Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 13/06/2011-09:19:00 AM
Tình hình thực hiện Nghị quyết 11 trong lĩnh vực đầu tư công và quản lý doanh nghiệp nhà nước
(MPI Portal) - Tại Hội nghị giữa kỳ Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) năm 2011, Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh đã báo cáo tình hình thực hiện nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực đầu tư công và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh. Ảnh: Internet
Thứ trưởng Cao Viết Sinh cho biết, đến nay các giải pháp đề ra trong Nghị quyết 11 đã đạt được sự nhất trí và đồng thuận cao ở tất cả các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và toàn dân; đồng thời cũng nhận được sự hoan nghênh ủng hộ của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ. Việc triển khai khẩn trương, nghiêm túc Nghị quyết đã đem lại những kết quả tích cực ban đầu.
Các cân đối kinh tế vĩ mô đang có chuyển biến tích cực, giá cả có xu hướng tăng chậm lại. Thu chi ngân sách nhà nước đạt kết quả khá, bảo đảm nhu cầu chi và trả nợ của Chính phủ. Tổng thu ngân sách nhà nước đến hết tháng 5/2011 ước đạt 46,6% dự toán năm, tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 43,5% dự toán năm. Tổng vốn đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt khoảng 50% kế hoạch.
Chính sách tiền tệ, tín dụng được điều hành chặt chẽ và thận trọng nhằm kiểm soát và ổn định thị trường tiền tệ; tốc độ tăng giá tiêu dùng đang có xu hướng dịu dần (tháng 4 tăng 3,32%, tháng 5/2011 tăng 2,21%). Năm tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 34,7 tỷ USD, tổng kim ngạch nhập khẩu 5 tháng ước đạt trên 41,3 tỷ USD, nhập siêu 5 tháng đầu năm ước xấp xỉ 6,6 tỷ USD.
Theo Thứ trưởng Sinh, trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện nghiêm túc các giải pháp về các chỉ tiêu kinh tế đề ra, đó là tiếp tục thực hiện chỉ tiêu tổng phương tiện thanh toán 15-16%, chỉ tiêu dư nợ tín dụng dưới 20%, kiềm chế lạm phát khoảng 15% và tốc độ tăng GDP khoảng 6%.
Về tình hình thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực đầu tư công, Thứ trưởng Sinh cho biết, đầu tư công của Việt Nam trong những năm qua khá cao do yêu cầu phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, năm 2011 do yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã yêu cầu tập trung các giải pháp nhằm cắt giảm, điều chuyển trong lĩnh vực đầu tư côngnhư: không cung ứng trước vốn NSNN, trái phiếu Chính phủ năm 2012 cho các dự án, trừ các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; không kéo dài thời gian thực hiện các khoản vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; các dự án tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính, loại bỏ các dự án kém hiệu quả, đầu tư dàn trải, kể cả các dự án đầu tư ra nước ngoài; không khởi công các dự án, công trình mới sử dụng vốn NSNN và trái phiếu Chính phủ trừ các dự án phòng, chống, khắc phục thiên tai và các dự án trọng điểm quốc gia.
Như vậy, theo Thứ trưởng Sinh, cần thực hiện khẩn trương và nghiêm túc Nghị quyết 11, giảm đầu tư công năm 2011 xuống chỉ còn 36% tổng giá trị đầu tư. Trong thời gian tới, tiếp tục cơ cấu lại đầu tư nguồn vốn xã hội theo hướng giảm dần đầu tư công, tăng dần tỷ trọng đầu tư tư nhân, sử dụng nhiều phương thức huy động như BOT, BT và PPP.
Về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, ông Sinh cho biết trong giai đoạn 2001 đến nay, quá trình đổi mới, cải cách khu vực DNNN ở Việt Nam đã thu hút được những thành tựu đáng khích lệ. Số lượng DNNN qua các thời kỳ đã giảm đáng kể.
Tuy có nhiều đóng góp cho nền kinh tế quốc dân nhưng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa phát huy được lợi thế, chưa tương xứng với khả năng, tiến độ cổ phần hóa DNNN còn chậm, chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước còn phân tán, chồng chéo nên trách nhiệm quản lý chưa rõ ràng.
Liên quan đến vấn đề hoạt động của DNNN, Thứ trưởng Cao Viết Sinh đã đưa ra các giải pháp: Trong thời gian tới, sẽ tập trung vào hình thức cổ phần hóa, coi cổ phần hóa DNNN là giải pháp then chốt trong quá trình đổi mới DNNN. Bên cạnh đó, chú trọng kiện toàn tổ chức hoạt động của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty lớn; tiến hành rà soát lại ngành nghề kinh doanh, danh mục đầu tư, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động. Đặc biệt cần có sự thay đổi mạnh mẽ về bản chất của quá trình quản trị nội bộ DNNN, cơ chế giám sát từ phía cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước phải được tăng cường. Tiếp tục nâng cao vốn tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tiếp tục hoàn thành khung pháp lý cho hoạt động của DNNN./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2017
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)