Theo tài liệu số 7499/BC-BKHĐT ngày 27 tháng 9 năm 2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tài liệu phục vụ họp báo của Chính phủ ngày 27/9/2012)
1. Về thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô
- Về giá cả và lạm phát: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 2,2% so với tháng trước; trong đó: thuốc và dịch vụ y tế tăng 17,02% (riêng dịch vụ y tế tăng 23,87%); giáo dục tăng 10,54%; giao thông tăng 3,83%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,18%.
CPI tháng 9 tăng 5,13%so với tháng 12/2011 và tăng 6,48% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng CPI của các năm trước[1]. Bình quân 9 tháng đầu năm, CPI tăng 9,96% so với cùng kỳ năm 2011.
-Về thu chi ngân sách nhà nước:Lũy kế từ đầu năm đến 15/9/2012, tổng thu NSNN ước đạt 468,55 nghìn tỷ đồng, bằng 63,3% dự toán; tổng chi NSNN ước đạt 606,35 nghìn tỷ đồng, bằng 67,1% dự toán
- Về xuất, nhập khẩu: Trong tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,7 tỷ USD, giảm 5,9% so với tháng 8; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 9,8 tỷ USD, giảm 4,45%; nhập siêu khoảng 100 triệu USD.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 83,79 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 83,76 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu 9 tháng đầu năm khoảng 34 triệu USD, bằng 0,04% tổng kim ngạch xuất khẩu.
- Về đầu tư phát triểntừ NSNN lũy kế từ đầu năm đến 15/9/2012 ước đạt 118,49 nghìn tỷ đồng, bằng 65,8% kế hoạch năm. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vốn Trái phiếu Chính phủ giải ngân ước đạt 28,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 63,3% kế hoạch; Vốn tín dụng cho vay đầu tư trung và dài hạn của Nhà nước ước đạt 17,9 nghìn tỷ đồng, bằng 84,2% kế hoạch năm; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 8,1 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2011; Vốn ODA giải ngân ước đạt 2.880 triệu USD, bằng 94,7% kế hoạch; trong đó, vốn vay ước đạt 2.700 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại ước đạt 180 triệu USD.
2. Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế
-Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP): Tốc độ tăng trưởng GDP Quý III/2012 ước đạt khoảng 5,35%, thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước (Quý III/2010 tăng 7,18%, Quý III/2011 tăng 6,07%). Tuy nhiên, mức tăng như trên là sự cố gắng lớn trong điều kiện phải tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm có xu hướng cải thiện sau từng quý: GDP quý I tăng 4%, quý II tăng 4,66%, quý III ước tăng khoảng 5,35%. Tính chung, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2012 ước đạt 4,73%; trong đó: giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 2,48%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 4,36%; khu vực dịch vụ tăng khoảng 5,97%.
- Sản xuất công nghiệp: Nhờ thực hiện mạnh mẽ các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 13/NQ-CP, sản xuất công nghiệp đã có chuyển biến tích cực qua từng tháng, tồn kho có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khănnhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng đầu năm 2012 tăng khoảng 4,8% so với với cùng kỳ năm 2011, chỉ bằng 61,5% mức tăng cùng kỳ năm trước (7,8%), trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 4%; công nghiệp chế biến, chế tạotăng4,2%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 12,8%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,4%.
- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển khá ổn định: Giá trị sản xuất toàn ngành 9 tháng ước tăng 3,7%, trong đó nông nghiệp tăng 2,9%, lâm nghiệp tăng 6,2%, thủy sản tăng 5,3%.
Tính đến ngày 15/9/2012, cả nước gieo cấy trên 1.716 nghìn ha lúa mùa, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước; riêng miền Bắc đạt trên 1.184 nghìn ha, bằng 99,4%.Các tỉnh miền Nam đã thu hoạch được khoảng 1.697 nghìn ha lúa hè thu, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2011.
- Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm ước đạt trên 1.713 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2011. Các hoạt động du lịch, vận tải, bưu chính viễn thông,…tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.
3. Về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, lao động, việc làm, an sinh xã hội, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội khác
- Về lao động, việc làm: Trong 9 tháng đầu năm 2012, cả nước ước tạo việc làm khoảng 1.130 nghìn lao động, đạt trên 70,6% chỉ tiêu kế hoạch năm, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 60 nghìn người, đạt 66,7% kế hoạch năm.
- Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, an sinh xã hội và các lĩnh vực xã hội khác tiếp tục đạt kết quả khá: Trong tháng, ngành giáo dục - đào tạo đã tổ chức khai giảng đón chào năm học mới; nâng cao chất lượng dạy và học; thanh tra tuyển sinh đầu cấp, các khoản thu đầu năm, quản lý dạy thêm, học thêm tại một số địa phương.Các cấp, các ngành tiếp tục triển khai tích cực và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, như: theo dõi sát tình hình, triển khai các biện pháp phòng, chống bão lũ, kịp thời tổ chức cứu trợ, ứng phó và khắc phục hậu quả, nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân; hỗ trợ cứu đói và trợ cấp xã hội; thực hiện các chính sách đối với người có công; triển khai chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm bắt buộc cho người lao động...
- Về trật tự an toàn giao thông:Trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 7.827 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.896 người và làm bị thương 5.596 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 21,7%, số người chết giảm 18% và số người bị thương giảm 26,7%.
Đánh giá chung, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm có những chuyển biến tích cực, đúng hướng. Các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đang tiếp tục phát huy tác dụng. Lãi suất tín dụng giảm, cơ cấu tín dụng có chuyển biến tích cực theo hướng tăng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, như: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ; tỷ giá cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối tăng. Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tỷ lệ nhập siêu giảm mạnh và đã cân bằng xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, đạt được kết quả tốt. Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi; khó khăn trong sản xuất, kinh doanh từng bước được tháo gỡ; chỉ số tồn kho giảm dần. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ được đẩy nhanh; vốn ODA giải ngân tăng cao hơn so với cùng kỳ. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm; tai nạn giao thông giảm mạnh. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hoá, thể thao và các vấn đề xã hội khác có tiến bộ. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; công tác đối ngoại tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc; chỉ số giá tiêu dùng đang có xu hướng tăng trở lại; tăng trưởng kinh tế chậm hơn kỳ vọng. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại; nhập khẩu trang thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất giảm. Khu vực doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ vốn thấp, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng; sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm; sức mua của thị trường trong nước thấp, tồn kho của một số ngành còn ở mức cao. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và thu ngân sách nhà nước đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Đời sống của một bộ phận dân cư gặp khó khăn; các tệ nạn xã hội, tội phạm còn diễn biến phức tạp...
[1] Tháng 9 so với tháng cùng kỳ năm trước các năm 2010, 2011 lần lượt là: 8,92% và 22,42%.
File đính kèm: 74990001_KTXH01.pdf
Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân - Bộ Kế hoạch và Đầu tư