Theo tài liệu số 5618/BC-BKHĐT ngày 31 tháng 07 năm 2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tài liệu phục vụ họp báo của Chính phủ ngày 31/07/2012)
1. Về thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô
- Về giá cả và lạm phát: Mức tăngchỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục giảm trong 7 tháng đầu năm và có chỉ số âm (-) trong 2 tháng qua. So với tháng trước, CPI tháng 6 giảm (-) 0,26%, tháng 7 giảm (-) 0,29%; trong đó: Nhóm hàng hóa dịch vụ giảm giá mạnh nhất trong tháng 7 là giao thông, giảm 2,71%. Tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,93% và nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm giảm 0,47% (riêng lương thực giảm 1,49%).
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 2,22% so với tháng 12/2011 và tăng 5,35% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của nhiều năm trước[1]. Bình quân 7 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2011.
-Về thu chi ngân sách nhà nước: Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/7/2012, tổng thu NSNN ước đạt trên 363 nghìn tỷ đồng, bằng 49% dự toán năm; tổng chi NSNN ước đạt trên 454,4 nghìn tỷ đồng, bằng 50,3% dự toán.
- Về xuất, nhập khẩu: Trong tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt đạt 9,6 tỷ USD, giảm 2,9% so với tháng 6; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 9,5 tỷ USD, giảm 0,3%. Tháng 7 xuất siêu 100 triệu USD.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 62,9 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt xấp xỉ 63 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu 7 tháng đầu năm khoảng 58 triệu USD, bằng 0,09% tổng kim ngạch xuất khẩu.
-Về đầu tư phát triển: Vốn đầu tư phát triển từ NSNN lũy kế từ đầu năm đến 15/7/2012 ước đạt gần89,9 nghìn tỷ đồng, bằng 49,9% kế hoạch năm. Lũy kế 7 tháng đầu năm, vốn tín dụng trong nước cho vay đầu tư của Nhà nước ước đạt gần 13,9 nghìn tỷ đồng, bằng 54% kế hoạch năm; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 6,25 tỷ USD, bằng xấp xỉ cùng kỳ năm 2011; vốn ODA giải ngân ước đạt 1,9 tỷUSD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước.
2. Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế
- Sản xuất công nghiệp có chuyển biến nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số IIP7 tháng đầu năm tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2011, bằng 54,5% mức tăng 7 tháng đầu năm 2011 (8,8%). Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo so với cùng kỳ năm trước đã giảm dần từ mức 34,9% tại thời điểm 01/3, xuống 32,1% vào 01/4, 29,4% vào 01/5, 26% vào 01/6 và 21% vào 01/7. Tuy nhiên, nhìn chung, sản xuất công nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn: sức mua giảm, tiêu thụ chậm, tồn kho tuy có xu hướng giảm dần nhưng vẫn còn ở mức cao;...
- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển khá ổn định: Tính đến ngày 15/7/2012, cả nước gieo cấy 961,3 nghìn ha lúa mùa, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước; riêng miền Bắc gieo cấy đạt 769,2 nghìn ha, tăng 35,7%. Các tỉnh miền Nam đã thu hoạch được 622,5 nghìn ha lúa hè thu, bằng 87,2% so với cùng kỳ năm 2011.
- Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2011. Các hoạt động du lịch, vận tải, bưu chính viễn thôngtiếp tục phát triển, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.
3. Việc thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội khác tiếp tục đạt kết quả tốt. Các cấp, các ngành đã tích cực triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, như: hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; trợ cấp xã hội; điều chỉnh mức lương tối thiểu; theo dõi sát tình hình, kịp thời hỗ trợ, không để nhân dân thiếu đói trong thời gian giáp hạt; thực hiện các chính sách đối với người có công; đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi các gia đình thương binh, liệt sỹ nhân dịp 27-7;... Khẩn trương triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung theo Quyết định số 716/QĐ-TTg ngày 14/6/2012.
Trong 7 tháng đầu năm 2012, cả nước ước tạo việc làm trên 825 nghìn người, đạt 54,5% chỉ tiêu kế hoạch năm, tăng 1,7% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu lao động trên 47 nghìn người, đạt 52,3% kế hoạch năm, giảm 13,3% so với cùng kỳ.
Đánh giá chung,tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2012 đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng. Các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả. Lạm phát được kiềm chế; kim ngạch xuất khẩu tăng cao hơn đáng kể so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Lãi suất giảm; thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện; tỷ giá tương đối ổn định; dự trữ ngoại hối tăng. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, đạt kết quả tốt. Nhờ nỗ lực của các cấp, các ngành và doanh nghiệp, đặc biệt là những kết quả bước đầu của các giải đề ra trong Nghị quyết số 13/NQ-CP nên khó khăn trong sản xuất công nghiệp đã từng bước được tháo gỡ, tồn kho có xu hướng giảm. Thị trường trong nước tiếp tục có chuyển biến với tốc độ tăng trưởng khá cao. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động, lượng khách quốc tế tăng cao. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội cơ bản được bảo đảm. Tai nạn giao thông giảm mạnh, trật tự an toàn giao thông chuyển biến tích cực. Các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định. Công tác đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Chỉ số giá tiêu dùng đạt trị số âm (-) trong hai tháng liên tiếp và có chiều hướng giảm ở mức thấp hơn so với định hướng điều hành. Chỉ số phát triển công nghiệp 7 tháng chỉ bằng 54,5% tốc độ tăng cùng kỳ năm 2011. Khu vực doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng; sức mua của thị trường trong nước thấp; chỉ số tồn kho tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao; tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt thấp. Đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc, lao động mất việc làm,... còn gặp nhiều khó khăn; các tệ nạn xã hội và trật tự an toàn xã hội còn bức xúc ở một số nơi./.
[1] Tháng 7 so với tháng cùng kỳ năm trước các năm 2010, 2011 lần lượt là: 8,19% và 22,16%.
File đính kèm: BCChinhphuT7.12.pdf
Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân - Bộ Kế hoạch và Đầu tư