(MPI Portal) - Ngày 05/12, Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) đã được tổ chức tại Hà Nội. Đây là Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao mới giữa Việt Nam và các đối tác phát triển. Diễn đàn đã tạo điều kiện thảo luận chính sách giữa Chính phủ Việt Nam, các nhà tài trợ, các tổ chức xã hội dân sự quốc tế và trong nước, các viện nghiên cứu trong nước và các tác nhân phát triển khác nhằm tăng cường phát triển kinh tế - xã hội toàn diện ở Việt Nam.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn VDPF. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tham dự Diễn đàn về phía Chính phủ Việt Nam có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cùng đại diện các Bộ, ban, ngành của Việt Nam; đại diện lãnh đạo địa phương; đại diện khối các tổ chức phi chính phủ Việt Nam; về phía đại biểu quốc tế có Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam bà Victoria Kwakwa, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam bà Pratibha Mehta, Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam ông Sanjay Kalra, cùng đại diện các đối tác phát triển đến từ nhiều quốc gia, đại diện các tổ chức phi chính phủ quốc tế.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong 20 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã cùng các Nhà tài trợ quốc tế hợp tác hiệu quả, tiến hành thành công các Hội nghị Nhóm tư vấn CG hàng năm. Trong bối cảnh phát triển mới, đánh dấu mốc Việt Nam từ một “quốc gia nhận tài trợ” trong 20 năm qua, trở thành “quốc gia đối tác phát triển”, Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam thường niên VDPF lần đầu tiên được tổ chức nhằm tập trung đối thoại về chính sách, kết nối giữa đối thoại chính sách ở cấp ngành với cấp quốc gia. Chủ đề bao trùm của Diễn đàn VDPF cho giai đoạn 2013 – 2015 là “Tạo quan hệ đối tác mới hướng tới tăng trưởng cạnh tranh, toàn diện và bền vững”.
Các nhóm công tác bao gồm các cơ quan Chính phủ, các đối tác phát triển song phương và đa phương, các tổ chức xã hội dân sự trong nước và quốc tế đã có những phiên đối thoại ở cấp kỹ thuật rất hiệu quả trong nhiều tháng qua, tập trung vào bốn chủ đề chính, cũng là bốn chủ đề được tập trung thảo luận trong Diễn đàn bao gồm: Giảm nghèo và giảm nghèo cho vùng dân tộc thiểu số; Thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào việc cung cấp các dịch vụ nước sạch và vệ sinh môi trường; Tăng cường hiệu quả của các hệ thống quản lý môi trường; Nâng cao tính cạnh tranh thông qua phát triển kỹ năng và đào tạo nghề.
Kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011 – 2013 đã vượt qua nhiều khó khăn, đang phục hồi và hướng tới tốc độ tăng trưởng cao hơn. Năm 2013 tăng trưởng GDP đạt 5,4% bình quân 3 năm 2011 – 2013 tăng 5,6%/năm, đưa quy mô nền kinh tế đạt gần 176 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.960 USD. Dự kiến GDP năm 2014 tăng khoảng 5,8% và năm 2015 tăng 6%.
Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát đã được triển khai có hiệu quả. Lạm phát giảm từ mức 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 6% năm 2013, thấp nhất trong 10 năm qua. Giai đoạn 2014 – 2015, Chính phủ Việt Nam tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ. Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu…
|
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tái cơ cấu nền kinh tế với ba trụ cột chính là tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu tổ chức tín dụng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã đạt những kết quả bước đầu và đang tiếp tục được đẩy mạnh. Theo đó, giai đoạn 2014 – 2015, Việt Nam tiếp tục kiên trì đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, có cơ chế khuyến khích sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quảvà sức cạnh tranh nền kinh tế.
Mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm triển khai và tiếp tục trở thành những mục tiêu quan trọng trong giai đoạn 2014 – 2015.
Đại diện các đối tác phát triển tham gia Diễn đàn đều có chung một nhận định về những thành quả về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, ứng phó biến đổi khí hậu…. mà Việt Nam đã đạt được trong hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mới khi Việt Nam vừa gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, tương ứng với việc các nguồn tài trợ truyền thống từ các nhà tài trợ quốc tế có xu hướng giảm dần, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, khuyến khích phát triển, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
|
Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam bàVictoria Kwakwa tại Diễn đàn.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Hầu hết các đối tác phát triển đều quan tâm tới những hành động cụ thể của Việt Nam đối với các vấn đề nâng cao năng lực thể chế, chống tham nhũng, giảm trợ cấp của Chính phủ cho một số ngành sản xuất,bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời chú trọng vấn đề thu hút khu vực tư nhân tham gia vào các chương trình phát triển của quốc gia, đặc biệt trong các lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở cho phát triển kinh tế - xã hội.
Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam bà Victoria Kwakwa khẳng định mục tiêu tăng cường quan hệ đối tác thông qua đối thoại chuyên sâu, qua đó tìm ra các hành động cụ thể mà các đối tác phát triển có thể cùng nhau thực hiện giúp Việt Nam thành công với tư cách một nước thu nhập trung bình. Bà đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của các bên liên quan, bao gồm cả Chính phủ, các đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước cần đẩy mạnh trao đổi các vấn đề chiến lược, đến xây dựng những kế hoạch hành động cụ thể, hiện thực hóa những mục tiêu phát triển của Việt Nam./.
Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư