Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/10/2013-10:21:00 AM
Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các ngành thương mại – dịch vụ tháng 10 và 10 tháng năm 2013
Báo cáo của Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 23 tháng 10 năm 2013
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Tình hình thế giới
Bước sang Quý III/2013, tình hình kinh tế thế giới vẫn đang trong xu hướng phục hồi với tốc độ chậm và không đồng đều giữa các khu vực. Theo UNCTAD, kinh tế thế giới vẫn chậm chạp trên con đường trở lại với đà tăng trưởng mạnh và bền vững trước đây. Tốc độ tăng trưởng sản lượng của thế giới trong năm 2013 được dự đoán sẽ không khả quan hơn so với năm 2012 vốn chỉ đứng ở mức 2,2%, trong đó, các nước phát triển sẽ rơi vào nhóm trì trệ nhất với tỷ lệ tăng trưởng GDP chỉ ở mức khoảng 1%. Trong khi đó, các nước đang phát triển được nhận định là có triển vọng sáng sủa nhất với tốc độ tăng trưởng dự đoán đạt khoảng 5% và xếp thứ hai là nhóm các nền kinh tế chuyển đổi dự đoán tăng 3% trong năm 2013.
2. Tình hình trong nước
Kinh tế trong nước bước sang tháng 10 cơ bản vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức: sức mua của người dân chưa hồi phục, giá một số hàng hóa nông sản xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do cầu yếu từ các nước phát triển cũng như do sự gia tăng về hàng rào kỹ thuật của nhiều nước… Thêm vào đó, lãi suất ngân hàng mặc dù có giảm nhưng do tiêu thụ sản phẩm yếu nên việc vay vốn để đầu tư của doanh nghiệp còn hạn chế. Sản xuât nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do tình hình thiên tai, lũ lụt diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là cơn bão số 10 và số 11 tại miền Trung, triều cường tại Miền Nam đã gây ra hậu quả nặng nề cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm, thủy sản cũng là yếu tố cộng hưởng gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp.
II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRONG THÁNG 10 VÀ 10 THÁNG ĐẦU NĂM 2013
1. Phát triển các ngành dịch vụ
Trong 10 tháng năm 2013, tình hình bão lụt ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền Trung, tình hình thực phẩm bẩn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước, tai nạn giao thông nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng đã gây tác động không nhỏ đến ngành du lịch. Mặc dù có những khó khăn nhất định, hoạt động du lịch đã sội động ngay từ những tháng đầu năm.
Trong tháng 10, nhiều cuộc hội chợ triển lãm và hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch được triển khai rộng khắp ở các thành phố lớn trong cả nước như Triển lãm ảnh “Di sản Việt Nam 2013” tại Bình Thuận, Kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa tại Lào Cai, Hội thảo xúc tiến đầu tư và mở đường bay quốc tế Đà Lạt-Singapore, Hội chợ quê - Ẩm thực - Du lịch và Sản vật văn hóa dân tộc tỉnh Quảng Ninh, Đua thuyền buồm quốc tế tại Nha Trang,v.v....
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 10 ước đạt 628,695 nghìn lượt khách, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa lượng khách du lịch quốc tế trong 10 tháng lên khoảng 6,12 triệu lượt khách, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng chủ yếu từ một số thị trường như: Trung Quốc tăng 36,2%, Nhật Bản tăng 5,6%, Hàn Quốc tăng 7,4%, Indonesia tăng 18,3%, Malaysia tăng 12,7%, Thái Lan tăng 21%, Anh tăng 8,5%, Na uy tăng 5,8%, Nga tăng 66,1%, Úc tăng 12,4%, Niu di lân tăng 18,9%.
Xét về mục đích chuyến đi du lịch, trong 10 tháng khách du lịch đi theo mục đích nghỉ ngơi tăng 12,7%, đi theo mục đích công việc tăng 8,6%, đi theo mục đích thăm thân nhân tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái, khách du lịch đi theo các mục đích khác có xu hướng giảm.
Xét về phương tiện khách đến, khách đi du lịch bằng đường không vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, trong 10 tháng tăng 7,3%, khách đi du lịch bằng đường bộ trong 10 tháng tăng đáng kể 35,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 10, công suất sử dụng phòng đạt mức cao trên 70-80%, nhiều khách sạn cao cấp xếp hạng 4-5 sao tại các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng,.... đạt công suất 90-100%.
2. Về xuất, nhập khẩu
a. Xuất khẩu
10 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu ước đạt 108 tỷ USD, tăng 15,2%so với cùng kỳ năm 2012; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 66,1 tỷ USD, tăng 27,2% và chiếm 61,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 72,1 tỷ USD, tăng 22,3%. Xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 35,9 tỷ USD, tăng 3%.
Xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu 10 tháng năm 2013 so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt gần 6,86 triệu tấn, giảm 11,8% về lượng và giảm 14,2% về kim ngạch; than đá ước đạt 9,8 triệu tấn, giảm 16,6% về lượng và giảm 29,16% về kim ngạch; điện thoại các loại và linh kiện đạt 17,7 tỷ USD, tăng 76,1%; dệt may đạt 14,8 tỷ USD, tăng 18,7%; da giày đạt 6,7 tỷ USD, tăng 14,5%; gỗ và sản phẩm gỗ 4,4 tỷ USD, tăng 15,5%; hàng điện tử và linh kiện điện tử đạt 8,65 tỷ USD, tăng 41,5%; thuỷ sản 5,4 tỷ USD, tăng 6,2%; gạo 5,9 triệu tấn, giảm 14,1% về lượng và giảm 16,9% về kim ngạch; cà phê 1,1 triệu tấn, giảm 24% về lượng và giảm 23,9% về kim ngạch; cao su 846 ngàn tấn, tăng 03,8% về lượng và giảm 13,75% về kim ngạch...
Về thị trường xuất khẩu 10 tháng năm 2013, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 18,6% và chiếm tỷ trọng 17,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; xuất khẩu vào EU tăng 23,1% và chiếm tỷ trọng 18,4%; xuất khẩu vào ASEAN tăng 10% và chiếm tỷ trọng 14,4%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 1,7% và chiếm tỷ trọng 10,2%; xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 3,3% và chiếm tỷ trọng 9,8%.
b. Nhập khẩu
10 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước ước đạt 108,2 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 62 tỷ USD, tăng 25,7% và chiếm 57,3% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt gần 46,2 tỷ USD, tăng 3,5%.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 10 tháng năm 2013 so với cùng kỳ năm trước như sau: xăng dầu 6,1 triệu tấn, giảm 22,9% về lượng và giảm 25,5% về kim ngạch; sắt thép 7,9 triệu tấn, tăng 24,7% về lượng và tăng 10,7% về kim ngạch; phân bón 3,8 triệu tấn, tăng 16,6% về lượng và tăng 1,7% về kim ngạch; máy móc thiết bị đạt 14,9 tỷ USD, tăng 11,4%; máy tính và linh kiện 15 tỷ USD, tăng 40,2%; vải đạt 6,8 tỷ USD, tăng 18,2%; nguyên phụ liệu dệt may hơn 3 tỷ USD, tăng 17,7%...
10 tháng năm 2013, nhập khẩu từ Châu Á chiếm hơn 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc (kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này tăng 29,2%, tỷ trọng ước đạt 28%), ASEAN (tăng 2,2%, tỷ trọng 16,4%), Hàn Quốc (tăng 35,5%, chiếm tỷ trọng 15,8%), Nhật Bản (giảm 1,4%, chiếm tỷ trọng 8,8%) và EU (tăng 8,1%, chiếm tỷ trọng 7,1%).
c. Một số nhận xét về tình hình xuất nhập khẩu 10 tháng:
- Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung, trong đó có 2 mặt hàng là điện thoại các loại và linh kiện và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện góp phần làm kim ngạch tăng thêm 10,2 tỷ USD.Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng trưởng khoảng 26,3% so với cùng kỳ, trong khi đó nhóm hàng nông sản, thủy sản giảm 6,3% và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm 19,1%.
- Khu vực FDI tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2013 của cả nước tăng thêm 14,2 tỷ USD so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng 13,2 tỷ USD (đóng góp khoảng 93% kim ngạch tăng thêm). Các mặt hàng có kim ngạch lớn và có tốc độ tăng trưởng cao đều do sự đóng góp chủ yếu của các doanh nghiệp FDI gồm điện thoại các loại và linh kiện đóng góp 99%; máy vi tính linh kiện và điện tử 98%; giầy dép 77%; hàng dệt may 60%; máy ảnh 99%.
- Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu 10 tháng năm 2013 của khu vực FDI là 25,7% cao hơn so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chung (15,2%) của cả nước, do các mặt hàng chủ lực của khu vực này chủ yếu là gia công, lắp ráp, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nhập khẩu của cả nước tăng 14,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu của khu vực FDI tăng 12,7 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của khối doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng cao gồm điện thoại các loại và linh kiện 88%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện 92,4%; vải các loại 61%; nguyên phụ liệu dệt may, da giầy 67%.
- 9 tháng năm 2013, cả nước nhập siêu 187 triệu USD, bằng 0,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu hơn 4,1 tỷ USD; nếu kể cả dầu thô, khu vực FDI xuất siêu khoảng 10,1 tỷ USD. Nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt gần 10,3 tỷ USD.
3. Phát triển thị trường trong nước
3.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước đạt 225.668 tỷ đồng, tăng 0,66% so với tháng 9, đưa tổng mức cả 10 tháng đầu năm 2013 lên 2.158.574 tỷ đồng, tăng 12,58% so với cùng kỳ năm 2012.
3.2. Chỉ số giá tiêu dùng
Theo Tổng Cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2013 tăng 0,49% so với tháng 9/2013, trong cơ cấu CPI tháng 10, nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm thực phẩm, tăng 1,04% do ảnh hưởng của mưa bão và chiều cường, nhóm lương thực tăng cao hơn so với các tháng trước đây (0,91%)… Tính cả 10 tháng đầu năm 2013, CPI cả nước đã tăng 5,14% so với tháng 12/2012.
3.3. Tình hình cung - cầu, giá cả một số mặt hàng trọng yếu
a) Lương thực
- Thế giới: Giá gạo thế giới tháng 10/2013 tiếp tục ổn định và có xu hướng giảm nhẹ do nhu cầu yếu và nguồn cung tăng, tại Thái Lan gạo 100% B là 415 - 425USD/tấn, gạo 5% tấm 430 - 440USD/tấn. Cùng loại tại Việt Nam là 395 -405 USD/tấn; tại Ấn Độ là 415-425 USD/tấn, giá gạo giảm từ 10-20USD/tấn so với tháng trước.
Trong nước: Giá lúa gạo có xu hướng giảm nhẹ từ 200-300 đồng/kg do các tỉnh ĐBSCL đã bước vào thu hoạch vụ Thu Đông sớm và các tỉnh miền Bắc chuẩn bị bước vào thu hoạch vụ Hè Thu, giá lúa gạo trong nước phổ biến ở mức:
Đơn vị: đồng/kg
Lúa tẻ thường Gạo tẻ thường
Phía Bắc 7.000 - 7.500 12.500 - 13.500
Phía Nam 4.800 – 5.100 7.300 - 7.500
- Về xuất khẩu gạo: Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay đạt 4,9 triệu tấn, kim ngạch khoảng 2,2 tỷ USD, giảm 11% về lượng và 13% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Từ tháng 8/2013 tới nay, hợp đồng xuất khẩu gạo ký được rất ít, chủ yếu là thay đổi, điều chỉnh các hợp đồng cũ về số lượng, giá cả. Trong khi đó, các thị trường truyền thống như Indonesia, Philippines... hiện trong tình trạng nghe ngóng, do lượng gạo tồn kho ở các nước còn rất lớn. Dự kiến xuất khẩu gạo năm nay đạt khoảng 7,5 triệu tấn. Tuy nhiên, với thị trường khó khăn như hiện nay, VFA dự kiến xuất khẩu gạo năm nay khoảng 7-7,2 triệu tấn, kim ngạch khoảng 3 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ đầu năm tới nay khoảng 431 USD/tấn, giảm khoảng 15 USD/tấn so cùng kỳ năm ngoái.
- Về tồn kho gạo: Tính đến tháng 30/8/2013 tồn kho gạo cả nước khoảng 1,45 triệu tấn, chưa kể gạo tồn trong dân.
b) Thực phẩm
+ Giá các loại thực phẩm, rau, củ, quả: Tháng 10/2013 do ảnh hưởng mưa bão kéo dài tại miền trung nên giá thực phẩm và các loại rau củ quả tăng vào những ngày mưa bão, sau mưa bão thì giá các loại rau củ quả giảm nhẹ và có xu hướng ổn do đã bước vào mùa thu hoạch. Tại Hà Nội trong một số khu chợ như Thành Công, Long Biên, khu vực chợ Mơ, chợ Bưởi… các loại thực phẩm tươi sống đã ổn định như thịt bò ở mức 230.000-250.000đ/kg, thịt lợn (thịt mông sấn 85.000-100.000đ/kg, thịt ba chỉ 90.000 - 95.000đ/kg), thịt gà ta từ 100.000-130.000đồng/kg làm sẵn, thủy hải sản đã bắt đầu ổn định, các loại rau củ quả giá ổn định từ 5.000-8.000đ/mớ, cà chua khoai tây bí xanh …12.000-15.000đ/kg.
Dự báo trong tháng tới giá thực phẩm và rau củ quả các loại ổn định.
c. Sắt thép
Giá bán lẻ thép xây dựng đầu tháng 10/2013, cụ thể: tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung dao động từ 15.400 - 16.000 đồng/kg; tại các tỉnh Miền Nam từ 15.300 -15.900 đồng/kg.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, sản lượng thép nhập khẩu tháng 10/2013 ước đạt820 nghìn tấn, trị giá 550 triệu USD, tăng 4,5% về lượng so với tháng 9/2013; tính cả 10 tháng đầu năm ước đạt 7.887 nghìn tấn, tăng 24,7% về lượng so với cùng kỳ năm 2012.
d. Xi măng
Giá bán xi măng tại các công ty sản xuất xi măng thuộc Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam từ đầu tháng 10 ổn định. Trên thị trường, giá bán lẻ xi măng tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung phổ biến từ 1.280.000 -1.660.000 đồng/tấn; tại các tỉnh miền Nam phổ biến từ 1.360.000 -1.740.000 đồng/tấn.
e. Phân bón
Giá urê 15 ngày đầu tháng 10/2013 trên thị trường giảm nhẹ so với cùng kỳ tháng 9/2013, tại miền Bắc giá phổ biến khoảng 8.500-8.900 đồng/kg, giảm khoảng 100-300 đồng/kg; tại miền Nam mức giá phổ biến khoảng 8.200-8.900 đồng/kg, giảm khoảng 100-400 đồng/kg. Hiện tại, Urê nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc liên tục được nhập vào Việt Nam với số lượng lớn với giá rẻ, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phải giảm giá bán để cạnh tranh trên thị trường do vậy giá phân bón Urê trong nước có thể giảm nhẹ theo giá thế giới.
Theo số liệu sơ bộ, trong tháng 10/2013, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 450 nghìn tấn với trị giá 162 triệu USD, tăng 1,6% so với tháng 9/2013. Tính cả 10 tháng đầu năm 2013, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 3811 nghìn tấn với trị giá 1425 triệu USD, tăng 16,6 % so với cùng kỳ năm 2012.
III. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH NĂM 2013
1. Giải pháp về phát triển ngành dịch vụ
- Triển khai quyết liệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Chương trình hành động quốc gia về du lịch và chương trình xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 2012-2015 đã được phê duyệt nhằm tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch.
- Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hướng dẫn các địa phương, các vùng sớm điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch cho phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển du lịch.
- Đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh quy định về lệ phí visa và tiếp tục duy trì chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho khách du lịch một số nước là thị trường du lịch trọng điểm của du lịch Việt Nam.
- Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2013 cho các doanh nghiệp du lịch và thương mại dịch vụ tham gia Chương trình kích cầu du lịch năm 2013,
- Áp dụng thí điểm hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch, đồng thời tiếp tục đề xuất chính sách ưu đãi, khích lệ khách du lịch tăng cường mua sắm tại Việt Nam.
- Các địa phương chủ động đưa ra chính sách biện pháp kích cầu như bãi bỏ quy định cấm hoặc cấp giấy phép con đối với xe vận chuyển khách du lịch, tạo điều kiện cho xe vận chuyển khách du lịch lưu thông trong và ngoài đô thị; đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, đặc biệt giảm tối thiểu tình trạng cướp giật, lừa đảo khách du lịch ở các trung tâm du lịch, điểm du lịch.
2. Về xuất, nhập khẩu
Đẩy mạnh xuất khẩu
- Chú trọng nâng cao chất lượng để tăng giá trị với nhóm hàng sản xuất truyền thống (đặc biệt là nông, lâm, thủy sản) không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng. Mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao, có đóng góp quan trọng thực hiện kế hoạch xuất khẩu, giải quyết việc làm, ổn định xã hội.
- Tăng cường xúc tiến thương mại, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu, không để lệ thuộc quá lớn vào một thị trường. Nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường trong và ngoài nước, phổ biến kịp thời thông tin thị trường; sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật.
- Ưu tiên cấp tín dụng, bảo đảm đủ vốn cho nông dân và doanh nghiệp mua gom nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa ngoại tệ trong giao dịch. Có quy chế để ngân hàng thương mại bảo đảm lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu vay theo quy định, không phát sinh thêm chi phí.
Kiểm soát nhập khẩu
- Tiếp tục triển khai một loạt biện pháp về bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu trên cơ sở nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo tình hình thị trường. Phối hợp các Hiệp hội, Bộ, ngành đánh giá nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng và khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước để có biện pháp hạn chế cụ thể với từng mặt hàng.
- Bộ Công Thương chủ trì xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường sử dụng máy móc vật tư, thiết bị sản xuất trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ.
- Các giải pháp về thuế: Trong ngắn hạn, đối với nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu, cần nghiên cứu bổ sung thêm số lượng mặt hàng cần tăng thuế suất; Xem xét phương án bổ sung số lượng mặt hàng có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan để kiểm soát chặt chẽ hơn số lượng nhập khẩu.
- Đối với kinh tế biên mậu: Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để một mặt thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, một mặt kiểm soát chặt chẽ lượng hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng, trong đó chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng.
- Tăng cường công tác hậu kiểm về chất lượng, an toàn vệ sinh đối với sản phẩm nhập khẩu và lưu thông theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn; thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ người tiêu dùng và tạo hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, kiểm soát việc nhập nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu...
- Rà soát các Hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký kết và cẩn trọng trong việc đẩy mạnh đàm phán ký kết các Hiệp định mới. Các Hiệp định thương mại quốc tế một mặt tạo cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng Việt Nam, mặt khác cũng gây nguy cơ nhập siêu nếu không đàm phán chặt chẽ.
- Tiếp tục nhấn mạnh nhóm biện pháp thông tin tuyên truyền, nhất là chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, coi đây là một kênh gián tiếp nhằm tăng tỷ lệ sử dụng hàng Việt Nam, qua đó giảm tỷ lệ hàng nhập khẩu.
3. Về phát triển thị trường trong nước
3.1. Giải pháp chung
(a) Trong ngắn hạn:
- Các Bộ, Ban, Ngành, Địa phương cần tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NĐ-CP và 02/NĐ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, nhằm hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước khôi phục và thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp tăng tần suất đưa hàng Việt về nông thôn, nhằm kích cầu tại thị trường nông thôn, qua đó giảm hàng tồn kho, tăng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ của cả nước. Đặc biệt là trong dịp cuối năm và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán.
- Xem xét, đánh giá hiệu quả của Chương trình bình ổn giá, bởi trong tình hình hiện tại, hàng hóa hiện đang dư thừa do nguồn hàng tồn còn nhiều, do vậy cần giải quyết hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ hàng tồn này.
(b) Trong dài hạn:
-Nâng cao hiệu quả điều hành vĩ mô thị trường: theo dõi sát sao diễn biến thị trường thế giới, dự báo tình hình cung - cầu trong nước để có các chính sách điều hành thị trường kịp thời, bình ổn được thị trường, không để giá cả tăng cao, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, sắt thép, phân bón....
- Tham gia tích cực vào việc đảm bảo ổn định thị trường; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, đảm bảo chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khoẻ nhân dân; thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra thị trường, xử lý kịp thời, đặc biệt tại các điểm nóng, vùng giáp biên, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, hàng giả.
- Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, thị trường miền núi, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, đổi mới hệ thống thu mua, tiêu thụ, đưa hàng hóa về nông thôn nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
- Rà soát và gia tăng các chế tài xử phạt đối với các hành vi gian lận thương mại; đầu cơ; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến lĩnh vực thương mại, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm quản lý và đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối bán lẻ.
- Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng Quy hoạch phát triển thương mại của các vùng kinh tế trọng điểm theo Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt.
- Nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển hệ thống đại lý phân phối tại các tỉnh, thành phố, hỗ trợ các địa phương xây dựng các chợ dân sinh...
- Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp phân phối trong việc tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để đưa hàng hóa tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
- Tăng cường hiệu quả và quy mô của công tác quản lý thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng sản xuất và buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
3.2. Giải pháp đối với các mặt hàng trọng yếu
a) Sắt thép
- Xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế thép rẻ kém chất lượng thâm nhập thị trường trong nước.
- Chỉ đạo các công ty sản xuất thép của Nhà nước tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để đảm bảo cạnh tranh được với thép kém chất lượng nhập từ nước ngoài.
- Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thép và hạn chế nhập siêu.
b. Phân bón
- Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị nguồn hàng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu, tránh tăng giá đột biến, đặc biệt khi bước vào cao điểm mùa vụ.
- Tăng cường năng lực vận chuyển, đảm bảo cung ứng phân bón giữa các vùng, miền được thông suốt.
c) Xi măng
-Theo dõi chặt chẽ giá phân bón thế giới để có biện pháp điều tiết nhập khẩu và sản xuất phù hợp, không để xảy ra tình trạng thiếu phân bón gây sốt giá cục bộ, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.
- Tăng cường công tác hải quan tại các cửa khẩu, đặc biệt là tại các tỉnh có đường biên giới nhằm giảm buôn lậu phân bón qua đường tiểu ngạch và hạn chế nhập khẩu phân bón từ nước ngoài.
d) Lương thực, thực phẩm
- Bộ Công Thương (Tổ điều hành thị trường trong nước) đã kiến nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố chỉ đạo Sở Công thương đẩy mạnh và khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức tốt công tác dự trữ hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu chuẩn bị cung ứng đủ cho vùng bị ảnh hưởng trực tiếp mưa bão không để dân bị thiếu đói dài ngày và chuẩn bị hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý cho dịp Tết nguyên đán sắp tới.
- Tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, các loại thực phẩm nhập lậu qua đường tiểu ngạch (các loại gia súc, gia cầm, thủy sản, cá tầm, cá trắm…), đồng thời đưa ra các chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu thực phẩm kém chất lượng tràn vào thị trường nội địa.
- Tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đặc biệt là trong những ngày mưa bão gây tác động ảnh hưởng đến giá các mặt hàng thực phẩm để có biện pháp điều chỉnh, ngăn chặn kịp thời, tránh việc tư thương lợi dụng tăng giá ảo gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng./.

File đính kèm:
BCKTDichvuT10.13.pdf

Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2323
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)