Báo cáo của Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 19 tháng 4 năm 2012
I. Tình hình sản xuất nông lâm ngư nghiệp
1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt
Tính đến 15/4/2012 cả nước đã gieo cấy được 3078,2nghìn ha lúa đông xuân, bằng 100,1% so cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương miền Bắc đã kết thúc gieo cấy đạt khoảng 1147,8 nghìn ha, bằng 101,8%.
Đến trung tuần tháng 4, các tỉnh miền Namđã thu hoạch 1627,7 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm 84% diện tích gieo cấy, bằng 98,7% so cùng kỳ, trong đó các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 1477 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm 93% diện tích xuống giống và bằng 101% so cùng kỳ. Theo đánh giá sơ bộ, sản lượng lúa vụ đông xuân vùng đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 10,76 triệu tấn, tăng gần 280 nghìn tấn so với vụ đông xuân năm 2011 chủ yếu do năng suất tăng khoảng 1,2 tạ/ha (+1,8%) so đông xuân 2011. Năng suất lúa vùng này tăng chủ yếu do: (1) Năm 2011 mực nước lũ cao, thời gian ngập lũ kéo dài mang theo lượng phù sa nhiều, làm cho đất đai màu mỡ, (2) Người dân gieo trồng lúa đồng loạt né rầy và đúng lịch thời vụ mà ngành nông nghiệp khuyến cáo, ứng dụng bón phân theo bảng so màu lá lúa, sử dụng các giống lúa năng suất cao (Tỉ lệ giống IR 50404 vẫn được người dân xuống giống nhiều vì vụ hè thu và thu đông 2011 được giá), các loại giống xác nhận, giống lúa chất lượng cao... Nên đã hạn chế được nhiều dịch hại, giúp cây lúa sinh trưởng tốt, giảm chi phi, tăng lợi nhuận.
Các tỉnh khác cũng bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân. Do thời tiết thuận lợi nên theo ước tính, sản lượng lúa các tỉnh vùng Duyên hải nam trung bộ đều tăng so với năm 2011 (Quảng Nam thu hoạch 23,1% diện tích, năng suất tăng 5,0 tạ/ha (+8%); Bình Định thu hoạch 44% diện tích gieo cấy, năng suất tăng 0,8 tạ/ha (+1,3%). Phú Yên thu hoạch 50% diện tích gieo cấy, năng suất tăng 3,2 tạ/ha. Các tỉnh Đông Nam bộ đã thu hoạch trên 60% diện tích xuống giống,năng suất lúa thu hoạch đạt xấp xỉ cùng kỳ do một số diện tích sắp thu hoạch bị ảnh hưởng của cơn bão số 1 gặp mưa làm giảm năng suất.
Cùng với thu hoạch lúa đông xuân, các tỉnh miền Nam cũng xuống giống 582,9 nghìn ha lúa hè thu, đạt 86,4% so cùng kỳ, trong đó các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống 558 nghìn ha, bằng 86,5% so cùng kỳ
Cây hàng năm khác: Tính đến giữa tháng Tư, cả nước đã gieo trồng được 485,8 nghìn ha ngô, bằng 96,6%; 93,2 nghìn ha khoai lang, bằng99,1%; 465,3 nghìn ha rau đậu, bằng 104,1% so cùng kỳ năm trước, đỗ tương đạt 52,9 nghìn ha, bằng 47,1%; lạc đạt 161,3 nghìn ha lạc, bằng 93,7%. Hiện nay các tỉnh đông nam bộ và tây nguyên đang thu hoạch cây sắn/mì niên vụ 2011-2012 nhưng do ảnh hưởng của cơn bão số 1 nên nhiều diện tích sắn/mì thu hoạch gặp mưa làm giảm năng suất và hư hại (Bình Thuận, Gia Lai).
b. Chăn nuôi
Chăn nuôi trâu, bò: Ước tính đàn trâu bò cả nước hiện có giảm trên 7% so với cùng kỳ.Chăn nuôi bò sữa tiếp tục phát triển, ước đàn bò sữa tăng trên 10% với nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp thu mua và người chăn nuôi (Hà Nội, Nghệ An....)
Chăn nuôi lợn: Ước tính đàn lợn của cả nước hiện có tăng khoảng 3-4% so với cùng kỳ năm 2011. Người nuôi lợn vẫn gặp khó khăn vì giá lợn hơi vẫn đang có chiều hướng giảm. Bên cạnh đó việc tiêu dùng thịt lợn bị hạn chế do tâm lý lo ngại thịt lợn có nhiễm chất kích thích tạo nạc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Vì vậy, tuy dịch lợn tai xanh không bùng phát như các năm trước nhưng người nuôi chưa mạnh dạn đầu tư tăng nhanh đàn.
Chăn nuôi gia cầm: Ước tính đàn gia cầm tăng khoảng 5-6% so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi gia cầm chịu thiệt hại lớn do dịch cúm gia cầm bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước từ cuối tháng 1 năm nay. Đến nay, Dịch cúm gia cầm đã được khống chế. Hiện tại, nhu cầu tiêu dùng thịt gia cầm trên thị trường khá lớn do người dân còn ngại thịt lợn nên việc tái đàn gia cầm có nhiều thuận lợi.
Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm
Theo Cục Thú y, tính đến ngày 18/4/2012 cả nước còn 3 tỉnh là Điện Biên, Yên Bái và Nam Định có dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày; không còn tỉnh nào có dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng (LMLM) chưa qua 21 ngày.
2. Lâm nghiệp
Tháng Tư điều kiện thời tiết ấm nóng, một số địa phương đã có mưa nên tình trạng hạn hán gay gắt những tháng đầu năm đã phần nào giảm bớt. Tuy nhiên do lượng mưa còn thấp nên tình hình khô hạn vẫn chưa chấm dứt, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, đặc biệt là công tác trồng rừng.
Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu đạt được trong tháng như sau: Trồng rừng tập trung ước đạt 11,3 nghìn ha, bằng 93,4%so cùng kỳ năm 2011; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 17,4 triệu cây (tăng 1,2%); Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 396 nghìn m3 (tăng 9%); Sản lượng củi khai thác 2,74 triệu ste (tăng 2,2%).
Tính chung 4 tháng đầu năm diện tích rừng trồng tập trung ước đạt 28 nghìn ha, tương đương so cùng kỳ 2011. Diện tích rừng trồng mới trong kỳ chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía bắc và các tỉnh Bắc Trung bộ; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 79,4 triệu cây, tăng 2,5%; sản lượng gỗ khai thác 1431 nghìn m3, tăng 9,2%; củi khai thác 9,9 triệu ste, tăng 2,5%.
Tình hình thiệt hại rừng: Đến nay nguy cơ cháy rừng đã giảm bớt so với những tháng đầu năm, theo thông tin cảnh báo của Cục Kiểm Lâm đến ngày 18/4 trên địa bàn cả nước hầu như không còn khu vực có nguy cơ cháy rừng cao, tuy nhiên do ảnh hưởng của đợt khô hạn kéo dài nên một số địa phương vẫn còn xảy ra cháy rừng, theo báo cáo của các tỉnh trong kỳ đã xảy ra 39 vụ cháy rừng, diện tích bị cháy 76,5 ha (trong đó riêng Điện Biên 58,3ha). Số vụ chặt phá rừng làm nương rẫy trái phép 130 vụ, diện tích bị phá 23,6 ha.
Tính chung 4 tháng đầu năm diện tích rừng bị thiệt hại là 801,1 ha, tăng gấp 6,5 lần so cùng kỳ năm 2011, trong đó diện tích rừng bị cháy là 708,5 ha (tăng hơn 11 lần), diện tích rừng bị phá là 92,6 ha (tăng 49,6%)
3. Thủy sản
Sản lượng thuỷ sản tháng 4 ước đạt 408,2 nghìn tấn tăng 3,0% so cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng cá ước đạt 322,8 nghìn tấn tăng 2,5%, sản lượng tôm ước đạt 35,2 nghìn tấn tăng 7,6 %, các loại thủy sản khác ước đạt 50,2 nghìn tấn, tăng 3,1%.
Tổng sản lượng thuỷ sản 4 tháng đầu năm 2012 ước đạt 1 540,4 nghìn tấn tăng 3,7% so cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng cá ước đạt 1180,8 nghìn tấn tăng 3,5%, sản lượng tôm ước đạt 139,7 nghìn tấn tăng 6,4%, các loại thủy sản khác ước đạt 219,9 nghìn tấn, tăng 3,4%.
Nuôi trồng thuỷ sản
Sản lượng nuôi trồng trong 4 tháng ước đạt 706,7 nghìn tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ; trong đó, cá đạt 538,1 nghìn tấn tăng 3,9%, tôm đạt 102,5 nghìn tấn tăng 7,7%. Tình hình nuôi trồng thủy sản 4 tháng đầu năm tương đối thuận do giá cả các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực như cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng,...tăng.
Nuôi cá tra có dấu hiệu khởi sắc nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro: Trong 3 tháng đầu năm, giá cá tra nguyên liệu tăng so với cuối năm 2011, nhưng đếntháng 4, Giá cá tra liên tục giảm, đến nay chỉ còn 20.000-21.000đ/ kg, giảm 2.000-3.000đ/ kg so với thời điểm đầu tháng, với mức giá này người nuôi không có lãi khiến cho tình hình sản xuất cá tra lại rơi vào tình trạng khó khăn. Nguyên nhân do các doanh nghiệp thiếu vốn, hàng đang còn tồn đọng nhiều chưa xuất được.Sản lượng cá tra thu hoạch của các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 4 ước ước đạt gần 80 nghìn tấn, giảm 6% so với cùng kỳ làm cho sản lượng cá nuôi chung tăng chậm lại so với các tháng trước. Trong đó sản lượng cá tra ở An Giang chỉ đạt 22 ngàn tấn, giảm 29%; Vĩnh Long đạt 4 ngàn tấn, giảm 65% ....
Nuôi tôm phát triển khá tốt, tình hình dịch bệnh có xảy ra nhưng không lan rộng so với cùng kỳ, phần lớn các diện tích bị dịch bệnh đã được xử lý kịp thời nên sản lượng thu hoạch được khá. Trong tháng 4: Cà mau thu được 11 nghìn tấn, tăng 25% so với cùng kỳ; Bạc Liêu thu được 5 nghìn tấn, tăng 14%...
Nuôi các loại thủy sản khác phát triển khá ổn định gắn với việc thực hiện chủ chương chuyển đổi và mở rộng các diện tích nuôi trồng thuỷ sản theo hướng đa canh, đa con kết hợp, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo môi trường sinh thái bền vững của ngành nông lâm thủy sản. Phổ biến là các mô hình nuôi kết hợp tôm–cá, tôm–cua , tôm - lúa, lúa - cá…. Phát triển nuôi lồng, bè trên biển, với các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá giò, tu hài….
Khai thác thuỷ sản
Sản lượng thủy sản khai thác 4 tháng ước đạt 833,7 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khai thác biển đạt 784,8 nghìn tấn, tăng 3,3%
Thời tiết biển khá thuận lợi, các nghề ra khơi đều đạt sản lượng khávới các nghề Vây khơi,lưới quét, lưới cản, giã cào, 3 màn, mành đèn, chông, câu, pha xúc, lưới dũ.....vớicác đối tượng khai thác chủ yếu là cá ngừ,cá cơm, cá nục, cá trác, cá hố, cá động, cá bạc má, mực ống, nang, lá… Mặc dù giá xăng dầu tăng vào tháng 3 nhưng các địa phương thực hiện tích cực Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ xăng dầu cho tàu có công suất lớn khai thác trên các vùng biển xa bờ vàtriển khai dự án quan sát bằng vệ tinh cho tàu cá có công suất 90CV trở lên. Mặt khác, giá cả các mặt hàng thu mua thủy sản tăngnên đã tạo điều kiện cho ngư dân phấn khới bám biển.
4. Đánh giá chung
Trong Quý 1 và đầu Quý 2 năm 2012, toàn ngành đã vượt qua khó khăn về thời tiết, dịch cúm gia cầm bùng phát ở một số địa phương ngay sau Tết Nguyên đán, giá cả một số nông sản chủ yếu trên thế giới và trong nước sụt giảm và vốn đầu tư được giao muộn,…Đồng thời đãtổ chức, triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ, về các giải pháp chỉ đạo, điều hành kế hoạch và nhiều biện pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh khác.
Nhìn chung, 4 tháng đầu năm 2012 sản xuất nông lâm, thủy sản diễn ra thuận lợi không có vấn đề gì lớn. Kết quả sản xuất quý I đạt khá vượt mức kế hoạch đề ra. Theo Tổng cục thống kê, giátrị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản Quí I năm 2012 (theo giá cố định 1994) ước đạt 50 370,68 tỷ đồng, tăng 3,68% so với quý I năm 2011, trong đó nông nghiệp đạt 37 695,48 tỷ đồng, tăng 3,23%; lâm nghiệp đạt 1 584 tỷ đồng, tăng 6,14%; thuỷ sản đạt 11 091,2 tỷ đồng tăng 4,9% (Quý I năm 2011 tăng 3,46%).
- Trồng trọt tiếp tục phát triển ở các cây trồng chủ lực, tuy có suy giảm về ở một số cây rau màu ngắn ngày tuy nhiên mức độ không lớn, không tác động tới tốc độ tăng của ngành.
- Chăn nuôi đầu 4 tháng năm vẫn tăng trưởng khá, dịch bệnh ít xuất hiện và được kiểm soát, bao vây dập dịch kịp thời khi xảy ra nên hậu quả không lớn, số lượng đàn, đầu gia súc phục hồi và phát triển.
- Sản lượng thủy sản vẫn đạt mức tăng khá so cùng kỳ năm trước mặc dù đánh bắt còn gặp khó khăn (do giá xăng dầu, thời tiết).
- Giá cả nông sản có xu hướng giảm ở thị trường trong nước (đặc biệt thịt lợn, giá lúa tại ĐBSCL..), giá xuất khẩu một số mặt hàng cũng giảm do tác động của nguồn cung và nhu cầu của thế giới (cao su giảm còn 64% so cùng kỳ, sắn giảm 21%...)
III. Dự báo tình hình trong nước, thế giới thời gian tới
1. Ngoài nước
- Kinh tế thế giới dự báo sẽ tăng trưởng mạnh hơn so với 2011, tuy nhiên lạm phát và mất ổn định vĩ mô, suy giảm đà tăng trưởng ở một số nền kinh tế lớn (có khả năng chi phối) của thế giới.
Khủng hoảng chính trị, quân sự, thiên tai xảy ra ở một số quốc gia kéo theo bất ổn về an ninh, chính trị trên bình diện quốc tế.
Xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng là một trong những nguyên nhân gây sức ép tăng giá hàng thế giới.
Dự báo thị trường nông sản thế giới: nhu cầu các sản phẩm nông sản của thế giới không suy giảm so với mức như năm 2011. Giá lương thực trong bối cảnh phần lớn các nước đều có sự gia tăng về nhu cầu, trong khi các nước xuất khẩu đều có xu hướng giảm lượng xuất khẩu và chú trọng mục tiêu an ninh lương thực nội địa. Gạo Việt Nam có lợi thế cạnh tranh do giá.Dự báo tình hình giá nông sản trên bình diện thị trường quốc tế năm 2012 sẽ không có nhiều biến động, xu hướng tạo mặt bằng giá mới do chi phí đầu vào tăng.
2. Trong nước
- Các chính sách mới để hỗ trợ ngành nông nghiệp, nông thôn dần đi vào cuộc sống, là tiền đề quan trọng phát triển ngành năm tới.
- Các cam kết về hội nhập WTO của ta không có nhiều ảnh hưởng tới xuất khẩu cũng như sản xuất nông sản trong nước. Các hỗ trợ của Nhà nước chủ yếu là hỗ trợ gián tiếp (hộp xanh, hộp xanh lơ), các hỗ trợ trực tiếp như hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ sản xuất (hộp hổ phách) thấp. Việc thực hiện các cam kết WTO đã qua quá trình chuẩn bị và triển khai, thực hiện từ các cam kết song phương với các quốc gia khác thực hiện trước, ảnh hưởng của các cam kết này là không lớn đối với sản xuất nông sản trong nước và xuất khẩu.
- Thiên tai, dịch bệnh gia súc, gia cầm, sâu bệnh vẫn luôn tiềm ẩn; giá vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất (xăng dầu, phân bón..) tăng trong thời gian qua có thể dẫn đến nguy cơ chỉ số giá tăng trở lại, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
- Nhận thức của người dân, của các ngành, các cấp còn coi nhẹ sản xuất sạch, thiếu các biện pháp quản lý hữu hiệu. Thiếu hỗ trợ đầu tư cho chuyển đổi cơ cấu, sản xuất tập trung theo quy mô trang trại, công nghiệp. Các chính sách về xã hội hóa lĩnh vực nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác đầu tư vào nông nghiệp nông thôn diễn ra chậm.
IV. Một số kiến nghị
1. Điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo lĩnh vực
- Nông nghiệp: ưu tiên đầu tư cho các chương trình, dự án chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất và xuất khẩu hàng hóa; các dự án phòng chống sâu bệnh, an toàn vệ sinh, thực phẩm, hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuẩn (VietGAP, Global GAP) theo các chính sách vừa được ban hành
- Thủy sản: tăng mạnh đầu tư hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung (bao gồm cả thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản), đầu tư phát triển hệ thống giống thủy sản; xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh phục vụ nuôi trồng thủy sản; tiếp tục đầu tư các dự án cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão.
- Lâm nghiệp: ưu tiên đầu tư giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng kinh tế và phát triển dịch vụ môi trường rừng.
- Thủy lợi: tập trung vốn cho các dự án hoàn thành (chỉ khởi công mới các dự án đê điều, một số dự án an toàn hồ chứa cấp bách); ưu tiên đầu tư thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản; phát triển ứng dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm; ưu tiên vốn nhiều hơn cho nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư hơn là đầu tư mới; chú trọng đầu tư các công trình hệ thống hơn là công trình đầu mối.
2.Điều chỉnh hình thức/nguồn vốn đầu tư: Thực hiện rà soát, phân loại các dự án đầu tư, điều chỉnh nguồn vốn và hình thức đầu tư để thu hút tối đa nguồn lực xã hội cho nông nghiệp, nông thôn:
- Lựa chọn các dựán cókhảnăng thu hồi vốnđể xãhội hóa nguồn vốnđầu tư,tăng tỷ trọng vốn đầu tư tín dụng, vốn của các cá nhân, tập thể, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, kể cả hình thức hợp tác công tư (PPP) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
- Giảm dần tỷtrọng vốnđầu tưtừngân sách nhànước trong tổng vốnđầu tư của ngành.
- Phân cấp quản lý đầu tư nhiều hơn cho các địa phương, huy động nguồn lực địa phương cho các công trình, dự án quy mô nhỏ, trong phạm vi địa phương, Bộ chỉ đầu tư các dự án, công trình lớn quy mô vùng/miền hoặc kỹ thuật phức tạp; đẩy mạnh công tác giám sát, siết chặt quản lý đầu tư.
3. Giải pháp về cơ chế chính sách
- Về đất đai: Rà soát quỹ đất để giao cho nông dân hoặc cho doanh nghiệp thuê để trồng cây công nghịêp, trồng rừng; thực hiện các chính sách đồng bộ bảo vệ quỹ đất lúa.
- Về khoa học công nghệ: Hỗ trợ phổ biến và hướng dẫn áp dụng quy trình sản xuất tốt (GAP), công nghệ cao; hỗ trợsản xuất có xác nhận.
- Chính sách tín dụng: Đề nghị tăng hạn mức và kéo dài kỳ hạn cho vay vốn tín dụng phù hợp với chu kỳ sản xuất của từng đối tượng cây, con.
- Chính sách thương mại: Áp dụng thuế suất xuất khẩu đối với một số loại nông, lâm thủy sản thô (dăm gỗ, mủ cao su,…) nhằm hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô và khuyến khích đầu tư công nghiệp chế biến trong nước.
Hỗ trợ hoạt động XTTM, nghiên cứu và mở rộng thị trường, các hoạt động nâng cao giá trị hàng hóa trong lĩnh vực thương mại (khảo sát thị trường, thành lập trung tâm thương mại tại các thị trường trọng điểm…).
File đính kèm: BCKinhte Nong nghiep T4.12.pdf
Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư