Báo cáo số 9654/BC-BKHĐT ngày 29 tháng 11 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2013 (Tài liệu phục vụ họp báo của Chính phủ ngày 02/12/2013)
1. Về mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
- Lạm phát được kiềm chế, chỉ số giá tăng thấp: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), so với tháng trước, có xu hướng giảm hoặc tăng không đáng kể từ tháng 3/2013 đến tháng 7/2013, dao động trong khoảng từ âm (-) 0,19% đến tăng 0,27%; tăng trở lại lần lượt ở mức 0,83% và 1,06% trong tháng 8 và tháng 9, nhưng đã giảm xuống 0,49% trong tháng 10 và 0,34% trong tháng 11.
So với tháng 12/2012, CPI tháng 11/2013 tăng 5,5%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 3 năm trước[1]. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 11/2013 tăng 5,78%, là mức tăng rất thấp trong vòng 10 năm qua[2]; bình quân 11 tháng tăng 6,65%.
Chỉ số giá tháng 11, so với tháng trước, tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng 0,62% (trong đó: lương thực tăng 1,29%; thực phẩm tăng 0,56%) chủ yếu do nhu cầu tăng trong khi nguồn cung bị ảnh hưởng của mưa, bão, lũ lụt; tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, tăng 0,41% do nhu cầu xây dựng, sữa chữa nhà cửa dịp cuối năm của người dân tăng; mua sắm chuẩn bị cho mùa đông cũng làm chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,35%. Các nhóm hàng khác có CPI dao động nhẹ trong khoảng 0,07-0,28%. Hai nhóm có CPI giảm là: giao thông giảm 0,34% và bưu chính viễn thông giảm 0,02%.
Một số yếu tố góp phần hạn chế tốc độ tăng CPI trong tháng 11 là: giá xăng dầu được điều chỉnh giảm liên tiếp trong tháng 10 và tháng 11; nguồn cung hàng hóa cơ bản được đảm bảo trong khi cầu tiêu dùng vẫn còn yếu.
-Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá cao: tính chung11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩuước đạt trên 121 tỷ USD, tăng 16,2%so với cùng kỳ năm 2012; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 121,12 tỷ USD, tăng 16,5%; nhập siêukhoảng 96triệu USD, bằng 0,08% tổng kim ngạch xuất khẩu.
- Về thu - chi ngân sách nhà nước: lũy kếđến 15/11/2013,tổng thu NSNN ước đạt 657,55 nghìn tỷ đồng, đạt 80,6% dự toán năm, cao hơn cùng kỳ năm 2012 (đạt 80,1%); tổng chi NSNNước đạt 803,06 nghìn tỷ đồng, đạt82,1% dự toán năm; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 146,15 nghìn tỷ đồng, đạt 83,5%.
- Về đầu tư phát triển: vốn FDI đăng ký và thực hiện tăng mạnh so cùng kỳ, giải ngân vốn ODA tiếp tục đạt khá
Tính chung 11 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiệnước đạt 10,55 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2012; vốn đăng ký ước đạt gần 20,82 tỷ USD, tăng 54,2%; giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi ước đạt 4.043 triệu USD, tăng 13,5%.
2. Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế
- Sản xuất công nghiệptiếp tục có chuyển biến tích cực: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 5,7% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 5,1%); tính chung 11 tháng, IIP tăng 5,6% (cùng kỳ tăng 5,9%); trong đó: IIP ngành khai khoáng giảm 0,5%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,1% (cùng kỳ tăng 5,6%); sản xuất và phân phối điện tăng 8,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,2%.
Sản xuất công nghiệp 11 tháng đầu năm ghi nhận sự hồi phục đáng kể của ngành công nghiệp chế biến chế tạo: (i) Chỉ số sản xuất IIP Quý I tăng 5,3%, sang Quý II tăng 6,9%, Quý III tăng 8,0%; tháng 10 tăng 8,2% và tháng 11 tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 5,8%); (ii) Chỉ số tiêu thụ tăng khá cao trong khi chỉ số tồn kho giảm mạnh: tại thời điểm 01/11/2013 tăng 9,4% so với cùng thời điểm năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 21,5% tại thời điểm 01/01/2013.
- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: thiên tai, bão lũ đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Tuy nhiên, do làm tốt công tác dự báo và chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả của thiên tai nên đã giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển.
Về thu hoạch lúa Mùa: tính đến 15/11/2013, cả nước đã thu hoạch được 1.474,6 nghìn ha, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Mưa, bão, lũ lụt đã ảnh hưởng đến năng suất lúa mùa ở các tỉnh phía Bắc: năng suất ước đạt 47,9 tạ/ha, giảm 1,6 tạ/ha; sản lượng ước đạt 5,7 triệu tấn, giảm gần 180 nghìn tấn. Sản xuất lúa mùa tại các tỉnh phía Nam khá thuận lợi: năng suất ước đạt 46,3 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha; sản lượng ước đạt 3,7 triệu tấn, tăng gần 77 nghìn tấn.
Về gieo cấy vụ Đông xuân: các tỉnh phía Nam đã gieo cấy được 158,3 nghìn ha, bằng 76,2% so với cùng kỳ năm trước. Do ảnh hưởng của mưa, bão nên lịch gieo cấy ở hầu hết các địa phương được điều chỉnh chậm lại, ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy.
Tổng sản lượng thủy sản 11 tháng đầu năm ước đạt khoảng 5,5 triệu tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ, trong đó: nuôi trồng ước tăng 2,3%; khai thác ước tăng 2,8%.
- Về khu vực dịch vụ: 11 tháng đầu năm, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 12,56% so với cùng kỳ năm 2012; vận chuyển hàng hóa ước tăng 4,7%; luân chuyển hàng hóa ước giảm 0,9%; vận chuyển hành khách ước tăng 6%; luân chuyển hành khách ước tăng 5,6%; khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt khoảng 6,85 triệu lượt, tăng 10,2%.
3. Về lao động, việc làm và các lĩnh vực xã hội khác
Về lao động, việc làm: trong 11 tháng đầu năm ước tạo việc làm cho khoảng 1,4 triệu người, đạt 79,2% kế hoạch năm; trong đó: tạo việc làm trong nước khoảng 1,2 triệu người, đạt 79% kế hoạch; xuất khẩu lao động trên 70,2 nghìn người, đạt gần 88%, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt, như: hỗ trợ các địa phương, các hộ gia đình triển khai công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bão, lũ; hỗ trợ cứu đói; các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, cải cách tài chính y tế; nâng cao chất lượng hoạt động y tế dự phòng, bảo đảm an toàn tiêm chủng; kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện các giải pháp, chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững;...
Về tai nạn giao thông, phòng chống cháy nổ: trong 11 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 27.165 vụ tai nạn giao thông, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước; làm chết 8.626 người, tăng 0,7%; làm bị thương 27.304 người, giảm 7,8%. Trên phạm vi cả nước đã xảy ra 2.167 vụ cháy và nổ, làm chết 120 người và bị thương 264 người; thiệt hại khoảng 1.366,6 tỷ đồng.
Đánh giá chung, dưới sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngànhđã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013,Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng đầu nămchuyển biến đúng hướng và đạt được những kết quả tích cực trong việc kiềm chế lạm phát và ổn địnhkinh tế vĩ mô.Lãi suất giảm; tăng trưởng tín dụng cao gấp đôi cùng kỳ năm trước; thanh khoản của các tổ chức tín dụng cải thiện; nợ xấu từng bước được xử lý. Sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi, rõ nét nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực dịch vụ phát triển khá. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra;tỷ lệ nhập siêu thấp. Vốn FDI đăng ký và thực hiện tiếp tục đạt cao hơn cùng kỳ. Giải ngân vốn ODA đạt khá. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn; lạm phát vẫn có nguy cơ tăng trở lại trong những tháng tới; hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn; tổng cầu và sức mua còn yếu. Mặc dù đã làm tốt công tác dự báo, phòng chống thiên tai, nhưng những trận lũ lụt, mưa bão liên tiếp vừa qua đã ảnh hưởng nhất định đến tình hình sản xuất và đời sống nhân dân./.
Số liệu xem file đính kèm
[1] CPI tháng 11 so với tháng 12 năm trước các năm 2012, 2011, 2010 lần lượt: 6,52%; 17,5% và 9,58%.
[2] So với cùng kỳ năm trước, trừ năm 2009 (tăng 4,35%), CPI tháng 11 các năm 2004-2012 dao động trong khoảng 6,81-24,22%.
File đính kèm: BC Chinh phu T11.13l.pdf
Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân - Bộ Kế hoạch và Đầu tư