦY SẢN
Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, người dân phát triển sản xuất theo hướng tập trung sản xuất các mặt hàng cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, giá cá tra nguyên liệu bấp bênh và tình hình dịch bệnh lan rộng trên tôm nuôi trong những tháng gần đây phần nào ảnh hưởng tới kết quả sản xuấtthủy sản trong 9 tháng đầu năm. Sản lượng thuỷ sản sản xuẩt ước đạt 4337 nghìn tấn, tăng 5,6%, trong đó cá đạt 3226 nghìn tấn, tăng 5,2%; tôm đạt 509 nghìn tấn, tăng 4,4%.
1. Khai thác thủy sản
Trong tháng, khai thác thủy sản, đặc biệt là đánh bắt xa bờ gặp nhiều khó khăn do thời tiết đang vào mùa động, biển có mưa sớm và gió nghịch nên việc ra khơi đánh bắt gặp nhiều rủi ro và năng suất khai thác thấp. Mặt khác, giá dầu tăng mạnh, giá cá ngừ đại dương có xu hướng khiến lợi nhuận giảm mạnh. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng đầu năm thời tiết biển tương đối thuận lợi, mưa bão không nhiều so với cùng kỳ năm trước. Việc hỗ trợ đánh bắt xa bờ luôn được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện cho bà con bám biển, khai thác nguồn lợi thủy sản, phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Hiệu quả khai thác được nâng cao do chính sách hỗ trợ khuyến khích đóng mới và cải hoán tàu thuyền công suất cao của Nhà nước. Mô hình tổ chức khai thác theo kiểu tổ đội kết hợp tiết kiệm được chi phí đang được các địa phương khuyến khích nhân rộng đảm bảo cho ngành khai thác hải sản tiếp tục phát triển. Các thuyền nghề tập trung vào khai thác có chọn lọc các loài thủy sản có giá trị kinh tế, đảm bảo duy trì nguồn lợi hải sản. Sản lượng cá ngừ đại dương khai thác được khá: Phú Yên 5.160 tấn, tăng 13,8%; Bình Định 6.785 tấn, tăng 52,6%. Sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 2.009 nghìn tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khai thác biển đạt 1.869 nghìn tấn, tăng 5,3%.
2. Nuôi trồng thuỷ sản
Sản xuất cá tra 9 tháng đầu năm diễn biến phức tạp: Trong 3 tháng đầu năm, tình hình tiêu thụ cá tra tương đối tốt, giá cá tra ở mức khá cao, dao động từ 26.500-27.500 đồng/kg, đa số các hộ nuôi đều có lãi. Nhưng từ trung tuần tháng 3 trở lại đây, giá cá tra giảm, trong khi giá cả các yếu tố đầu vào như: thuốc, thức ăn, nhiên liệu v.v... tăng. Với mức giá khoảng 21.000đ/kg như hiện nay người nuôi đang lỗ từ 1-2 ngàn đ/kg. Cả người nuôi và các doanh nghiệp thu mua chế biến hiện nay đều gặp nhiều khó khăn. Trở ngại lớn nhất vẫn là thiếu vốn sản xuất. Thêm vào đó những thông tin xấu về sự phá sản của một vài công ty xuất khẩu cá tra đã khiến ngân hàng càng thắt chặt tín dụng đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản. Điều đó làm hàng loạt công ty gặp khó khăn trong việc xoay vòng vốn để tiếp tục duy trì sản xuất.
Tuy nhiên, sản lượng cá tra cả nước vẫn tăng so với cùng kỳ, ước đạt 865 ngàn tấn, tăng 4,2%. Nguyên nhân chủ yếu do ở nhiều địa phương người nuôi mở rộng diện tích nuôi từ đầu năm khi giá cá đang ở mức cao. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến nay diện tích nuôi cá tra đã bị thu hẹp: Tổng diện tích nuôi cá tra công nghiệp hiện nay tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 5.200 ha giảm 13% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu tôm nuôi phát triển tốt, sản lượng thu hoạch tăng khá (+7,8%) nhưng thời gian gần đây, dịch bệnh đốm trắng, hoại tử gan - tụy lan rộng trên các diện tích nuôi tôm gần tới kỳ thu hoạch làm cho sản lượng tôm nuôi tại một số địa phương giảm, làm sản lượng tôm nuôi quý III giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tôm nuôi 9 thángước chỉ tăng 4,5% - thấp hơn rất nhiều so với mức tăng của 6 tháng đầu năm (7,8%).
Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 2328 nghìn tấn, tăng 6,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng cá đạt 1731 nghìn tấn, tăng 6,9%; sản lượng tôm đạt 390 nghìn tấn, tăng 4,5%.
Dự báo trong các tháng cuối năm, sản lượng cá tra và tôm nuôi sẽ có xu hướng giảm.
IV. QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG, GIÁ CẢ NÔNG SẢN VÀ VẬT TƯ NÔNG SẢN
Quản lý thị trường vẫn còn yếu kém, tình trạng nhập lậu sản phẩm chăn nuôi (như gia súc, gia cầm sống, các sản phẩm giết mổ…) qua các tỉnh biên giới phía Bắc vẫn diễn ra phức tạp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, dễ phát sinh dịch bệnh, gây khó khăn cho ngành chăn nuôi trong nước. Từ 30/9/2012, Bộ Công Thương đã yêu cầu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng tiêu dùng đã qua sử dụng (kể cả trường hợp đã có giấy phép) và các mặt hàng thực phẩm đông lạnh là phủ tạng, phụ phẩm gia súc; phủ tạng, phụ phẩm gia cầm nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn các mặt hang trên.
Tháng 9, giá lương thực ổn định, giá một số sản phẩm chăn nuôi tiếp tục có xu hướng giảm nhẹ, giá thu mua thủy sản có xu hướng phục hồi.
Giá một số thực phẩm trong tháng ít có biến động. Giá thịt lợn hơi xuất chuồng dao động trong khoảng từ 35.500 - 41.000 đồng/kg. Gà công nghiệp khoảng 23.500 – 28.500 đồng/kg.
Giá cá tra nguyên liệu sau khi đạt mức 23.000 đồng/kg đã có xu hướng giảm trở lại Giá cá tra ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã giảm còn 19.500 - 19.700 đồng/kg (loại trên 1kg/con) và 20.000 - 22.000 đồng/kg (dưới 1kg/con).Với mức giá này, nông dân nuôi cá tra thua lỗ từ 2.000 - 5.000 đồng/kg.
Tính đến 22/9, giá tôm sú các loại đều tăng, cao nhất 210.000 đồng/kg (loại 20 con/kg), tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với hồi trung tuần tháng 7.
Do giá nguyên liệu đầu vào tăng nên khoảng đầu tháng 10 giá thức ăn chăn nuôi của các doanh nghiệp sẽ vào đợt tăng giá mới. Mức tăng trung bình khoảng 200 đồng/kg. Dự báo trong 12 tháng tới (từ nay đến tháng 9-2013) giá thức ăn chăn nuôi sẽ ở mức cao và khả năng giảm giá bán là khó xảy ra.
Giá muối trên cả nước vẫn giữ ở mức hợp lý và tăng nhẹ đã góp phần giảm bớt những khó khăn trong sản xuất và đời sống của diêm dân. Giá muối giao động từ 1.200-2.000 đồng/kg./.
File đính kèm: BCKTNongnghiepT9.12.pdf
Vụ Kinh tế Nông nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư