Báo cáo ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2013 (Tài liệu phục vụ họp báo của Chính phủ ngày 26/10/2013)
1. Về mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
- Lạm phát được kiềm chế, chỉ số giá tăng thấp: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), so với tháng trước, đã có xu hướng giảm hoặc tăng không đáng kể từ tháng 3/2013 đến tháng 7/2013 dao động trong khoảng từ âm (-) 0,19% đến tăng 0,27%. Tuy nhiên, CPI đã tăng trở lại trong tháng 8 (tăng 0,83%) và tháng 9 (tăng 1,06%) chủ yếu do tăng giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục và ảnh hưởng của thiên tai. Tốc độ tăng CPI tháng 10 đã giảm xuống 0,49%. So với tháng 12/2012, CPI tháng 10/2013 tăng 5,14%, tương đương cùng kỳ năm 2012 (5,13%) nhưng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước đó[1].
So với tháng trước, chỉ số giá tháng 10 tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng 0,86% (trong đó: lương thực tăng 0,91%; thực phẩm tăng 1,04%); tiếp đến là nhóm giáo dục, tăng 0,53%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, tăng 0,5%. Các nhóm hàng khác có CPI dao động trong khoảng 0,04-0,35%. Hai nhóm có CPI giảm là: giao thông giảm 0,17% và bưu chính viễn thông giảm 0,03%.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 10/2013 tăng 5,92%, là mức tăng rất thấp trong vòng 10 năm qua; bình quân 10 tháng tăng 6,74%.Trong những tháng cuối năm vẫn còn có những yếu tố tác động đến mặt bằng giá trong nước, do đó, để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát như đã đề ra cần phải tăng cường các biện pháp quản lý thị trường giá cả với các chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp.
-Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá cao: 10 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩuước đạt khoảng 108 tỷ USD, tăng 15,2%so với cùng kỳ năm 2012; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 108,16 tỷ USD, tăng 15,2%; nhập siêukhoảng 187triệu USD, bằng 0,17% tổng kim ngạch xuất khẩu.
- Về thu - chi ngân sách nhà nước: lũy kếđến 15/10/2013, tổng thu NSNN ước đạt 572,14 nghìn tỷ đồng, đạt 70,1% dự toán năm; tổng chi NSNNước đạt 718,8 nghìn tỷ đồng, đạt73,5% dự toán năm.
-Về đầu tư phát triển: giải ngân vốn FDI và ODA tiếp tục đạt khá
Tính chung 10 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiệnước đạt 9,58 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2012; vốn đăng ký ước đạt trên 19,23 tỷ USD, tăng 65,6%. Giải ngân vốn ODAước đạt 3.586 triệu USD, trong đó: vốn vay đạt 3.366 triệu USD, viện trợ không hoàn lại đạt 220 triệu USD.
2. Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế
- Sản xuất công nghiệp,nhất là công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục có chuyển biến:
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 10 tháng đầu năm tăng 5,4% so với cùng kỳ; trong đó: IIP ngành khai khoáng giảm 0,8%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,3%.
Sản xuất công nghiệp 10 tháng đầu năm ghi nhận sự hồi phục đáng kể của ngành công nghiệp chế biến chế tạo: IIP Quý I tăng 5,3%, sang Quý II tăng 6,9%, Quý III tăng 8,0% và tháng 10 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục xu hướng giảm dần kể từ đầu năm: tại thời điểm 01/9/2013 ước tăng 9,7% so với cùng thời điểm năm trước, giảm mạnh so với mức tăng 21,5% tại thời điểm 01/01/2013.
- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, tuy chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn duy trì phát triển:
Về lúa mùa: tính đến 15/10, các tỉnh miền Bắc đã thu hoạch được 847 nghìn ha, tăng 21,2% so với cùng kỳ. Các tỉnh phía Nam đã gieo cấy được 804,6 nghìn ha lúa mùa, tăng 11,7% chủ yếu do đẩy mạnh mô hình sản xuất lúa - tôm; chuyển đổi từ diện tích nuôi tôm sú không hiệu quả, diện tích trồng màu dưới chân ruộng sang gieo trồng lúa vụ thu đông - mùa nhằm đạt hiệu quả cao trên 1 ha đất.
Về thu hoạch lúa hè thu: tính đến 15/10, diện tích thu hoạch cả nước đạt 2.147 nghìn ha, giảm 0,3% so với cùng kỳ. Năng suất lúa hè thu giảm chủ yếu do nắng hạn cục bộ đầu vụ, mưa cuối vụ đã làm hư hại nhiều diện tích lúa.
Tổng sản lượng thủy sản 10 tháng đầu năm ước đạt khoảng 5 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ, trong đó: nuôi trồng ước tăng 2,1%; khai thác ước tăng 3,4%.
-Về khu vực dịch vụ: 10 tháng đầu năm, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2012; Vận chuyển hàng hóa ước tăng 4,3%; luân chuyển hàng hóa ước giảm 2%; vận chuyển hành khách ước tăng 5,6%; luân chuyển hành khách ước tăng 5,3%. Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt khoảng 6,12 triệu lượt, tăng 10,4%.
3. Về lao động việc làm, an sinh xã hội và các lĩnh vực xã hội khác
- Về lao động, việc làm: trong 10 tháng đầu năm ước tạo việc làm cho khoảng 1,27 triệu người, đạt 79,2% kế hoạch năm; trong đó: tạo việc làm trong nước khoảng 1,2 triệu người, đạt 79% kế hoạch; xuất khẩu lao động trên 70,2 nghìn người, đạt 82,6%, tăng 7,7% so với cùng kỳ.
- Lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt, như: hỗ trợ các địa phương, các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ; tăng mức trợ cấp, phụ cấp đối với người có công với cách mạng; hỗ trợ cứu đói[2]; thực hiện các giải pháp, chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững; thực hiện các giải pháp tổng thể nhằm giảm quá tải bệnh viện, cải cách tài chính y tế; nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người thuộc cận nghèo lên 70%; kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm...
- Về tai nạn giao thông, phòng chống cháy nổ:trong 10 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 9.092 vụ, tăng 5,79%, làm chết 7.812 người, tăng 1,6% và làm bị thương 5.582 người, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2012. Số vụ va chạm giao thông trong 10 tháng đầu năm là 15.331 vụ, giảm 9,1%, làm bị thương nhẹ 18.862 người, giảm 9,33%. Trên phạm vi cả nước đã xảy ra 1.950 vụ cháy và nổ, làm chết 106 người và bị thương 242 người.
Đánh giá chung, trong 10 tháng đầu năm, dưới sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngànhđã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013,Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng. Kinh tế tiếp tục được cải thiện; lạm phát được kiềm chế.Lãi suất giảm; tăng trưởng tín dụng tiếp tục có những chuyển biến. Sản xuất công nghiệp,nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có những cải thiện đáng kể, tuy còn nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp, tuy chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ nhưng vẫn phát triển tương đối ổn định. Lĩnh vực dịch vụ phát triển khá. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra;tỷ lệ nhập siêu thấp. Giải ngân vốn ODA đạt khá, vốn FDI đăng ký và thực hiện cao hơn cùng kỳ. Các chính sách về đào tạo, hỗ trợ việc làm, an sinh và phúc lợi xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, nền kinh tế phục hồi chậm và vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế vĩ mô có cải thiện nhưng chưa vững chắc, lạm phát còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại. Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn; khả năng huy động và tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế. Tổng cầu và sức mua còn yếu. Đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn. Tình hình tai nạn giao thông,cháy nổ và các tệ nạn còn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại và bức xúc trong xã hội./.
[1] CPI tháng 10 so với tháng 12 năm trước các năm 2011, 2010 lần lượt: 17,05% và 7,58%.
[2] 10 tháng đầu năm đã hỗ trợ thiếu đói trong nông dân khoảng 43,2 nghìn tấn lương thực và khoảng 24 tỷ đồng.
Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân - Bộ Kế hoạch và Đầu tư