Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/09/2008-16:34:00 PM
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ II: Tìm biện pháp để duy trì tăng trưởng, phát triển bền vững
Ngày 19/9, với chủ đề "Duy trì tăng trưởng" nhằm mục tiêu chính là tìm biện pháp, quyết sách giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua những khó khăn, giữ vững mục tiêu phát triển lâu dài và bền vững, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (DĐKTVN) lần thứ II đã diễn ra tại thủ đô Hà Nội, thu hút đông đảo các nhà hoạch định chính sách quốc tế, giám đốc các tập đoàn kinh tế, tài chính lớn trong khu vực và gần 600 khách mời đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến tham dự và phát biểu.


Nội dung của DĐKTVN lần này tập trung vào 4 vấn đề chính: Phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thị trường tài chính và phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, DĐKTVN lần thứ II hướng tới nhiệm vụ quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay là kiềm chế lạm phát, ổn định và phát triển kinh tế. Chính vì thế, các nội dung được lựa chọn để thảo luận tại Diễn đàn lần này sẽ giúp hoạch định những sách lược để Việt Nam vượt qua khó khăn kinh tế do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra và giữ vững mục tiêu phát triển lâu dài.

Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Bộ Tài chính cho biết, vốn đăng ký đầu tư nước ngoài trong 8 tháng qua đạt hơn 47 tỷ USD, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đưa ra những sách lược mới nhất nhằm bình ổn, kích thích thị trường tài chính phục hồi.

Tại DĐKTVN lần thứ II, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách có chung một quan điểm, đó là mặc dù bị ảnh hưởng bởi những sụt giảm kinh tế toàn cầu nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tỏ rõ là một thị trường được các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng. Các chuyên gia khuyến nghị, ngoài việc điều chỉnh tỷ giá thì điều chỉnh chính sách tiền tệ và chính sách thu nhập là điều Chính phủ cần làm để góp phần giảm lạm phát.

Trả lời thẳng thắn một số câu hỏi của các đại biểu quốc tế quan tâm về vấn đề kiềm chế lạm phát, làm thế nào để phát huy những điểm sáng hiện có của nền kinh tế Việt Nam để thu hút đầu tư cũng như quá trình sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong giai đoạn hiện nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam là nền kinh tế trẻ, đang phát triển với tốc độ cao, những khó khăn, thử thách đang gặp phải chỉ là ngắn hạn. Dù khó khăn đến đâu, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tìm mọi biện pháp, tạo điều kiện và ủng hộ các nhà đầu tư trong và ngoài nước làm ăn có hiệu quả tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng cho biết, việc sắp xếp và đổi mới các DNNN là quá trình cần phải tiến hành thận trọng. Một trong những hướng cải cách các DNNN là tìm đối tác chiến lược, tạo sức mạnh về vốn và quan trọng hơn là trình độ quản lý kinh doanh của DN. Nhưng do những khó khăn chung mà nền kinh tế thế giới đang gặp phải, việc tìm những nhà đầu tư lớn cho các DNNN Việt Nam cũng đang gặp khó khăn. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Chính phủ có chủ trương cơ cấu lại và mở rộng hơn nữa đầu tư nước ngoài. Trong đó, chú trọng hiệu quả, hấp thụ được sức đầu tư đó. Chính phủ kêu gọi các nhà đầu tư tăng cường đầu tư vào hạ tầng cơ sở, các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục và các dịch vụ cao cấp cho nền kinh tế.

Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu


Hai vấn đề khác cũng được đưa ra thảo luận trong Diễn đàn lần này là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và vấn đề xây dựng cơ bản. Tham gia phiên thảo luận về đào tạo nguồn nhân lực, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, để phát triển kinh tế lâu dài và bền vững, công tác đào tạo nhân lực cần phải được chú trọng để đổi mới và nâng cao về chất hơn nữa.

Ông Tan Teck Yong Ricky, Chủ tịch Tập đoàn Kinder World, đã đưa ra 3 sáng kiến: kiến tạo con đường phát triển sự nghiệp cho nhân viên; các gói đào tạo và phát triển nghiệp vụ; chính sách đãi ngộ. Ông Tan Teck Yong Ricky cho rằng, con đường phát triển sự nghiệp rõ ràng và rộng mở sẽ tạo ra sức hút đối với nguồn nhân lực giỏi, các chương trình đào tạo sẽ giúp họ có cơ hội không ngừng học hỏi và nâng cao chuyên môn cũng như những chính sách đãi ngộ sẽ giữ chân họ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Đào tạo nhân lực có kỹ năng cũng đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hiện nay. Chiến lược này nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao. Với lợi thế về nguồn lao động trẻ, rẻ, cần cù, chịu khó lao động, học vấn phổ thông tương đối tốt, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt công tác đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội mà chủ yếu là nhân lực cho các doanh nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo với vai trò của mình cam kết sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp để có được nguồn nhân lực theo nhu cầu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung."

Kiều Liên - Từ Lương
Cổng TTĐT Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1095
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)