Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/12/2016-15:07:00 PM
Tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường chuyển đổi cơ cấu kinh tế
(MPI) - Theo Báo cáo Điểm lại tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu vững chắc trong tiến trình chuyển đổi cơ cấu, kinh tế vĩ mô từng bước được khôi phục và tăng trưởng kinh tế nhìn chung đã được phục hồi. Bên cạnh đó là thành tựu chuyển đổi cơ cấu quan trọng về đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và khu vực tài chính.

Triển khai cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh

Theo kết quả Khảo sát môi trường kinh doanh năm 2017, Việt Nam đứng thứ 82 trên 190 nền kinh tế trên thế giới, nhờ vào một số cải cách tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam về: Nộp thuế, bảo vệ nhà đầu tư thiểu số, thương mại xuyên biên giới và tiếp cận điện. Tuy nhiên, thứ hạng được cải thiện ở mức khiêm tốn khiến cho Việt Nam vẫn đứng sau nhiều quốc gia trong khu vực. Những quốc gia có thứ hạng cao gồm Xinh-ga-po đứng thứ 2, Ma-lai-xi-a (thứ 23) và Thái Lan (thứ 46). Mặc dù Việt Nam đạt kết quả tốt so với ASEAN-4 (In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Thái Lan) trong một số nội dung đánh giá về môi trường kinh doanh, như “khởi sự kinh doanh”, “xin giấy phép xây dựng”, “tiếp cận tín dụng”, nhưng vẫn đứng sau trong nhiều nội dung quan trọng như “nộp thuế”, “giải quyết tình trạng phá sản”, “kết nối điện”...

Về đầu tư công, khuôn khổ pháp lý mới sửa đổi đã được ban hành và hiện đang được triển khai. Luật đầu tư công cơ bản đã tăng cường được khuôn khổ thể chế và thủ tục về quản lý chi đầu tư, bao gồm đẩy mạnh về lập kế hoạch đầu tư trung hạn, tăng cường các hệ thống thẩm định và lựa chọn dự án. Theo các quy định pháp luật, Kế hoạch đầu tư công trung hạn lần đầu tiên được ra đời, vạch ra chương trình đầu tư cho năm năm tiếp theo, trình Quốc hội quyết định.

Việt Nam cũng đang có những tiến triển về cải thiện môi trường kinh doanh. Sau khi Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 08/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016 được thông qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện. Kết quả là Việt Nam được nâng hạng trong chỉ số môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới từ thứ 91 (trên 189 quốc gia) năm 2011 lên thứ 82 (trên 190 quốc gia) trong báo cáo môi trường kinh doanh 2017. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đứng sau các nền kinh tế phát triển hơn trong khu vực như Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a và Thái Lan. Trên cơ sở những thành tựu đạt được, Việt Nam cần tiếp tục duy trì những cải cách trên để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và tạo thêm nhiều việc làm trong nước.

Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020

Phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mục tiêu tổng quan là xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng, thuận lợi, giảm rào cản kinh doanh, giảm chi phí và rủi ro thể chế đối với doanh nghiệp. Các nhiệm vụ chính bao gồm: Cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân cả ở cấp Trung ương và địa phương; Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Trợ giúp các doanh nghiệp tư nhân lớn trong đầu tư dài hạn, tạo dựng thương hiệu mạnh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế; Nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc áp dụng cạnh tranh thị trường bình đẳng và mạnh mẽ; Thu hút và quản lý hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước: tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân sách nhà nước và khu vực dịch vụ sự nghiệp công. Mục tiêu tổng quát nhằm cắt giảm hợp lý và cương quyết hoạt động đầu tư, kinh doanh của Nhà nước trong nền kinh tế tại các ngành, nghề mà khu vực kinh tế tư nhân có thể kinh doanh hiệu quả. Nâng cao chất lượng và hiệu quả của khu vực sự nghiệp công lập bằng cách tăng cường áp dụng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm và quy luật cạnh tranh của kinh tế thị trường.

Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán. Mục tiêu tổng quát nhằm hoàn tất cơ bản tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, giảm mạnh rủi ro hệ thống và tăng cường độ rộng và hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính. Ba mục tiêu quan trọng trong nội dung này gồm: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tiền tệ, ngân hàng; Đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và áp dụng tiêu chuẩn Hiệp ước quốc tế về vốn (Basel II) tại các tổ chức tín dụng; Mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và thị trường bảo hiểm. Hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Mục tiêu tổng quát nhằm đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quy hoạch và kế hoạch phát triển, từng bước thiết lập cơ cấu kinh tế ngành, vùng phù hợp theo lợi thế của từng ngành, vùng, nâng cao năng suất lao động và giá trị gia tăng của từng ngành, vùng và của nền kinh tế. Ưu tiên phát triển các ngành trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh, ưu tiên dành nguồn lực nhà nước hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế và địa bàn kinh tế ưu tiên.

Tái cơ cấu các thị trường nhân tố sản xuất quan trọng, bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, phát triển nhân lực và phát triển khoa học công nghệ. Mục tiêu tổng quát nhằm hình thành đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường, làm cơ sở phân bổ nguồn lực hiệu quả, phù hợp với các mục tiêu tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2817
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)