Lãnh đạo Bộ Công Thương tính đến biện pháp mạnh tay hơn để đảm bảo nhập siêu không vượt ngưỡng cho phép. Tại hội nghị giao ban trực tuyến của Bộ Công Thương ngày 7/12, lãnh đạo Bộ khẳng định, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong nước là những vấn đề lớn cần được thực hiện quyết liệt trong những ngày còn lại của năm nay.
|
May hàng xuất khẩu tại Công ty may
Bình Định
|
Theo số liệu thống kê, 11 tháng đầu năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2008. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 18,5%, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì con số này còn khoảng 11%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng ước khoảng 51,31 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 61,72 tỷ USD, giảm 17,8%. Nhập siêu 11 tháng là 10,42 tỷ USD, bằng 20,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước nhập siêu 28,8%).
Phân tích các kết quả trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên nhấn mạnh một số chỉ tiêu về xuất khẩu và nhập siêu đã không thực hiện được. Thời gian còn lại của năm 2009 không nhiều, vì vậy, Vụ Xuất nhập khẩu cần phải phối hợp với các hiệp hội ngành hàng tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bóc tách các vấn đề cần phối hợp với các bộ, ngành chức năng để đẩy mạnh xuất khẩu vào từng thị trường cho từng ngành hàng.
Về giải pháp lâu dài, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên kiến nghị cần phải có biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp mua dự trữ một số mặt hàng nông sản như cà phê, gạo, tiêu, cao su... để tránh tình trạng khi mùa vụ thì bán ồ ạt với giá thấp, còn khi giá lên lại không có nhiều hàng để xuất khẩu.
Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào khẳng định, xuất khẩu phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng ta vẫn nhập siêu do phải nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đồng thời cũng phải nhập khẩu hàng tiêu dùng cần thiết, vì vậy cần phải tính toán chặt chẽ. Muốn tăng xuất khẩu, một giải pháp quan trọng chính là tăng giá trị sản xuất công nghiệp (hiện đang đạt mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây); nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành...
Tại hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bùi Xuân Khu nhấn mạnh, song song với việc tập trung ưu tiên đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp, nông sản, cần phải thực hiện những biện pháp mạnh tay hơn để đảm bảo nhập siêu tháng 12/2009 không vượt ngưỡng cho phép. Đối với thị trường nội địa, các đơn vị của Bộ phải phối hợp cân đối cung cầu, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, không gây sốt giá trong dịp Tết.
Chẳng hạn, xăng dầu cũng là một trong số các mặt hàng đang nhập siêu, trong thời điểm hiện nay, cần cân đối nhập khẩu và giảm dự trữ để giảm áp lực nhập siêu cho năm 2009. Từ năm 2010, Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động ổn định sẽ đảm bảo được nguồn dự trữ trong nước.
Nhiều đại biểu và lãnh đạo Bộ Công Thương đều cho rằng các lực lượng quản lý thị trường phải tích cực hơn nữa trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường. Từ nay đến cuối năm công tác kiểm tra thị trường phải được thực hiện đồng bộ, toàn diện và mạnh mẽ, đặc biệt là đối với các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nạn sang chiết lậu gas, đấu tranh chống hàng cấm, hàng giả, hàng nhái...