Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/09/2008-14:23:00 PM
Tình hình kinh tế xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2008 tỉnh Quảng Bình
Báo cáo số 1121/KHĐT-TH ngày 29/9/2008 của Sở KHĐT tỉnh Quảng Bình về tình hình kinh tế xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2008.

1. Nông nghiệp

a. Trồng trọt:

Đến nay, cơ bản kết thúc vụ sản xuất Hè Thu, là vụ được mùa tương đối toàn diện trên cả ba mặt: diện tích, năng suất và sản lượng. Tổng diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm thực hiện 27.942 ha, bằng 100,5% so cùng kỳ. (Trong đó: cây lương thực 22.335 ha, tăng 0,9%; cây chất bột có củ 847 ha, tăng 1,7%; rau, đậu các loại 3.005 ha, bằng 97,56%; cây công nghiệp 819 ha, bằng 98,5%; cây hàng năm khác 937 ha, tăng 1,9% so với cùng kỳ)

- Cây lúa: Mặc dù chịu ảnh hưởng đợt rét đầu năm, làm chậm vụ sản xuất lúa năm nay so với khung lịch thời vụ, nhưng nhờ tích cực, chủ động trong việc áp dụng các biện pháp khắc phục nên toàn bộ diện tích đều đã được gieo trồng. Diện tích lúa thực hiện 22.132 ha, tăng 0,8% so với cùng kỳ (Trong đó: Lúa Hè thu chính vụ 16.122 ha, giảm 4,5%; lúa tái sinh 6.010 ha, tăng 18,4% so với cùng kỳ) , ước tính năng suất lúa Hè Thu đạt 41,3 tạ/ha, tăng 8,75 tạ so cùng kỳ, trong đó, lúa chính vụ đạt 47,2 tạ/ha, tăng 11,85 tạ; lúa tái sinh 25,3 tạ/ha, tăng 2,04 tạ so với vụ trước.

- Cây ngô: Diện tích ngô thực hiện 202,6 ha, tăng 14,5% so cùng kỳ, ước tính năng suất đạt 20,3 tạ/ha, tăng 12,96 tạ so cùng kỳ, sản lượng đạt: 410,4 tấn, bằng 313,4% so cùng kỳ.

Dự ước sản lượng lương thực vụ Hè Thu đạt 91.803 tấn, tăng 28,2% so với cùng kỳ, bằng 103,8% kế hoạch. Trong đó: sản lượng thóc đạt 91.392 tấn, tăng 27,9% so với cùng kỳ và bằng 107,3% kế hoạch. Như vậy, tổng sản lượng lương thực cả năm 2008 ước đạt: 250.247 tấn, tăng 6,5% so với năm 2007 và đạt 100,09% KH. Trong đó sản lượng thóc thực hiện 229.332 tấn, bằng 106,3% so với cùng kỳ và đạt 100,5% KH.

- Chất bột có củ: khoai lang 54,2 tạ/ha, tăng 11,1 tạ; sắn đạt 162,5 tạ/ha, tăng 3,5 tạ; khoai khác 74,6 tạ/ha, tăng 11,45 tạ.

- Cây lâu năm: Tổng diện tích gieo trồng các loại cây lâu năm toàn tỉnh ước đạt 15.751,3 ha, tăng 12,8% so cùng kỳ, trong đó diện tích trồng mới thực hiện 1.873 ha, trong đó: cây công nghiệp lâu năm 11.961,3 ha, tăng 16,9% (riêng cây cao su đạt 10.029 ha, tăng 17,6%); cây ăn quả lâu năm 3.011,7 ha, tăng 3,4%; cây lâu năm khác 778,3 ha, bằng 95,7 so với cùng kỳ. Nhìn chung cây lâu năm được các hộ thực hiện quy trình chăm sóc cây trồng đúng kỹ thuật, kết hợp với sự thuận lợi của khí hậu thời tiết nên năng suất của nhiều loại cây trồng đạt khá, cụ thể: cao su 9,8 tạ/ha, hồ tiêu 7,2tạ/ha, cà phê 5,1 tạ/ha, cam quýt 47,4 tạ/ha, chuối 81,3 tạ/ha.

b. Chăn nuôi :

Chăn nuôi phát triển tương đối ổn định. Tổng đàn gia súc, gia cầm đã được khôi phục sau đợt rét đầu năm. Dự ước đến 01/10/2008, đàn gia súc, gia cầm và chăn nuôi khác như sau: Đàn trâu: 42.321 con, tăng 2,8% so cùng kỳ, đạt 100% KH; đàn bò: 133.296 con, tăng 2,5% so cùng kỳ, đạt 94,4% KH; đàn lợn: 385.042 con, so cùng kỳ tăng 6,9%, đạt 100% KH; đàn gia cầm 2.200.143 con, tăng 13,5% so cùng kỳ và đạt 100% KH.

Các cơ chế, chính sách, chương trình khuyến khích phát triển chăn nuôi được các ngành, địa phương quan tâm đẩy mạnh thực hiện tạo điều kiện cho các hộ gia đình yên tâm, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hoá; các chủ trang trại mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả chuyển sang trồng cỏ nuôi bò và trồng rau để chăn nuôi lợn… nhờ đó hiệu quả kinh tế được nâng lên. Công tác thú y đã thực sự được chú trọng, nhiều nơi đã xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh, kiểm soát giết mổ tập trung, tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm... nên dịch bệnh được khống chế.

2. Lâm nghiệp

- Khai thác lâm sản: dự ước 9 tháng sản lượng gỗ tròn khai thác ở khu vực quốc doanh đạt 11.29m3, tăng 42,1% so cùng kỳ và đạt 112,9% KH; sản lượng nhựa thông: 2.152 tấn, tăng 0,9% so cùng kỳ và đạt 71,73% KH, trong đó: Công ty LCN Bắc Quảng Bình 238 tấn, Công ty Long Đại 1.914 tấn; sản lượng song mây khai thác 492 tấn, bằng 76,4% so cùng kỳ, đạt 19,68%KH, trong đó: Công ty LCN Bắc Quảng Bình 68 tấn, Công ty LCN Long Đại là 424 tấn.

- Công tác lâm sinh: 9 tháng đầu năm chủ yếu trồng cây phân tán, chăm sóc rừng trồng và chuẩn bị mặt bằng, cây giống cho trồng rừng tập trung theo kế hoạch. Dự ước, số lượng cây phân tán trồng 9 tháng: 2.405 nghìn cây, tăng 1,5% so cùng kỳ và đạt 60,12% KH. Công tác chăm sóc rừng trồng cũng được đẩy mạnh, dự kiến 9 tháng đạt 12.160 ha, bằng 95,4% so cùng kỳ và đạt 95,9% KH.

Công tác phòng chống cháy rừng đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và triển khai đến tận hộ gia đình thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục, tập huấn về phòng cháy rừng để nâng cao nhận thức cho người dân, các khu rừng đều có lực lượng canh gác... nên đã hạn chế các vụ cháy rừng xảy ra.

Tổng số vụ vi phạm lâm luật trong 9 tháng đầu năm là 766 vụ với 686 vụ mua bán, vận chuyển, cất giữ trái phép lâm sản; 61 vụ phá rừng, khai thác và đốt rừng trái phép và 19 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã. Tịch thu 1.314,9m3 gỗ các loại, 2.505,9kg động vật hoang dã. Tổng giá trị tiền phạt là 286 triệu đồng.

3. Thuỷ sản

Về khai thác: Mặc dầu giá nguyên liệu tăng cao, chi phí dịch vụ đánh bắt tăng mạnh, nhưng nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước bà con đã khắc phục khó khăn để tiếp tục ra khơi, thực hiện chuyển đổi hình thức khai thác nên sản lượng đánh bắt vẫn tăng so với cùng kỳ. Dự ước sản lượng thuỷ sản khai thác 9 tháng đạt 26.510,7 tấn, tăng 2,2% so cùng kỳ và đạt 88,4% kế hoạch. Trong đó, sản lượng khai thác nước mặn: 25.361,2 tấn, tăng 2,9%; sản lượng khai thác nước lợ: 440,9 tấn, bằng 73%; sản lượng khai thác nước ngọt đạt 708,6 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Các loại sản phẩm khai thác từ biển tăng chủ yếu là cá tăng 3,5%, mực tăng 11,8% so cùng kỳ.

Về nuôi trồng: Diện tích nuôi trồng tiếp tục được mở rộng, đạt 3.923,3 ha, tăng 285,8 ha so cùng kỳ và đạt 94,76% kế hoạch. Trong đó, diện tích nuôi nước ngọt 2.558,9 ha, tăng 251,2 ha so cùng kỳ và đạt 91,71% KH; diện tích nuôi nước lợ 1.364,4 ha, tăng 34,6 ha, đạt 101,06% KH. Dự ước sản lượng nuôi trồng 9 tháng 5.249,5 tấn, tăng 9,7% so cùng kỳ và đạt 75% KH (Trong đó, cá các loại đạt 3.117 tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ; tôm các loại đạt 1.883,6 tấn, tăng 20,3% so với cùng kỳ; thuỷ sản khác đạt 248,6 tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ).

Hiện nay, thời tiết đang bước vào mùa mưa bão, các cấp, ngành, chỉ đạo, khuyến cáo bà con thu hoạch thuỷ sản để tránh thiệt hại lụt bão gây ra. Tuy nhiên, dịch bệnh tôm xảy ra ở một số nơi làm nhiều hộ nuôi tôm bị thua lỗ, gây tâm lý lo lắng cho các hộ không dám mạnh dạn đầu tư.

4. Sản xuất công nghiệp

Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng 1.948 tỷ đồng, đạt 69,6% kế hoạch và tăng 21,5% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 1.203,8 tỷ đồng, tăng 24,8%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 706,9 tỷ đồng, tăng 19,6% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 37,6 tỷ đồng, bằng 79,4% so với cùng kỳ.

Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu, có giá trị sản xuất lớn đạt tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: bia 18 triệu lít, tăng 22%; xi măng và clinke đạt 1.228 nghìn tấn, tăng 52,6%; nước khoáng 9,53 triệu lít, tăng 17,7%, nhôm thanh định hình 2.065 tấn, tăng 20,8%, đá hộc: 1.237 nghìn m3, tăng 11,9%; gạch xây 200,5 triệu viên, tăng 15,6%; quần áo may sẵn 2,57 triệu sản phẩm, tăng 17,4% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, vẫn còn một số sản phẩm giảm sút so với cùng kỳ như: xe máy 7.890 chiếc, giảm 12,6% so cùng kỳ; thủy sản đông lạnh, phân NPK gặp khó khăn do nguyên liệu đầu vào khan hiếm.

5. Đầu tư xây dựng cơ bản

Việc phân bổ các nguồn vốn đầu tư được thực hiện sớm. Phân bổ vốn đã bám sát vào các chương trình kinh tế - xã hội, tập trung vào các công trình lớn, trọng điểm nhằm tạo tiền đề cho nền kinh tế - xã hội của tỉnh tăng trưởng nhanh, bền vững. Công tác quản lý vốn đầu tư được các cấp, các ngành quan tâm, từng bước chấn chỉnh các khâu khảo sát, lập dự án, thiết kế - dự toán, đấu thầu, triển khai thi công, đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công các công trình trọng điểm của tỉnh. Đến nay, các nguồn vốn được bổ sung trong năm như: vốn trái phiếu Chính phủ, vốn kiên cố hoá trường học, vốn 9 xã biên giới… đã được phân bổ cho các ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Trong 9 tháng năm 2008 do giá cả các loại VLXD như: sắt thép, gạch ngói, xi măng... và xăng dầu tăng cao gây khó khăn cho các đơn vị thi công, nhưng tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các ngành, các địa phương, các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ như: cho phép tạm ứng tiền bù chênh lệch giá, tiến hành rà soát lại toàn bộ các công trình, dự án đã được bố trí vốn để tiến hành rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại danh mục các dự án, thực hiện cắt giảm, giãn tiến độ các công trình, dự án chưa đủ thủ tục, còn nhiều vướng mắc… để tập trung vốn cho các công trình đang thi công còn thiếu vốn (Đã thực hiện cắt giảm, giãn tiến độ 21 dự án với số vốn 30,29 tỷ đồng) ... Nhờ vậy, tiến độ xây dựng cơ bản đạt khá so với cùng kỳ năm trước. Dự ước 9 tháng, tổng vốn đầu tư phát triển do nhà nước quản lý thực hiện: 719,2 tỷ đồng, đạt 69,5% kế hoạch năm. Trong đó vốn đầu tư phát triển do ĐP quản lý 533,2 tỷ đồng, đạt 68% kế hoạch; vốn đầu tư phát triển do TW quản lý 186 tỷ đồng, đạt 74,3% kế hoạch. Một số công trình trọng điểm đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng như: Cảng Hòn La giai đoạn I, sân bay Đồng Hới, đường vào trung tâm Phong Nha…

Tuy vậy, việc triển khai thực hiện các dự án thuộc nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn hỗ trợ y tế tỉnh, huyện và một số dự án khác còn chậm trễ, đặc biệt còn có một số dự án đến nay mới hoàn thành thẩm định dự án, thẩm định hồ sơ mời thầu. Việc đền bù GPMB chậm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện dự án. Ngoài các nguyên nhân khách quan thì còn do sự triển khai của các chủ đầu còn yếu kém.

6. Thương mại

- Nội thương:

Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ 9 tháng: 4.411,2 tỷ đồng, đạt 82,6% kế hoạch, tăng 39,8% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 421,7 tỷ đồng, tăng 14,8%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 3.983,7 tỷ đồng, tăng 36,4%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 5,8 tỷ đồng, bằng 68,5% so cùng kỳ. Mạng lưới dịch vụ thương mại ngày càng được củng cố và phát triển với sự tham gia ngày càng rộng rãi của các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân; các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng chính sách phục vụ đồng bào dân tộc, miền núi được cung ứng đầy đủ, kịp thời. Công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu được tăng cường. Đã tổ chức thanh tra, kiểm tra tài chính, giá cả mà trọng tâm là việc công khai niêm yết giá theo quy định và đã có biện pháp xử lý kịp thời, góp phần bình ổn giá cả trên thị trường.

- Hoạt động xuất nhập khẩu:

+ Xuất khẩu: Hoạt động xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt kết quả khả quan. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt: 49,8 triệu USD, đạt 90,5% kế hoạch, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là cao su, đạt 44,4 triệu USD, chiếm 89% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 59,8%; gỗ xẻ 1,862 triệu USD, bằng 21,1%; nhựa thông 1,557 triệu USD, tăng 46,4% ; thủy sản 817,6 ngàn USD, bằng 97% so cùng kỳ.

+ Nhập khẩu: Tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng 15,33 triệu USD, đạt 66,7% kế hoạch, bằng 94,1% so với cùng kỳ. Hàng hoá nhập khẩu chủ yếu là nguyên, nhiên liệu phục vụ cho sản xuất tại địa phương như: gỗ xẻ giá trị 3,17 triệu USD, bằng 86% ; gỗ tròn 3,44 triệu USD, tăng 82,5% ; nhôm 2,459 triệu USD,bằng 84,7% so cùng kỳ.

- Giá cả hàng hoá dịch vụ:

Chỉ số giá tiêu dùng chung toàn tỉnh tháng 9/2008 tăng 0,64% so tháng trước, đưa tốc độ tăng giá sau 9 tháng lên đến 22,37% so tháng 12/2007. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có tốc độ tăng giá cao nhất tăng 30,25%, riêng giá lương thực tăng vọt lên 42,54%; giá nhóm phương tiện đi lại, bưu điện tăng 20,2%. Chỉ số giá vàng tháng 9/2008 giảm 5% so tháng trước, tăng 10,15% so tháng 12/2007. Chỉ số giá USD tháng 9 giảm 1,1% so tháng trước, tăng 2,9% so tháng 12 năm 2007.

- Du lịch:

Hoạt động kinh doanh du lịch tiếp tục có bước khởi sắc, lượng khách du lịch đến Quảng Bình tăng, nhất là trong dịp tết, lễ hội và mùa nghỉ hè. Các khách sạn đã chủ động mở nhiều loại hình dịch vụ có chất lượng thu hút khách và tăng doanh thu. Tổng số lượt khách du lịch đến Quảng Bình 9 tháng đạt: 393,2 ngàn lượt, tăng 25,1% so với cùng kỳ, trong đó: khách tham quan Phong Nha: 254,4 ngàn lượt khách, tăng 11% so với cùng kỳ.

7. Về sắp xếp doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh

- Về công tác sắp xếp doanh nghiệp:

Về cổ phần hoá doanh nghiệp: Công ty Sông Gianh đã hoàn thành kiểm toán báo cáo tài chính và UBND tỉnh đã phê duyệt xác định lại giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chuyển đổi. Công ty TNHH 1 thành viên Xổ số Kiến thiết đã được UBND tỉnh phê duyệt quyết định xác định lại giá trị doanh nghiệp lần 2, đang chuẩn bị tổ chức bàn giao. Công ty Công nghiệp Thương mại đã tiến hành Đại hội cổ đông, Sở Tài chính đang tiến hành xác định lại giá trị doanh nghiệp để bàn giao. Đối với Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Quảng Bình và Công ty TNHH 1 thành viên Đường sông Quảng Bình: UBND tỉnh đã có quyết định cổ phần hoá, đang thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hoá tại công ty để triển khai.

Đối với các đơn vị thực hiện sắp xếp theo Quyết định 342/QĐ-TTg ngày 26/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới và phát triển các nông, lâm trường quốc doanh vẫn tiến hành theo kế hoạch đề ra. Công ty Lâm Công nghiệp Long Đại đã hoàn tất các thủ tục cổ phần hoá Xí nghiệp Chế biến Nhựa thông; Công ty Cao su Việt Trung đang trình UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo tại Công ty để cổ phần hoá Xí nghiệp gỗ xuất khẩu Phú Quý; Công ty Cao su Lệ Ninh tiếp tục thực hiện cổ phần hoá theo phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt.

- Công tác đăng ký kinh doanh: Trong tháng 9 đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD) cho 20 doanh nghiệp (DN) với tổng vốn đăng ký là 39,7 tỷ đồng, nâng tổng số DN được đăng ký kinh doanh từ đầu năm đến nay lên 276 DN, trong đó có 43 DNTN, 153 Công ty TNHH 2 thành viên, 51 Công ty TNHH 1 thành viên, 29 Công ty Cổ phần với tổng vốn đăng ký là 1.617,8 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm, đã kiểm tra và thu hồi 23 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong đó: do doanh nghiệp giải thể: 12,1 DN chuyển đổi loại hình hoạt động, 10 DN vi phạm pháp luật.

8. Tài chính tín dụng

Thu ngân sách: Dự ước thu ngân sách trên địa bàn 9 tháng: 628,152 tỷ đồng, bằng 82,4% so dự toán địa phương và tăng 18,2% so cùng kỳ. Trong đó thu nội địa: 560,43 tỷ đồng, đạt 81,2% dự toán địa phương, tăng 16,8% so cùng kỳ; thuế xuất nhập khẩu: 67,722 tỷ đồng, bằng 94% dự toán địa phương và tăng 20% so cùng kỳ. Một số khoản thu tăng như: thu DN quốc doanh TW tăng 20,8%, thu doanh nghiệp quốc doanh địa phương tăng 15,2%, thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh tăng 30,2% và một số phí, lệ phí khác.

Chi ngân sách: Nhìn chung, chi ngân sách thường xuyên trong 9 tháng đầu năm đảm bảo duy trì hoạt động của bộ máy nhà nước. Thực hiện Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện các nhóm biện pháp kiềm chế lạm phát; UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp cụ thể, giao chỉ tiêu cắt giảm chi thường xuyên 10% dự toán đối với các đơn vị hưởng ngân sách nhà nước với số tiền tiết kiệm: 21,33 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách 9 tháng: 1.230 tỷ đồng, trong đó: chi thường xuyên: 866 tỷ đồng, đạt 83,9% so với dự toán địa phương, tăng 30% so với cùng kỳ; chi đầu tư phát triển 364,3 tỷ đồng, bằng 62% so với dự toán địa phương, tăng 35% so cùng kỳ.

Tín dụng: Tổng nguồn vốn huy động toàn tỉnh 9 tháng ước đạt 4.630 tỷ đồng, tăng 26,6% so với đầu năm và tăng 38,6% so cùng kỳ (Trong đó: tiền gửi dân cư đạt 3.339 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 81,7% tổng nguồn vốn, tăng 33% so với đầu năm) ; tổng dư nợ ước đạt 7.735 tỷ đồng, tăng 19% so đầu năm và tăng 33,2% so cùng kỳ, trong đó nợ xấu 229,6 tỷ đồng, chiếm 3% tổng dư nợ, tăng 118 tỷ đồng so đầu năm do Công ty Lắp ráp xe máy Vina-Siam thua lỗ kéo dài và một số doanh nghiệp xây dựng chưa được bù trượt giá kịp thời nên chậm trả nợ vay ngân hàng.

9. Kinh tế đối ngoại và xúc tiến đầu tư

- Kinh tế đối ngoại:

+ Các dự án ODA:

* Đối với các dự án đang hoạt động: tiếp tục triển khai thực hiện các thủ tục phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu, triển khai, nghiệm thu và đưa công trình vào sử dụng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hợp phần khác… nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn (Như: dự án Phân cấp giảm nghèo, Dự án giảm nghèo miền Trung tỉnh, Dự án Vệ sinh môi trường, dự án Năng lượng nông thôn, dự án khu neo đậu tàu thuyền tránh bão cửa Gianh + Hòn La…). Dự án Giảm nghèo KVMT tỉnh đang tiến hành rà soát lại toàn bộ nguồn vốn để có cơ sở điều chỉnh, bổ sung giữa các hợp phần nhằm giải ngân cao nhất nguồn vốn đầu tư để kịp thời kết thúc các hoạt động ngoài trời ngày 31/3/2009 như cam kết với nhà tài trợ.

Đến nay tỷ lệ giải ngân một số dự án như sau Dự án Vệ sinh môi trường Đồng Hới: 48%, dự án Giảm nghèo KVMT: 58%, dự án đường liên xã Hiền - Xuân - An - Vạn: 75%, dự án Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai: 80%...

* Đối với các dự án mới: Các dự án JBIC (Dự án đường liên xã Hiền Xuân An Vạn, huyện Quảng Ninh, dự án xây dựng hệ thống cấp nước thị trấn nông trường Việt Trung) đang tiếp tục triển khai thi công, trong đó dự án đường liên xã Hiền Xuân An Vạn đã hoàn thành khoảng 75% giá trị công trình, nhưng do biến động giá nguyên vật liệu nên đang gặp khó khăn về vốn đối ứng; dự án khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng đã thực hiện khởi động dự án; dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn: UBND tỉnh đã phê duyệt làm cơ sở đăng ký vốn với nhà tài trợ.

+ Các dự án FDI:

Đã cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án Khai thác, chế biến vàng Khe Nang với tổng vốn đăng ký 4,5 triệu USD, hiện nay chủ đầu tư đang thực hiện các thủ tục đánh giá tác động môi trường; Dự án KVK: Chủ đầu tư mới là Tập đoạn BGM (Cộng hoà Séc) đang nghiên cứu xây dựng dự án cho phù hợp với chất lượng mỏ cao lanh Đồng Hới với tổng mức đầu tư 15,3 triệu USD dự kiến dự án sẽ hoạt động vào quý II/2009; Nhà máy sản xuất lắp ráp xe máy Vina-Siam gặp nhiều khó khăn do thiếu thị trường tiêu thụ; Dự án thăm dò khoáng sản vàng - đồng - bạc và các khoáng sản đi kèm vùng Xà Khía: đang tiến hành các thủ tục lập đề án và xin cấp giấy phép thăm dò bổ sung.

- Công tác xúc tiến đầu tư:

9 tháng đầu năm, đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội và đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó có một số dự án lớn như: Dự án xây dựng Nhà máy xi măng Phong Hoá của Công ty TNHH XDTH Trường Thịnh; Dự án khu du lịch Resort biển quy mô 200 ha tại xã Quảng Phú, Quảng Trạch của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Hùng Anh; Dự án Xây dựng nhà máy gạch ngói Tuynel tại xã Quảng Phú và Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch với công suất 15 triệu viên gạch/năm và 3 triệu viên ngói/năm của Công ty Cổ phần SXVL và XDTH Minh Sơn... Tính đến nay, đã có 15 dự án đã và đang hoạt động với tổng vốn đầu tư trên 1.326 tỷ đồng, 40 dự án đã được UBND chấp nhận chủ trương đầu tư với tổng vốn 13.387 tỷ đồng, 27 dự án đang đăng ký và xin chủ trương đầu tư với tổng vốn 697 tỷ đồng (trong đó có 3 dự án đang khảo sát, chưa xác định tổng mức đầu tư)

Cấp giấy chứng nhận đầu tư: Trong 9 tháng đầu năm đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 33 dự án với tổng vốn đầu tư là 7.140 tỷ đồng, trong đó có một số dự án lớn như: Nhà máy xi măng Quảng Phúc, Nhà máy luyện gang và phôi thép Quảng Phú, Nhà máy xi măng Áng Sơn II… nâng tổng số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư lên 57 dự án với tổng vốn đầu tư 9.404 tỷ đồng.

Đang trình UBND tỉnh ban hành Quy chế thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong sự phối hợp giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

- Công tác ngoại vụ:

Trong 9 tháng, có 44 đoàn ra với 210 lượt người đến các nước: Lào, Thái Lan, Singapore, Anh, Bỉ, Hà Lan, Úc, Newzealand, Nga, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Đức, Canada... với mục đích tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm, mở rộng thị trường, tìm hiểu đối tác, tham dự các hội nghị, hội thảo, hội chợ quốc tế, vận động ủng hộ, tham quan du lịch...

Đoàn vào: 67 đoàn với 412 lượt người đến từ các nước Lào, Thái Lan, Ấn Độ, Pháp, Nhật Bản, Đức, Úc, Mỹ, Canada, Hà Lan, Pháp, Nepal, Tây Ban Nha, Bulgari, Đan Mạch… với mục đích đến thăm, làm việc, ký kết biên bản, kiểm tra đánh giá việc thực hiện dự án, thực hiện các hoạt động viện trợ, thăm đối tượng được bảo trợ, tham dự hội thảo, hoạt động báo chí,…

Công tác vận động, quản lý viện trợ phi Chính phủ nước ngoài: đã vận động và ký kết thêm 15 dự án NGO với tổng giá trị trên 1,255 triệu USD nâng mức cam kết tài trợ trên 3,1 triệu USD.

10. Tài nguyên và môi trường

- Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Xây dựng và hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đến năm 2010 trình Chính phủ phê duyệt. Đã hoàn thành quy hoạch sử dụng đất cho 100/159 xã; đã triển khai 48 xã và có 11 xã, phường, thị trấn chưa triển khai. Trong 9 tháng, đã làm thủ tục giới thiệu địa điểm xây dựng cho 115 công trình; quyết định thu hồi để giao đất 46 công trình; cho thuê đất 107 công trình với diện tích 377,2 ha; thực hiện đo đạc, chỉnh lý phục vụ cho việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất 51 công trình, dự án với diện tích 136,4 ha. Tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 31/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kiểm kê quỹ đất đang quản lý, sử dụng của các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất. Đến nay đã hoàn thành việc trích đo, trích lục và lập hồ sơ của 4.181 thửa đất /2.116 tổ chức trong toàn tỉnh với diện tích 1.842,66 ha.

- Công tác đăng ký đất đai: Đã hoàn thành việc thống kê đất đai năm 2007 đúng quy định. Tập trung lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông, lâm nghiệp theo Nghị định 200/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Đã cơ bản hoàn thành việc rà soát và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông lâm nghiệp cho các đơn vị, diện tích 270.572 ha. Đến nay, đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đô thị cho 20.786 hộ/24.093 hộ, đạt tỷ lệ 86,27%.

- Đã triển khai thực hiện kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, phong trào bảo vệ môi trường chưa được duy trì thường xuyên, phương tiện, trang thiết bị cho công tác kiểm soát ô nhiễm và quan trắc môi trường còn thiếu.

- Kiểm tra thực địa 21 điểm mỏ khoáng sản để hướng dẫn cho các tổ chức doanh nghiệp làm thủ tục khảo sát, thăm dò và cấp, gia hạn giấy phép khai khác khoáng sản. Làm thủ tục trình UBND tỉnh quyết định cấp mới 13 giấy phép hoạt động khoáng sản, cấp gia hạn 03 giấy phép và cho phép trả lại 01 giấy phép.

11. Giáo dục đào tạo

9 tháng đầu năm, ngành tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 8/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về “chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục” và cuộc vận động “hai không” do Bộ GD&ĐT phát động, nhờ rõ kỷ cương, nề nếp dạy và học trong các nhà trường tiếp tục được chấn chỉnh. Ngành chỉ đạo và triển khai thực hiện đổi mới chương trình nội dung, phương pháp giáo dục, trọng tâm là tổ chức thực hiện phân ban lớp 10,11 và khắc phục việc “ngồi nhầm lớp”, đổi mới công tác thi, kiểm tra đánh giá theo yêu cầu phản ảnh đúng chất lượng dạy và học, ngăn chặn và chống các biểu hiện tiêu cực trong thi cử. Kết quả:

- Giáo dục mầm non: Toàn tỉnh có 100% trẻ nhà trẻ và 43,8% số trẻ mẫu giáo được tổ chức ăn tại trường, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm 1,6% so năm học trước. Đến nay, toàn tỉnh có 16 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tăng 6 trường so năm học trước.

- Giáo dục phổ thông: Số học sinh cấp tiểu học được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học 15.144/16.737 học sinh, đạt tỷ lệ 90,5%; số học sinh tốt nghiệp THCS: 18.962/20.418 học sinh, đạt tỷ lệ 92,9%; Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT cả 2 đợt có 11.932 học sinh đỗ tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 81%; khối bổ túc THPT có 576/736 học sinh tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 78,3%.

- Công tác phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ và phổ cập THCS : đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm đẩy mạnh. Đến nay đã có 159/159 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ; 6/7 huyện, thành phố với 147/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS (đạt 96,2%).

Về tình hình khai giảng năm học 2008-2009: Đã chuẩn bị tốt các điều kiện để khai giảng năm học mới 2008-2009: mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học; chuẩn bị cơ sở vật chất như: sửa chữa, xây dựng mới các trường học để kịp ngày khai giảng; triển khai tuyển sinh đầu vào các khối lớp 1, lớp 6 và lớp 10... Vì vậy, lễ khai giảng năm học mới 2008-2009 diễn ra thuận lợi. Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã thành lập 9 đoàn công tác đến dự lễ khai giảng tại 9 điểm trường và đi thăm, tặng quà một số trường, cơ sở giáo dục trong tỉnh; các huyện, thành phố trong tỉnh cũng đã cử nhiều đoàn đến thăm và tặng quà các trường học ở địa phương trong ngày khai giảng.

Theo số liệu báo cáo nhanh của ngành, số lượng học sinh huy động trong ngày khai giảng như sau: số cháu vào nhà trẻ: 8.500 cháu, đạt tỷ lệ 24%; số cháu mẫu giáo: 26.958 cháu, đạt tỷ lệ huy động 80%; số học sinh tiểu học: 70.961 học sinh, trong đó huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1: 13.500 học sinh, đạt tỷ lệ 99,5%; học sinh THCS: 68.517 học sinh, huy động học sinh tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6: 14.995 học sinh, đạt tỷ lệ 98,5%; học sinh THPT: 41.534 học sinh, tuyển sinh vào lớp 10: 13.447 học sinh, đạt tỷ lệ 72,5%. Nhìn chung, công tác huy động học sinh đi học cơ bản đảm bảo yêu cầu, hầu hết các đơn vị đã làm tốt công tác tuyển sinh, thực hiện đúng quy trình, tiến độ theo kế hoạch đề ra. Đội ngũ cán bộ, giáo viên cơ bản ổn định ngay từ đầu năm học.

12. Khoa học công nghệ

Trong 9 tháng đầu năm, hoạt động khoa học công nghệ tập trung vào việc tiếp tục triển khai các đề tài, dự án thực hiện năm 2007 và các đề tài, dự án năm 2008 đối với các đề tài, dự án được giao trực tiếp; kiểm tra tiến độ thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ năm 2007 chuyển sang năm 2008 theo tiến độ đã ký kết; tiến hành kiểm tra các đề tài, dự án bị thiệt hại do đợt rét đậm rét hại vừa qua. Đồng thời, đã báo cáo UBND tỉnh sơ bộ kết quả đề tài “Đánh giá tiềm năng nguồn nước và hướng khai thác sử dụng phục vụ sản xuất công nghiệp và sinh hoạt khu công nghiệp cảng biển Hòn La, tỉnh Quảng Bình”; triển khai dự án “Ứng dụng công nghệ mô hom trong sản xuất giống cây lâm nghiệp cao sản phục vụ phát triển trồng rừng tại Quảng Bình”. Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành “Quy định về quản lý đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tỉnh Quảng Bình”.

Hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2000. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy trên địa bàn toàn tỉnh theo công văn số 41/BKHCN-Thanh tra ngày 11/01/2008 của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý chất lượng mũ bảo hiểm sản xuất trong nước.

13. Văn hoá - Thể dục thể thao

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá. Thực hiện Nghị quyết TW5 về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hàng, karaoke, vũ trường. Hoàn thành quy hoạch quảng cáo ngoài trời, quy hoạch Karaoke, vũ trường trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2006-2010; tiếp tục xây dựng Quy hoạch tượng đài đến năm 2020. Tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá, thể thao, du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Qua 5 đợt thanh tra, kiểm tra, đã lập biên bản đình chỉ 10 cơ sở kinh doanh Karaoke, băng đĩa vi phạm, tịch thu và tiêu huỷ 409 sách bói toán, 886 băng hình và 4.413 đĩa CD ngoài luồng. Phối hợp với đoàn nghiên cứu của Viện khảo cổ học khảo sát hang động ở các địa bàn huyện Minh Hoá, Tuyên Hoá, Bố Trạch về cổ sinh học và khảo cổ học thời tiền sử; nghiên cứu, sưu tầm bước 2 đề tài về Quảng Bình trước năm 1975 được 692 ảnh và 130 hiện vật, tư liệu.

Tiếp tục tổ chức các hoạt động thể dục thể thao sôi nổi kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước: phối hợp tổ chức hoạt động rước đuốc “Đuốc sáng Việt Nam hành trình theo chân Bác”; tổ chức Lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang (Lệ Thuỷ), sông Nhật Lệ (Đồng Hới), sông Long Đại (Quảng Ninh)…

Toàn tỉnh hiện có 24,4% số người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, 100% số trường học đảm bảo chương trình giáo dục thể chất, 292 câu lạc bộ TDTT, 1.520 điểm tập luyện, 1.262 sân bãi thi đấu các môn: bóng đá, cầu lông, bóng chuyền, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. 9 tháng đầu năm đã tổ chức 14 cuộc thi đấu cấp tỉnh, 49 cuộc thi đấu cấp huyện, thành phố, 1.045 cuộc thi đấu cấp xã, phường, thị trấn.

14. Y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân

9 tháng đầu năm, ngành đã có nhiều nỗ lực trong phòng chống các loại dịch bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết, dịch tiêu chảy cấp nên đến nay các loại dịch bệnh đều được kiểm soát. Trong 9 tháng, có 20 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 38,4% so cùng kỳ và không có trường hợp nào tử vong. Ngoài ra, có 1.502 trường hợp bị thuỷ đậu, 5.335 trường hợp tiêu chảy, 11 trường hợp viêm não vi rút, 3.252 trường hợp hội chứng lỵ… tuy nhiên đều đã được phát hiện và điều trị kịp thời, không có trường hợp tử vong.

Mạng lưới y tế ở cả 3 tuyến được củng cố và tiếp tục phát triển, phục vụ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 159/159 xã, phường, thị trấn có trạm y tế, đạt tỷ lệ 100%, có 109 trạm y tế có bác sĩ, đạt tỷ lệ 68,6%, 100 % thôn bản có nhân viên y tế hoạt động được trả phụ cấp ổn định.

Công tác chỉ đạo, tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm được đẩy mạnh, nhất là trong các dịp tết, lễ hội. Đã tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm: 2.845 cơ sở, kết quả 1.906 cơ sở đạt tiêu chuẩn, chiếm 67%; 33% không đạt tiêu chuẩn. Đã phối hợp với các ban ngành liên quan mở lớp tập huấn cho các khách sạn, nhà hàng và người tiêu dùng với 33 lớp và 2.014 lượt người tham dự. Nhờ làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm nên từ đầu năm đến nay chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào lớn.

15. Lao động thương binh xã hội

- Giải quyết việc làm: Thực hiện các giải pháp của Chương trình giải quyết việc làm, với sự chỉ đạo tích cực của các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành và sự cố gắng nổ lực của người lao động. Trong 9 tháng đầu năm 2008, đã giải quyết việc làm cho 22.960 lao động, đạt 82% kế hoạch, trong đó tạo việc làm mới cho 14.130 người, đạt 78,5% kế hoạch, tạo thêm việc làm cho 8.830 lao động thiếu việc làm có đủ việc làm, đạt 88,3% kế hoạch năm. Đưa tỷ lệ thất nghiệp bình quân chung toàn tỉnh xuống khoảng 1,35% và nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động khu vực nông nghiệp nông thôn lên 82%.

- Đào tạo nghề: Đã thực hiện chương trình dạy nghề thí điểm cho người nghèo tại Trường Trung cấp nghề Quảng Bình và Trung tâm Giới thiệu việc làm Quảng Bình. Xây dựng dự án dạy nghề cho lao động nông thôn. Kết quả đào tạo nghề 9 tháng đầu năm 2008: Tốt nghiệp đào tạo trung cấp nghề 370 người, tốt nghiệp đào tạo sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên 6.549 người; tuyển mới: Trung cấp nghề 538 người, Sơ cấp nghề 6.635 người, đạt 70,3% kế hoạch năm.

- Lĩnh vực thương binh liệt sĩ và người có công: Đã trình Thủ tướng Chính phủ truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho 43 trường hợp, cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công 479 trường hợp, thẩm định hồ sơ ra quyết định hưởng chất độc hoá học 232 đối tượng, trợ cấp 1 lần hoạt động kháng chiến chết trước 01/01/1995 cho 1.263 trường hợp. Tổ chức lễ giao nhận và an táng 61 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại chiến trường Lào. Đồng thời tiếp nhận 08 hài cốt liệt sỹ về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc.

- Xoá đói giảm nghèo: Trong hơn 4 năm thực hiện kế hoạch 544/KH-UBND, toàn tỉnh xóa được 8.363 nhà tranh cho hộ nghèo với nguồn kinh phí huy động được 68,96 tỷ đồng. Theo số liệu điều tra của các huyện có 4.195 nhà tạm, chủ yếu tập trung ở các xã miền núi, rẻo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đặc biệt các xã bị ảnh hưởng lớn của cơn bão số 2 và số 5/2007. Hiện nay ngành đang đề xuất kế hoạch xóa nhà tạm cho hộ nghèo giai đoạn 2008-2010.

Trong 9 tháng, toàn tỉnh đã xoá được 6.646 hộ nghèo, đạt 78% kế hoạch; số hộ tái nghèo và phát sinh mới 1.370 hộ đưa số hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối tháng 9/2008 còn 38.789 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 19,88% trên tổng số hộ.

- Công tác bảo trợ xã hội: Các chính sách cho hộ nghèo được thực hiện tốt như: miễn giảm đóng góp giáo dục, cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, xây dựng nhà ở, cho vay vốn.

Đã tham mưu cho UBND tỉnh phân cấp mua thẻ Bảo hiểm y tế cho đối tượng thuộc ngân sách địa phương chi trả cho các huyện, thành phố tạo điều kiện thuận lợi trong việc mua thẻ bảo hiểm. Đến nay, đã tiến hành cấp thẻ cho các đối tượng với tổng số thẻ là 195.609 thẻ, trong đó người nghèo: 149.888 thẻ và nhân dân thuộc diện chương trình 135 là 45.721 thẻ.

Chứng nhận ưu tiên giáo dục cho hơn 350 con hộ nghèo đang theo học tại các trường chuyên nghiệp để thực hiện chế độ miễn giảm học phí và trợ cấp xã hội theo quy định.

16. Công tác nội chính, thanh tra, tư pháp

a. Công tác nội vụ:

- Tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền: Công tác xây dựng chính quyền được triển khai thực hiện theo đúng quy định. Tăng cường, củng cố các tổ chức, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền. Hoàn thành việc sáp nhập, chia tách, sắp xếp lại bộ máy tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo Nghị định 13/2008/NĐ-CP và Nghị định 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ gắn với việc triển khai thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định 132/2007/NĐ-CP ngày 08/8/2007 của Chính phủ. Đồng thời, đã tổ chức thẩm định Đề án quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức các Sở: Y tế, Công thương, Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Chi cục Quản lý Thị trường. Thực hiện thành lập mới, kiện toàn, thay đổi, bổ sung các Ban chỉ đạo, Hội đồng tư vấn liên ngành.

Thực hiện giao chỉ tiêu biên chế năm 2008 và tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng biên chế năm 2008, xây dựng kế hoạch biên chế năm 2009 báo cáo Bộ Nội vụ. Quyết định bổ nhiệm, điều động, điều chuyển, bố trí 22 cán bộ và quyết định nghỉ hưu 5 cán bộ thuộc Ban thường vụ Tỉnh uỷ quản lý; phê chuẩn kết quả bầu cử bổ sung 2 Chủ tịch, 02 Phó chủ tịch và 3 Uỷ viên UBND cấp huyện... Ban hành Quyết định về phân cấp quản lý và bổ nhiệm cán bộ thuộc Ban cán sự Đảng UBND tỉnh quản lý.

- Cải cách hành chính: Đã triển khai thực hiện Kế hoạch CCHC và kế hoạch kiểm tra công tác CCHC năm 2008. Đồng thời ban hành Chương trình hành động của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW 5 về đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Hoạt động của Trung tâm giao dịch "một cửa" tiếp tục được cải tiến, phục vụ tiến bộ hơn cho công dân và tổ chức. Đến nay, toàn tỉnh đó có 14/21 sở, ban, ngành chiếm tỷ lệ 66,7%; có 7/7 huyện, thành phố chiếm 100%; có 157/159 xã, phường, thị trấn, chiếm tỷ lệ 98,7% thực hiện cơ chế "một cửa". Đôn đốc các ngành, địa phương thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức theo Nghị định 158/2007/NĐ-CP.

- Công tác thi đua khen thưởng: Công tác thi đua khen thưởng có bước chuyển biến tích cực, phong trào thi đua được triển khai và cụ thể hoá ở các địa phương gắn với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của UBND tỉnh. Đã triển khai thực hiện các đợt thi đua sôi nổi lập thành tích kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Đảng, ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 và đợt thi đua cao điểm lập thành tích chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Kết quả: 02 tập thể được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; 05 tập thể và 03 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 07 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua năm 2007; 02 cá nhân được tăng thưởng Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 04 tập thể và 10 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Đồng thời, phát động phong trào thi đua toàn dân chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước.

b. Công tác tư pháp:

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được chú trọng, đã triển khai nhiều đề án với các nội dung trọng tâm như: “Phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ tư pháp trong phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn“, Đề án về phòng chống tội phạm, tội phạm ma tuý, tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em... Ban hành kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và đang tổ chức Hội thi "Hoà giải viên giỏi" các cấp lần thứ 4. Đã tổ chức thành công Cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông" với 90.606 người tham gia. Hệ thống tủ sách pháp luật ở các cơ quan, doanh nghiệp, các xã, phường, thị trấn được tiếp tục được tăng cường và phát huy tác dụng. Chất lượng công tác thẩm định, góp ý, tham gia các dự thảo và rà soát hiệu lực các văn bản quy phạm pháp luật được nâng cao; thực hiện đúng các quy định về công tác quản lý nhà nước cho đăng ký kết hôn và nuôi con có yếu tố nước ngoài; hoạt động công chứng, trợ giúp pháp lý được đẩy mạnh. Công tác thi hành án dân sự có chuyển biến tiến bộ, 9 tháng đầu năm phải thi hành 4.641 việc, trong đó: số việc có điều kiện thi hành 2.129 việc, đã thi hành xong 1.327 việc (đạt tỷ lệ 62% trên tổng số việc có điều kiện thi hành)

c. Công tác thanh tra, khiếu nại tố cáo:

Trong 9 tháng năm 2008, ngành Thanh tra đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước các cấp. Đã thực hiện 84 cuộc thanh tra về công tác quản lý tài chính, thuế, đầu tư xây dựng, tài nguyên và môi trường, giáo dục, y tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng... Đã kết thúc 75 cuộc, đang tiếp tục thanh tra 9 cuộc. Qua thanh tra đã phát hiện các sai phạm về kinh tế, đã kiến nghị thu hồi số tiền sai phạm 4,05 tỷ đồng và 84.574 m2 đất và đã thu hồi được 2,315 tỷ đồng, số còn lại đang tiếp tục thu.

Trong 9 tháng, có 648 lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo, giảm 329 đơn so cùng kỳ. Trong đó, khiếu nại 457 lượt đơn, tố cáo 191 lượt đơn. Nội dung khiếu nại tố cáo chủ yêu tập trung vào các lĩnh vực: tranh chấp đất đai chiếm 37,3%, bồi thường GPMB 14,5%, chính sách xã hội 15%... Đến nay, đã giải quyết được 273 vụ, đạt 74,4% tổng số vụ thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính các cấp và hiện còn đang xem xét, giải quyết 94 vụ.

17. An ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội

Tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ chủ chốt ở Quân khu và tổ chức giáo dục quốc phòng tại tỉnh, các huyện, thành phố và trong các trường học. Tăng cường các hoạt động xây dựng cơ sở ở các địa bàn biên giới. Tổ chức giao quân đợt 1 đạt 100% kế hoạch.

Lực lượng công an đó thường xuyên nắm bắt tình hình, tổ chức nhiều đợt trấn áp tội phạm có hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động phòng, chống ma tuý trên các địa bàn trọng điểm; triển khai và thực hiện tốt kế hoạch đảm bảo an toàn cho các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn.

Hướng tới mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 32/2007/NĐ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông. Nhờ đó, tình hình tai nạn giao thông có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước cả về số vụ, số người chết, bị thương. Tình đến ngày 31/8/2008, toàn tỉnh đã xảy ra 158 vụ tai nạn giao thông, giảm 29 vụ so với cùng kỳ năm 2007; số người chết do tai nạn giao thông: 176 người, giảm 6 người; số người bị thương: 88 người giảm 69 người./.


Website Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình

    Tổng số lượt xem: 1540
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)