Thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn trong tình trạng kém hiệu quả và ít doanh nghiệp mặn mà... Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã giao cho Trung tâm tư vấn quản lý và đào tạo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương xây dựng dự thảo Nghị định Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...
|
Nhân dân xã Quỳnh Châu chăm sóc dứa
|
Thiếu và yếu
Theo Viện Nghiên cứu, quản lý kinh tế T.Ư, giai đoạn 2003 - 2007, con số đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam là 113 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư của Nhà nước, chỉ đáp ứng được 17% nhu cầu của khu vực nông nghiệp. Cả nước có 39.414 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chiếm 30% số doanh nghiệp toàn quốc. Tuy nhiên số doanh nghiệp thật sự hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm, thủy sản chỉ là 1.454 doanh nghiệp, với tổng nguồn vốn đầu tư 32,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 6% tổng số vốn của khu vực doanh nghiệp nông thôn và 0,9% tổng số vốn của doanh nghiệp cả nước. Trong đó, chỉ 12,9% doanh nghiệp có vốn đầu tư hơn mười tỷ đồng.
Ðầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực nông nghiệp, nông thôn cũng rất hạn chế. Giai đoạn 1998 - 2008, có 966 dự án FDI đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với tổng số vốn hơn 4,7 tỷ USD, chiếm 10% dự án trong lĩnh vực nông nghiệp và chỉ chiếm 3,3% số dự án FDI đầu tư trong cả nước.
Những con số đó phần nào nói lên thực trạng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam trong tình hình hiện nay còn rất thiếu và yếu. Mặc dù thời gian qua, Nhà nước, Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình về chính sách nông nghiệp, nông thôn, nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn. Nguyên nhân lớn nhất là các chính sách vẫn chưa đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp về với nông thôn. Bởi điều đầu tiên khi đầu tư mà các doanh nghiệp tính đến là lợi nhuận thì khu vực kinh tế nông thôn chưa đáp ứng được. Thị trường eo hẹp, sức mua yếu, trong khi cả đầu vào và đầu ra cho sản phẩm hàng hóa đều khó khăn như lao động tay nghề thấp, nguyên liệu không ổn định, cộng với chi phí giá thành vận tải, điện nước lại ở mức cao. Hơn nữa, mặt bằng kinh doanh cũng không dễ dàng, trong khi nhiều doanh nghiệp đòi hỏi có vùng nguyên liệu lớn thì đất đai ở khu vực nông thôn lại phân tán nhỏ lẻ, khó tích tụ...
Hàng loạt những khó khăn trên đã trở thành những rào cản trên con đường về nông thôn của không ít doanh nghiệp, dù có thiện chí và tâm huyết.
Giải pháp đột phá
Giữa tháng 5-2009, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành về đề án "Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn". Theo đó, đề án sẽ do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì xây dựng, tập trung vào các biện pháp chính sách nhằm thu hút và khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp và nông thôn. Ðầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, vào khu vực dịch vụ cho nông nghiệp, nông thôn,... nhằm tăng thu nhập, tạo nhiều việc làm và góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn. Theo đề án, chính sách thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn sẽ bám sát chỉ đạo tại Nghị quyết số 26/NQ-T.Ư của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tập trung nghiên cứu những trở ngại đối với việc đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn; nghiên cứu và đề xuất các giải pháp khuyến khích và hỗ trợ trực tiếp, có hiệu lực nhanh cho các nhà đầu tư tiềm năng đầu tư vào khu vực này, trong đó hai lĩnh vực được ưu tiên là vốn và đất đai; tập trung các biện pháp trợ giúp các nhà đầu tư nhỏ và vừa.
Ðể triển khai hiệu quả đề án này, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã giao cho Trung tâm tư vấn quản lý và đào tạo, Viện Nghiên cứu, quản lý kinh tế T.Ư soạn thảo dự thảo nghị định, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ðối tượng tập trung của nghị định là các doanh nghiệp theo ba nhóm: Các doanh nghiệp đang hoạt động ở nông thôn, doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp không ở nông thôn nhưng có dự án tại đó. Các chính sách khuyến khích sẽ bao gồm tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên có chia ra các lĩnh vực ngành nghề được đặc biệt khuyến khích đầu tư và các lĩnh vực ngành nghề khuyến khích đầu tư. Về địa bàn, nghị định cũng phân ra các nhóm dự án nông nghiệp đầu tư tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng khó khăn và các nhóm dự án nông nghiệp tại các khu công nghiệp, khu kinh tế và cụm công nghiệp.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm tư vấn quản lý và đào tạo Nguyễn Ðình Tài cho biết: Ưu đãi hàng đầu đối với doanh nghiệp là tín dụng vì hầu hết các doanh nghiệp nông thôn đều rất thiếu vốn. Tiếp đến là chính sách hỗ trợ lãi suất. Ngân hàng thương mại sẽ được rót tiền từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ các dự án này. Ðiều đáng nói là chính sách này sẽ được thực hiện lâu dài, và cũng mở rộng các dự án được tiếp nhận. Riêng về thuế, các doanh nghiệp sẽ được nhận mức thuế ưu đãi cao nhất, mức miễn giảm cũng cao nhất...
Ngoài ra còn có các chính sách hỗ trợ khác như, hỗ trợ tiền quảng cáo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiền thuê tư vấn, chuyển giao công nghệ, đặc biệt hỗ trợ cước phí vận tải cho các doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa... có thể lên tới 50%. Kinh phí đào tạo công nhân, nông dân của các doanh nghiệp cũng được tính toán để bù ở mức cao, lên đến 80%.
Khi được hỏi về kỳ vọng phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn từ nghị định thu hút đầu tư này, Giám đốc Nguyễn Ðình Tài cho rằng: Không phải đến bây giờ mới có văn bản pháp luật liên quan chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhưng nghị định lần này có thể nói, khi ra đời sẽ là văn bản pháp luật cụ thể nhất về vấn đề này. Tuy nhiên, khó hy vọng đến tính đột phá mà nghị định chỉ góp thêm một phương thức để thúc đẩy nhà đầu tư về nông thôn. Nó chỉ có tính chất như một chất xúc tác đối với nhà đầu tư chứ không thể thay thế quyết định của nhà đầu tư. Bởi còn nhiều yếu tố khác có thể làm phân tán quyết định này.
Băn khoăn của Giám đốc Nguyễn Ðình Tài là một thực tế, vì hiện nay khu vực nông nghiệp, nông thôn tồn tại, hạn chế về cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, mạng lưới an sinh xã hội và các công trình phúc lợi khác. Chưa kể đến những hạn chế về mặt thủ tục hành chính làm cho việc thực thi các chính sách không được như mong muốn. Vì vậy, sự ra đời của một nghị định và tính khả thi của nó khi đi vào cuộc sống lại là hai vế khác nhau. Chỉ khi nào chính sách hợp lý, quy trình triển khai chính sách đồng bộ và thông thoáng, cộng với lòng người đồng thuận thì hiệu quả của chính sách mới đạt được mức tối ưu.
Ðể có thể thu hút đầu tư mạnh mẽ, khu vực nông nghiệp, nông thôn đang cần một quy trình hiệu quả như thế./.