Kỷ niệm năm năm ngày gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các báo lớn của Trung Quốc đều hân hoan chào mừng những thành tựu của nước này sau thời kỳ trở thành thành viên của WTO. Ngày 11/12/2006, Trung Quốc tròn 5 năm gia nhập WTO, thời hạn 5 năm chuyển tiếp sau khi gia nhập WTO của TQ sắp kết thúc, nước này phải thực hiện đầy đủ các cam kết mở cửa thị trường. Với mức tăng trưởng 2 con số liên tục nhiều năm liền, nền kinh tế TQ đang vượt lên phía trước khiến nhiều nước cũng phải có những đánh giá cụ thể hơn.
Từ năm 2001 tới nay, Trung Quốc đã sửa đổi hơn 2000 văn bản pháp luật liên quan, bãi bỏ gần 700 văn bản pháp luật không phù hợp nhằm đáp ứng các cam kết của mình khi tham gia sân chơi thương mại quốc tế.
Mức thuế đánh vào hàng công nghiệp 14,8% trước khi gia nhập WTO của nước này đã giảm xuống 9,1% vào năm 2005,thuế đối với nông sản đã giảm từ 23,2% xuống còn 15,35%, trong đó nhiều loại thuế không cần thiết đã được giảm đáng kể hoặc bãi bỏ. Trung Quốc cũng đã mở cửa để thúc đẩy cạnh tranh đối với 9 ngành công nghiệp và 102 phân ngành dịch vụ bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, dịch vụ pháp lý, kế toán, và phân phối.
Đặc biệt, ngành công nghiệp ôtô của Trung Quốc đã đứng vững và phát triển rất khởi sắc. Mặc dù các doanh nghiệp ôtô có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 50% tỉ trọng của ngành (với tổng vốn đầu tư khoảng 96 tỷ USD), song các nhà sản xuất ôtô nội địa Trung Quốc cũng đã đóng góp không nhỏ vào kết quả tăng trưởng 300% năm năm qua của ngành này. Với vị trí nước sản xuất xe hơi đứng thứ ba thế giới, Trung Quốc vẫn giữ vững tỉ lệ tăng trưởng xuất khẩuôtôhàng năm là 15% từ 2001 tới nay.
Những nỗ lực của Trung Quốc trong vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng được cải thiện, ví dụ số tiền nộp bản quyền và các khoản liên quan đã tăng mạnh trong năm qua, đạt tới 4,5 tỷ đô la. Có khoảng 400.000 cán bộ đang làm công tác bảo hộ bản quyền tại Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc có những cải thiện trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ và tính minh bạch của hệ thống pháp luật, song các quan chức của Liên minh châu Âu lại không hoàn toàn nhất trí về điều đó. Theo ông Janssens, Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, bên cạnh những nhận xét thuận lợi rằng phần lớn các nước châu Âu làm ăn ở Trung Quốc đều tin vào việc thực hiện cam kết của nước sở tại, tính minh bạch và vấn đề sở hữu trí tuệ vẫn là những vấn đề đáng lo ngại nhất.
Mỹ chỉ trích Trung Quốc đã giữ giá đồng Nhân dân tệ để thúc đẩy các giao dịch ngoại thương, gây khó khăn trong cạnh tranh đối với các công ty Mỹ. Phía Mỹ cũng than phiền về những khắt khe của của Trung Quốc đối với hàng nông sản nhập khẩu.
Kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO đến nay, mỗi tuần các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ vào nước này hơn 1 tỉ USD đầu tư, biến Trung Quốc thành một phân xưởng sản xuất của thế giới. Sau năm năm, Trung Quốc đã vượt Anh và Pháp để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới với tăng trưởng thương mại đạt gần 30%/năm, tỉ lệ người nghèo giảm từ 16% xuống 10%.
Theo ông Long, người từng là trưởng đoàn đàm phán WTO của Trung quốc thì kinh tế Trung Quốc ngày càng mở cửa và qui mô nền kinh tế ngày càng rộng lớn nên thế giới đang trở nên nhạy cảm hơn với những gì đang diễn ra ở Trung Quốc.
Như vậy, sau năm năm đầu tiên có mặt trong WTO, đất nước đông dân nhất thế giới cũng đang phải chuẩn bị để đối phó với những than phiền về việc thực hiện cam kết gia nhập WTO đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, bản quyền ...v.v.