Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/05/2012-09:22:00 AM
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2012
Theo tài liệu số 3071/BC-BKHĐT ngày 04 tháng 05 năm 2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tài liệu phục vụ họp báo của Chính phủ ngày 04/05/2012)
1. Về kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô
a)Về g cả vàlạm phát
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ tháng 7/2011 đã bắt đầu giảm dần cho đến nay và có tốc độ tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước, cụ thể: CPI tháng 1 tăng 1%, tháng 2 tăng 1,37%, tháng 3 tăng 0,16% và tháng 4 chỉ tăng 0,05% so với tháng trước. So với tháng 12/2011, CPI tháng 4/2012 tăng 2,6% (thấp nhất trong 3 năm qua: cùng kỳ năm 2011 tăng 9,64%; năm 2010: 4,27%).
b) Về xuất, nhậpkhẩu
Tổng kim ngạch xuất khẩunhững tháng đầu năm 2012 tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao: ước 4 tháng đầu năm 2012 đạt trên 33,4 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng kim ngạch nhập khẩu4 tháng đầu năm 2012 ước khoảng 33,6 tỷ USD, tăng 4,4%.
Nhập siêu4 tháng đầu năm khoảng 176 triệu USD, bằng khoảng 0,53% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ nhiều năm qua[1] (cùng kỳ năm 2011, nhập siêu hơn 4,5 tỷ USD).
c) Thu chi ngân sách
Trong 4 tháng đầu năm 2012, tổng thu NSNN ước đạt khoảng 234,4 nghìn tỷ đồng, bằng 31,7% dự toán năm; tổng chi NSNNước trên 264 nghìn tỷ đồng, bằng 29,2% dự toán năm.
d) Đầu tư phát triển
Trong 4 tháng đầu năm 2012, vốn đầu tư phát triển từ NSNN ước đạt 51,46 nghìn tỷ đồng, bằng 28,6% kế hoạch năm; vốn tín dụng trong nước cho vay đầu tư của Nhà nước ước đạt 3,7 nghìn tỷ đồng, bằng 16% kế hoạch năm; vốn đầu t­­ư trực tiếp nư­­ớc ngoài thực hiện ước đạt 3,61 t USD, bằng xấp xỉ cùng kỳ năm 2011;vốn ODA giải ngân ước đạt 410 triệu USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.
2. Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế
a) Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng đầu năm 2012 tăng 4,3% so với với cùng kỳ năm 2011, trong đó:công nghiệp khai thác mỏ tăng 2,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng3,8%; sản xuất, phân phối điện, gas, nước tăng 14%.
Sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm 2012 vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, nhờ thực hiện mạnh mẽ các biện pháp tháo gỡ khó khăn như giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ,… sản xuất công nghiệp tháng 3 và tháng 4 đã có chuyển biến và có chiều hướng cải thiện khá rõ nét so với hai tháng đầu năm. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số IIP hai tháng đầu năm tăng 3,9%, trong đó công nghiệp chế biến tăng 2,4%; tháng 3/2012 tăng tương ứng là 6,5% và 8,6%; sang tháng 4/2012, chỉ số IIP tăng 7,5%, trong đó công nghiệp chế biến tăng 9,3%.
b) Sản xuất nông,lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển ổn định
Trong những tháng đầu năm 2012, ngành nông nghiệp và các địa phương đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sản xuất phát triển ổn định, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện đời sống và thu nhập người nông dân, góp phần quan trọng vào việc ổn định trật tự an toàn xã hội, đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Về lúa đông xuân:Các tỉnh phía Nam đã thu hoạch được trên 1,7 triệu ha lúa đông xuân, tăng 4,3%. Ước tính sơ bộ, năng suất lúa Đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng khoảng 1,2 tạ/ha so với vụ đông xuân năm 2011, sản lượng đạt 10,8 triệu tấn, tăng gần 280 nghìn tấn. Để khắc phục tình trạng giá lúa giảm, Chính phủ đã chỉ đạo mua tạm trữ hơn 1 triệu tấn quy gạo để hỗ trợ cho sản xuất và thu nhập hợp lý cho nông dân. Giá lúa trong vùng đã nhích lên (khoảng 5.200đ-5.300đ/kg), bảo đảm cho người trồng lúa có lãi.
c) Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá
Trong 4 tháng đầu năm 2012, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 762,2 nghìn tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2012 ước đạt khoảng 2,5triệu lượt khách, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 10,5%). Các hoạt động vận tải, bưu chính viễn thông tiếp tục đạt kết quả tốt.
3. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội khác đạt kết quả khá, trong đó: Trong 4 tháng đầu năm ước tạo việc làm khoảng 481 nghìn người, trong đó xuất khẩu lao động ư­ớc đạt trên 25,6 nghìn ng­­ười.Những khó khăn của nền kinh tế cũng như trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nêu trên đã ảnh hưởng tới việc làm và thu nhập của người lao động, nhất là người lao động trong các doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, do làm tốt công tác an sinh xã hội nên đã góp phần giảm bớt khó khăn trong đời sống dân cư, nhất là đối với người nghèo, đồng bào dân tộc, các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Đánh giá chung, tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2012 đã có chuyển biến, đạt được những kết quả tích cực bước đầu, đúng hướng. Các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả. Chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh. CPI tháng 4 chỉ tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cuối năm 2011. Lãi suất tín dụng giảm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng và dự trữ ngoại hối được cải thiện, tỷ giá ổn định, thị trường chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc. Sản xuất, kinh doanh trong điều kiện khó khăn đã từng bước có chuyển biến. Tốc độ tăng công nghiệp chế biến từ mức 2,4% trong 2 tháng đầu năm tăng lên 9,3% trong tháng 4/2012. Kim ngạch xuất khẩu ước tăng 22,1% so cùng kỳ, cao hơn đáng kể so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Hoạt động du lịch khá sôi động, lượng khách quốc tế tăng mạnh. Các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm. Tai nạn giao thông giảm, trật tự an toàn giao thông chuyển biến tích cực. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định; công tác đối ngoại tiếp tục đạt kết quả tích cực. Nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế tập trung vào ba lĩnh vực trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu ngân hàng thương mại và tái cơ cấu DNNN đang được triển khai tích cực.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Lãi suất tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao; dư nợ tín dụng giảm; khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp tăng thấp hơn cùng kỳ; tồn kho còn ở mức cao. Thu NSNN thấp hơn so với tiến độ các năm trước. Tốc độ tăng nhập khẩu giảm sẽ ảnh hưởng nhất định đến đầu tư và sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn bức xúc. Đời sống của một bộ phận dân cư gặp khó khăn, nhất là ở các vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tình hình tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, tội phạm, khiếu nại, tố cáo của công dân còn diễn biến khá phức tạp và còn nhiều bức xúc trong xã hội.
Những khó khăn, thách thức nêu trên, nhất là về kinh tế là những khó khăn mà Chính phủ đã lường trước, trong đó có những hệ quả của việc tập trung vào kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững trong thời gian tới.
Nguyên nhân của những hạn chế tồn tại trong những tháng đầu năm, có những khó khăn do những nguyên nhân từ bên ngoài như kinh tế thế giới phục hồi chậm, khủng hoảng nợ công, thâm hụt ngân sách ở các nước phát triển; những bất ổn chính trị và xung đột ở một số nơi làm giá dầu mỏ tăng cao,... Ở trong nước, những tháng đầu năm vẫn phải ưu tiên tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nên sản xuất kinh doanh có bị ảnh hưởng, việc làm, thu nhập của một bộ phận dân cư bị giảm sút; thời tiết không thuận và dịch bệnh cũng gây thêm khó khăn cho sự phát triển của nền kinh tế... Đây là những nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, tồn tại nêu trên, đồng thời cũng là những vấn đề các cấp, các ngành cần phải nỗ lực để khắc phục, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước./.


[1] Tỷ lệ nhập siêu 4 tháng đầu năm 2010 và 2011 lần lượt là 23,4% và 16,5% (theo số thống kê lại).

File đính kèm:
BCChinhphu T4.12.pdf

Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1217
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)