Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/03/2012-15:05:00 PM
Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện của các ngành thương mại – dịch vụ tháng 3, Quý I năm 2012
Báo cáo của Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 23 tháng 3 năm 2012
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Tình hình thế giới
Trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2012, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức khi Hy Lạp đang bên bờ vực sụp đổ, sản lượng của Ý và Tây Ban Nha đang suy giảm, thậm chí cả Đức và Anh cũng đang chậm lại. Bên cạnh những chi phí kinh tế trực tiếp của những chính sách này, việc "thắt lưng buộc bụng" cũng chẳng thể nhanh chóng thu hẹp khoảng cách thâm hụt ngân sách. Mặc dù nền kinh tế toàn cầu đã bắt đầu có dấu hiệu ổn định, song tình trạng nợ công chồng chất của một số quốc gia phát triển và hiện tượng giá dầu tăng cao vẫn là những rủi ro đáng quan ngại. Trong khi đó, hiện Đồng USD tiếp tục mạnh so với Euro là thông tin xấu đối với thị trường hàng hóa, làm giá cả hàng hóa đồng loạt suy giảm, trừ năng lượng và vàng.
2. Tình hình trong nước
Trong tháng 3, thị trường tài chính đã có dấu hiệu phục hồi thông qua việc hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, giá bán lẻ xăng dầu đã được điều chỉnh tăng do giá dầu thế giới tăng cao làm ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa và dịch vụ trong nước. Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp và xảy ra trên diện rộng, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn đang là mối quan tâm của người tiêu dùng, điều này đã làm ảnh hưởng tới giá cả và nguồn cung của các nhà sản xuất.
II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRONG THÁNG 3 VÀ QUÝ I NĂM 2012
1. Phát triển các ngành dịch vụ
Trong 3 tháng đầu năm 2012 , mặc dù chịu tác động đáng kể của việc giá cả một số mặt hàng thiết yếu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh tăng cao như, xăng dầu, gas,v.v. khu vực dịch vụ Việt Nam tiếp tục phát triển, toàn ngành dịch vụ tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân; các doanh nghiệp kinh doanh thương mại đã chủ động các phương án chuẩn bị tốt nguồn hàng, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu, nhất là các hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Các hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi, lượng khách du lịch quốc tế và tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ trong quý I/2012 ước đạt trên 7% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó một số lĩnh vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá như: dịch vụ thương mại bán buôn, bán lẻ, dịch vụ tài chính, ngân hàng, dịch vụ vận tải biển, dịch vụ du lịch. Cơ cấu khu vực dịch vụ quý I/2012 ước đạt 38,8-39%.
Xuất khẩu dịch vụ quý I/2012 ước đạt khoảng 2,5 tỷ USD, tăng trên 12% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó một số dịch vụ có giá trị xuất khẩu lớn như: du lịch, viễn thông, vận tải, ngân hàng,...
(Số liệu ước tính của Vụ Kinh tế dịch vụ)
Tuy nhiên, trong cuối tháng 3/2012, việc tăng giá đột ngột xăng, dầu, gas trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô chưa ổn định: giá cả trên thị trường thế giới và trong nước có xu hướng tăng, đặc biệt giá cả của dịch vụ vận tải; thiệt hại do tai nạn giao thông tăng đáng kể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của khu vực dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.
1.2. Tình hình phát triển một số lĩnh vực dịch vụ.
a. Du lịch:
Trong Quý I năm 2012, các tour du lịch tham dự lễ hội diễn ra sôi động, nhất là các lễ hội lớn ở miền Bắc. Năm nay, theo các công ty lữ hành Hà Nội, du lịch lễ hội có mức tăng trưởng đột biến thậm chí tại một số công ty xảy ra hiện tượng "cháy" tour.
Lý giải vấn đề trên, khi đời sống kinh tế xã hội đang dần cải thiện thì hoạt động tâm linh, tín ngưỡng theo đó cũng tăng lên. Bên cạnh đó, công tác tổ chức lễ hội được triển khai ngày một tốt hơn, phần nào đã đáp ứng được nhu cầu của người đi lễ. Ngoài ra, với sự chuyên nghiệp hóa trong công tác tổ chức của các công ty du lịch, người dân cũng thay đổi thói quen đặt tour qua các đơn vị này thay vì phải tự lo đi lễ. Chính vì vậy, lượng khách đặt tour lễ hội trong những năm gần đây có sự thay đổi mạnh mẽ. Qua khảo sát cho thấy, lượng khách đặt tour của các công ty đều tăng mạnh như: Công ty Du lịch Vietravel Hà Nội tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Còn tại Trung tâm Du lịch GoldenTour, từ Tết Nguyên đán tới nay đã phục vụ khoảng 3000 du khách, và mức tăng này được coi là đột biến so với năm trước. Mặc dù vậy, mùa lễ hội thường kết thúc vào cuối tháng 3 nên lượng khách đặt tour lễ hội qua các công ty du lịch vẫn tiếp tục tăng.
Với loại hình du lịch này, các tour được thiết kế thường kéo dài 1 ngày, một vài tour 2 ngày phù hợp với thời gian và mức chi phí của du khách. Vì vậy, từ 450 nghìn tới hơn 1 triệu đồng, du khách có thể lựa chọn được điểm lễ và thời gian khởi hành tour; kết hợp với tham quan thắng cảnh. Phổ biến là các tour như Chùa Hương (1 ngày), đền Trần – Phủ Giầy (1 ngày), Yên Tử (1 ngày), Yên Tử - Hạ Long – Cửa Ông (2 ngày), Bái Đính – Tràng An (1 ngày), Tây Thiên (1 ngày), Lạng Sơn – Đền Mẫu (1 ngày).
Công ty Cổ phần Du lịch Hanoi Red Tour năm nay còn triển khai chùm tour du xuân kết hợp lễ chùa tại tuyến Đông – Tây Bắc, tạo điều kiện cho du khách khám phá vẻ đẹp núi rừng phía Bắc. Một số tour của Hanoi Red Tour đang thu hút đông du khách tham gia là Hà Giang – Xuân cao nguyên đá, Mai Châu – Mộc Châu, Bắc Cạn – Cao Bằng – Lạng Sơn, Sa Pa…
Sau nhiều năm sụt giảm, mảng du lịch tàu biển đang dần ổn định và hứa hẹn sẽ tăng trưởng trong năm 2012. Chỉ trong Quý I này, nhiều tàu khách du lịch quốc tế đã đến Việt Nam như: tàu biển du lịch AIDA DIVA (quốc tịch Ý) đến từ Brunei mang theo 2.038 khách du lịch và 596 thủy thủ đoàn, nhân viên phục vụ đã cập cảng SITV Phú Mỹ (huyện Tân Thành), tàu biển quốc tế Columbus (Đức) với 550 du khách và thuyền viên chủ yếu mang quốc tịch Đức đến Việt Nam theo hải trình Đà Nẵng - Hải Phòng, Tàu biển Costa Classica và tàu biển SuperStar chở hơn 4.000 du khách và thuyền viên theo hải trình tham quan Hạ Long trong ngày... Ngoài ra, tàu biển Costa Classica sẽ liên tục đến Hạ Long vào các ngày 13, 17, 21 và 29/2 tàu SuperStar Aquarius thuộc đội tàu biển cao cấp của hãng Star Cruises, có 07 chuyến tàu sắp cập cảng Chân Mây (Thừa Thiên-Huế) và cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), trong thời gian từ ngày 14/2 đến 5/3.
Khách quốc tế đến nước ta trong Quý I ước tính đạt khoảng 1,9 triệu lượt người, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các thị trường khách đều có sự tăng trưởng so với năm trước. Khách du lịch quốc đến Việt Nam trong quý I/2011 chủ yếu từ một số thị trường như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ ...
Xét theo phương tiện đi lại, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong quý I/2011 chủ yếu vẫn bằng đường hàng không, tăng hơn 20%, đường bộ tăng 10%, đường biển tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo mục đích chuyến đi, trong 3 tháng đầu năm số lượng khách du lịch đi theo mục đích thăm thân nhân tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái do đây là thời gian trùng với Tết nguyên đán nên bà con Việt kiều về quê ăn Tết khá đông, tiếp đến là khách đi du lịch nghỉ ngơi tăng khoảng 30%, khách đi theo mục đích công việc tăng khoảng 20%, khách đi với mục đích khác tăng khá cao so với cùng kỳ khoảng 30%.
(Số liệu ước tính của Vụ Kinh tế dịch vụ)
b. Bưu chính viễn thông.
Số thuê bao điện thoại phát triển mới hai tháng đầu năm ước tính đạt 1,94 triệu thuê bao, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2011, bao gồm: 4,9 nghìn thuê bao cố định, bằng 24,6% cùng kỳ và hơn 1,93 triệu thuê bao di động, tăng 35,6%. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 02/2012 ước tính đạt 134,2 triệu thuê bao, tăng 3,6% so với cùng thời điểm năm trước, bao gồm 15,3 triệu thuê bao cố định, giảm 1,4% và 119 triệu thuê bao di động, tăng 4,3%.
Số thuê bao internet trên cả nước tính đến cuối tháng Hai năm 2012 ước tính đạt 4,3 triệu thuê bao, tăng 18,2% so với cùng thời điểm năm trước. Số người sử dụng internet tại thời điểm cuối tháng Hai năm 2012 ước tính đạt 32,6 triệu người, tăng 18,4% so với cùng thời điểm năm 2011.Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông hai tháng đầu năm nay ước tính đạt 22,1 nghìn tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2011.
c. Vận tải:
Khối lượng vận tải hàng hoá dự kiến đạt 154,66 triệu tấn, khối lượng luân chuyển đạt khoảng 35.249 triệu T.Km; sản lượng vận tải hành khách dự kiến đạt 578,17 triệu lượt hành khách, khối lượng luân chuyển đạt 24.416,64 triệu HK.Km. So với cùng kỳ năm 2011 đạt 108% về vận chuyển hàng hoá 107,5% về luân chuyển hàng hoá 108,5% về vận chuyển hành khách và 108% về luân chuyển hành khách.
2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
a. Xuất khẩu
Ước thực hiện xuất khẩu tháng 3 năm 2012 đạt 9,15 tỷ USD, tăng 10,2%so với tháng trước; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 5,15 tỷ USD.
3 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 24,5 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt hơn 13,8 tỷ USD, tăng 48,8% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu 3 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt 1763 nghìn tấn, giảm 8,6% về lượng và tăng 9% về kim ngạch; than đá ước đạt 2999 nghìn tấn, tăng 29,5% về lượng và tăng 4% về kim ngạch; dệt may đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 15,4%; da giày gần 1,5 tỷ USD, tăng 14%; cao su 223 nghìn tấn, tăng 37,7% về lượng và giảm 8% về kim ngạch; gỗ và sản phẩm gỗ 966 triệu USD, tăng 18,2%; linh kiện điện tử 1622 triệu USD, tăng 98%; thuỷ sản 1265 triệu USD, tăng 11,7%; gạo 1104 nghìn tấn, giảm 42,6% về lượng và 42,5% về kim ngạch; cà phê 514 nghìn tấn, giảm 10,1% về lượng và giảm 11,8% về kim ngạch; sắn và sản phẩm sắn 1179 nghìn tấn, tăng 2,9% về lượng và giảm 8% về kim ngạch...
Giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu hầu như không biến động so với cùng kỳ năm 2011, một số mặt hàng xuất khẩu giá giảm mạnh như: giá than đá giảm 20%, giá cao su giảm 33%, sắn và sản phẩm từ sắn giảm 10,3%. Tính riêng yếu tố giảm giá của các mặt hàng này làm cho kim ngạch xuất khẩu giảm 119 triệu USD.
Về thị trường xuất khẩu, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 17,6%; xuất khẩu vào EU chiếm tỷ trọng 18,2%; xuất khẩu vào ASEAN chiếm tỷ trọng 13,8%; xuất khẩu vào Nhật Bản chiếm tỷ trọng 12,1%; xuất khẩu vào Trung Quốc chiếm tỷ trọng gần 9,3%.
2. Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 3 năm 2012 ước đạt 9,3 tỷ USD, tăng 8,4% so với tháng trước; trong đó, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 4,9 tỷ USD.
3 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 24,7 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt hơn 13 tỷ USD, tăng 30,3%.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 3 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm trước như sau: xăng dầu 2020 nghìn tấn, giảm 32,1% về lượng và giảm 19,7% về kim ngạch; sắt thép các loại 1791 nghìn tấn, tăng 7,5% về lượng và tăng 8% về kim ngạch; phân bón 618 nghìn tấn, giảm 27,4% về lượng và giảm 13,3% về kim ngạch; giấy các loại 279 nghìn tấn, tăng 10,7% về lượng và tăng 9,8% về kim ngạch; chất dẻo nguyên liệu 617 nghìn tấn, tăng 3,2% về lượng và xấp xỉ về kim ngạch; máy móc thiết bị đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 1,4%; máy tính và linh kiện 2662 triệu USD, tăng 103,4%; vải các loại 1304 triệu USD, giảm 11,1%; nguyên phụ liệu dệt may 654 triệu USD, tăng 2,5%...
Giá nhập khẩu bình quân của hầu hết các mặt hàng giảm giá so cùng kỳ. Tuy nhiên, giá một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước như: giá phân bón tăng 19,1%, xăng dầu tăng 18,2%, phôi thép tăng 6,2%, ô tô nguyên chiếc tăng 5,5%. Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này khiến kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng 179 triệu USD.
Ước nhập siêu 3 tháng đầu năm 2012 là 251 triệu USD, chiếm hơn 1% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) xuất siêu 801 triệu USD.
3. Phát triển thị trường trong nước
3.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gọi tắt là tổng mức bán lẻ) tháng 03/2012 ước đạt khoảng 189.055 tỷ đồng, tăng 1,18% so với tháng 02/2012 và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2011.
Trong các thành phần kinh tế tham gia thị trường, thành phần kinh tế cá thể vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 48,6%, tiếp đó là kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước với tỷ trọng tương ứng là 35,6% và 11,6%. Giá trị đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3%, trong khi khu vực kinh tế tập thể chiếm 1,2%.
3.2. Chỉ số giá tiêu dùng
Theo dự báo của Vụ Kinh tế dịch vụ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 03/2012 tăng 0,16% so với tháng 2/2012. Các nhóm hàng có tốc độ tăng giá cao dự kiến là: nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng; điện nước, và chất đốt; nhóm giao thông. Trong khi đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm nhẹ. Các nhóm hàng hóa tăng cao chủ yếu là do việc điều chỉnh giá các mặt hàng năng lượng, làm tăng chi phí nguyên liệu đầu vào.
3.3. Tình hình cung - cầu, giá cả một số mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
Giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao. Giá dầu WTI bình quân là 106,42 đôla mỗi thùng tăng 5,04% so với cùng kỳ. Dầu Brent đạt 124,45 đôla mỗi thùng, tăng 12,15 đôla, tương đương 10,82%.
Giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore đầu tháng 3 cũng tăng theo. Xăng RON 92 trung bình lên tới 133,98 USD mỗi tấn và đạt mức tăng cao nhất với 6,39% so với cùng kỳ. Dầu hỏa, DO, FO cũng lần lượt tăng từ 2,91% đến 4,3%.
Dầu thô giao tháng 5 tăng lên mức $105.75/thùng trên sàn giao dịch New York. Dầu Brent kỳ hạn tháng 5 lên mức $123.43/thùng trên sàn ICE Futures Europe.
Do giá thế giới tăng cao, xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh. Bắt đầu từ 16h chiều ngày 7/3, giá bán lẻ các mặt hàng xăng A92 tăng 2.100 đồng một lít, lên 22.900 đồng. Các mặt hàng dầu hỏa, diesel, mazut cũng tăng giá 600 - 2.000 đồng/lít.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục hải quan, lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 3/2012 ước đạt 720 nghìn tấn, với trị giá khoảng 730 triệu USD; giảm 1,2% so với tháng 02/2012. Tính chung cả quý, đã nhập 2.020 nghìn tấn, tương đương với 68% so với cùng kỳ.
b) Sắt thép
Do thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi và chính sách cắt giảm đầu tư công sẽ là một thử thách đối với các nhà sản xuất vật liệu xây dựng nói chung cũng như cho ngành thép nói riêng. Dự kiến trong tháng 3, sức tiêu thụ thép trong nước sẽ khá hơn, tuy nhiên, mức dao động sẽ không quá lớn, do vậy giá thép có khả năng không có biến động gì nhiều so với mức giá hiện tại..
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, sản lượng thép các loại nhập khẩu thực hiện tháng 3/2012 đạt 600 nghìn tấn trị giá 490 triệu USD; giảm 14% so với tháng 2/2012; trong đó phôi thép nhập khẩu đạt 50 nghìn tấn, trị giá 34 triệu USD, tăng 35% so với tháng trước.
c) Xi măng
Tháng 2 sản lượng xi măng toàn ngành sản xuất ước đạt 2,72 triệu tấn, 2 tháng đầu năm đạt 4,92 triệu tấn bằng 8,9% kế hoạch năm, tiêu thụ 2 tháng đầu năm ước đạt 4,64 triệu tấn, bằng 8,4% kế hoạch năm. Ước nhập khẩu tháng 2 đạt 40 nghìn tấn clinker và xuất khẩu khoảng 200 nghìn tấn xi măng và clinker.
Tháng 3, dự báo sản lượng xi măng toàn ngành đạt 3 triệu tấn, tăng 10% so với tháng 2, tiêu thụ ước đạt 2,9 triệu tấn, tăng nhẹ so với tháng trước.
Theo Bộ Xây dựng, sản xuất xi măng đang dần vượt nhu cầu tiêu thụ trong nước, đòi hỏi ngành Xi măng phải tăng cường tìm kiếm và mở rộng thị trường, trong đó có thị trường quốc tế. Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu xi măng, các doanh nghiệp đã tăng cường tìm kiếm thị trường ở nước ngoài, hợp lý hoá trong khâu vận chuyển, khắc phục những hạn chế về hoạt động bốc xếp hay logistics để tăng cường xuất khẩu sản phẩm xi măng. Tính đến cuối tháng 2/2012, ngành xi măng đã xuất khẩu được 226.000 tấn xi măng và clinker, tăng 326% so với cùng kỳ năm 2011.
Năm 2011 toàn ngành đã xuất khẩu được trên 5,5 triệu tấn sản phẩm xi măng (chủ yếu là klinker) sang các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia, một số nước châu Phi và trong khu vực ASEAN.
d) Phân bón
Hiện nay, nguồn cung các loại phân bón trên thị trường rất dồi dào, trong khi đó sức tiêu thụ các loại phân bón có xu hướng giảm mạnh, do nhiều địa phương ở ĐBSCL đã bước vào thu hoạch lúa đông xuân 2011-2012. Dự báo, giá nhiều loại phân bón còn giảm trong thời gian tới. Hiện nay ở miền Bắc đã vào vụ Đông Xuân nhưng nhu cầu về phân bón rất ít, trong khi đó ở miền Nam đang trong thời kỳ thu hoạch lúa của vụ Đông Xuân. Do nhu cầu phân bón ở thị trường trong nước đang ở mức thấp nên hoạt động mua bán của mặt hàng này qua đường biên giới với Trung Quốc rất chậm, các doanh nghiệp kinh doanh phân bón trong nước hiện nay chủ yếu tập trung tiêu thụ lượng hàng tồn kho của mình nhằm thu hồi vốn. Dự kiến trong thời gian tới nhu cầu phân bón của thị trường trong nước không đáng kể và giá của các mặt hàng phân bón nói chung vẫn có xu hướng yếu đi.
Hiện giá nhiều loại phân bón như: DAP, Urê, NPK... giảm thêm 15.000-20.000 đồng/bao 50kg. Như vậy, trong 3 tháng qua, giá nhiều loại phân Urê và DAP đã giảm tổng cộng khoảng 100.000-150.000 đồng/bao 50kg
Tháng 3/2012, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 240 nghìn tấn với trị giá 108 triệu USD; trong đó phân ure là 25 nghìn tấn và trị giá 10 triệu USD.
III. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH NĂM 2012
1. Về phát triển ngành du lịch
a) Hoàn thiện và triển khaiChương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020 với các nội dung chính: rà soát Chương trình hành động của Chính phủ phát triển dịch vụ giai đoạn 2009-2011; hướng dẫn các đơn vị liên quan triển khai thực hiện CTHĐ của Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020.
b) Nâng cao nhận thức về khu vực dịch vụ: xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bước đầu triển khai Chương trình nâng cao nhận thức về khu vực dịch vụ (bao gồm các chiến dịch truyền thông, vận động xã hội, các hoạt động nâng cao nhận thức trong các cơ quan liên quan, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề);
c) Hoàn thiện khung khổ pháp luật, chính sách phát triển khu vực dịch vụ:
- Rà soát hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến dịch vụ nhằm bảo đảm tránh chồng chéo và phù hợp với các hiệp định quốc tế về dịch vụ.
- Xây dựng và thông qua hoặc điều chỉnh Chiến lược, quy hoạch phát triển các lĩnh vực dịch vụ quan trọng
- Triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chí phân loại và tiêu chuẩn dịch vụ.
d) Nâng cao vai trò của nhà nước trong quản lý phát triển dịch vụ song hành cùng việc tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về dịch vụ đáp ứng với nhu cầu thực tiễn trong thời gian tới.
e) Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của khu vực dịch vụ năng động, hiện đại
- Hình thành và tổ chức hiệu quả thị trường lao động; giải quyết tốt vấn đề sử dụng lao động từ quan niệm, chế độ, quyền lợi…
- Phát triển mạng lưới dịch vụ giáo dục đào tạo rộng khắp với sự tham gia của khu vực tư nhân trong cung cấp các dịch vụ này.
- Có các biện pháp, chính sách, đảm bảo thông tin thúc đẩy việc đào tạo các kỹ năng cơ bản trong việc sáng lập, quản lý và vận hành các hoạt động dịch vụ, các kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ…
- Thúc đẩy, khuyến khích hoạt động đào tạo thường xuyên do bản chất năng động, luôn biến đổi của khu vực dịch vụ.
- Có chính sách thu hút FDI trong lĩnh vực đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề cho nhân lực trong nước.
f) Nâng cao năng suất, thúc đẩy cạnh tranh và tiếp tục mở cửa khu vực dịch vụ
- Tiếp tục cổ phần hóa và tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước không hoạt động trong các thị trường mang tính độc quyền tự nhiên hoặc lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, an ninh hoặc dịch vụ công thuần túy.
- Đưa các doanh nghiệp và các đơn vị khác do Nhà nước sở hữu vào diện điều chỉnh của các quy định mua sắm Chính phủ đối với dịch vụ.
- Có chính sách thực hiện mua các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và các dịch vụ khác thông qua đấu thầu cạnh tranh thay vì dựa vào ưu tiên các doanh nghiệp Nhà nước. Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp dịch vụ tư nhân để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.
- Xây dựng lộ trình nhằm dần loại bỏ các rào cản pháp lý đối với khu vực dịch vụ, phù hợp xu thế kinh tế thị trường hiện đại và mức độ khu vực hoá và toàn cầu hoá ngày càng cao.
g) Đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ và tăng cường hội nhập quốc tế về dịch vụ thông qua việc:
- Cung cấp dịch vụ cho du khách nước ngoài đến Việt Nam;
- Cung cấp dịch vụ cho các phương tiện nước ngoài tạm thời quá cảnh qua Việt Nam;
- Thúc đẩy việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thương mại đối với cả xuất khẩu và nhập khẩu thông qua việc phát triển các phương tiện vận tải hàng không và đường thủy; Nâng cao năng lực bảo hiểm và tài chính cho thương mại.
- Thúc đẩy việc cung cấp các dịch vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
- Thúc đẩy việc cung cấp các dịch vụ điện tử của Việt Nam cho khách hàng nước ngoài; Thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ lao động tạm thời của Việt Nam cho khách hàng nước ngoài;
- Khuyến khích mạnh mẽ hơn đầu tư ra nước ngoài trong khu vực dịch vụ. Thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng nước ngoài thông qua công ty Việt Nam ở nước ngoài (nhằm hỗ trợ xuất khẩu dịch vụ của các công ty hoạt động trong các lĩnh vực như xây dựng, vận tải, kiến trúc, giải trí, nhà hàng, v.v…).
h) Giải pháp về nguồn lực:
- Nhà nước hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển khu vực dịch vụ, trong đó tập trung cho các lĩnh vực dịch vụ ưu tiên hoặc được xác định là trọng điểm như trên, có thể được thực hiện thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia và (hoặc) hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu.
- Thực hiện ưu tiên sử dụng ODA phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực dịch vụ.
- Xây dựng chính sách huy động nguồn lực của khu vực tư nhân; mở rộng thu hút đầu tư gián tiếp thông qua thị trường vốn phục vụ phát triển dịch vụ.
- Tiếp tục hoàn chỉnh các quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong khu vực dịch vụ nhằm thu hút, phát huy hiệu quả nguồn vốn này, đồng thời, nghiên cứu xây dựng các mô hình mới cùng với những hướng dẫn cụ thể nhằm thu hút hơn nữa nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực dịch vụ trọng điểm, các lĩnh vực được khuyến khích phát triển, đảm bảo hiệu quả và lợi ích của nhà đầu tư, nhà nước và người sử dụng dịch vụ.
- Triển khai thực hiện mô hình Hợp tác Công – Tư (PPP) trong cung cấp các dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ công.
2. Về điều hành xuất nhập khẩu
a. Đẩy mạnh xuất khẩu
Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã đạt được trong năm 2011, phấn đấu đạt kim ngạch 109,5 tỷ USD, cần chú trọng các giải pháp sau:
- Chú trọng nâng cao chất lượng để tăng giá trị với nhóm hàng sản xuất truyền thống (đặc biệt là nông, lâm, thủy sản) không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng. Mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao, có đóng góp quan trọng thực hiện kế hoạch xuất khẩu, giải quyết việc làm, ổn định xã hội.
- Nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu nhóm hàng không hạn chế về khả năng sản xuất, dùng nhiều nguyên liệu trong nước. Tăng nguồn kinh phí cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
- Khai thác chiều sâu, chiều rộng thị trường truyền thống cùng với thị trường có chung biên giới. Ðẩy mạnh công tác thông tin, dự báo với thị trường ngoài nước, sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật.
- Ưu tiên cấp tín dụng, bảo đảm đủ vốn cho nông dân và doanh nghiệp mua gom nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa ngoại tệ trong giao dịch. Có quy chế để ngân hàng thương mại bảo đảm lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu vay theo quy định, không phát sinh thêm chi phí.
- Chất lượng còn yếu kém của các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu như vận tải, bảo hiểm, logistic ở Việt Nam hiện nay đang gây hạn chế cho việc đẩy mạnh xuất khẩu. Đây là vấn đề cần được tập trung cải thiện trong thời gian trước mắt.
b. Kiểm soát nhập siêu
- Triển khai một loạt biện pháp về bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu trên cơ sở nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo tình hình thị trường. Phối hợp các Hiệp hội, Bộ, ngành đánh giá nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng và khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước để có biện pháp hạn chế cụ thể với từng mặt hàng.
- Bộ Công Thương kiểm tra, đôn đốc các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, Công ty Nhà nước trong việc thực hiện nhập khẩu đảm bảo sản xuất, không nhập quá nhu cầu và có biện pháp phòng ngừa hành vi nhập khẩu để đầu cơ, tích trữ hàng hóa.
- Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án sử dụng vốn nhà nước.
- Bộ Công Thương chủ trì xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng cường sử dụng máy móc vật tư, thiết bị sản xuất trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ.
- Xác định mức độ ưu tiên tiếp cận ngoại tệ đối với các nhóm mặt hàng không thiết yếu, hàng không khuyến khích nhập khẩu, hàng trong nước sản xuất được, đưa ra quy định, nguyên tắc khi cho vay nhập khẩu.
- Các giải pháp về thuế: Trong ngắn hạn, đối với nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu, cần nghiên cứu bổ sung thêm số lượng mặt hàng cần tăng thuế suất; Xem xét phương án bổ sung số lượng mặt hàng có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan để kiểm soát chặt chẽ hơn số lượng nhập khẩu.
- Đối với kinh tế biên mậu: Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để một mặt thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, một mặt kiểm soát chặt chẽ lượng hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng, trong đó chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng.
- Tăng cường công tác hậu kiểm về chất lượng, an toàn vệ sinh đối với sản phẩm nhập khẩu và lưu thông theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn; thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ người tiêu dùng và tạo hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, kiểm soát việc nhập nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu...
- Rà soát các Hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký kết và cẩn trọng trong việc đẩy mạnh đàm phán ký kết các Hiệp định mới. Các Hiệp định thương mại quốc tế một mặt tạo cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng Việt Nam, mặt khác cũng gây nguy cơ nhập siêu nếu không đàm phán chặt chẽ.
- Tiếp tục nhấn mạnh nhóm biện pháp thông tin tuyên truyền, nhất là chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, coi đây là một kênh gián tiếp nhằm tăng tỷ lệ sử dụng hàng Việt Nam, qua đó giảm tỷ lệ hàng nhập khẩu./.
3. Về phát triển thị trường trong nước
3.1. Giải pháp chung
a. Các giải pháp nhằm bảo đảm cung- cầu hàng hóa
- Nắm bắt kịp thời các diễn biến của thị trường, dự báo đúng và sớm các tình huống có thể xảy ra để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.
- Các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá cho thời đầu năm 2012.
-Thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra thị trường, xử lý kịp thời và nghiêm minh các trường hợp vi phạm trong hoạt động thương mại.
- Thực hiện tốt công tác điều tiết thị trường, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, không để tình trạng thiếu hàng hóa xảy ra cục bộ ở một số nơi, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu như lương thực, xăng dầu, sắt thép…
- Tiếp tục triển khai đưa hàng hóa về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để mở rộng thị trường, nâng cao thị phần của hàng nội.
- Tiếp tục khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu ra các thị trường.
- Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư phát triển sản xuất các mặt hàng thiết yếu để đưa vào vận hành, tạo nguồn cung đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường.
- Kịp thời trình Chính phủ phương án xuất cấp lương thực và các phương tiện tìm kiếm cứu nạn dự trữ nhà nước cho các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền Trung để hỗ trợ khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội.
b. Các giải pháp nhằm bình ổn giá
- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 11/NQ-CP về 06 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội những tháng cuối năm 2011.
- Tiếp tục thực hiện các chương trình bình ổn giá, đặc biệt là tại hai thành phố lớn là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hai thành phố có quyền số tính chỉ số giá lớn nhất trong cả nước, vì vậy, công tác bình ổn của hai thành phố này sẽ góp phần quyết định trong việc bình ổn giá trong phạm vi cả nước.
- Tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh cần tiếp tục mở rộng các chương trình khuyến mại, giảm giá đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua nhằm kích thích tiêu dùng, tạo động lực cho các doanh nghiệp sản xuất và phân phối trong nước.
- Quản lý chặt chẽ việc cung cấp thông tin, phát hiện và xử lý nghiêm khắc các trường hợp tung tin thất thiệt, gây hoang mang trong tâm lý nhân dân, tạo biến động giá xấu, ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
- Tính toán lộ trình tăng giá các mặt hàng là đầu vào của các ngành sản xuất như xăng dầu, điện và giá than vào các thời điểm thích hợp vừa đảm bảo theo tín hiệu thị trường nhưng cũng không gây ra áp lực tăng giá cho các hàng hóa khác.
- Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và địa phương chỉ đạo quyết liệt các doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo không tăng giá. Kiểm tra đôn đốc thường xuyên để phát hiện và xử lý ngay các trường hợp vi phạm.
- Bộ Tài chính cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, điều chỉnh chính sách thuế cho phù hợp, kịp thời, góp phần bình ổn giá, kiềm chế nhập siêu.
- Triển khai kiểm soát công tác đăng ký giá, kê khai giá, công khai thông tin về giá. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật Nhà nước về giá.
- Tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn, về mở rộng thị trường, về thủ tục hành chính... để giúp các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, chuẩn bị đủ chân hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong các dịp lễ.
- Các Bộ chuyên ngành chỉ đạo các Tổng công ty và doanh nghiệp thực hiện nhiều biện pháp nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất, giảm định mức tiêu hao từ đó giúp hạ giá thành sản phẩm.
- Tiếp tục đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực đưa hàng hóa về các vùng nông thôn; vùng sâu; vùng xa, nhằm mở rộng và thiết lập thị trường vững chắc cho hàng hóa sản xuất trong nước.
3.2. Giải pháp đối với các mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
- Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu trong nước với giá ổn định.
- Kiểm tra, giám sát chất lượng xăng dầu cung ứng trên thị trường, đảm bảo an toàn cho các phương tiện sử dụng.
b) Sắt thép
- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thép.
- Xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế thép rẻ kém chất lượng thâm nhập thị trường trong nước.
c) Phân bón
- Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị nguồn hàng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu, tránh tăng giá đột biến, đặc biệt khi bước vào cao điểm mùa vụ.
- Tăng cường năng lực vận chuyển, đảm bảo cung ứng phân bón giữa các vùng, miền được thông suốt.
- Theo dõi chặt chẽ giá phân bón thế giới để có biện pháp điều tiết nhập khẩu và sản xuất phù hợp, không để xảy ra tình trạng thiếu phân bón gây sốt giá cục bộ, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.
- Tăng cường công tác hải quan tại các cửa khẩu, đặc biệt là tại phía Bắc nhằm giảm buôn lậu phân bón qua đường tiểu ngạch.
d) Xi măng
- Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trên thị trường các nước Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia, một số nước châu Phi và trong khu vực ASEAN và tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường sang các nước khác./.

File đính kèm:
Bao cao thang 3 Vu KTDV.pdf

Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1418
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)