Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/09/2009-15:46:00 PM
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh 9 tháng đầu năm 2009
Những tháng đầu năm 2009, kinh tế cả nước và trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế thế giới, tình hình thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp…, tác động bất lợi đến sản xuất, đời sống và thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Với sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp và doanh nghiệp, qua 9 tháng thực hiện, kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Tình hình, kết quả trên các ngành, lĩnh vực chủ yếu đạt được như sau:
I. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 9 THÁNG NĂM 2009
1. Về phát triển kinh tế
1.1. Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao nhất từ đầu năm đến nay: Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) tháng 9 năm 2009 ước đạt 1.870 tỷ đồng (tháng trước 2.160 tỷ), tăng 16,98% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, giá trị SXCN ước đạt 17.954 tỷ đồng, bằng 67% kế hoạch, tăng 13,33% là mức tăng trưởng cao nhất từ đầu năm đến nay (7 tháng tăng 11,5%; 8 tháng tăng 11,42%). Trong đó: Công nghiệp Trung ương 11.388 tỷ đồng, tăng 5,26%; công nghiệp địa phương 3.614,4 tỷ đồng, tăng 64,3%; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 2.952,3 tỷ đồng, tăng 4,52%.
Một số sản phẩm ước thực hiện 9 tháng so với cùng kỳ như sau: Than sạch ước đạt 30,1 triệu tấn, tăng 1,96%; than tiêu thụ 31,6 triệu tấn, tăng 6,92% (trong đó xuất khẩu 17,58 triệu tấn, tăng 17,72%); Điện sản xuất 790 triệu KWh, bằng 61,69% (kế hoạch dự kiến 3,3 tỉ KWh, do Nhiệt điện Uông Bí mở rộng, Nhiệt điện Cẩm Phả, Hà Khánh chậm, không đảm bảo tiến độ); Đóng mới tàu 277.258 tấn, bằng 93%; Xi măng 2,41 triệu tấn, tăng 5,87 lần (kế hoạch 2009 dự kiến 4,8 triệu tấn, nhưng một số nhà máy xi măng không đảm bảo tiến độ, nên thực tế chưa đạt); Bia các loại 23,8 triệu lít, bằng 98%; Gạch nung 619,67 triệu viên, tăng 1,35%; Dầu thực vật 182.904 tấn, tăng 3,39%...
Nhìn chung, trong tháng 9 và 9 tháng năm 2009 sản xuất công nghiệp toàn tỉnh có tốc độ phát triển khá (tháng 9 ước tăng gần 17%, tính chung 9 tháng tăng trên 13% so với cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng cao nhất từ đầu năm đến nay). Đặc biệt trong tháng 9, giá than xuất khẩu có xu hướng tăng mạnh, nhất là thị trường Trung Quốc, giá bán than xấu đạt ở mức 60-75 USD/tấn. Trước tình hình một số dự án điện, xi măng chậm đưa vào sản xuất, ngày 04/9/2009, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tổ chức họp bàn các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đến nay, các doanh nghiệp đều cam kết sớm đẩy mạnh sản xuất.
1.2. Sản xuất nông nghiệp vượt qua được khó khăn, tiếp tục phát triển:
Toàn tỉnh đã gieo trồng được 71.322 ha cây trồng các loại, đạt 96,3% kế hoạch, bằng 97,9% so với cùng kỳ giảm 1.505 ha (vụ Đông Xuân 37.225 ha, vụ Mùa 34.106 ha). Vụ Đông Xuân, sản lượng lương thực đạt 104.228 tấn (tương đương so với vụ Đông Xuân 2008), năng suất lúa bình quân đạt 50,8 tạ/ha (tăng 0,9 tạ/ha). Vụ Mùa năm nay gieo cấy đúng thời vụ, chăm bón hợp lý cùng với thời tiết thuận lợi mưa đều, lúa màu sinh trưởng phát triển tốt, nếu không có biến động lớn về thời tiết, dịch bệnh dự báo sản lượng lương thực vụ Mùa năm nay có thể đạt cao hơn vụ Mùa 2008. Chăn nuôi vẫn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh[1], số lượng đàn gia súc, gia cầm đều bị giảm so với cùng kỳ[2]. Đã trồng được 16.074 ha rừng tập trung, đạt 106% kế hoạch, bằng 97% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thuỷ sản thực hiện 9 tháng ước đạt 56.039 tấn, bằng 80,1% kế hoạch, tăng 7% so với cùng kỳ; trong đó khai thác 37.000 tấn, đạt 85,5% kế hoạch, tăng 5%; nuôi trồng 19.309 tấn, đạt 71,3% kế hoạch, tăng 12%. Giá trị xuất khẩu chế biến thuỷ sản ước đạt 15,652 triệu USD, đạt 92,1% kế hoạch, tăng 36% so với cùng kỳ. Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư, đã nâng số hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 79,1%, tăng 3,1% so với cùng kỳ; chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 289 của Chính phủ được triển khai kịp thời, phát huy hiệu quả.
1.3. Hoạt động dịch vụ diễn ra sôi động, một số ngành có tốc độ tăng trưởng cao.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 9 ước đạt 1.846 tỷ đồng, tăng 14,79% cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đạt 15.875 tỷ đồng, tăng 14,51% (trong đó bán lẻ tăng 34%). Giá cả nhìn chung ổn định và có mức tăng thấp, chỉ số giá tiêu dùng chung tháng 9 tăng 0,48% so với tháng 8/2008 và tăng 4,26% so với tháng 12/2008, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra từ đầu năm tăng khoảng 16%. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn tháng 9 ước đạt 168 triệu USD, tăng 1,2% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng đạt 1.292 triệu USD, đạt 64,5% kế hoạch (2.004 triệu USD) và giảm 3,9% so với cùng kỳ; trong đó: Xuất khẩu Trung ương 986,9 triệu USD, giảm 2,7%; xuất khẩu địa phương 197,2 triệu USD, tăng 10%; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 108 triệu USD, tăng 4,3%.
Một số ngành dịch vụ tiếp tục phát triển: Hoạt động tín dụng ngân hàng vẫn tăng trưởng khá, tổng vốn huy động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn 9 tháng ước đạt 34.300 tỷ đồng, tăng 49,3% so với cùng kỳ và tăng 36% so với 31/12/2008, vượt mục tiêu phấn đấu cả năm 2009; tổng doanh số cho vay 9 tháng ước đạt 52.800 tỷ đồng[3], tăng 129,5% so cùng kỳ. Các dịch vụ bưu chính, viễn thông hoạt động ổn định: Phát triển thuê bao điện thoại 9 tháng đạt 636.679 thuê bao (tháng 9 đạt 20.163 thuê bao), nâng tổng số thuê bao toàn tỉnh đạt 2.520.325 thuê bao, trong đó máy cố định và di động trả sau là 451.429 máy, đạt tỷ lệ 37 thuê bao/100 dân; thuê bao Internet 9 tháng đạt 16.058 thuê bao (trong tháng 9 đạt 1.446 thuê bao), doanh thu toàn ngành 9 tháng ước đạt 978 tỷ đồng, tăng 61,7%. Ngành Du lịch tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch, đã tổ chức tốt Lễ hội du lịch Hạ Long năm 2009, đẩy mạnh cuộc vận động bầu chọn Vịnh Hạ Long là một trong 7 Kỳ quan thiên nhiên Thế giới; lượng khách du lịch đến Quảng Ninh 9 tháng đạt 4,1 triệu lượt khách[4], bằng 95% kế hoạch, tăng 7% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế 1,153 triệu lượt, giảm 37%; khách lưu trú ước đạt 1,538 triệu lượt, giảm 13% cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.862,3 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng 2009: Khối lượng vận chuyển hàng hoá tăng 14,4% so với cùng kỳ; vận tải hành khách tăng 30,5%; tổng doanh thu vận tải ước đạt 1.591,9 tỷ đồng, tăng 36,2% so với cùng kỳ.
1.4. Đầu tư phát triển: Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước đến 20/9/2009 là 2.521 tỷ đồng; khối lượng thực hiện từ đầu năm ước đến 30/9 đạt 2.262 tỷ đồng, bằng 89,7% kế hoạch; giải ngân (đến 31/8) đạt 1.731 tỷ đồng, đạt 68,7% kế hoạch, trong đó khối lượng thực hiện ngân sách tỉnh 1.908 tỷ đồng, bằng 90,4% kế hoạch, giải ngân đạt 68,1% kế hoạch; ngân sách huyện, xã thực hiện 353,6 tỷ đồng, bằng 86,1% kế hoạch, giải ngân đạt 71,7% kế hoạch. Các công trình trọng điểm của tỉnh đã và đang được quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện: Trong tháng 9 đã khánh thành cầu vượt Cẩm Phả; đẩy nhanh tiến độ nâng cấp đường Mông Dương - Móng Cái; đường Trới - Vũ Oai; Bệnh viện Lao Phổi… Nhìn chung, công tác đầu tư XDCB 9 tháng qua có chuyển biến rõ nét, nhất là trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiên vẫn còn một số dự án triển khai chưa đạt yêu cầu cần rút kinh nghiệm và đẩy nhanh tiến độ.
Vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước: Kế hoạch cho vay năm 2009 của Ngân hàng phát triển Việt Nam đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh là 733 tỷ đồng, trong tháng 9 ước giải ngân đạt 85,7 tỷ đồng; luỹ kế 9 tháng giải ngân đạt 249,092 tỷ đồng, đạt 33,95% kế hoạch. Nguyên nhân giải ngân thấp do vướng mắc đền bù GPMB (Dự án hạ tầng Vân Đồn), vướng mắc giấy phép khai thác mỏ (Nhà máy xi măng Thăng Long), Nhà máy xi măng Hạ Long chưa có khối lượng thực hiện để giải ngân.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ đầu năm đến tháng 9 đạt 25 triệu USD (gồm: 5 dự án cấp mới với số vốn đăng ký 23 triệu USD và 5 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm 02 triệu USD), bằng 14,6% so với cùng kỳ năm 2008; vốn đầu tư thực hiện ước đạt 50 triệu USD, bằng 83% so với cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 9/2009, toàn tỉnh còn 104 dự án còn hiệu lực pháp lý với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.593 triệu USD. Tỉnh đã cấp đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp cho 824 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 6.088 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2008 tăng 74 doanh nghiệp và 748 tỷ đồng vốn đăng ký.
1.5. Công tác thu chi ngân sách nhà nước đạt khá so với cùng kỳ và dự toán được giao. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng năm 2009 ước đạt 13.035,7 tỷ đồng, bằng 94% dự toán năm 2009, tăng 14% so cùng kỳ. Trong đó: Thu XNK 8.913,9 tỷ đồng, đạt 97% dự toán, tăng 7%; thu nội địa (phần cân đối ngân sách) ước đạt 3.746,6 tỷ đồng, bằng 90% dự toán, tăng 37%; các khoản thu để lại quản lý qua ngân sách 375,1 tỷ đồng, đạt 57% dự toán, bằng 99% cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương 9 tháng ước đạt 5.074,2 tỷ đồng, bằng 118% dự toán, tăng 79% so với cùng kỳ, trong đó chi đầu tư phát triển 2.409,8 tỷ đồng, bằng 148% dự toán, tăng 136%; chi thường xuyên 1.891,5 tỷ đồng, bằng 81% dự toán, tăng 32%. Cơ bản các nhiệm vụ chi được đáp ứng kịp thời, đảm bảo cho hoạt động của các ngành, đơn vị. Bên cạnh đó tổ chức tốt các khoản chi phục vụ các nhiệm vụ đột xuất.
Nhìn chung, công tác thu chi ngân sách 9 tháng đầu năm vẫn duy trì được tốc độ ổn định thu, chi, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; hoạt động tài chính các cấp, các ngành đã cố gắng ngay từ đầu năm, có nhiều giải pháp tích cực nên các nhiệm vụ đều đạt cao so với kế hoạch.
2. Văn hoá - xã hội
2.1. Văn hoá - xã hội thu được kết quả quan trọng. Tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền, biểu diễn văn hoá nghệ thuật nhân dịp các ngày lễ lớn như kỷ niệm 64 năm Cách mạng Tháng 8, Quốc khánh 2/9 và bình chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới. Tiếp tục triển khai sâu rộng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", đưa tin phản ánh về hoạt động của lãnh đạo tỉnh; công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai,…
Ngành Giáo dục - Đào tạo đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2008-2009. Kết thúc năm học 2008-2009, chất lượng giáodục phổ thông tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 90,97% (tăng 4,46%), hệ bổ túc THPT đạt 72,12% (tăng 9,52%); việc huy động động học sinh ở các bậc học đều đạt kế hoạch đề ra. Kết quả thi tốt nghiệp của tỉnh đứng đầu trong 15 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và trong tốp 10 tỉnh của cả nước có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT trên 90%, tốp 5 tỉnh có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp Bổ túc THPT cao trên 70%. Quảng Ninh là tỉnh có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ổn định và tăng trưởng vững chắc sau 3 năm triển khai thực hiện cuộc vận động "hai không". Tổ chức tốt việc khai giảng năm học mới đảm bảo đúng nội dung, chương trình Bộ Giáo dục-Đào tạo đề ra. Triển khai nhiệm vụ năm học mới 2009-2010 với chủ đề “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục" và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" trong toàn ngành. Nhằm đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực, tỉnh đã chuyển giao Trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp cho Trường Đại học Ngoại thương để đặt cơ sở đào tạo tại Quảng Ninh.
Công tác y tế được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Duy trì tốt công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Do bùng phát của dịch cúm A(H1N1) trên toàn quốc, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều chùm ca bệnh nhân có dấu hiệu cúm A(H1N1) đã được khoanh vùng điều trị, khống chế kịp thời[5], đảm bảo bình thường các hoạt động lao động, sản xuất, nhất là việc học tập của học sinh trong các trường học. Công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân được quan tâm thường xuyên: Trong 9 tháng, số lần khám chữa bệnh tuyến tỉnh là 522.117 lượt (tăng 22%), tuyến huyện là 831.670 lượt (giảm 4%) so với cùng kỳ. Hoạt động dân số-kế hoạch hoá gia đình được triển khai tích cực; số trẻ sinh ra trong 8 tháng đầu năm nay ước tăng 10,7% so với cùng kỳ (tăng 1.065 trẻ), tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng 56 trẻ tăng 9,3% cùng kỳ…
Hoạt động khoa học và công nghệ được quan tâm chỉ đạo, các mặt công tác đều được chủ động triển khai một cách toàn diện, 9 tháng đầu năm đã triển khai 95% kế hoạch sự nghiệp, 100% kế hoạch đầu tư phát triển khoa học công nghệ. Đã tổ chức triển khai thực hiện 30 Đề tài với tổng kinh phí 8,5 tỷ đồng, dự án cấp tỉnh; 08 Đề tài với tổng kinh phí 585 triệu đồng, dự án cấp cơ sở. Công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức và các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các hoạt động thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học và lao động sáng tạo trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt.
Công tác giải quyết việc làm và dạy nghề, thực hiện chính sách xã hội, giảm nghèo, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống tệ nạn xã hội…được triển khai tích cực và có kết quả tốt. Trong 9 tháng, đã giải quyết việc làm mới cho 18.998 lao động (xuất khẩu lao động là 164 người), đạt 73,06% kế hoạch, tỷ lệ lao động qua đào tạo tính đến tháng 9/2009 ước đạt 44,5% (kế hoạch là 45%), trong đó đào tạo nghề đạt 34% (kế hoạch là 34-35%). Tỉnh đang tập trung chỉ đạo để thực hiện việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh (theo rà soát có 4.071 hộ nghèo cần hỗ trợ nhà, 12.089 hộ cận nghèo (với 50.768 người).
Phong trào thể dục thể thao được duy trì tốt, tiếp tục thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Tỷ lệ người luyện tập thể thao thường xuyên ước đạt 22,5% dân số, tỷ lệ hộ gia đình thể thao đạt 12,5%. Thể thao thành tích cao tiếp tục được quan tâm và đã có kết quả tích cực[6]. Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động thể dục thể thao còn thiếu và đơn giản; công tác xã hội hoá thể thao ở một số môn mũi nhọn của tỉnh còn chậm, chưa theo kịp xu thế phát triển chung. Tỉnh đang chỉ đạo tập trung nguồn lực để đầu tư một số hạng mục công trình quan trọng để nâng cao chất lượng công tác thể dục thể thao của tỉnh.
2.2. Tăng cường đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là người nghèo, gia đình chính sách, người thu nhập thấp.
Tỉnh đã kịp thời, chủ động triển khai các biện pháp hỗ trợ các vấn đề dân sinh bức xúc về phòng chống thiên tai, dịch bệnh và những khó khăn của nhân dân trong bối cảnh suy giảm kinh tế. Tập trung chỉ đạo hỗ trợ đặc biệt đối với gia đình có công, gia đình chính sách, tỉnh đã kịp thời trích ngân sách chi trợ cấp Tết, hỗ trợ người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội 15.680,7 triệu đồng, chi đối tượng chính sách xã hội (thương binh, liệt sỹ, người có công) và một số đối tượng khác 17.357,2 triệu đồng…, góp phần ổn định sản xuất và đời sống.
3. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường được tăng cường và có chuyển biến tích cực.
Tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Than lập lại trật tự trong khai thác, vận chuyển, kinh doanh than trên địa bàn; đồng thời, quan tâm làm tốt công tác quản lý các loại tài nguyên, khoáng sản khác. Trong 9 tháng, tỉnh đã giao đất cho 65 dự án với diện tích 971,71 ha; cho thuê đất 105 dự án với diện tích 8.120,64 ha; thu hồi đất của 16 dự án với diện tích 51,78 ha; cấp 173 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân. Đã kiểm tra rà soát, đôn đốc các cơ sở công nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường; thực hiện thanh kiểm tra 12 cuộc về việc chấp hành các quy định về đất đai, khoáng sản và môi trường tại các doanh nghiệp trên địa bàn: Cẩm Phả, Đông Triều và Móng Cái. Tuy nhiên, hoạt động quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường vẫn còn một số tồn tại cần tiếp tục quan tâm thường xuyên.
4. Tập trung chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Các ngành, địa phương đã thường xuyên kiện toàn bộ máy, bố trí cán bộ; cải tiến lề lối làm việc, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận "một cửa". Sự phối hợp công tác giữa ngành với ngành, ngành với địa phương được tăng cường và chủ động hơn. Sự phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh với các tổ chức đoàn thể chính trị, các hội luôn được duy trì tốt. Cải cách thủ tục hành chínhđược đặc biệt quan tâm nhằm đảm bảo phát triển sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết công việc của Nhà nước với các tổ chức và công dân. Việc triển khai Đề án 30 trên địa bàn tỉnh đến nay đã cơ bản hoàn thành giai đoạn I [7] và triển khai giai đoạn II. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ về công bố các bộ thủ tục hành chính ở 3 cấp chính quyền, ngày 24/7/2009, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành các Quyết định số 2279/QĐ-UBND và 2280/QĐ-UBND công bố bộ thủ tục hành chính chung áp dụng tại cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh; ngày 24/8/2009, ban hành các Quyết định công bố các bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành thuộc tỉnh.
Thực hiện nghiêm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật phòng chống tham nhũng ở tất cả các cấp, các ngành của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động của Uỷ ban nhân dân tỉnh[8] thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong 9 tháng, các đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện tốt công tác tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng như: Rà soát, sửa đổi bổ sung quy chế dân chủ, Quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý tài sản công. Thanh tra tỉnh đã xây dựng kế hoạch và được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt về việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng, thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng trong toàn tỉnh; đồng thời tiếp tục theo dõi, đôn đốc, tổng hợp việc thực hiện kê khai tài sản và minh bạch thu nhập trong toàn tỉnh. Đã khởi tố 5 vụ, 17 bị can liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, góp phần răn đe, phòng ngừa trong đội ngũ cán bộ, công chức.
Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo có bước chuyển biến tích cực. Uỷ ban nhân dân tỉnh và các ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, duy trì hoạt động của các đường dây nóng để tiếp nhận và giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của người dân. Nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp kéo dài đã được giải quyết kịp thời, không để phát sinh thành "điểm nóng" gây mất an ninh trật tự, thể hiện rõ nét vai trò và trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cấp uỷ các cấp và sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng. Tuy nhiên, một số vụ việc tính chất vẫn còn phức tạp, số lượt công dân và số vụ việc tăng [9] so với cùng kỳ năm 2008.
5. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội xã hội trên địa bàn được giữ vững.
Tình hình trật tự an ninh trên tuyến biên giới, biển đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tình hình nội bộ nhân dân cơ bản ổn định. Quan hệ giữa 2 bên biên giới tiếp tục được củng cố và phát triển. Đã triển khai thực hiện tốt kế hoạch huấn luyện, bồi dưỡng giáo dục kiến thức quốc phòng, an ninh năm 2009. Kết quả giao quân năm 2009 bảo đảm đủ số lượng, chất lượng được giao.
Công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm được tăng cường, đã bắt và xử lý nhiều vụ trọng án[10]; tình hình buôn lậu và gian lận thương mại diễn biến phức tạp, nhưng các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp tích cực, đồng bộ và kiểm soát được tình hình, trên địa bàn tỉnh không có điểm nóng về buôn lậu. Đã khởi tố 18 vụ, 79 bị can, xoá 278 điểm khai thác, đình chỉ 48 điểm tập kết tiêu thụ, chế biến than trái phép.
Công tác đảm bảo, kiềm chế tai nạn giao thông[11], tai nạn lao động[12] có chuyển biến tích cực, số vụ và số người chết giảm so với cùng kỳ.
6. Đánh giá chung:
Trong bối cảnh kinh tế cả nước và trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế thế giới, tình hình thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp…, nhưng được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương cùng với sự chỉ đạo, điều hành tập trung, sâu sát, quyết liệt và đổi mới của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, 9 tháng qua tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn, tiếp tục phát triển: sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất từ đầu năm đến nay (9 tháng tăng 13,33%); nông nghiệp ổn định và phát triển; một số ngành dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao (tín dụng ngân hàng tăng 49,3%; doanh thu vận tải tăng 36,2%; doanh thu bưu chính, viễn thông tăng 61,7%...); giá cả tiêu dùng ổn định; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 14,5% cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước đạt cao, trong đó Hải quan thu đạt 97% và thu nội địa đạt 90% dự toán năm. Các lĩnh vực xã hội như: giáo dục và đào tạo; y tế; lao động việc làm; văn hóa, thông tin, thể dục thể thao; bảo vệ môi trường; thực hiện chính sách an sinh xã hội đạt nhiều kết quả. Công tác thông tin tuyên truyền được quan tâm chỉ đạo, tạo được niềm tin và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân đối với các chủ trương, chính sách của Nhà nước. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tình hình tai nạn lao động, tai nạn giao thông được kiềm chế. Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội tiếp tục được chú trọng, đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại cần được tiếp tục nỗ lực khắc phục: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy đã có chuyển biến tích cực, song vẫn thấp hơn so với các năm trước; hoạt động du lịch, xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều khó khăn, phục hồi chậm nên chưa đạt kế hoạch đề ra (9 tháng: doanh thu du lịch giảm 11%; kim ngạch xuất khẩu giảm 3,9%; thu hút vốn FDI giảm 85,4% so với cùng kỳ...); đời sống của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn; tình hình khiếu kiện đông người vẫn còn phức tạp. Công tác cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt được kết quả mong muốn…, cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới.
II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM TRONG 3 THÁNG CUỐI NĂM 2009.
Nhiệm vụ còn lại của quý IV năm 2009 là rất lớn, để phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2009 đã đề ra, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện tốt 7 nhiệm vụ trọng tâm của 6 tháng cuối năm đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 07/2009/NQ-HĐND ngày 10/7/2009, đồng thời tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
Một là, khẩn trương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nhiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Trước mắt, cần phối hợp tốt với doanh nghiệp chủ lực như: Tập đoàn Than, các nhà máy xi măng, nhiệt điện tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo tiến độ và công suất đề ra… Khẩn trương tìm mọi biện pháp để phát triển các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, xuất khẩu… phấn đấu có mức tăng trưởng so với cùng kỳ đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ.
Trong sản xuất nông nghiệp, tập trung chỉ đạo thực hiện thu hoạch nhanh gọn lúa mùa sớm, mùa trung để triển khai lấy đất trồng cây vụ Đông; thực hiện tốt công tác phòng, chống các ổ dịch trong chăn nuôi; khôi phục, phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng tập trung. Quan tâm chăm sóc, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng mùa hanh khô. Do diễn biến thời tiết rất khó lường, các địa phương, đơn vị cần có các phương án và chủ động đối phó với thiên tai, bão lụt, chủ động điều tiết nguồn nước trong mùa khô…
Hai là, tăng cường huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; thực hiện rà soát, điều chỉnh đầu tư, ưu tiên vốn cho các công trình có hiệu quả và sắp hoàn thành. Tập trung tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án, công trình đầu tư từ ngân sách nhà nước theo Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 30/3/2009, nhất là một số công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh[13], phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trong Kế hoạch năm 2010, đặc biệt quan tâm đến một số công trình trọng điểm thuộc lĩnh vực văn hoá - xã hội, y tế, giáo dục theo chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Ba là, thực hiện tốt công tác thu, chi ngân sách; phấn đấu thu nội địa hoàn thành và vượt dự toán được giao, kết hợp với việc rà soát nợ đọng thuế, chống thất thu; tiếp tục rà soát lại chi ngân sách, kiên quyết cắt giảm, đình hoãn các dự án đầu tư chưa thực sự cấp bách và dự án đầu tư không có hiệu quả; không tăng chi ngoài dự toán, dành nguồn kinh phí cho đảm bảo an sinh xã hội; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các hoạt động, nhất là vào dịp cuối năm như tổ chức sơ kết, tổng kết, tiếp khách… Thực hiện kiên quyết chủ trương tiết kiệm 10% chi thường xuyên.
Bốn là, tiếp tục thực hiện kịp thời và có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, hỗ trợ kịp thời đối với đối tượng là cán bộ, công chức có thu nhập thấp, đối tượng chính sách xã hội. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%, trong đó đào tạo nghề 35%. Làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho người, không để dịch bùng phát và lây lan trên diện rộng; thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuyên truyền, triển khai đồng bộ các biện pháp kế hoạch hoá gia đình trên địa bàn.
Năm là, tăng cường thực hiện các biện pháp chỉ đạo điều hành, theo sát diễn biến tình hình để có sự điều chỉnh linh hoạt, kịp thời các chính sách và giải pháp. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông, nhất là chấn chỉnh và lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông; tăng cường quản lý nhà nước về an toàn lao động. Phối hợp với các ngành liên quan tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh năm 2009 và hướng dẫn cấp huyện tổ chức Đại hội cùng cấp đúng quy định.
Sáu là, các ngành, các địa phương chủ động rà soát đánh giá tình hình, đề ra các giải pháp thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2009; hoàn chỉnh Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2010 theo Luật định; đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 theo Chỉ thị số 751/CT-TTg ngày 03/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 07/9/2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh; chủ động chuẩn bị các nội dung phục vụ Kỳ họp thứ 16 - HĐND tỉnh khoá XI vào tháng 12/2009./.
[1] Đầu năm 2009, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 loại dịch bệnh gồm: Dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh và dịch tả ở lợn tại 11 xã của các huyện Đầm Hà, Hải Hà, Đông Triều, Yên Hưng và thành phố Hạ Long. Xảy ra một trường hợp tử vong do nhiễm bệnh cúm A H5N1 ở thôn Nà Cáng, xã Quảng An, huyện Đầm Hà. Đến ngày 15/3/2009 tất cả các ổ dịch đã được dập tắt.
[2] Theo thống kê đến 01/4/2009 toàn tỉnh có: 63.454 con trâu (giảm 1,7%); 26.651 con bò (giảm 4,7%), trong đó đàn bò sữa có 320 con (280 con đang cho sữa, sản lượng bình quân khoảng 7,2 kg/con/ngày); 330.833 con lợn (giảm 3,2%); đàn gia cầm 1,95 triệu con (tăng 4,3%) so với cùng kỳ.
[3] Trong đó: cho vay ngắn hạn 43.700 tỷ, tăng 159,4%; cho vay trung và dài hạn 9.100 tỷ, tăng 47,8%.
[4] Trong đó: Khách tham quan Vịnh Hạ Long là 2 triệu lượt, giảm 6% so với cùng kỳ.
[5] Tại Quảng Ninh: Tính từ ngày 29/7/2009 đến 16h ngày 18/9/2009 đã xuất hiện 17 chùm ca bệnh với tổng số 713 người có biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi nghi ngờ cúm A(H1N1), trong đó có 11 mẫu xét nghiệm dương tính với cúm A(H1N1). Hiện tại 350 trường hợp đã điều trị khỏi bệnh, số còn lại đang điều trị tại bệnh viện. các cơ sở điều trị và tại nhà.
[6] Các đoàn thể thao của tỉnh đi tham dự 41 lượt giải toàn quốc đã đạt 123 huy chương các loại (33 vàng, 41 bạc, 49 đồng); Tham gia các giải trẻ Đông Nam Á đạt 2 chuy chương vàng, 2 huy chương bạc và 2 huy chương đồng; Đội bóng đá Than Quảng Ninh kết thúc thi đấu giải hạng nhất sau 24 vòng đấu xếp thứ 6 được 31 điểm (8 trận thắng, 9 trận hoà và 7 trận thua); Đội bóng chuyền nữ Quảng Ninh bị rớt hạng xuống thi đấu tại hạng A1.
[7] Tính đến ngày 01/9/2009, tổng số thủ tục hành chính đã thống kê ở cả 3 cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là 2.117 thủ tục hành chính, trong đó cấp tỉnh là 1.614 thủ tục hành chính; cấp huyện là 327 thủ tục hành chính và cấp xã là 176 thủ tục hành chính.
[8] Theo Quyết định số 1492/CT-UBND ngày 09/5/2006 và Quyết định số 1470/QĐ-UBND ngày 30/5/2006); và Chỉ thị số 26/2006/CT-TTg ngày 01/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm dùng công quỹ làm quà biếu và chiêu đãi khách sai quy định
[9] Trong 9 tháng năm 2009 các đơn vị đã tiếp nhận tổng số 2.689 vụ việc đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Kết quả đã giải quyết được 2.294/2.689 vụ việc, đạt tỷ lệ 85,3%. Trong đó: giải quyết được 167/230 vụ việc khiếu nại, đạt tỷ lệ 72,6%; 87/94 vụ việc tố cáo, đạt tỷ lệ 92,5%.
[10] Trong 9 tháng: Phạm pháp về trật tự xã hội đã phát hiện 609 vụ, giảm 5,3% (609/643 vụ), làm chết 28 người, thiệt hại tài sản khoảng 7 tỷ đồng, trong đó trọng án 144 vụ, giảm 10 vụ so với cùng kỳ. Cơ quan chức năng đã điều tra và làm rõ được 83,3% số vụ (507/609), bắt 874 đối tượng (trong đó trọng án làm rõ được 90,3% số vụ (130/144), bắt 285 đối tượng; triệt phá 52 ổ nhóm tội phạm gồm 214 đối tượng...
[11] Tai nạn giao thông: đường bộ đã xảy ra 95 vụ (giảm 19,5% so với cùng kỳ), làm chết 102 người (giảm 31,1% so với cùng kỳ), bị thương 69 người (giảm 22,5%); đường thuỷ xảy ra 2 vụ (giảm 1 vụ so với cùng kỳ), làm chết 2 người (giảm 6).
[12] Tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 22 vụ, làm chết 32 người, giảm 8 vụ và 5 người chết so với cùng kỳ năm 2008.
[13] Như: Dự án nâng cấp quốc lộ 18A đoạn Mông Dương - Móng Cái, Cầu vượt Uông Bí; đường Cái Dăm - Kênh Đồng, đường Trới - Vũ Oai, Trường chuyên Hạ Long, Bệnh viện Lao Phổi, Bệnh viện Bãi Cháy…

Website tỉnh Quảng Ninh

    Tổng số lượt xem: 1609
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)