(MPI) - Ngày 07/4/2023, Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tổ chức phiên họp tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo. Phiên họp có sự tham dự của các đồng chí Ủy viên Ban Chỉ đạo và lãnh đạo một số Bộ, ngành, cơ quan liên quan; các đồng chí thành viên Văn phòng Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) và các chuyên gia, nhà kinh tế.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo phát biểu tại phiên họp. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, năm 2023 là năm cả nước tập trung triển khai quyết liệt nhiều nhiệm vụ giải pháp quan trọng về phát triển KTTT, HTX đã được đề ra trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XIII để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới” và triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ban hành kèm theo Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ.
Trong những năm qua, khu vực KTTT nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, pháp luật, quá trình phát triển và chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động. Tính đến hết năm 2022, cả nước có gần 30 nghìn HTX (tăng hơn 2 nghìn HTX tương ứng 7% so với năm 2021), 125 liên hiệp HTX (tăng 18 LH HTX - khoảng 17% so với năm 2021) và 71.000 tổ hợp tác (THT); các chỉ tiêu về kết quả hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế hợp tác đều tăng so với năm 2021.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định rằng, nhiệm vụ đổi mới và nâng cao hiệu quả KTTT còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng kỳ vọng của Đảng và Nhà nước; năng lực nội tại của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế. Trong bối cảnh mới, phong trào HTX còn gặp nhiều khó khăn và thách thức trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường ngày càng khốc liệt; bất ổn chính trị leo thang; biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, phức tạp, khó lường; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra rất nhanh ở khắp cả nước; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi HTX phải có sự thay đổi và chủ động thích ứng,…
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: MPI |
Chính vì vậy, Phiên họp được tổ chức nhằm đánh giá kết quả công tác trong năm 2022 của Ban Chỉ đạo, đồng thời cùng nhau thảo luận, xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2023. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban Chỉ đạo tập trung thảo luận các nhiệm vụ trọng tâm, xác định đúng hướng đi, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ các rào cản, tạo động lực mạnh mẽ cho khu vực KTTT, HTX phát triển như Đảng, Nhà nước đã đề ra và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động các tổ chức kinh tế hợp tác trong thời gian tới.
Thông tin về tình hình công tác năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, nhìn chung các chỉ tiêu về kết quả hoạt động của HTX, LHHTX và THT đều tăng so với năm trước, do năm 2022, dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và người dân khôi phục sản xuất - kinh doanh được Chính phủ triển khai thực hiện.
So với năm 2021, doanh thu bình quân HTX đạt 3.592 triệu đồng, tăng 35%; Lãi bình quân của 01 HTX 366 triệu đồng (tăng 152 triệu đồng, khoảng 71%; thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong HTX là 56 triệu đồng/người (tăng 4 triệu đồng, tăng khoảng 8%).
Quý I năm 2023, cả nước tiếp tục thành lập mới 562 HTX, giải thể 31 HTX nâng tổng số HTX cả nước lên 29.909 HTX. Các tỉnh, thành phố có số HTX thành lập mới tiêu biểu như: Hà Nội (31 HTX), Bắc Giang (26 HTX) và Thái Nguyên (25 HTX).
Các HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, với 19.500 HTX (chiếm 66,4%) và gần 10 nghìn HTX phi nông nghiệp. Cụ thể, hết năm 2022, cả nước có khoảng 35.000 THT, 19.500 HTX và 91 liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thu hút gần 3,8 triệu thành viên và trên 1,5 triệu lao động (trong đó có 357.107 lao động là thành viên HTX).
Đến năm 2022, có 2.297 HTXNN đã thành lập doanh nghiệp; 2.535 HTX ứng dụng công nghệ cao và 2.340 HTX công nghệ số trong sản xuất. Đặc biệt, đã có trên 4.339 HTXNN, chiếm 24,5% tổng số HTXNN toàn quốc thực hiện bao tiêu nông sản, tăng cao so với tỷ lệ này trước năm 2015 chỉ là 5-7%.
Trong lĩnh vực phi nông nghiệp, đến hết năm 2022, cả nước có khoảng 36.000 THT, 9.878 HTX và 33 liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực lĩnh vực phi nông nghiệp, cụ thể trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ; giao thông vận tải; tín dụng; xây dựng; các lĩnh vực khác như nhà ở, y tế, giáo dục, du lịch công đồng, du lịch nông nghiệp,...
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung báo cáo tại phiên họp. Ảnh: MPI |
Ban Chỉ đạo đã chủ động, tích cực đôn đốc Bộ, ngành, cơ quan trung ương phụ trách tổ chức triển khai các nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực được giao như xây dựng và triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW, xây dựng Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), tổ chức đoàn kiểm tra tình hình triển khai thi hành Luật HTX tại một số địa phương. Ngoài ra, xây dựng Đề án thí điểm phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm sản; Đề án phát triển HTX nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Khu vực KTTT, HTX đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh, công bằng xã hội. HTX đóng góp vai trò quan trọng trong việc liên kết, hỗ trợ thành viên cả về kinh tế lẫn kỹ thuật sản xuất, kỹ năng quản trị. Trong nông nghiệp, HTX đóng vai trò quan trọng trong nâng cao giá trị nông sản thông qua phát triển các hoạt động sơ chế, chế biến nông sản, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm.
Về các tồn tại, hạn chế còn gặp phải, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, khu vực KTTT, HTX chịu sự ảnh hưởng của biến động thị trường; thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng; chậm chuyển đổi số, ứng dụng truy xuất nguồn gốc, liên kết tiêu thụ sản phẩm; số lượng thành viên tham gia có xu hướng giảm. Cơ chế, chính sách và nguồn vốn hỗ trợ khu vực HTX còn chưa hợp lý so với tính chất của mô hình HTX; bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, HTX còn thiếu gây khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ ở các cấp. Nguyên nhân chính có thể nói đến là hạn chế trong năng lực nội tại của HTX; quy mô nhỏ lẻ, vốn ít, năng lực cán bộ quản lý, điều hành hạn chế; một số nơi, sự vào cuộc của chính quyền các cấp vào công cuộc đổi mới, phát triển KTTT, HTX còn hình thức.
Về một số phương hướng, nhiệm vụ triển khai trong năm 2023, Thường trực Ban Chỉ đạo đề xuất đẩy mạnh việc triển khai thực hiện và cụ thể hóa toàn diện Nghị quyết số 20-NQ/TW; ban hành và đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ; Chương trình, kế hoạch thực hiện ở các Bộ, ngành, tỉnh ủy, thành ủy. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khung khổ pháp luật, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển KTTT, HTX; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về KTTT, HTX, các hoạt động của Ban Chỉ đạo để góp phần nâng cao nhận thức của người dân và cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò của phát triển KTTT, HTX.
Ngoài ra, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tích cực kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTTT, HTX thuộc Bộ, ngành, địa phương phụ trách. Tiếp tục phát hiện, nắm bắt từ thực tiễn các mô hình KTTT, HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả để tổng kết, rút kinh nghiệm và phổ biến, nhân rộng. Nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù cho KTTT theo tinh thần của Nghị quyết 20-NQ/TW để từng bước thể chế thành các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy sự phát triển KTTT trong thời gian tới./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư