Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/03/2012-09:03:00 AM
Báo cáo tình hình một số vấn đề nổi lên trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp tháng 2 năm 2012
Báo cáo của Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ kế hoạch và Đầu tư ngày 27 tháng 02 năm 2012
1. Nông nghiệp
Trồng trọt
Sản xuất nông nghiệp trong tháng 2 tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa và rau màu vụ đông xuân trên cả nước.
Cây lúa: Tính đến trung tuần tháng Hai, cả nước đã gieo cấy được 2401,8 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 93,1% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 514,7 nghìn ha, bằng 76,4%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1887,1 nghìn ha, bằng 99%.
Tiến độ gieo cấy lúa đông xuân tại các địa phương vùng ĐBSH và trung du chậm hơn so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu do lịch thời vụ năm nay chậm hơn, ngoài ra thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài từ cuối tháng 1 đã làm nhiều diện tích mạ sinh trưởng chậm, thêm vào đó một số diện tích mạ bị chết rét phải gieo bổ sung làm chậm tiến độ gieo cấy.Hiện nay thời tiết đang ấm dần, thuận lợi cho gieo cấy nên các tỉnh đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấy lúa vụ xuân trong khung thời vụ tốt nhất; diện tích lúa mới cấy phát triển khá do đủ nước tưới dưỡng. Các tỉnh Bắc Trung bộ cũng đang tiến hành cấy dặm lại diện tích lúa đã chết.
Các địa phương phía Nam đã kết thúc việc gieo cấy lúa đông xuân, trong đó các địa phương vùng ĐBSCL, trà lúa chính vụ đang làm đòng chuẩn bị trỗ, đây cũng là thời kỳ sâu bệnh phát triển mạnh. Hiện đã có 105,9 nghìn ha lúa đông xuân bị nhiễm bệnh, chủ yếu là bệnh rầy nâu, đạo ôn và sâu cuốn lá. Một số địa phương có nhiều diện tích lúa bị nhiễm bệnh là: An Giang 54,5 nghìn ha, Kiên Giang 15,8 nghìn ha, Bạc Liêu 17,5 nghìn ha. Các địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm hạn chế sự lây lan ảnh hưởng đến kết quả sản xuất. Khoảng 211,9 nghìn ha lúa đông xuân sớm vùng này cũng bắt đầu thu hoạch, bằng 57,7% cùng kỳ năm trước.
Tiến độ gieo trồng một số cây màu cũng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước. Tính đến trung tuần tháng Hai, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 256,1 nghìn ha ngô, bằng 94,7% cùng kỳ năm trước; 65,7 nghìn ha khoai lang, bằng 95,2%; 65,2 nghìn ha đậu tương, bằng 68,5%; 65 nghìn ha lạc, bằng 63,9%; 354 nghìn ha rau đậu, bằng 102,2%.
Chăn nuôi
Chăn nuôi trâu, bò chịu ảnh hưởng lớn do rét đậm, rét hại dài ngày. Theo số liệu của ngành chức năng, tính đến ngày 10/2/2012, đợt rét đậm rét hại kéo dài này đã làm gần 1.500 con gia súc chết, chủ yếu là trâu già, nghé và bê nhưng so với cùng kỳ năm ngoái thì số lượng trâu, bò chết đói, chết rét ít hơn rất nhiều (Thời điểm này năm ngoái miền Bắc có gần 80.000 con trâu bò chết vì rét); Ngoài ra đầu năm thời tiết rét đậm, ẩm cũng làm một số bệnh trên đàn gia súc phát triển như bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Do số lượng trâu, bò bị giảm nhiều từ cuối năm 2011 cộng với việc giết thịt trong dịp tết Nguyên đán và chết rét nên hiện tại đàn trâu, bò của cả nước ước giảm trên 7%với cùng kỳ năm trước.
Chăn nuôi lợn phát triển khá ổn định, dịch bệnh không xảy ra, một số tỉnh đang triển khai mô hình chăn nuôi lợn siêu nạc. Giá thức ăn chăn nuôi đang có dấu hiệu giảm do giá nguyên liệu như cám mì, bắp, khô dầu, đậu lành… đều ở mức thấp từ cuối năm 2011. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp người chăn nuôi có thể yên tâm, ổn định sản xuất. Đàn lợn ước tăng 3-4% so với cùng kỳ.
2. Lâm nghiệp
Các địa phương đang tích cực gieo ươm, chăm sóc cây giống, phát dọn, chuẩn bị hiện trường cho trồng rừng vụ Xuân 2012, đồng thời thực hiện Tết trồng cây trong dịp Tết Nguyên đán 2012.
Do điều kiện thời tiết và thời vụ trồng rừng khác nhau, các tỉnh thuộc Trung bộ và Nam bộ vừa kết thúc vụ trồng rừng năm 2011 nên hiện đang nghiệm thu diện tích rừng trồng mới đồng thời gieo ươm cây giống chuẩn bị cho trồng rừng năm 2012; các tỉnh Bắc bộ đã triển khai trồng rừng vụ xuân. Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn các địa phương trên cả nước đã tổ chức phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ.
Tổng hợp kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu ước tính tháng 2 đạt được như sau: diện tích rừng trồng tập trung ước đạt 1.150 ha (chủ yếu ở các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc), tăng 15% so cùng kỳ năm 2011; cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 30,2 triệu cây, tăng 3,7%; gỗ khai thác đạt 257 nghìn m3, tăng 10,3%; củi khai thác đạt 2 477 nghìn ste, tăng 1,5%.
Tính chung 2 tháng đầu năm: Trồng rừng tập trung ước đạt 1.150 ha, tăng 15% so cùng kỳ; trồng cây lâm nghiệp phân tán ước đạt 30,7 triệu cây, tăng 3,1% (một số tỉnh có kết quả trồng cây phân tán đạt khá cao như: Quảng Bình 1.490 nghìn cây, Thanh Hóa 1.328 nghìn cây, Thừa Thiên - Huế 1.132 nghìn cây…); gỗ khai thác ước đạt 593 nghìn m3, tăng 11,2%; củi khai thác ước đạt 4.934 nghìn ste, tăng 2,3%.
Trong kỳ đang vào tháng cao điểm của mùa khô nên tại hầu khắp các địa phương đều bị khô hạn, nguy cơ cháy rừng cao, đồng thời đang vào mùa làm nương rẫy của bà con nông dân, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng; hướng dẫn bà con nông dân phát dọn nương rẫy theo đúng quy định, không đốt nương rẫy tự do. Tiếp tục rà soát, củng cố các tổ phòng cháy, chữa cháy; đồng thời tăng cường công tác phòng ngừa ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm về lâm luật. Một số địa phương (chủ yếu vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên) vẫn còn tình trạng chặt phá rừng trái phép làm nương rẫy, trong kỳ đã xảy ra 54 vụ phá rừng, diện tích bị phá 26,6 ha, tính chung 2 tháng đầu năm diện tích rừng bị chặt phá làm nương trái phép 33,9 ha.
3. Thủy sản
Sản lượng thủy sản tháng 2 ước đạt 375,1 nghìn tấn, tăng 5,5 % so với cùng kỳ năm trước; trong đó cá đạt 293,3 nghìn tấn, tăng 5,8%; tôm đạt 29,4 nghìn tấn, tăng 8,1% .
Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 148,4 nghìn tấn, tăng 3,8 % so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 116 nghìn tấn, tăng 3,6 %; tôm đạt 18,2 nghìn tấn, tăng 10,3 %.
Sau Tết, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc thu mua nguyên liệu phục phụ xuất khẩu. Hiện nay giá cá tra tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long đang dao động ở mức cao (từ 26.000 - 27.000 đồng/kg), người nuôi có lãi. Tuy nhiên, nhiều hộ không có cá để bán vì phần lớn cá trong ao nuôi còn nhỏ chưa đạt tiêu chuẩn yêu cầu. Giá cá nguyên liệu tăng nhưng người nuôi cá được lãi không nhiều do phương thức thanh toán kéo dài từ 2 - 4 tháng của các công ty như hiện nay đã làm người nuôi phải gánh thêm một khoản chi phí lớn do phải trả tiền lãi ngân hàng. Tình trạng thiếu cá nguyên liệu nhiều khả năng vẫn còn xảy ra trong thời gian tới.
Tôm nuôi thu hoạch được khá trên các diện tích nuôi quảng canh cải tiến chuyên canh hoặc kết hợp trồng rừng ngập mặn tỉa thưa thả bù. Một số tỉnh đạt khá: Cà Mau thu hoạch được 8500 tấn, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước, Bạc Liêu thu được 3100 tấn, tăng 7,5%; Kiên Giang 3400 tấn, tăng 27,8%.
Thời tiết biển tương đối thuận lợi cho khai thác thủy sản, nhất là khai thác xa bờ. Giá cá ngừ đại dương tăng đã khuyến khích ngư dân tranh thủ ra khơi sớm hơn, nhiều ngư dân còn bám biển khai thác trong dịp Tết. Sản lượng khai thác ước đạt 226,7 nghìn tấn, tăng 6,7 % so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 177,3 nghìn tấn, tăng 7,3 %, tôm đạt 11,2 nghìn tấn, tăng 4,7%.
Tính chung 2 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước đạt 739,3 nghìn tấn, tăng 3.9 % so cùng kỳ năm trước; trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 320,4 nghìn tấn, tăng 5,2%, sản lượng thủy sản khai thác đạt 418,9 nghìn tấn, tăng 2,8%; sản lượng khai thác biển đạt 392,2 nghìn tấn, tăng 3%./.
4. Tình hình thị trường nông sản, vật tư trong nước
4.1. Lương thực:
Nhu cầu xuất khẩu được dự báo sẽ tăng đối với gạo thơm, gạo chất lượng cao trong năm nay là nguyên nhân kéo giá của loại lúa này tăng lên, cụ thể: OM 4900 có giá 6700-6800đ/kg (giá loại lúa này trong tháng 1 khoảng 6400đ/kg, tăng 400đ/kg). Trong khi đó các loại lúa thường lại trái ngược, giả có xu hướng giảm, tiêu biểu là loại IR 50404 (có giá 5400-5600đ/kg) kéo theo giá gạo dao động tăng, giảm theo từng loại tương ứng nhưng nhìn chung giá gạo giảm khá mạnh: gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.150 – 7.300 đ/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.900 – 7.050 đ/kg tùy chất lượng và địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 8.300 – 8.450 đ/kg, gạo 15% tấm 7.850 – 8.000 đ/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.550 – 7.700 đ/kg tùy chất lượng và địa phương.
4.2. Thực phẩm:
Giá lợn hơi tại các chợ vẫn ở đã giảm mạnh so với tháng trước (khoảng 55000-60000đ/kg),thịt rọi 81000đ/kg; thịt bò thăn 190.000đ/kg (tăng khoảng 10000đ/kg); tôm230.000 đồng/kg; cá diêu hồng 33000đ/kg (giảm 1000đ/kg)
4.3. Rau quả các loại: giá rau
quả nhìn chung ổn định: cải thảo 9000đ/kg, mướp đắng 25000đ/kg, đậu côve 18000đ/kg, mồng tơi 10.000 đồng/kg (tăng 2000đ/kg), dưa leo 11.000 đồng/kg (đứng giá)
4.4. Vật tư nông nghiệp: giá bán lẻ phân DAP Trung Quốc: 14.500đ/kg, Urê Phú Mỹ 10400đ/kg (tăng 900đ/kg so tháng trước).
5. Tình hình thiên tai, dịch bệnh:
5.1. Thiên tai: trong tháng không phát sinh tình hình thiên tai có tác động lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân.
5.2. Tình hình dịch bệnh
- Dịch Cúm gia cầm: Sau gần 1 năm dịch cúm gia cầm không xảy ra trên diện rộng, từ cuối tháng 1 năm nay, chăn nuôi gia cầm đang chịu thiệt hại lớn do dịch cúm gia cầm bùng phát ở nhiều tỉnhkhắp ở cả 3 miền. Theo Cục Thú y, đến ngày 18/2/2012 có trên 34 nghìn con mắc bệnh, chết và tiêu hủy. Hiện nay dịch đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lan rộng ra nhiều địa bàn trong cả nước và chưa có dấu hiệu dừng lại do chủng virus cúm đã biến đổi cùng với diễn biến bất thường của thời tiết và việc chưa quản lý tốt quá trình vận chuyển gia cầm khiến cho diễn biến dịch ngày càng phức tạp hơn. Ước tính đàn gia cầm vẫn tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, các tỉnh Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Trị, Hà Nam, Hải Dương, Thái Nguyên và Bắc Ninh có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày. Hiện nay với tình hình thời tiết không thuận lợi (mưa, ẩm tại các vùng), biến chủng virus cúm là điều kiện để dịch bệnh càng có diễn biến phức tạp hơn. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thành lập 7 đoàn công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại các tỉnh thành phố.
- Dịch lở mồm long móng (LMLM): Hiện còn tỉnh Thái Bình có dịch lở mồm long móng.
- Dịch tai xanh trên lợn: cả nước không có địa phương nào có dịch và phát sinh ổ dịch mới./.

File đính kèm:
BC Kinh te Nong nghiep T2.12.pdf

Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1385
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)