Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/03/2012-15:45:00 PM
Báo cáo tình hình một số vấn đề nổi lên trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp quý I năm 2012
Báo cáo của Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 23 tháng 3 năm 2012
1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt
Tính đến 15/3/2012 cả nước đã gieo cấy được 3065,9 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 101% so cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương miền Bắc gieo cấy 1106,5 nghìn ha, bằng 101%, các tỉnh miền Nam cơ bản đã kết thúc gieo cấy, đạt 1959,3 nghìn ha, bằng 100,9% (tăng khoảng 17 nghìn ha).
Do thời tiết đến nay tương đối thuận lợi nên tiến độ gieo cấy lúa Đông xuân các tỉnh miền Bắc nhanh hơn so cùng kỳ khoảng 11 nghìn ha, chủ yếu tăng ở các tỉnh miền núi do đủ nước gieo cấy, các tỉnh đồng bằng sông Hồng đã kết thúc gieo cấy, đạt 555 nghìn ha, xấp xỉ cùng kỳ. Mặc dù rét đậm, rét hại cuối tháng 2 làm chậm tiến độ nhưng sang tháng 3, nhiệt độ tăng và ấm dần tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Hiện trà lúa xuân sớm đang trong thời kỳ đẻ nhánh, trà lúa xuân muộn đang ở thời kỳ bén rễ hồi xanh. Các địa phương đang tập trung chăm sóc, làm cỏ cho lúa và gieo cấy hết diện tích ở miền núi.
Do xuống giống muộn nên tình đến trung tuần tháng Ba, các địa phương phía Nam mới thu hoạch được 835,9 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 82,2% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 805,2 nghìn ha, chiếm 51% diện tích xuống giống và bằng 81,2% so cùng kỳ. Một số địa phương có tỷ lệ diện tích thu hoạch thấp hơn hẳn so với cùng kỳ là: An Giang (thu hoạch 50 nghìn ha, bằng 29% so cùng kỳ), Đồng Tháp (thu hoạch hơn 58 nghìn ha, bằng 39% so cùng kỳ), Cần Thơ (thu hoạch gần 44 nghìn ha, bằng 62% so cùng kỳ); Kiên Giang (thu hoạch gần 170 nghìn ha, bằng 71% so cùng kỳ). Dự kiến đến trung tuần tháng 4, các tỉnh ĐBSCL sẽ thu hoạch dứt điểm lúa Đông xuân 2012. Theo ước tính ban đầu của các địa phương, sản lượng lúa vụ đông xuân vùng đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 10,7 triệu tấn, tăng gần 200 nghìn tấn so với vụ đông xuân năm 2011 do năng suất tăng khoảng 1 tạ/ha so đông xuân 2011. Năng suất lúa vùng này tăng chủ yếu do:
- Năm 2011 mực nước lũ cao, thời gian ngập lũ kéo dài mang theo lượng phù sa nhiều, làm cho đất đai màu mỡ.
- Người dân gieo trồng lúa đồng loạt né rầy và đúng lịch thời vụ mà ngành nông nghiệp khuyến cáo, ứng dụng bón phân theo bảng so màu lá lúa, sử dụng các giống lúa năng suất cao (Tỉ lệ giống IR 50404 vẫn được người dân xuống giống nhiều vì vụ hè thu và thu đông 2011 được giá), các loại giống xác nhận, giống lúa chất lượng cao... nên đã hạn chế được nhiều dịch hại, giúp cây lúa sinh trưởng tốt, giảm chi phi, tăng lợi nhuận.
Giá lúa đầu tháng 3/2012 giảm 400-500 đồng/kg 9owr mức 4300-4800 đồng/kg). Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho phép thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long, giá gạo trong vùng đã tăng trở lại, đảm bảo nông dân có lãi 30%.
Song song với việc gieo cấy lúa đông xuân, tính đến giữa tháng Ba, cả nước đã gieo trồng được 329 nghìn ha ngô, bằng 93%; 88,1 nghìn ha khoai lang, bằng 105,6%; 432.4 nghìn ha rau đậu, bằng 106,5% so cùng kỳ năm trước. Cá biệt diện tích đỗ tương, lạc giảm so cùng kỳ: đỗ tương đạt 52,3 nghìn ha, bằng 50,9%; lạc đạt 146,7 nghìn ha lạc, bằng 88,6%. Nguyên nhân do thời vụ vụ đông 2011-2012 ở miền Bắc ngắn, mưa nhiều, bà con nông dân chủ yếu gieo trồng các loại cây có chi phí đầu vào thấp, ngắn ngày, đảm bảo giải phóng quỹ đất cho gieo cấy lúa đông xuân đúng thời vụ.
b. Chăn nuôi
Chăn nuôi trâu, bò quý I năm 2012 tập trung vào chăm sóc và tái đàn do số lượng trâu, bò bị giết thịt trong dịp tết Nguyên đán và chết rét nhưng do diện tích chăn thả bị thu hẹp, thời gian cho tái đàn lâu, nên ước tính đàn trâu, bò của cả nước quý I năm 2012 vẫn giảm trên 7%với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi bò sữa tiếp tục phát triển, ước đàn bò sữa tăng trên 10% với nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp thu mua và người chăn nuôi (Hà Nội, Nghệ An....)
Chăn nuôi lợn: Người nuôi lợn vẫn gặp khó khăn vì giá lợn hơi có chiều hướng giảm. Bên cạnh đó việc tiêu dùng thịt lợn bị hạn chế do tâm lý lo ngại thịt lợn có nhiễm chất kích thích tạo nạc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, nhất là sau khi có thông tin Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai kiểm tra và thu giữ hơn 250kg chất kích thích tạo nạc trên lợn. Vì vậy, tuy dịch lợn tai xanh không bùng phát như các năm trước nhưng người nuôi chưa mạnh dạn đầu tư tăng nhanh đàn. Ước tính đàn lợn của cả nước hiện có tăng khoảng 3-4% so với cùng kỳ năm 2011.
Chăn nuôi gia cầm chịu thiệt hại lớn do dịch cúm gia cầm bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước từ cuối tháng 1 năm nay, dịch tập trung chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh Bắc Trung bộ
Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm
Theo Cục Thú y, tính đến ngày 22/3/2012 cả nước không còn tỉnh nào có dịch Cúm gia cầm; dịch lở mồm long móng (LMLM) còn 1 tỉnh là Hà Nam có dịch chưa qua 21 ngày và đối với dịch lợn tai xanh còn tỉnh Điện Biên có dịch chưa qua 21 ngày.Dịch LMLM ở gia súc, tai xanh ở lợn cơ bản được khống chế.
2. Lâm nghiệp
Ngay từ những tháng đầu năm các địa phương đã tích cực chủ động triển khai sản xuất lâm nghiệp theo kế hoạch 2012, tập trung chú trọng công tác trồng, chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng đồng thời quan tâm đến công tác phòng chống cháy rừng trong mùa khô. Trong quý I, sản xuất lâm nghiệp gặp điều kiện thời tiết rét đậm (ở Bắc bộ và Trung bộ), tình hình khô hạn ở hầu khắp các địa phương trong cả nước, đã phần nào làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Tuy nhiên đến cuối quý I ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã có mưa, lượng mưa tương đối lớn nên các tỉnh đã triển khai công tác trồng rừng; khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ do thời tiết khô hạn, mặt khác thời vụ trồng rừng cũng muộn hơn nên đang tập trung công tác gieo ươm và chăm sóc cây giống, chuẩn bị hiện trường trồng rừng. Các loại lâm sản chủ yếu khai thác nhìn chung đều tăng khá so cùng kỳ năm 2011 do nhu cầu sử dụng tăng, đặc biệt là gỗ rừng trồng, do các tỉnh phát triển và mở rộng quy mô các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ sử dụng trong nước và xuất khẩu nên làm tăng nhu cầu cung cấp nguyên liệu đầu vào; giá sản phẩm gỗ nguyên liệu trên thị trường tăng (nhiều địa phương giá gỗ rừng trồng tăng trên 10%) và duy trì ở mức cao so cùng kỳ năm 2011 cũng là nguyên nhân thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp phát triển.
Tình hình thiệt hại rừng: Trong kỳ do thời tiết khô hạn nên tại nhiều địa phương có nguy cơ cháy rừng cao. Đặc biệt vào trung tuần tháng 3 đã xảy ra cháy rừng gay gắt ở các tỉnh Tây Bắc. Các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương đã tổ chức lực lượng chuyên môn và nhân dân kịp thời dập tắt các đám cháy ngay khi mới xảy ra, không để lan rộng.
3. Thủy sản
Tổng sản lượng thuỷ sản quí I năm 2012 ước đạt 1 138,2 nghìn tấn tăng 3,9% so cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng cá ước đạt 858 nghìn tấn tăng 3,8%, sản lượng tôm ước đạt 104,5 nghìn tấn tăng 6%, các loại thủy sản khác ước đạt 169,7 nghìn tấn, tăng 4,9%.
Nuôi trồng thuỷ sản
Sản lượng nuôi trồng trong quí ước đạt 511,6 nghìn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ; trong đó, cá đạt 380,2 nghìn tấn tăng 5%, tôm đạt 76,1 nghìn tấn tăng 7%. Tình hình nuôi trồng thủy sản tương đối thuận do giá cả các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực như cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng,...tăng.
Nuôi cá tra có dấu hiệu khởi sắc nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro: Giá cá tra nguyên liệu tăng so với cuối năm 2011; tới trung tuần tháng 3 giá cá tra khoảng 26000-27000đ/kg, nhiều nhà máy đang thiếu nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, do những thông tin về bất ổn tài chính tại một số doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu trong những ngày gần đây đã khiến nhiều người nuôi cá tra mất bình tĩnh ồ ạt kêu bán cá tra nguyên liệu dẫn tới giá lại giảm xuống chỉ còn 24000đ-25000đ/kg. Sản lượng cá tra thu hoạch của các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long ước đạt gần 240 nghìn tấn, tăng 4,5%.
Sản lượng tôm nuôi thu hoạch trong kỳ chủ yếu từ các diện tích nuôi tỉa thưa thả bù và nuôi trong nội đồng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán. Nuôi tôm sú thâm canh đang trong thời kỳ cải tạo ao đầm, rải rác một số địa phương đã xuống giống. Lịch thả nuôitương đối đồng đều giữa các địa phương và được kiểm soát chặt chẽ đảm bảo chất lượng con giống và thời điểm thả nuôi. Tuy nhiên, dịch bệnh đã phát sinh và lan rộng ở các tỉnh: Trà Vinh (bị chết gần 31,23 triệu con giống trên diện tích 1000 ha mặt nước), Sóc Trăng có 260 ha bị dịch bệnh, Tiền Giang 64 ha... do thả sớm và chất lượng con giống chưa được kiểm dịch chặt chẽ. Nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển khá ổn định tại khu vực Duyên hải Miền Trung. Nuôi tôm hùm lồng gặp nhiều khó khăn, tại Phú Yên có khoảng 7.500 lồng nuôi từ 6-10 tháng tuổi bị chết do mắc bệnh sữa, đen mang, thân đỏ.
Nuôi các loại thủy sản khác phát triển khá ổn định gắn với việc thực hiện chủ chương chuyển đổi và mở rộng các diện tích nuôi trồng thuỷ sản theo hướng đa canh, đa con kết hợp, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo môi trường sinh thái bền vững của ngành nông lâm thủy sản. Phổ biến là các mô hình nuôi kết hợp tôm–cá, tôm–cua , tôm - lúa, lúa - cá…. Phát triển nuôi lồng, bè trên biển, với các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá giò, tu hài….
Khai thác thuỷ sản
Sản lượng thủy sản khai thác đạt 626,6 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khai thác biển đạt 581,6 nghìn tấn, tăng 3,04%
Ở khu vực biển phía Bắc thời tiết lạnh kéo dài không thuận lợi cho việc ra khơi nhưng tại phía nam nắng ấm, biển êm, khai thác biển hoạt động khá ổn định. Các nghề khai thác đạt hiệu quảlàVây khơi,lưới quét, lưới cản, giã cào, 3 màn, mành đèn, chông, câu, pha xúc, lưới dũ.....vớicác đối tượng khai thác chủ yếu là cá ngừ,cá cơm, cá nục, cá trác, cá hố, cá động, cá bạc má, mực ống, nang, lá… Mặc dù giá xăng dầu tăng vào tháng 3 nhưng việc thực hiện tích cực Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ xăng dầu cho tàu có công suất lớn khai thác trên các vùng biển xa bờ vàtriển khai dự án quan sát bằng vệ tinh cho tàu cá có công suất 90CV trở ở các địa phương đồng đều nên đã tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm bám biển.
Nuôi trồng thủy sản vẫn phát triển khá, khai thác biển tăng thấp do điều kiện thời tiết, giá dầu tăng cao kéo theo tốc độ tăng của ngành chậm, tuy nhiên vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm 2011 (1,9%). Thông thường Quý I các năm sản lượng đánh bắt đều tăng chậm do điều kiện thời tiết.
- Sử dụng chất siêu nạc trong chăn nuôi lợn: Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2010 Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 54 quy định chi tiết quy trình kiểm tra chất tồn dư, trong đó cấm sử dụng 3 chất tạo nạc Ractopamine, Clenbuterol và Salbutamol. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, việc sử dụng chất cấm mới chỉ xảy ra ở một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa có cơ sở để kết luận có tới 30-40% thịt lợn bị nhiễm các chất tăng trọng, tăng nạc trên thị trường như một số báo thông tin trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã trả lời chính thức vấn đề này trên công luận để người tiêu dùng yên tâm, không quay lưng lại với thịt lợn như thời gian vừa qua. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã kiến nghị Bộ Y tế phải có chế tài thật cụ thể, có quy định vận chuyển thật chặt chẽ chất Salbutanol là chất tạo nạc để những đối tượng kinh doanh trái phép không lợi dụng được, cả 2 Bộ tăng cường biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm.
5. Đánh giá chung
Mặc dù còn những khó khăn do giá cả xăng dầu, vật tư tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất, tiềm ẩn nguy bơ bùng phát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm nhưng tốc độ tăng trưởng GTSX toàn ngành nông lâm, ngư Quý I tăng khá. Theo Tổng cục thống kê, giátrị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản Quí I năm 2012 (theo giá cố định 1994) ước đạt 50 370,68 tỷ đồng, tăng 3,68% so với quý I năm 2011, trong đó nông nghiệp đạt 37 695,48 tỷ đồng, tăng 3,23%; lâm nghiệp đạt 1 584 tỷ đồng, tăng 6,14%; thuỷ sản đạt 11 091,2 tỷ đồng tăng 4,9% (Quý I năm 2011 tăng 3,46%)./.

File đính kèm:
BCKTNongnghiepT3.12.pdf

Vụ Kinh tế Nông nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1462
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)