Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội dải ven biển miền Trung đến 2020 đã được phê duyệt, miền Trung cần hơn 2.333 nghìn tỷ đồng để phát triển kinh tế-xã hội, trong đó xây dựng hạ tầng là ưu tiên đầu tư hàng đầu.
Hệ thống đường bộ khu vực này sẽ được phát triển thông qua việc hình thành đường giao thông ven biển dài 1.300km nối liền từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc-Nam, kết hợp với việc đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả, nhằm tạo thuận lợi cho việc lưu thông trên tuyến quốc lộ 1A.
Hệ thống đường sắt cũng sẽ được nâng cấp với việc triển khai xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435mm đoạn Hà Nội-Vinh và đoạn Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang; nghiên cứu xây dựng một số đoạn đường sắt cao tốc Bắc-Nam, trước hết là các tuyến Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang và Hà Nội-Vinh.
Điểm nhấn quan trọng của chương trình phát triển kinh tế dải ven biển miền Trung chính là phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật các hành lang kinh tế gắn kết các đô thị, cảng biển, sân bay với các khu kinh tế cửa khẩu của khu vực. Điều đó đồng nghĩa với việc đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ hơn, trong đó, quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển, cảng hàng không sẽ đặc biệt ưu tiên.
Theo các nhà quản lý, quy hoạch tổng thể này là cơ sở pháp lý tạo động lực giúp miền Trung phát huy tiềm năng sẵn có, để đưa kinh tế khu vực, vốn được xem là "vùng trũng" của cả nước, bước lên tầm cao mới./.