Báo cáo của Vụ Kinh tế Dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 5 tháng 9 năm 2012.
I. BỐI CẢNH THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC
Trong 3 tháng đầu năm 2012, giá nhiều loại hàng hoá trên thị trường thế giới có xu hướng tăng nhẹ trước các dấu hiệu phục hồi tích cực của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, từ tháng 4 trở lại đây, thị trường hàng hoá chủ yếu biến động theo chiều hướng giảm do tăng trưởng kinh tế thế giới thiếu tính ổn định và những lo ngại tăng lên do tình hình kinh tế tại khu vực châu Âu vẫn chưa được cải thiện, kinh tế Mỹ phục hồi chậm và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, đang tạo ra những rào cản lớn đối với quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển - đầu kéo cho sự phát triển của kinh tế thế giới -tăng trưởng tiếp tục thấp so với kỳ vọng do duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt hoặc thận trọng. Các hoạt động sản xuất, tiêu dùng, thương mại nội địa, khu vực và quốc tế đều tăng trưởng thấp.
Ba thách thức hàng đầu đe dọa nền kinh tế toàn cầu, đó là nợ công, phục hồi kinh tế chậm và bất ổn về mặt xã hội đã và sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình phục hồi kinh tế thế giới nói chung và tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói riêng.
Trong nước, ngay từ đầu năm Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành thông qua việc ban hành Nghị quyết số 01/CP-NQ ngày 3/1/2012 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012. Diễn biến kinh tế những tháng đầu năm 2012 cho thấy Chính phủ đã đạt được một số kết quả khả quan trong ổn định kinh tế vĩ mô. Chính sách thắt chặt tiền tệ đã góp phần giảm lạm phát, tỷ giá hối đoái ổn định, tiêu dùng tăng trưởng khá… Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đó là sự đình trệ trong sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực; chỉ số tồn kho tăng cao do hàng hoá sản xuất ra không tiêu thụ được; tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm; sức mua của người dân chững lại…
Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tiếp tục giảm lãi suất cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp và cung ứng vốn cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp. Hiện tại, mặc dù các hoạt động tăng cường khuyến mại, giảm giá, khuyến khích tiêu thụ đang được các địa phương, doanh nghiệp tích cực triển khai, hoạt động giải ngân vốn đầu tư được đẩy mạnh… nhưng tiêu thụ hàng hoá vẫn trong tình trạng khó khăn, thị trường vẫn trầm lắng, tuy nhiên, trong thời gian tới, dự báo tiêu thụ sẽ tăng khá do tác dụng của các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đây là các nhân tố chủ yếu tác động đến tình hình thực hiện kế hoạch 2013 các ngành dịch vụ - thương mại.
Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ trong 9 tháng 2012 ước đạt 6,3-6,5% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó một số lĩnh vực dịch vụ chủ yếu có tốc độ tăng trưởng giảm như: dịch vụ thương mại bán buôn, bán lẻ, dịch vụ tài chính, ngân hàng, dịch vụ du lịch. Cơ cấu khu vực dịch vụ 9 tháng đầu năm 2012 ước đạt 37,5-38%.
(Số liệu ước tính của TCTK)
Ước 9 tháng đầu năm 2012: Số lượt khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 4,72 triệu lượt, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2011. Một số thị trường khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng đầu năm tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái như: dẫn đầu là thị trường Hàn Quốc (tăng khoảng 38%), tiếp đến là Malaisia (tăng khỏang 24%), Thái Lan (tăng khoảng 22%), Nhật Bản (tăng khoảng 22%), Đài Loan (tăng 16%),...riêng khách du lịch Úc, Cămpuchia, đặc biệt là khách du lịch Trung Quốc giảm so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách đi theo mục đích du lịch và nghỉ ngơi chiếm khoảng 60%, theo công việc khoảng 17%, thăm thân nhân 17,7% và theo mục đích khác 5,6%.
Tiếp nối đà tăng trưởng của năm 2011, thị trường khách du lịch nội địa tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ trong 9 tháng đầu năm 2012. Số lượt khách du lịch nội địa 9 tháng ước đạt 25 triệu lượt tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu 9 tháng đầu năm của ngành du lịch ước đạt khoảng 113.000 tỷ đồng, tăng khoảng 26% so với cùng kỳ năm 2011.
Vận tải hành khách 9 tháng năm 2012 ước tính đạt 2128 triệu lượt khách, tăng 12,3% và 91,5 tỷ lượt khách.km, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2011
Vận tải hàng hóa 9 tháng ước tính đạt 731,5 triệu tấn, tăng 9,2% và 152,5 tỷ tấn.km, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước.
(Số liệu ước tính của TCTK)
Mạng lưới bưu chính tiếp tục hoạt động ổn định, chất lượng được đảm bảo, từng bước đồng bộ về mạng lưới, tăng dần doanh thu, lợi nhuận; Nâng cao năng lực và mở rộng vùng phục vụ đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin và giao lưu văn hoá của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng của đất nước.
Mạng lưới bưu chính công cộng hiện nay có 14.991 điểm phục vụ, trong đó có 2.545 bưu cục, 8.095 điểm Bưu điện Văn hóa xã, 2.776 đại lý bưu chính, 1.495 thùng thư công cộng; bán kính phục vụ bình quân trên 01 điểm phục vụ bưu chính 2,66 km; số dân phục vụ bình quân trên 01 điểm phục vụ bưu chính 5.922 người. Tổng số doanh nghiệp được cấp giấy phép bưu chính, xác nhận thông báo hoạt động bưu chính là 50 doanh nghiệp.
Hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet của Việt Nam tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh mẽ đặc biệt là mạng di động 3G. Các doanh nghiệp như VinaPhone, MobiFone, Viettel đã tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư mạng lưới và cung cấp dịch vụ như đã cam kết. Thị trường dịch vụ viễn thông và intenet tiếp tục phát triển, cạnh tranh lành mạnh. Trên toàn quốchiện có trên 59.000 vị trí lắp đặt các loại trạm BTS.
Số thuê bao điện thoại phát triển mới chín tháng năm nay ước tính đạt 8.204 nghìn thuê bao, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2011: bao gồm: 18,2 nghìn thuê bao cố định, bằng 41,4% cùng kỳ và 8.185,8 nghìn thuê bao di động, tăng 14,6%. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 9/2012 ước đạt 137,4 triệu thuê bao, tăng 2.1% so với cùng kỳ, bao gồm 15,2 triệu thuê bao cố định, giảm 1,9% và 122,2 triệu thuê bao di động, tăng 2,5%.Số thuê bao internet trên cả nước tính đến cuối tháng 9/2012 ước tính đạt 4,5 triệu thuê bao, tăng 26,4% so với cùng thời điểm năm trước.Số lượng tên miền phát triển mới tăng ổn định, tổng số tên miền truyền thống “.vn” đến tháng 9/2012 ước đạt trên 200.000 tên.
(Số liệu ước tính của Vụ KTDV)
Xuất khẩu dịch vụ 9 tháng đầu năm 2012 ước đạt khoảng 7,2 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó một số dịch vụ có giá trị xuất khẩu lớn như: du lịch, vận tải, ngân hàng,... thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ khoảng 2 tỷ USD.
(Số liệu ước tính của TCTK)
Nhóm hàng nông sản, thủy sản ước đạt khoảng 15 tỷ USD, tăng 4,2% so cùng kỳ. Trong đó, các mặt hàng chính gồm: cao su 605 nghìn tấn, tăng 14,1% về lượng và giảm 21% về kim ngạch, thuỷ sản 4300 triệu USD giảm 1,7%; gạo 5730 nghìn tấn, giảm 3,4 % về lượng và 11,5% về kim ngạch; cà phê 1572 nghìn tấn, tăng 57,5% về lượng và tăng 50% về kim ngạch; sắn và sản phẩm sắn 4085 nghìn tấn, tăng 93,4% về lượng và tăng 61,4% về kim ngạch.
Nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 9 tỷ USD, tăng 11,1% so cùng kỳ. Trong đó, các mặt hàng chính gồm: than đá 11 triệu tấn, giảm 13,4% về lượng và tăng 20% về kim ngạch, dầu thô ước đạt 6300 nghìn tấn đạt xấp xỉ về lượng và tăng 2% về kim ngạch.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 52 tỷ USD, tăng 25,6% so cùng kỳ. Trong đó, các mặt hàng chính gồm: dệt may 10500 triệu USD, tăng 1,1%; da giày 5258 triệu USD, tăng 13,2%; linh kiện điện tử 5076 triệu USD, tăng 67,8%, điện thoại và linh kiện 7500 triệu USD, tăng 94% về kim ngạch, máy tính và linh kiện hơn 5000 triệu USD, tăng 67,8% về kim ngạch...
Nhóm các mặt hàng khác chiếm khoảng 6 tỷ USD.
Giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm sút so với cùng kỳ làm ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2012: giá hạt điều giảm 16,8%, cà phê 5%, chè các loại 4,4%, sắn và sản phẩm từ sắn 16,5%, than đá 7,6%, cao su 30,8%. Tính riêng yếu tố giảm do giá của các mặt hàng này làm cho kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 1,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, bù lại việc tăng lượng xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực giúp tăng kim ngạch xuất khẩu gần 6,5 tỷ USD, trong đó phải kể đến cà phê tăng 1268 triệu USD, cao su tăng 325 triệu USD, gỗ và sản phẩm gỗ 449 triệu USD, giày dép 616 triệu USD, máy tính điện tử và linh kiện tăng 2051 triệu USD, máy móc thiết bị dụng cụ tăng 919 triệu USD, dây và cáp điện 107 triệu USD.
Nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 70 tỷ USD, tăng 6,7% so cùng kỳ năm 2011. Trong đó một số mặt hàng chính gồm: xăng dầu 5664 nghìn tấn, giảm32,8% về lượng và giảm 6% về kim ngạch; sắt thép các loại 4389 nghìn tấn, giảm 19,1% về lượng và 3% về kim ngạch; phân bón 1799 nghìn tấn, giảm 40,8% về lượng và giảm 21% về kim ngạch; giấy các loại 680 nghìn tấn, giảm 11,5% về lượng nhưng tăng 7% về kim ngạch; chất dẻo nguyên liệu 1457 nghìn tấn, giảm 21% về lượng và giảm 3% về kim ngạch; máy móc thiết bị đạt hơn 11,5 tỷ USD xấp xỉ cùng kỳ, máy tính và linh kiện 8507 triệu USD, tăng 65,7%; vải các loại 5042 triệu USD xấp xỉ cùng kỳ; nguyên phụ liệu dệt may 2258 triệu USD, tăng 1,8%...
Nhóm hàng cần kiểm soát ước đạt 3,2 tỷ USD, giảm 25,6% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó một số mặt hàng chính gồm: rau quả đạt 215 triệu USD, tăng 5% về kim ngạch; phế liệu sắt thép 2,1 triệu tấn, tăng 14,5% về lượng và tăng 13,5% về kim ngạch; đá quý và kim loại quý 218 triệu USD, giảm 90% về kim ngạch, linh kiện phụ tùng ô tô 1,1 tỷ USD, giảm 25,4% về kim ngạch…
Nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu ước đạt 4,3 tỷ USD, trong đó một số mặt hàng chính gồm: ô tô nguyên chiếc từ 9 chỗ trở xuống gần 12 nghìn chiếc, giảm 59,4% về lượng và 69% về kim ngạch; hàng tiêu dùng 4125 triệu USD, tăng 3% về kim ngạch…
Nhóm các mặt hàng khác chiếm khoảng 5 tỷ USD.
Khác với xuất khẩu, giá nhập khẩu bình quân của hầu hết các mặt hàng đều tăng là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến mức tăng của kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Giá một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước như: giá xăng dầu các loại tăng 38,8%, khí đốt hóa lỏng tăng 22,8%, chất dẻo nguyên liệu tăng 22,6%, sợi các loại tăng 14,5%, sắt thép các loại tăng 128,7%, phân bón các loại tăng 33,3%, lúa mỳ tăng 20,6%... Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này khiến kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng hơn 4,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, về lượng hàng nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2012 của một số mặt hàng chủ yếu giảm sút so cùng kỳ làm cho kim ngạch nhập khẩu giảm khoảng 7 tỷ USD, trong đó phải kể đến mức giảm của một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: xăng dầu các loại 2540 triệu USD, khí hóa lỏng 207 triệu USD, phân bón các loại 508 triệu USD, chất dẻo nguyên liệu 731 triệu USD, sợi các loại 286 triệu USD, kim loại thường 448 triệu USD, ô tô nguyên chiếc 547 triệu USD, linh kiện xe máy 100 triệu USD...
9 tháng đầu năm 2012, nhập khẩu từ Châu Á chiếm tới 78,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc (kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này tăng 9,8%, tỷ trọng ước đạt 23,5%), ASEAN (tăng 2,9%, tỷ trọng 18,7%), Hàn Quốc (tăng 9,8%, chiếm tỷ trọng 12,6%), Nhật Bản (tăng 5,8%, chiếm tỷ trọng 9,6%) và EU (tăng 3,4%, chiếm tỷ trọng 6,95%).
- Đến hết tháng 9/2012, đã có 18 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD là dệt may, dầu thô, giày dép, thủy sản, gạo, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm nhựa, cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, xăng dầu các loại, đá quý kim loại quý, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, máy vi tính và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, xơ sợi dệt các loại, tăng 1 mặt hàng so với cùng kỳ năm ngoái.
- Tăng trưởng xuất khẩu có sự đóng góp lớn của các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến và chủ yếu do sự đóng góp của các mặt hàng thuộc khối các doanh nghiệp FDI sản xuất như: điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,6 tỷ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 2 tỷ USD...
- Nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao do việc nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, trong khi nhập khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước giảm. Điều này phản ánh thực tế là các doanh nghiệp nước ngoài với tiềm lực về vốn và sự sẵn có về thị trường nên ít bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế khó khăn trong nước (nhất là việc vay vốn), trong khi các doanh nghiệp trong nước, do vốn ít, tiếp cận vốn lại khó khăn, lãi suất cao, thị trường eo hẹp đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- 9 tháng đầu năm 2012, Việt Nam vẫn nhập siêu chủ yếu với các nước và vùng lãnh thổ thuộc Châu Á như Trung Quốc (ước đạt 10,3 tỷ USD), ASEAN (4,5 tỷ USD), Hàn Quốc (hơn 7 tỷ USD), Đài Loan (gần 5 tỷ USD). Trong khi đó Việt Nam lại xuất siêu với các nước như: Hoa Kỳ 10,5 tỷ USD, Nhật Bản 3,4 tỷ USD, EU 6,75 tỷ USD.
Thị trường trong nước giai đoạn kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO đã có bước phát triển với tốc độ khá nhanh, bước đầu tạo được vị thế trên thị trường, góp phần xây dựng nền thương mại tiên tiến, văn minh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân. Thị trường nội địa phát triển đã làm thay đổi diện mạo của thương mại bán lẻ, làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại và đóng góp đáng kể vào sự phát triển của kinh tế, xã hội.
Tính đến nay, cả nước có 639 siêu thị tại 60/63 tỉnh, thành phố và 121 trung tâm thương mại tại 34/63 tỉnh thành phố, có khoảng 8.550 chợ (có 232 chợ hạng I, chiếm tỷ lệ 2,7%; 936 chợ hạng II, chiếm tỷ lệ 10,9%; 7.382 chợ hạng III chiếm tỷ lệ 86,4%), trong đó chợ nông thôn chiếm khoảng 78%; cả nước có 63 chợ đầu mối nông sản cấp vùng và cấp tỉnh. Loại hình cửa hàng quy mô nhỏ độc lập của cá nhân và hộ gia đình cũng tiếp tục xu hướng gia tăng; không ít cửa hàng loại này đã gia nhập chuỗi cửa hàng của các thương hiệu bán lẻ nổi tiếng trong nước và nước ngoài theo phương thức nhượng quyền... Cùng với chợ, loại hình cửa hàng quy mô nhỏ độc lập với số lượng áp đảo này hiện đang chiếm ưu thế về bán lẻ tạp hóa và thực phẩm do sự gần gũi với khu vực dân cư, giá bán thấp và bán nhiều loại hàng, từ thực phẩm đóng gói đến các loại đồ uống...
Về đầu tư nước ngoài, với chính sách mở cửa thị trường dịch vụ phân phối, các tập đoàn lớn trên thế giới như Metro (Đức) với các trung tâm Metro Cash & Carry, Casino (Pháp) với thương hiệu đại siêu thị Big C; Lion (Malaysia) với các trung tâm mua sắm mang thương hiệu Parkson; Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản).... đã và đang tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động của mình với các mô hình phân phối hiện đại, quản lý tiên tiến vừa tạo sức ép cạnh tranh với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước vừa góp phần phát triển các loại hình cơ sở phân phối mới ở Việt Nam theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại. Số lượng cơ sở của doanh nghiệp phân phối có vốn đầu tư nước ngoài đã vào trước khi Việt Nam gia nhập WTO có tốc độ tăng đáng kể, như Metro Cash & Carry mở thêm 10 trong tổng số 17 trung tâm đang hoạt động, Big C mở thêm 13 trong tổng số 18 đại siêu thị Big C đang hoạt động, Parkson mở thêm 7 trong tổng số 8 trung tâm mua sắm Parkson đang hoạt động. Tuy nhiên, các đại gia bán lẻ lớn của thế giới như Walmart; Carrefour; Tesco... vẫn chưa thực sự thành lập cơ sở của mình ở Việt Nam...
Năm 2012, dịch vụ phân phối cũng như dịch vụ thương mại đứng trước nhiều khó khăn do người tiêu dùng vẫn tiếp tục thắt chặt chi tiêu, sức mua giảm. Trong khi doanh thu từ các hoạt động thương mại bán lẻ không tăng trưởng như kỳ vọng trong những năm gần đây mà chi phí đầu tư ban đầu lại vẫn giữ quá cao so với các nước trong khu vực thì lợi nhuận từ việc đầu tư vào ngành bán lẻ Việt Nam không còn được các công ty khảo sát và nghiên cứu thị trường đánh giá là hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Về phía doanh nghiệp trong nước, trong tổng số 30.342 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động tính đến 20/7/2012 thì ngành bán buôn, bán lẻ chiếm nhiều nhất, với 11.542 đơn vị. Số doanh nghiệp còn lại đứng trước áp lực tái cơ cấu doanh nghiệp để hoạt động có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thị trường đánh giá trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay vẫn có cơ hội mua lại doanh nghiệp phá sản và chia lại thị phần giữa các doanh nghiệp phân phối lớn. Tuy nhiên, nền phân phối Việt Nam vẫn cần tiếp tục hình thành những nhà phân phối quy mô lớn, hiện đại để bảo đảm cấu trúc xương sống vững chắc cho vấn đề lưu thông hàng hóa trong nước có hiệu quả hơn và có sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Hiện nay, hệ thống phân phối của ta còn nhiều tầng nấc trung gian, nhỏ lẻ, tính liên kết kém.
Nguyên nhân sức mua giảm trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế chỉ là yếu tố làm nổi rõ hơn những hạn chế vốn có của thị trường phân phối và bán lẻ. Tính hấp dẫn của thị trường bán lẻ những năm trước đây chủ yếu dựa vào sự tăng trưởng nóng của nền kinh tế và dân số đông và trẻ. Do đó, khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại thì ngành dịch vụ này lập tức bị ảnh hưởng rõ rệt. Nguyên nhân đối với sự tăng trưởng thiếu bền vững của dịch vụ phân phối là: chi phí cho cơ sở hạ tầng, vị trí cho kinh doanh thương mại thiếu và quy mô nhỏ; doanh nghiệp bán lẻ trong nước còn thiếu vốn, kinh nghiệm và kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiệu quả; dịch vụ logistic hỗ trợ cho khu vực phân phối chưa phát triển dẫn đến chi phí tăng thêm qua hệ thống phân phối còn cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa; tính liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành phân phối cũng như nhà phân phối- nhà sản xuất chưa chặt chẽ; vai trò của Hiệp hội bán lẻ trong việc tăng cường liên kết, hợp tác và hỗ trợ tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Hệ thống phân phối không phát triển cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng tồn kho cao tại các doanh nghiệp sản xuất 6 tháng đầu năm nay.
Về lĩnh vực nhượng quyền thương mại, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Công Thương đã xác nhận đăng ký hoạt động nhượng quyền tại Việt Nam cho 8 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu là trong ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống và thời trang, cho thuê phương tiện vận tải, dịch vụ máy tính.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh bất ổn chung của nền kinh tế, nhiều chính sách đã được ban hành, nhiều giải pháp được triển khai nhằm cung ứng hàng hóa theo nhu cầu và bình ổn thị trường đã được triển khai, cụ thể như sau:
- Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15/11/2010 về Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, trong đó hỗ trợ cho các hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia bao gồm: xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu, xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xúc tiến thương mại miền núi, biên giới và hải đảo.
- Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/CP-NQ ngày 3/1/2012 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
- Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng tới năm 2030 đã được phê duyệt.
- Xây dựng và phê duyệt Quy hoạch hệ thống sản xuất và phân phối một số mặt hàng trọng yếu như xi măng, sắt thép.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020”.
-Tiếp tục thực hiện Quy hoạch sản xuất gắn với tiêu thụ phân bón đã được phê duyệt năm 2010.
- Tổ công tác liên ngành về thị trường trong nước thường xuyên theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, cung cầu các mặt hàng thiết yếu để có các đề xuất kiến nghị kịp thời lên Chính phủ các giải pháp ổn định thị trường.
- Tiếp tục các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, gây bất ổn thị trường.
- Kiểm tra kinh doanh xăng dầu tại một số khu vực, đặc biệt là tại các khu vực biên giới, nơi xảy ra tình trạng bán lậu xăng dầu qua biên giới khi giá xăng nước ta thấp hơn một số nước trong khu vực.
Chương trình dự trữ hàng hoá bình ổn giá được triển khai đầu tiên ở Tp Hồ Chí Minh năm 2002 nhằm tạo nguồn hàng thực phẩm thiết yếu nhằm cân đối cung cầu, phục vụ bình ổn thị trường, giá cả trong dịp Tết, thông qua phương thức ứng vốn cho doanh nghiệp. Qua quá trình thực hiện Chương trình đã trở thành một trong những công cụ điều tiết giá cả một cách hữu hiệu, thiết thực,khẳng định vai trò Nhà nước định hướng “dẫn dắt” giá cả các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần hạn chế và kiểm soát tốt hơn hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến, góp phần bình ổn thị trường. Sau Tp Hồ Chí Minh, Chương trình đã được nhân rộng ra các địa phương khác trên cả nước. Theo Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2011, cả nước có khoảng 36 địa phương thực hiện Chương trình với tổng lượng vốn cho vay đạt khoảng 1.650 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai, các địa phương đã có sự kết hợp với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chương trình xúc tiến thương mại nội địa nên đối tượng mặt hàng bình ổn đã ưu tiên và tập trung vào các mặt hàng có nguồn gốc sản xuất trong nước, thực hiện tổ chức nhiều các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, các chuyến hàng bình ổn đến các khu công nghiệp, khu chế xuất và đã được người dân đón nhận nhiệt tình.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2012 ước đạt 1.327,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó nhóm du lịch và dịch vụ là những nhóm có mức tăng cao nhất (tăng lần lượt 26,6% và 21,7%). Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ tăng 6,8%.
Theo các thành phần kinh tế, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 32,7%, tiếp đó là khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế cá thể tăng lần lượt là 25,2% và 19,3%, khu vực kinh tế nhà nước có mức tăng trưởng thấp nhất, 0%.
9 tháng đầu năm dự báo tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.709,22 nghìn tỷ đồng, tăng 17,04% so với cùng kỳ năm 2011, nếu loại trừ yếu tố giá thì tốc độ tăng là 6,6-6,9%.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng đầu năm so với tháng 12 năm 2011 chỉ tăng 2,22%, đây là mức tăng khá thấp so với nhiều năm trở lại đây, trong đó nhóm lương thực giảm sâu (giảm 6,1%) và thực phẩm tăng nhẹ (tăng 0,94%) đã giúp nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng thấp (0,62%).
Thời gian qua, giá cả tăng thấp chủ yếu do một số nguyên nhân sau:
- Giá cả một số hàng hoá thiết yếu trên thị trường giảm.
- Tổng cầu và sức mua tăng thấp, hàng hoá tiêu thụ chậm, tồn kho ở mức cao, tín dụng tăng trưởng thấp.
- Giá lương thực và thực phẩm tươi sống giảm tại nhiều địa phương do nguồn cung dồi dào trong khi sức tiêu thụ không cao.
- Chương trình bình ổn thị trường tiếp tục được thực hiện tại các địa phương.
- Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt Nghị quyết số 01/NQ-CP và 13/NQ-CP của Chính phủ.
- Ngoài ra, nhằm khuyến khích tiêu dùng trong giai đoạn sức mua giảm, nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá được thực hiện cũng góp phần giảm sức ép tăng giá, bình ổn thị trường.
Dự báo 9 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,5-4% so với tháng 12/2011, bình quân 9 tháng tăng 9,7-10%.
Để góp phần bình ổn thị trường trong nước, trong các tháng đầu năm 2012, Bộ Công Thương đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đặc biệt trong lĩnh vực giá và chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2012, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 81.105 vụ, xử lý 45.136 vụ vi phạm, trong đó 7.894 vụ buôn lậu, 6.621 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, 9.137 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá, 21.484 vụ vi phạm khác; với tổng số thu trên 150,2 tỷ đồng, trong đó phạt hành chính trên 63 tỷ đồng, phạt và truy thu thuế gần 2 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm 85,13 tỷ đồng.
(1) Xăng dầu
Giá xăng, dầu thế giới trong tháng 7/2012 diễn biến theo xu hướng tăng do hoạt động sản xuất dầu tại Nauy bị đình trệ và căng thẳng chính trị gia tăng ở Trung Đông. Giá dầu thô WTI dao động trên 85 USD/thùng, dầu thô Brent giao dịch trên mức 100 USD/thùng, thời điểm 10/8/2012 tăng lên 113,28 USD/thùng. Trên thị trường Singapore, giá bình quân của các sản phẩm xăng dầu tăng 4-7% so với tháng 6 và tăng 3-11% so với cùng kỳ 2011.
Trong nước, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng 02 đợt, giảm 01 đợt, cụ thểđiều chỉnh giảm vào ngày 2/7/2012 và điều chỉnh tăng vào ngày 20/7/2012 và ngày 01/8/2012, cụ thể các mặt hàng xăng tăng 900 đồng mỗi lít và các mặt hàng dầu tăng 500 đồng mỗi lít.
Trong tháng 7, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đã tiêu thụ 507 nghìn tấn xăng dầu các loại từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất, 7 tháng ước đạt 3.669 nghìn tấn.
Theo Tổng cục Hải quan, lượng xăng dầu các loại nhập khẩu tháng 7 ước đạt 704 nghìn tấn, 7 tháng đạt 4.995 nghìn tấn, đạt 49% hạn mức nhập khẩu.
Ước nhập khẩu xăng dầu 9 tháng đạt 5.664 nghìn tấn.
Dự báo trong thời gian tới giá dầu tiếp tục đứng ở mức cao, nhưng không có biến động lớn.
(2) Sắt thép
Do ảnh hưởng của nguồn cung dư thừa trong khi nhu cầu tiêu thụ thép vẫn đứng ở mức thấp nền giá chào phôi thép thế giới tháng 7/2012 có xu hướng giảm nhẹ so với tháng 6/2012. Tại khu vực Đông Nam Á, giá chào phôi thép giảm 20-25 USD/tấn, ở mức 620-625 USD/tấn CFR.
Trong nước, giá các chủng loại thép xây dựng ổn định, riêng Công ty Gang Thép Thái Nguyên đã điều chỉnh giảm giá niêm yết 350.000 đồng/tấn đối với các loại thép trong cuộn và thép cây thông dụng vào ngày 5/7. Hiện giá bán thực tế của các công ty phổ biến ở mức 15,15 – 15,55 triệu đồng/tấn đối với thép tròn cuộn và 15,13 – 15,55 triệu đồng/tấn đối với thép cây thông dụng (chưa tính VAT).
Theo Hiệp hội Thép, sản lượng sản xuất trong tháng 7 đạt 360 nghìn tấn, tăng 18 nghìn tấn (tăng 5,2%) so với tháng trước và tăng 52 nghìn tấn (tăng 17%) so với cùng kỳ năm trước. 7 tháng đầu năm ước đạt 2,66 triệu tấn, giảm 220 nghìn tấn (giảm 7,6%) so với cùng kỳ năm 2011. Ước lượng thép tiêu thụ 7 tháng đạt 2,57 triệu tấn, giảm 202.200 tấn (giảm 7,2%) so với cùng kỳ.
Ước nhập khẩu sắt thép các loại 9 tháng đạt 4.389 nghìn tấn.
Dự báo trong thời gian tới giá bán thép ổn định, nguồn cung dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước với mức tiêu thụ tăng khá hơn các tháng đầu năm.
(3) Xi măng
Theo Bộ Xây dựng, tình hình sản xuất và tiêu thụ xi măng trong tháng 7 tương đương so với tháng 6. Ước tổng sản lượng xi măng sản xuất tháng 7 đạt 4,09 triệu tấn, 7 tháng đầu năm sản lượng đạt 27,61 triệu tấn, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2011. Tiêu thụ xi măng tháng 7 ước đạt 4,12 triệu tấn, 7 tháng đạt 27,65 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2011. 7 tháng đầu năm ngành xi măng đã xuất khẩu được 4 triệu tấn xi măng, tuy nhiên, do giá mua ở các thị trường tiêu thụ cũng giảm sút, đặc biệt là các nước lân cận nên doanh nghiệp xuất khẩu cũng không có lãi, chỉ giải phóng được hàng tồn và bù chi phí vận chuyển.
Về giá cả: Giá bán xi măng tại các nhà máy được điều chỉnh giảm nhằm khuyến khích tiêu thụ, hiện giá bán lẻ phổ biến ở mức 1,3 đến 1,5 triệu đồng/tấn tại miền Bắc và 1,6 đến 1,7 triệu đồng/tấn ở miền Nam.
9 tháng đầu năm, ước sản xuất và tiêu thụ xi măng có xu hướng tăng.
Dự báo trong thời gian tới thị trường xi măng có mức tăng trưởng khá hơn do việc giải ngân vốn đầu tư các tháng cuối năm được đẩy mạnh.
(4) Phân bón
Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu thấp, nguồn cung dồi dào nên giá phân bón trong nước tiếp tục giảm nhẹ.
III. ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2012
Dự báo trong các tháng cuối năm, tình hình kinh tế trong nước vẫn chịu nhiều tác động của sự suy thoái của kinh tế thế giới, nhưng tình hình kinh tế nói chung và thương mại nói riêng sẽ khả quan hơn do tác dụng của các chính sách hỗ trợ của Nhà nước bắt đầu phát huy tác dụng như việc giảm lãi suất, giãn thuế, ưu tiên và cho ứng vốn những dự án đã có kế hoạch, từng bước tháo gỡ khó khăn, ưu tiên nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư chiều sâu, nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tăng cường xúc tiến mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh như vậy, dự kiến tình hình thực hiện kế hoạch năm 2012 của ngành thương mại – dịch vụ như sau:
Ước kế hoạch năm 2012, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 6,4-6,6%, đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2012 là 6,5-7,1%), cơ cấu khu vực dịch vụ ước đạt khoảng 38%, không đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch 2012 là 38,2-38,4%).
Nguyên nhân là do một số lĩnh vực dịch vụ chủ yếu bị tác động chủ quan, khách quan dẫn đến giảm tốc độ tăng trưởng như: du lịch, thương mại bán buôn bán lẻ, logistics và vận tải.
Cụ thể: Khách du lịch Trung Quốc được dự báo giảm trong những tháng cuối năm dẫn đến không đạt chỉ tiêu về số lượng khách du lịch quốc tế; xuất khẩu qua đường tiểu ngạch tới thị trường Trung Quốc giảm, do vậy các hoạt động kinh doanh logistics và vận tải cũng có xu hướng giảm, cầu tiêu dùng trong dân cư giảm mạnh dẫn đến dịch vụ thương mại bán buôn bán lẻ giảm mạnh; dịch vụ ngân hàng cũng có xu hướng giảm do huy động vốn trong những tháng đầu năm rất cao, hầu như các hợp đồng vay đều chưa đáo hạn, tuy nhiên trong những tháng cuối năm theo chủ trương chung của NHNN lãi suất cho vay có xu hướng giảm để"cứu"các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn.
1.2. Một số kết quả đạt được
Dự kiến cả năm 2012, doanh thu ngành du lịch đạt trên 150.000 tỉ đồng tăng khoảng 15,4 % so với năm 2011 và bằng kế hoạch đề ra. Lượng khách quốc tế dự kiến đạt 6,3-6,5 triệu lượt khách, tăng khoảng 5% so với năm 2011 (không đạt kế hoạch đề ra 6,807 triệu lượt). Khách du lịch nội địa đạt khoảng 32 triệu lượt, tăng 6,67% so với năm 2011 .
Nguyên nhân của việc không đạt kế hoạch đề ra:
- Trong những tháng cuối năm 2012, do yếu tố khách quan một số thị trường khách du lịch quốc tế được dự báo có xu hướng giảm, trong đó lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam dự báo giảm đáng kể, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ngành du lịch không đạt kế hoạch về tăng trưởng khách du lịch quốc tế.
- Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch có tiến bộ, nhưng tính chuyên nghiệp chưa cao.
- Chưa tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, đặc trưng của du lịch của từng vùng, cũng như của du lịch du lịch Việt Nam; chất lượng dịch vụ du lịch còn bất cập, chưa đáp ứng kịp yên cầu phát triển du lịch quốc gia.
- Sự suy thoái của kinh tế thế giới và các dịch bệnh xảy ra liên tiếp đã ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch Việt Nam.
Ước cả năm 2012, khối lượng vận tải hàng hoá dự kiến đạt 980-990 triệu tấn, tăng 10-11% so với thực hiện năm 2011, khối lượng luân chuyển đạt khoảng 203-206 tỷ T.Km, giảm 8-9% so với thực hiện năm 2011, không đạt kế hoạch đề ra (Kế hoạch giao năm 2012 tốc độ tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển là 10,6%-11,5% khối lượng hàng hóa luân chuyển là 17,1%-18,5%); sản lượng vận tải hành khách dự kiến đạt 2860-2880 triệu lượt hành khách, tăng 13-14% so với thực hiện năm 2011, khối lượng luân chuyển đạt 123.000-124.000 triệu HK.Km, tăng 11-12% so với thực hiện năm 2011, đạt và vượt kế hoạch đề ra (Kế hoạch giao năm 2012 tốc độ tăng khối lượng hành khách vận chuyển là 10,2%-11%, tốc độ tăng khối lượng hành khách luân chuyển là 10,7%-11,6%).
Nguyên nhân vận tải hàng hóa không đạt kế hoạch đề ra là do ngành vận tải biển đang gặp khó khăn do chính sách đầu tư dàn trải không hiệu quả, mặt kháctình hình Biển Đông diễn biến phức tạp cũng tác động đáng kể đến vận tải biển. Hàng xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc có xu hướng giảm, do vậy các hoạt động logistics và vận tải phục vụ xuất khẩu cũng ảnh hưởng giảm theo. Do tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại, du lịch của người dân cũng có phần hạn chế.
(Số liệu ước tính của TCTK)
Ước cả năm 2012, tổng doanh thu phát sinh toàn ngành ước đạt khoảng: 450.000 tỷ đồng, trong đó tổng nộp ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 35.000 tỷ đồng. Số thuê bao điện thoại ước đạt 153,5 thuê bao/100 dân, bao gồm số thuê bao di động đạt 138,5 thuê bao/100 dân, số đường dây thuê bao cố định đạt: 15 đường dây/100 dân, đạt kế hoạch đề ra (Kế hoạch số thuê bao điện thoại/100 dân là 142). Số thuê bao internet băng thông rộng cố định cả năm 2012 ước đạt 6 thuê bao/100 dân, không đạt kế hoạch đề ra (Kế hoạch số thuê bao internet băng thông rộng là 6,5 thuê bao/100 dân). Số thuê bao internet băng thông rộng cố định không đạt kế hoạch đề ra một phần do ảnh hưởng của tình hình kinh tế, một phần do ảnh hưởng của việc thuê bao băng rộng di động tăng trưởng mạnh trong thời gian qua. Ngoài ra, sau giai đoạn tăng trưởng nóng trong những năm gần đây, phân khúc thị trường thuê bao internet băng thông rộng cố định đã dần đi vào ổn định nên tốc độ tăng trưởng có phần chững lại. Về số người sử dụng internet ước đạt 32-35% dân số.
Xuất khẩu dịch vụ năm 2012 ước đạt 9,3 tỷ USD, tăng 4-5% so với năm 2011, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Một số lĩnh vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá như: du lịch, vận tải hàng không,v.v... Nhập khẩu dịch vụ ước khoảng 12,5 tỷ USD, tăng 5-6% so với năm 2011; thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ là 3,2 tỷ USD.
(Số liệu ước tính của TCTK)
Tình hình hội nhập khu vực dịch vụ trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về thương mại dịch vụ (AFAS) kế hoạch năm 2012 như sau:
Việt Nam và các nước thành viên khác (trừ Phi líp pin) đã hoàn thành Gói cam kết dịch vụ thứ 8 (Gói 8). Gói 8 của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (văn bản số 4713/VPCP-QHQT ngày 27/6/2012) và được các nước trong nội khối đánh giá cao về mức độ cũng như số lượng các phân ngành dịch vụ được nâng mức cam kết.
Có thể nói rằng Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể trong tiến trình hướng tới các mục tiêu của AFAS vào năm 2015 cũng như mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN.
Đồng thời, Việt Nam cùng các nước ASEAN đã thống nhất Khung và lộ trình đàm phán Gói cam kết dịch vụ thứ 9 và 10, trong đó Gói 9 phải hoàn tất vào năm 2013 với số lượng phân ngành dịch vụ đưa ra cam kết là 104 phân ngành, Gói 10 hoàn thành vào năm 2015 với số lượng phân ngành dịch vụ đưa ra cam kết là 128 phân ngành.
Cũng trong năm 2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Lao động, Thương Binh và Xã hội, Công an, Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan khác hoàn thành đàm phán Dự thảo Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân (Hiệp định MNP). Dự kiến Hiệp định MNP sẽ được ký kết vào tháng 11/2012 trong thời gian diễn ra hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 22 tại Campuchia.
- Nhóm hàng nông sản, thủy sản, dự báo giá xuất khẩu vẫn khó có thể tăng, tuy nhiên lượng xuất khẩu có thể tăng trong những tháng cuối năm do việc đẩy mạnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu và những giải pháp hỗ trợ tín dụng của Chính phủ có tác dụng, kim ngạch xuất khẩu của nhóm dự kiến đạt khoảng 20 tỷ USD. Trong số các mặt hàng chủ yếu: thủy sản đạt kế hoạch đề ra 6,8 tỷ USD.
- Nhóm nhiên liệu và khoáng sản, dự kiến giá dầu thô xuất khẩu sẽ không tăng nhiều; giá than đá có thể tăng cao hơn nhưng lượng xuất khẩu không tăng do thị trường đang gặp khó khăn đồng thời với chính sách hạn chế xuất khẩu để bảo vệ tài nguyên; một số khoáng sản khác đang tồn đọng quặng do gặp khó khăn về thị trường nên lượng xuất khẩu có thể tăng nhưng không cao. Với những yếu tố đó, dư kiến kim ngạch của nhóm năm 2012 đạt 12,1 tỷ USD. Trong số các mặt hàng chủ yếu: dầu thô đạt kế hoạch đề ra là 9,5 triệu tấn.
- Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến có điều kiện tăng trưởng hơn do tác động bởi các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có tác dụng và tốc độ tăng trưởng các tháng cuối năm sẽ cao hơn các tháng đầu năm. Những tháng cuối năm là những tháng gấp rút để hoàn thành đơn hàng xuất khẩu, dự kiến kim ngạch của nhóm năm 2012 đạt 67,5 tỷ USD. Trong số các mặt hàng chủ yếu: dệt may giảm 300 triệu USD so với kế hoạch, giày dép đạt kế hoạch 7,2 tỷ USD, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 2,4 tỷ so với kế hoạch.
- Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng hoá khác dự kiến đạt khoảng 11,3 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu, thị trường Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là thị trường EU, ASEAN, Trung Quốc và Nhật Bản. Xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Nhóm hàng cần nhập khẩu bao gồm chủ yếu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, dự kiến kim ngạch khoảng 96 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm 2011. Trong số các mặt hàng chủ yếu: xăng dầu giảm 2,2 triệu tấn so với kế hoạch. Điều này thể hiện nhu cầu nhập khẩu để sản xuất trong nước giảm.
Nhóm hàng cần kiểm soát gồm các mặt hàng trong nước đã sản xuất được và đáp ứng đủ nhu cầu, dự kiến kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD, giảm 24,1% so với năm 2011.
Nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu gồm ô tô nguyên chiếc, xe máy nguyên chiếc, hàng tiêu dùng, dự kiến đạt 6,3 tỷ USD tăng 7,2% so cùng kỳ năm 2011.
Nhóm hàng khác dự kiến khoảng 6,2 tỷ USD.
Nhập siêu cả năm 2012 như vậy sẽ vào khoảng 2 tỷ USD với tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu khoảng 1,8%, thấp hơn so với kế hoạch đề ra chỉ tiêu Quốc hội đề ra là phấn đấu khoảng 10%.
- Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu đã góp phần cải thiện cán cân thương mại. Nhập siêu dự kiến ở mức 1,8% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với các năm trước và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là nhập siêu khoảng 11-12% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong điều kiện cho phép phấn đấu giảm nhập siêu xuống dưới 10%.
- Về xuất khẩu, tăng trưởng xuất khẩu đạt mức tăng thấp hơn so với năm 2011 do nhu cầu nhập khẩu của thế giới giảm, giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm, đặc biệt là giá nông sản và khoáng sản. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2012 chủ yếu do tăng trưởng của các mặt hàng thuộc nhóm hàng công nghiệp và hoàn toàn do sự đóng góp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tỷ trọng đóng góp trong xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 55%, tăng so với mức 49,4% năm 2011.
- Về nhập khẩu, việc nhập khẩu nguyên liệu, máy móc phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước giảm sút... Việc Chính phủ thực hiện các chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô, trong đó có việc cắt giảm đầu tư đã phần nào ảnh hưởng tới nhập khẩu. Bên cạnh đó, suy thoái kinh tế trong nước cũng đã tác động tới hoạt động nhập khẩu. Trong khi đó, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng chủ yếu là do việc nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.
- Nhập siêu giảm nhưng đối với các nước và vùng lãnh thổ của Châu Á, Việt Nam vẫn nhập siêu lớn. Ví dụ với ASEAN, Việt Nam nhập siêu 6 tỷ USD, Hàn Quốc 9,5 tỷ USD, Trung Quốc 14 tỷ USD... Một số nguyên nhân dẫn đến tình hình nhập siêu đối với các nước Châu Á nói chung và đối với ASEAN, Trung Quốc nói riêng:
+ Trước hết về xuất khẩu, có thể nói xuất khẩu của Việt Nam vào ASEAN, Trung Quốc là rất khó khăn. Nếu không kể những mặt hàng nguyên liệu như cao su, than đá, dầu thô… thì hàng xuất của Việt Nam sang ASEAN, Trung Quốc thường là các mặt hàng mà Trung Quốc cũng dư thừa năng lực sản xuất nên khó cạnh tranh. Còn những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như than đá, dầu thô… thì lại có xu hướng giảm do hạn chế về khả năng khai thác và chủ trương dần hạn chế xuất khẩu tài nguyên.
+ Về nhập khẩu, một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cho cả sản xuất và tiêu dùng là những mặt hàng Việt Nam chưa sản xuất được hoặc có nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu như sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, phân bón, linh kiện, phụ tùng ôtô, xe máy… Hàng Trung Quốc có giá cả rẻ và gần Việt Nam nên nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhập khẩu từ đây.
+ Trong mấy năm qua, các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu nhiều dự án lớn tại Việt Nam… Các nhà nhà thầu Trung Quốc mang theo hầu như tất cả những gì họ có (từ Trung Quốc) để phục vụ công trình, từ máy móc, công nghệ đến nguyên, vật liệu (chưa kể công nhân)… vì vậy, trong giá trị nhập siêu lớn từ Trung Quốc có phần đáng kể từ việc nhập khẩu cho các công trình, dự án mà phía Trung Quốc trúng thầu.
- Về lý thuyết, mức nhập siêu thấp giúp giảm thiểu thâm hụt thương mại, khắc phục dần sự bất đối xứng trong cán cân thương mại với các nước cũng như giảm thiểu nguy cơ lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện tại, nhập siêu giảm liên tục có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Trong thời gian qua, hầu hết các ngành công nghiệp trong nước đều phụ thuộc vào nguyên nhiên liệu, máy móc nhập khẩu từ nước ngoài. Nhập siêu giảm do việc giảm sút nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu và máy móc thiết bị của các doanh nghiệp trong nước có thể là tín hiệu cho thấy sự ngưng trệ và đình đốn của sản xuất trong nước cộng với tỷ lệ hàng tồn kho cao so với sức mua thực tế.
Năm 2012, dự kiến tổng mức bán lẻ ước đạt khoảng 2.325,778 nghìn tỷ đồng, tăng 16,04% so với năm 2011.
Năm 2012, ước chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%, đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
(1) Xăng dầu
Ước cả năm 2012 sản xuất xăng dầu các loại trong nước ước đạt 7,35 triệu tấn, nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn, nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước
(2) Sắt thép
Những yếu tố bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới đã ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng ngành thép trong năm 2012. Tình hình sản xuất và tiêu thụ thép trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc tự điều tiết thị trường do sự mất cân đối về tương quan cung - cầu. Bên cạnh đó, việc thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào ngày càng nhiều và cạnh tranh gay gắt với sản phẩm thép trong nước đã gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp.
Theo Bộ Công Thương, ước sản lượng thép các loại sản xuất cả năm 2012 đạt khoảng 8,57 triệu tấn, tăng khoảng 5,8% so với năm 2011. Cùng với lượng thép nhập khẩu ước đạt 7-8 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước và cho cả hoạt động xuất khẩu.
Trong giai đoạn tới, ngành thép được dự báo sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá.
(3) Xi măng
Ước năm 2012, sản xuất xi măng đạt khoảng 49-51 triệu tấn, tương đương sản lượng năm 2011 do nhu cầu tiêu thụ chậm; nhập khẩu clinker đạt khoảng 1 triệu tấn, bằng năm 2011.
Theo Hiệp hội Xi măng, điều đáng quan ngại nhất hiện nay đối với sản xuất xi măng là tổng công suất của toàn ngành đạt 70 triệu tấn, cung vượt cầu, do đó tiêu thụ trong bối cảnh suy giảm kinh tế hiện nay càng khó khăn hơn.
(4) Phân bón
Nhu cầu sử dụng phân bón nước ta ngày càng tăng mạnh. Tuy nhiên, nguồn cung phân bón tại thị trường trong nước cũng khá dồi dào khi có thêm một số nhà máy sản xuất đi vào hoạt động như Nhà máy Đạm Cà Mau (công suất 800.000 tấn/năm); Nhà máy đạm Ninh Bình (công suất 560.000 tấn/năm).
Theo Bộ Công Thương, ước sản lượng sản xuất phân bón các loại năm 2012 đạt khoảng 7,25 triệu tấn, trong đó phân ure ước đạt 1,750 triệu tấn tăng 83,2% so với năm 2011; phân NPK ước đạt 3,4 triệu tấn, tăng 19,3%; phân lân ước đạt 1,8 triệu tấn, tăng 12,5%; ước nhập khẩu phân bón các loại năm 2012 đạt 3,5 triệu tấn, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.
IV. KIẾN NGHỊ CÁC GIẢI PHÁP ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2012
- Khẩn trương triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020.
- Tăng kim ngạch xuất khẩu một số lĩnh vực dịch vụ chủ yếu như du lịch, ngân hàng, bảo hiểm đảm bảo thực hiện được mục tiêu kế hoạch đã đề ra.
- Xây dựng phương án đàm phán Biểu cam kết cụ thể của Hiệp định MNP, đồng thời chuẩn bị các thủ tục trong nước chuẩn bị ký kết Hiệp định vào tháng 11/2012.
- Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về dịch vụ nhằm đạt hiệu quả điều hành cao nhất.
- Tăng cường hỗ trợ tiêu dùng cho người dân nghèo, khó khăn trong dịch vụ, đặc biệt là đối với các dịch vụ cơ bản như: y tế, giáo dục,v.v. Đồng thời, tăng cường các hoạt động mua sắm chính phủ làm động lực mạnh mẽ để kích thích nhu cầu nội địa cho lĩnh vực dịch vụ.
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, triển khai Chiến lượng phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
- Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế nhằm thu hút khách du lịch.
- Chính thức đưa Văn phòng đại diện Du lịch Việt Nam tại Nhật Bản vào hoạt động; tiếp tục xây dựng đề án thành lập Văn phòng đại diện du lịch Việt Nam tại một số thị trường du lịch trọng điểm khác.
- Tăng cường công tác kiểm tra tại các điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch nhằm ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về môi trường du lịch, xóa bỏ tình trạng đeo bám, chèn ép khách và vi phạm quy định về cạnh tranh.
- Phối hợp các địa phương và thành phố Hải Phòng tổ chức năm du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng năm 2013.
- Đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu một số tập đoàn vận tải lớn, như Vinashin, Vinalines theo hướng tập trung vào lĩnh vực ngành nghề chính.
- Có chính sách hỗ trợ các tập đoàn vận tải trong việc trả nợ nước ngoài, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Đẩy mạnh cắt giảm hoặc bán chuyển chủ sở hữu đối với những dự án ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực kinh doanh chủ đạo.
- Nâng cao công tác quản lý chất lượng dịch vụ nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông minh bạch và bền vững. Trong đó, tập trung quản lý khuyến mại, thuê bao trả trước, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
- Đẩy mạnh xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật đối với lĩnh vực bưu chính viễn thông nhằm đáp ứng sự phát triển của lĩnh vực này.
- Tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả trong việc sử dụng cơ sở hạ tầng viễn thông.
- Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu tập đoàn VNPT và tổng công ty VTC.
- Chú trọng thực hiện các chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia đã được phê duyệt nhằm khai thông, mở rộng thị trường xuất khẩu.
- Tổ chức hiệu quả, đồng bộ công tác thông tin, dự báo, bám sát tình hình thị trường, đặc biệt là các thị trường trọng điểm kịp thời phát hiện các thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý nhập khẩu, kiểm soát chất lượng hoặc những thông tin bất lợi đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường; Hiệp hội ngành hàng chủ động phối hợp, ngăn ngừa, giải quyết sớm các vụ việc phát sinh.
- Triển khai có hiệu quả Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận với nguồn vốn tín dụng xuất khẩu, đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn.
- Đẩy mạnh hoạt động bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nhằm bảo hiểm rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nghiên cứu xây dựng cơ chế bảo hiểm tín dụng xuất khẩu đặc thù đối với những thị trường đang phát triển, có tiềm năng nhưng đồng thời cũng có độ rủi ro cao.
- Điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và tạo thuận lợi hơn nữa về thủ tục hải quan theo hướng hỗ trợ tối đa cho sản xuất trong nước và thúc đẩy kinh doanh, xuất khẩu.
- Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tính toán các yếu tố đầu vào, tiết giảm chi phí, khơi thông đầu ra cho hàng hóa bằng cách củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất, giảm tồn kho sản phẩm.
- Tập trung cho công tác xúc tiến thương mại thị trường trong nước, ưu tiên triển khai nhiều chương trình trong khuôn khổ của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như tổ chức các hội chợ, triển lãm, đưa hàng hoá về nông thôn... nhằm kích thích tiêu dùng, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất.
- Đẩy mạnh sản xuất để đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu.
- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương trong việc điều tiết cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, chủ động cùng với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra kiểm soát thị trường nhằm đảm bảo cho thị trường hoạt động lành mạnh.
- Triển khai chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, mà trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực đưa hàng hóa về các vùng nông thôn; vùng sâu; vùng xa, nhằm mở rộng và thiết lập thị trường vững chắc cho hàng hóa sản xuất trong nước.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, dự trữ hàng chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán, đảm bảo ổn định cung cầu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mua sắm của người dân, không để giá cả tăng đột biến vào các dịp cao điểm.
- Tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, găm hàng gây sốt giá ảo, đặc biệt là đối với các hàng hóa thiết yếu như lương thực, xăng dầu, xi măng, sắt thép, dược phẩm.
- Thực hiện tốt công tác điều tiết thị trường, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, không để tình trạng thiếu hàng hóa xảy ra cục bộ ở một số nơi, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu.
- Đẩy mạnh chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia, tăng cường tổ chức các hội chợ, triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao.
I. BỐI CẢNH THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC
Kinh tế thế giới năm 2013 được dự báocòn khó khăn nhưng nhiều khả năng sẽ có những chuyển biến tích cực hơn so với năm 2012. Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2013 đạt khoảng 4,1% (năm 2012 dự báo tăng khoảng 3,5%), trong đó các nước phát triển tăng 2%, các nước mới nổi và đang phát triển tăng 6%.
Kinh tế châu Âu được dự báo sẽ tăng trưởng 0,2% trong năm 2012 và tăng lên 1,4% trong năm 2013; trong đó khu vực đồng Euro được dự báo suy giảm 0,3% trong năm 2012 nhưng sẽ hồi phục nhẹ trong năm 2013 với tốc độ tăng trưởng gần 1%. Với chỉ số niềm tin tiêu dùng tăng, số người thất nghiệp giảm, thị trường chứng khoán phục hồi và lần đầu tiên có thặng dư ngân sách kể từ tháng 12/2008, kinh tế Mỹ được dự báo sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn năm 2011 và sẽ đạt 2,1% và 2,4% cho các năm 2012 và 2013, góp phần bù đắp cho sự suy giảm kinh tế của khu vực đồng Euro. Kinh tế Nhật Bản tiếp tục phục hồi với những dấu hiệu khả quan: chỉ số sản xuất, đặc biệt là ngành chế tác tăng; số đơn đặt hàng và doanh số bán lẻ tăng. Theo các nhà kinh tế Nhật Bản, GDP của Nhật sẽ tăng khoảng 2,2% trong Quý II và III, và tăng 1,7% trong Quý IV/2012. Theo IMF, dự báo GDP Nhật Bản sẽ tăng 2% năm 2012 và tăng 1,7% năm 2013 so với mức giảm (-) 0,7% của năm 2011. Tuy vậy, Nhật Bản vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như thâm hụt thương mại và nợ quốc gia khá lớn[1]. Kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng khá với sự phục hồi mạnh mẽ của đầu tư tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và xuất khẩu do tác động của Hiệp định thương mại tự do với Mỹ được ký kết.
Ở khu vực các nước đang phát triển châu Á, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2012 dự báo giảm xuống mức 8,2% do phải điều chỉnh phù hợp với sự suy giảm nhu cầu nhập khẩu thế giới nhưng được dự báo sẽ tăng trưởng cao hơn trong năm 2013 với tốc độ tăng khoảng 8,8%. Đây sẽ là yếu tố tác động tích cực đến tăng trưởng của các nền kinh tế trong khu vực do nhu cầu nội địa của Trung Quốc đóng góp tới 60 - 70% sự phục hồi của châu Á. Các hoạt động tái thiết sau lũ lụt ở Thái Lan; chi tiêu Chính phủ tăng mạnh, kiều hối dồi dào, và sự khởi động các dự án đối tác công tư ở Philippin; việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong kế hoạch chuyển đổi kinh tế ở Malaysia sẽ là động lực cho sự tăng trưởng kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á này trong nửa cuối năm 2012 và năm 2013 với tốc độ tăng trưởng được dự báo đạt 5,4% trong năm 2012 và tăng lên 6,2% trong năm 2013. Các quốc gia châu Á có thu nhập thấp được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng khá trong năm 2013 với đóng góp chủ yếu của ngành du lịch, kiều hối và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cải cách về chính trị và kinh tế là động lực mới, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn hơn và thúc đẩy tăng trưởng cao tại Myanmar.
Tăng trưởng thương mại thế giới năm 2013 được dự báo duy trì ở mức khoảng 5,6%, tăng cao hơn so với mức 4% trong năm 2012. Giá dầu thô bình quân năm 2013 dự báo sẽ có thể giảm so với năm 2012.
Tuy nhiên, những khó khăn thách thức còn rất lớn: Nợ công cao và thâm hụt ngân sách ở châu Âu chưa được giải quyết triệt để, vừa tiềm ẩn rủi ro tác động xấu đến sự phát triển khu vực và thế giới, trong khi nợ công tại nhiều quốc gia châu Á cũng ở trong tình trạng báo động; Diễn biến xung đột chính trị cục bộ tại từng khu vực, thiên tai, dịch bệnh..., là những nhân tố tiềm ẩn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế thế giới và nước ta.
Trong nước, với việc phối hợp hài hoà chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cùng những giải pháp đồng bộ khác trong những tháng cuối năm 2012 nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh có thể làm khơi thông nguồn vốn, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong nước. Hệ thống tài chính, ngân hàng dần được hoàn thiện. Việc quản lý giá cả hàng hóa nhiều mặt hàng trước đây độc quyền đang dần hướng đến các quy luật thị trường. Quá trình tái cấu trúc nền kinh tế cũng như những tác động của quá trình này cũng là yếu tố quan trọng tác động đến tăng trưởng và ổn định kinh tế Việt Nam 2013. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2013 dự báo sẽ đạt mức cao hơn năm 2012.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn thách thức: Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định; Áp lực tăng lạm phát vẫn còn do sự tăng giá của các mặt hàng như xăng dầu, điện...; Việc thực hiện các chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô sẽ gây những khó khăn nhất định đối với tăng trưởng kinh tế; Thị trường tiêu thụ gặp khó khăn do sức mua chưa được phục hồi mạnh; Cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ dù đã được tập trung đầu tư song vẫn còn thiếu và yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; Mạng lưới phân phối hàng hoá còn hạn chế, nhiều tồn tại chưa được khắc phục; Thị trường phân phối bán lẻ trong nước đang đứng trước nguy cơ bị chi phối và chiếm lĩnh bởi các tập đoàn nước ngoài; Việc mở rộng xuất khẩu ở các thị trường lớn như Liên minh Châu Âu,... gặp nhiều khó khăn do các nền kinh tế này tăng trưởng chậm, thậm chí có thể rơi vào suy thoái và phải cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu khác; Những rủi ro do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh có thể xảy ra ảnh hưởng đến sự phát triển và ổn định đời sống nhân dân.
Năm 2013, khu vực dịch vụ cần tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương theo tinh thần Kết luận số 02 của Bộ Chính trị, kết luận của Hội nghị Trung ương lần thứ III, Nghị quyết 11 của Chính phủ phù hợp với tình hình trong nước và thế giới, Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; góp phần tạo sự chủ động để ổn định vững chắc hơn kinh tế vĩ mô để tạo tiền đề cho kế hoạch trung hạn, tranh thủ những điều kiện thuận lợi của kinh tế thế giới, phát huy nội lực.
Thêm vào đó, năm 2013 là năm bản lề triển khai các nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm phát triển đất nước và năm đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động triển khai Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020, đây là thời điểm để thúc đẩy phát triển nhanh và mạnh các lĩnh vực dịch vụ mang tính "đột phá" như: dịch vụ giáo dục, logistics, du lịch,....
1.1. Mục tiêu triển chung
Phát triển khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn các khu vực sản xuất và cao hơn tốc độ tăng GDP, đạt 6,9-7,6%. Chỉ tiêu này cao hơn kết quả thực hiện của năm 2011, tuy nhiên còn khá thấp so với kế hoạch 5 năm (10-11%), trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, để đảm bảo mục tiêu của kế hoạch 5 năm (tốc độ tăng trưởng dịch vụ 12%), khu vực dịch vụ cần phấn đấu tăng trưởng cao trong kế hoạch 2014 và 2015
Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong tổng thể cơ cấu nền kinh tế quốc dân năm 2012 dự kiến đạt khoảng 38,5-39%.
Xuất khẩu dịch vụ 2013 ước đạt khoảng 10,5 tỷ USD, tăng 8,2% so với năm 2012; nhập khẩu dịch vụ ước khoảng 12,9 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2012; thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ là 2,4 tỷ USD.
1.2. Mục tiêu từng lĩnh vực cụ thể
Kế hoạch năm 2013 phấn đấu đạt 41,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 6,8-7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 7,7% so với năm 2012, khách du lịch nội địa đạt khoảng 34,5 triệu lượt, tăng 7,81% so với năm 2012; thu nhập của nhập du lịch đạt khoảng 170-175 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm 2012.
Nhiệm vụ:
- Đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vận tải hợp lý, gồm: Cảng biển, sân bay, đường bộ, đường sắt, đường sông, các trung tâm kho vận, logistics.
- Phát triển hợp lý các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không,.v.v... có tính toán đến nhu cầu đi lại và tác động xấu đến môi trường.
- Tăng cường xã hội hóa, phát triển phát triển vận tải phù hợp với nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, đồng thời phát triển đa dạng hóa các loại hình vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải đảm bảo chất lượng, nhanh chóng, an toàn.
- Phát triển mạnh vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trong vận tải hàng hóa.
Mục tiêu:
- Khối lượng vận chuyển hàng hoá: 999,6 triệu tấn, bằng 102% so với thực hiện năm 2012.
- Khối lượng luân chuyển hàng hoá: 209,5 tỷ tấn.km, bằng 103,2% so với thực hiện năm 2012.
- Khối lượng vận chuyển hành khách: 3052,8 triệu hành khách, bằng 106% so với thực hiện năm 2012.
- Khối lượng luân chuyển hành khách: 133,2 tỷ hành khách.km, bằng 107,4% so với thực hiện năm 2012.
- Doanh thu ngành vận tải đạt 160.230 tỷ đồng, tăng 2,7% so với ước thực hiện kế hoạch năm 2012.
So với các chỉ tiêu dịch vụ vận tải trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, các chỉ tiêu dịch vụ vận tải trong kế hoạch năm 2013 thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch 5 năm.
(Số liệu ước tính của Vụ KTDV)
c. Dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông
Ước cả năm 2013, tổng doanh thu phát sinh toàn ngành ước đạt khoảng: 480.000 tỷ đồng, trong đó tổng nộp ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 40.000 tỷ đồng. Số thuê bao điện thoại đạt 164 thuê bao/100 dân, bao gồm thuê bao di động đạt 148 thuê bao/100 dân, đường dây thuê bao cố định đạt: 16 đường dây/100 dân, vượt chỉ tiêu đề ra so với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 (kế hoạch số thuê bao điện thoại là 146 thuê bao/100 dân). Số thuê bao internet băng rộng cố định ước đạt 8 thuê bao/100 dân, vượt chỉ tiêu đề ra so với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 (kế hoạch số thuê bao internet băng thông rộng là 7,2 thuê bao/100 dân). Số người sử dụng internet ước đạt 35-38% dân số.
Để đạt được kế hoạch đề ra, cần tập trung thực hiện các mục tiêu:
- Ưu tiên phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông trong đó: đẩy mạnh việc phát triển truy cập băng rộng trên cơ sở phát triển mạng truy cập hữu tuyến. Mở rộng vùng phủ sóng và nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống thông tin. Tăng cường chia sẻ và nâng cao việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp.
- Tập trung triển khai ứng dụng hiệu quả CNTT trong các cơ quan Nhà nước, các ngành KT-XH, phát triển Chính phủ điện tử.
- Ưu tiên nguồn lực để triển khai các chương trình phát triển công nghiệp phần mềm, nội dung số, phần cứng – điện tử và dịch vụ CNTT.
Xuất khẩu dịch vụ 2013 ước đạt khoảng 10,5 tỷ USD, tăng 10-12% so với năm 2012; nhập khẩu dịch vụ ước khoảng 13,5 tỷ USD, tăng 8-10% so với năm 2012; thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ là 3 tỷ USD.
(Số liệu ước tính của Vụ KTDV)
Dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt khoảng 124,3 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2012, trong đó xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt khoảng 70tỷ USD, chiếm khoảng 56%tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 14,8% so với năm 2012.
Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, tích cực phát triển các mặt hàng có tiềm năng thành những mặt hàng xuất khẩu mới, theo hướng nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao; tăng sản phẩm chế biến, chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu thô.
Tích cực, chủ động mở rộng thị trường; đa phương hoá và đa dạng hoá quan hệ với các đối tác; tận dụng mọi khả năng để tăng mức xuất khẩu trên tất cả các thị trường đã có, song song với việc đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường có sức mua lớn nhưng hiện còn chiếm tỷ trọng thấp; thâm nhập các thị trường mới. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sẽ tiếp tục là thị trường Mỹ và thị trường EU, tiếp đến là thị trường ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản.
Định hướng các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu:
- Nhóm hàng nông, thủy sản: đây là nhóm hàng có lợi thế và năng lực cạnh tranh dài hạn nhưng giá trị gia tăng còn thấp, mục tiêu trong thời gian tới là: Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng để tăng giá trị và kim ngạch xuất khẩu nôngsản; chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu hướng mạnh vào chế biến sâu, phát triển xuất khẩu sản phẩm có chất lượng cao,sản phẩm sinh thái có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh và có thương hiệu mạnh.
Dự kiến đạt kim ngạch đạt khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2012 và chiếm tỷ trọng 17,5%.
- Nhóm hàng khoáng sản: đây là nhóm hàng có lợi thế về tài nguyên nhưng bị giới hạn nguồn cung. Mục tiêu là giảm khối lượng xuất khẩu khoáng sản thô, chuyển dần sang xuất khẩu sản phẩm chế biến, tận dụng các cơ hội thuận lợi về thị trường và giá cả để tăng giá trị xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản.
Dự kiến đạt kim ngạch 12,7 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2012 và chiếm tỷ trọng 10,2%.
- Nhóm hàng công nghiệp chế biến: đây là nhóm hàng có tiềm năng phát triển và thị trường thế giới có nhu cầu. Mục tiêu là phát triển công nghiệp phụ trợ, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nâng cao hiệu quả gia công xuất khẩu, từng bước tạo tiền đề chuyển sang xuất khẩu trực tiếp, nâng cao khả năng canh tranh của sản phẩm, không ngừng ứng dụng các thiết bị khoa học mới, hiện đại hoá để từng bước nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
Xuất khẩu nhóm hàng này trong năm 2013 sẽ khó giữ được mức tăng trưởng cao như năm 2012 do một số mặt hàng chủ lực như điện tử, điện thoại di động (đóng góp phần lớn mức tăng trưởng trong năm 2012) đã có mức tăng cao trong 2 năm vừa qua, trong khi đó quy mô sản xuất chưa được mở rộng.
Dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt 76,6 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2012 và chiếm tỷ trọng 61,6%.
- Về thị trường
+ KNXK sang thị trường Châu Á (gồm cả Tây Á và Nam Á) năm 2013 ước đạt 62 tỷ USD tăng 10,7% so với ước thực hiện năm 2012.
+ KNXK sang Hoa Kỳ ước đạt 21 tỷ, tăng 10,5% so với năm 2012.
+ KNXK sang thị trường Châu Âu ước đạt 23,8 tỷ USD, tăng 10,7% so với ước thực hiện 2012. Trong đó, EU ước đạt 21,1 tỷ USD.
+ KNXK sang thị trường Châu Phi năm 2013 ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 25% so với ước thực hiện năm 2012. Trong đó Nam Phi ước đạt 1,1 tỷ USD.
+ KNXK sang thị trường Châu Đại Dương ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 8% so với ước thực hiện năm 2012.
Kim ngạch nhập khẩu năm 2013 dự kiến đạt khoảng 130,5 tỷ USD, tăng 15,5% so với năm 2012,trong đó nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt khoảng 69tỷ USD, chiếm khoảng 53%tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 16,9% so với năm 2012.
Về cơ cấu nhập khẩu:
- Nhóm cần thiết nhập khẩu, gồm các mặt hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng và các nguyên, nhiên liệu quan trọng phục vụ sản xuất vẫn tiếp tục gia tăng và phải đảm bảo nhập khẩu để ổn định sản xuất và xuất khẩu. Dự kiến kim ngạch nhập khẩu nhóm này đạt 110,8 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012, chiếm tỷ trọng khoảng 80% tổng kim ngạch nhập khẩu. Đây là nhóm hàng thiết yếu, là đầu vào cho sản xuất và xuất khẩu, do đó phải đảm bảo và tạo thuận lợi cho nhập khẩu để ổn định sản xuất không áp dụng các biện pháp hành chính và kinh tế để quản lý. Tuy nhiên vẫn phải tính đến khả năng giảm hợp lý nhập khẩu ở nhóm này thì mới có khả năng giảm nhập siêu vì tỷ trọng khối này chiếm trên 4/5 tổng giá trị nhập khẩu.
- Nhóm cần kiểm soát nhập khẩu, gồm các mặt hàng đá quý, kim loại quý, linh kiện phụ tùng ô tô từ 9 chỗ trở xuống, linh kiện phụ tùng xe máy và hàng hóa khác. Dự kiến kim ngạch nhập khẩu khoảng 5,2 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2012 và chiếm tỷ trọng khoảng 4% trên tổng kim ngạch nhập khẩu.
- Nhóm hạn chế nhập khẩu, gồm các mặt hàng tiêu dùng, ô tô nguyên chiếc từ dưới 9 chỗ trở xuống, xe máy nguyên chiếc. Dự kiến kim ngạch nhập khẩu khoảng 6,5 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm 2012 và chiếm tỷ trọng 5% tổng kimngạch nhập khẩu.
Về thị trường nhập khẩu:Nhập khẩu từ thị trường Châu Á vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trên 86%, nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất chủ yếu từ những thị trường này, vì vậy tốc độ tăng trưởng nhập khẩu khoảng 15%; tiếp đó là thị trường Châu Âu chiếm tỷ trọng 9,9%, tăng hơn 9%; thị trường Châu Mỹ chiếm tỷ trọng 7,6% tăng 15% so với ước thực hiện năm 2012.
Với tình hình như vậy, nhập siêu năm 2013 dự kiến khoảng 6,2 tỷ USD, chiếm khoảng 5%tổng kim ngạch xuất khẩu.
- Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khó có thể đạt mức cao như năm 2012, vì một số lý do sau đây:
+ Số tuyệt đối của kim ngạch xuất khẩu đã ở mức cao hơn.
+ Kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nên nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu hàng hóa chưa cải thiện rõ rệt.
+ Giá cả hàng hóa thế giới khó có khả năng tiếp tục xu hướng tăng cao.
+ Lượng xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng khoáng sản, nông sản đều đã ở mức cao, nên không thể có mức tăng trưởng mạnh về lượng.
- Tốc độ tăng nhập khẩu cao hơn nhưng không nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhằm phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước trước dự báo tình hình kinh tế Việt Nam có thể phục hồi một phần nhất định:
+ Nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị và vật tư phục vụ cho sản xuất trong nước và xây dựng cơ sở hạ tầng còn rất lớn, trong khi khả năng cung ứng của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.
+ Công nghiệp phụ trợ chậm phát triển, nên chưa thể đáp ứng đủ nguyên vật liệu và phụ kiện cho các ngành công nghiệp phục vụ xuất khẩu.
* Đánh giá về các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2015 đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua.
Theo Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đề ra mục tiêu cụ thể là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 11 - 12%/năm trong thời kỳ 2011 - 2020, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 tăng trưởng bình quân 12%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân 11%/năm và duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 10% thời kỳ 2021-2030. Bên cạnh đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng nhập khẩu thấp hơn tăng trưởng xuất khẩu; giảm dần thâm hụt thương mại, kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 và tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020; thặng dư thương mại thời kỳ 2021 - 2030.
Đối với các chỉ tiêu về xuất nhập khẩu được Quốc hội thông qua là giảm dần nhập siêu từ năm 2012, phấn đấu mức dưới 10% kim ngạch nhập khẩu vào năm 2015.
Việc xây dựng kế hoạch xuất nhập khẩu năm 2013 đối với các chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng, kim ngạch, nhập siêu được căn cứ trên kế hoạch xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2015 và diễn biến tình hình xuất nhập khẩu thực tế. Dự kiến đến năm 2015, xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ đạt được các chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra.
- Ngành thương mại trong nước phấn đấu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định.
- Cân đối cung cầu những mặt hàng trọng yếu được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.
- Tăng cường năng lực điều hành thị trường, dự báo sớm và có hiệu quả những biến động thị trường để có biện pháp điều hành kịp thời.
- Nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt ngay tại thị trường nội địa.
- Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại phù hợp với mức độ phát triển của từng địa phương, đảm bảo sự gắn kết giữa các trung tâm thương mại trong nội vùng và liên vùng, tạo thuận lợi cho sự phát triển thương mại trong nước.Phát triển hệ thống kênh phân phối hàng Việt, nhất là tới thị trường nông thôn.
- Tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
- Tiếp tục hoàn thiện cơ bản hệ thống văn bản pháp luật quản lý hệ thống phân phối.
- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường.
a. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Năm 2013, dự kiến tổng mức bán lẻ ước đạt khoảng 2.800 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với năm 2012. Tới năm 2015, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 26%, đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho kế hoạch 5 năm 2011-2015.
Năm 2013, dự kiến chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%. Đến năm 2015, dự kiến chỉ số giá tiêu dùng tăng từ 5-7%, đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho kế hoạch 5 năm 2011-2015.
(1) Xăng dầu
Tổng sản lượng khai thác dầu khí quy dầu đạt 25,2 triệu tấn, trong đó khai thác dầu thô là 16 triệu tấn tăng 1,7% so với năm 2012, khai thác khí là 9,2 tỷ m3 tăng 1,7%; xăng, dầu các loại đạt 5,67 triệu tấn bằng 95,3% so với 2012.
Năm 2013, Tập đoàn Dầu khí quốc gia cần tiếp tục đẩy mạnh công tác khảo sát, tìm kiếm thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí. Tiếp tục thúc đẩy các hoạt động khai thác dầu khí ở nước ngoài và sớm đưa các phát hiện dầu khí mới vào khai thác. Vận hành nhà máy Lọc dầu Dung Quất ổn định nhằm đảm bảo sản lượng sản xăng dầu.
Dự kiến lượng xăng dầu trong nước sản xuất năm 2012 đạt khoảng 6 triệu tấn, nhập khẩu ước đạt 11-12 triệu tấn, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước ước khoảng 17-18 triệu tấn.
(2) Sắt thép
Dự kiến sản lượng toàn ngành thép trong năm 2013 sẽ tăng khoảng 5% so với năm 2012, đáp ứng đủ nhu cầu thép trong nước và xuất khẩu. Năm 2013, ngành thép cần tiếp tục tập trung đầu tư năng lực sản xuất phôi thép nhằm tăng tính chủ động về nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào nguồn phôi nhập khẩu, đồng thời tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn, thực hiện các dự án chuyển tiếp, trong đó ưu tiên thúc đẩy hoàn thành các dự án trọng điểm, các dự án đã được phê duyệt như: dự án sản xuất thép tấm cán nóng 2 triệu tấn/năm; dự án nhà máy thép Hậu Giang công suất 500.000 tấn/năm; dự án Trung tâm sản xuất và phân phối thép Mê Linh...
(3) Xi măng
Dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng năm 2012 khoảng 52 triệu tấn, tăng khoảng 5% so với năm 2011. Sản xuất xi măng trong nước dự báo đáp ứng đủ nhu cầu với sản lượng cả năm 2012 dự kiến đạt khoảng 55 triệu tấn.
(4) Phân bón
Dự báo, năm 2013 sản xuất phân lân các loại và phân hỗn hợp NPK trong nước vẫn đáp ứng cơ bản nhu cầu. Đặc biệt, từ một nước phải phụ thuộc vào nhập khẩu phân urê, từ năm 2013 Việt Nam có thể hoàn toàn tự chủ nguồn phân urê và tiến tới xuất khẩu, trong đó Tập đoàn Hóa chất Việt Nam dự kiến sản xuất 750.000 tấn phân urê, 330.000 tấn phân DAP và 2,5 triệu tấn phân NPK, 800.000 tấn phân lân nung chảy.
Trong năm tới, khi Việt Nam xuất khẩu phân urê, doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh do giá thành rẻ hơn một số nước, để tránh tình trạng xuất khẩu ồ ạt, chúng ta phải điều tiết bằng thuế và phải có cơ chế hạn chế đảm bảo đủ nguồn cung trong nước.
III. KIẾN NGHỊ CÁC GIẢI PHÁP ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2013
a) Tiếp tục triển khaimạnh mẽ Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020, trong đó tập trung các nhiệm vụ:
- Tiếp tục triển khai Chương trình nâng cao nhận thức về khu vực dịch vụ (bao gồm các chiến dịch truyền thông, vận động xã hội, các hoạt động nâng cao nhận thức trong các cơ quan liên quan, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề);
- Xây dựng hoặc điều chỉnh Chiến lược hoặc Quy hoạch phát triển các lĩnh vực dịch vụ trọng yếu hoặc có liên quan đến các lĩnh vực trọng yếu của Việt Nam như vận tải, logistics, giáo dục,v.v…
- Xác định và đề xuất các văn bản chính sách để phát triển các dịch vụ kinh doanh
- Khẩn trương sửa đổi, ban hành một số luật và nghị định hướng dẫn như: Luật Kế toán, Luật Giám định tư pháp, Luật sửa đổi Luật Luật sư,v.v…..
- Hoàn thiện, phát triển, xây dựng mới hệ thống thống kê về dịch vụ phù hợp với thông lệ quốc tế
- Rà soát, đánh giá môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015 và đề xuất các giải pháp thực hiện đến năm 2020.
- Tiếp tục hoàn chỉnh các quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong khu vực dịch vụ nhằm thu hút, phát huy hiệu quả nguồn vốn này,đồng thời, nghiên cứu xây dựng các mô hình mới cùng với những hướng dẫn cụ thể nhằm thu hút hơn nữa nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực dịch vụ trọng điểm, các lĩnh vực được khuyến khích phát triển, đảm bảo hiệu quả và lợi ích của nhà đầu tư, nhà nước và người sử dụng dịch vụ.
- Xây dựng chương trình thúc đẩy xuất khẩu một số dịch vụ chủ yếu đến năm 2020 được xác định tại Quyết số 28/2011/QĐ-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2011 của thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục xuất nhập khẩu dịch vụ của Việt Nam .
- Rà soát các cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét.
- Trong khuôn khổ hội nhập dịch vụ của ASEAN, xây dựng phương án đàm phán tối ưu, đặc biệt là Gói cam kết dịch vụ thứ 9, đảm bảo lợi ích của Việt Nam khi mở cửa thị trường dịch vụ hướng tới mục tiêu Cộng đồng ASEAN.
- Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các địa phương, các Hiệp hội trong việc thúc đẩy nâng cao chất lượng giao thông vận tải, môi trường, văn hóa...
- Triển khai quyết liệt Chương trình hành động quốc gia về du lịch và chương trình xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 201202015 đã được phê duyệt nhằm tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch.
- Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo ra sản phẩm độc đáo, đặc trưng của du lịch từng vùng cũng như của du lịch Việt Nam; nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm du lịch và tăng cường xuất khẩu tại chỗ.
- Phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển du ịch. Đào tạo, tăng cường nhân lực, nghiệp vụ du lịch trong các hoạt động kinh doanh để thích ứng được yêu cầu phát triển du lịch.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp, đặc biệt công tác kiểm tra giám sát.
- Tăng cường đầu tư phát triển du lịch, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và các thành phần kinh tế cùng đầu tư phát triển cơ sở vật chât kỹ thuật phục vụ du lịch.
- Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tham gia tổ chức năm du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng năm 2013-
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản pháp lý về đầu tư, xây dựng. Có chính sách đầu tư đồng bộ để phát huy hiệu quả đầu tư.
- Rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch vận tải nói chung và quy hoạch từng lĩnh vực vận tải nói riêng, để có chính sách đầu tư, cơ chế áp dụng hợp lý.
- Tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng biển, cảng hàng không theo hướng tập trung và hình thành cảng trung chuyển quốc tế. Nâng cao chất lượng các phương tiện vận tải và cải thiện chất lượng dịch vụ.
- Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành vận tải. Đồng thời, tăng cường nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo cho các cán bộ quản lý nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải và logistics.
- Chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và logistics, sẵn sàng hội nhập dịch vụ trong khu vực ASEAN (năm 2013 là năm tự do hóa hoàn toàn dịch vụ logistics trong ASEAN).
- Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn vận tải biển phối hợp với các chủ hàng xuất khẩu của Việt Nam để tăng thị phần vận tải biển của Việt Nam.
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng thông tin. Xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan tới bưu chính, viễn thông.
- Tiếp tục điều chỉnh giá cước cho phù hợp, đa dạng hóa gói cước để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
- Các doanh nghiệp tăng cường đầu tư phát triển mạnh dịch vụ giá trị gia tăng, dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao.
- Nghiên cứu hoàn thiện công tác cấp phép và các biện pháp tổ chức, quản lý đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền.
- Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong đời sống xã hội.
- Chú trọng công tác hội nhập quốc tế, tăng cường công tác thông tin đối ngoại, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển bưu chính viễn thông.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp.
- Nâng cao chất lượng để tăng giá trị với nhóm hàng sản xuất truyền thống (đặc biệt là nông, lâm, thủy sản) không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng. Mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao, có đóng góp quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu, giải quyết việc làm, ổn định xã hội.
- Tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường và các ưu đãi theo các cam kết quốc tế, nhất là các FTA đã ký kết; tập trung khai thác tốt hơn các thị trường truyền thống, đồng thời quan tâm phát triển các thị trường mới, nhất là các thị trường có nhiều tiềm năng ở khu vực Đông Âu, Nam Á, Trung Đông, châu Phi.
- Nâng cao hiệu quả công tác thông tin dự báo thị trường, phát hiện kịp thời và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật do các nước đưa ra để hạn chế hàng xuất khẩu của Việt Nam.
- Ưu tiên cấp tín dụng, bảo đảm đủ vốn cho nông dân và doanh nghiệp mua gom nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa ngoại tệ trong giao dịch. Có quy chế để ngân hàng thương mại bảo đảm lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu vay theo quy định, không phát sinh thêm chi phí.
- Phát triển các chương trình đào tạo nghề, giải quyết vấn đề thiếu hụt và nâng cao chất lượng nguồn lao động trong một số ngành sản xuất hàng xuất khẩu đang gặp khó khăn về nguồn lao động như dệt may, da giày, sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa, sản phẩm cơ khí, điện tử...
- Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cầu đường, kho cảng. Mở rộng hình thức cho thuê cảng biển, mở rộng đối tượng cho phép đầu tư dịch vụ cảng biển, đặc biệt dịch vụ hậu cần (logistic) để tăng cường năng lực cạnh tranh của hệ thống cảng biển Việt Nam.
Mặc dù trong năm 2013, tình hình nhập siêu của cả nước nói chung sẽ không quá căng thẳng như những năm trước và có thể nằm trong tầm kiểm soát,tuy nhiên đối với một số nước ta đang nhập siêu lớn, vẫn cần có những biện pháp để giảm bớt tình trạng thâm hụt cán cân thương mại.
- Với các quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có thâm hụt lớn trong quan hệ thương mại như Trung Quốc, Đài Loan và một số quốc gia ở châu Á khác, cần có giải pháp riêng để hạn chế nhập khẩu tùy thuộc vào đặc trưng trong thương mại buôn bán giữa Việt Nam và quốc gia đó.
- Xây dựng và triển khai có hiệu quả chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng cường sử dụng máy móc vật tư, thiết bị sản xuất trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ.
- Đối với kinh tế biên mậu: Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để một mặt thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, một mặt kiểm soát chặt chẽ lượng hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng, trong đó chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng.
- Đối với hoạt động đấu thầu quốc tế: cần nghiên cứu thành lập Hội đồng khoa học - kinh tế để nghiên cứu và đưa ra các hệ số quy đổi đối với máy móc, thiết bị, vật tư có các nguồn gốc, xuất xứ khác nhau, làm căn cứ chấm điểm khi tổ chức đấu thầu, mua sắm quốc tế.
- Tăng cường công tác hậu kiểm về chất lượng, an toàn vệ sinh đối với sản phẩm nhập khẩu và lưu thông theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn; thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ người tiêu dùng và tạo hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, kiểm soát việc nhập nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu...
- Rà soát các Hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký kết và cẩn trọng trong việc đẩy mạnh đàm phán ký kết các Hiệp định mới để một mặt mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng một mặt kiểm soát được nhập khẩu.
-Nâng cao hiệu quả điều hành vĩ mô thị trường: theo dõi sát sao diễn biến thị trường thế giới, dự báo tình hình cung - cầu trong nước để có các chính sách điều hành thị trường kịp thời, bình ổn được thị trường, không để giá cả tăng cao, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, sắt thép, phân bón....
- Tham gia tích cực vào việc đảm bảo ổn định thị trường; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, đảm bảo chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khoẻ nhân dân; thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra thị trường, xử lý kịp thời, đặc biệt tại các điểm nóng, vùng giáp biên, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm tạo cơ hội tăng thị phần hàng hoá của Việt Nam trên thị trường nội địa.
- Tiếp tục thực hiện chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước đối với giá điện, than, xăng dầu, giá dịch vụ công theo lộ trình và mục tiêu kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết của của Quốc hội và Chính phủ; đảm bảo công khai minh bạch trong điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá để tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội.
- Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, thị trường miền núi, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, đổi mới hệ thống thu mua, tiêu thụ, đưa hàng hóa về nông thôn nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
- Rà soát và gia tăng các chế tài xử phạt đối với các hành vi gian lận thương mại; đầu cơ; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến lĩnh vực thương mại, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm quản lý và đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối bán lẻ.
- Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng Quy hoạch phát triển thương mại của các vùng kinh tế trọng điểm theo Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại giai đoạn 2011 -2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt.
(1) Xăng dầu
- Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối xăng dầu giai đoạn 2010 – 2020, định hướng đến năm 2025.
- Theo dõi sát sao thị trường dầu thế giới để kịp thời điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ trong nước hợp lý, vừa đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp phân phối.
- Bảo đảm nguồn dầu nguyên liệu, đáp ứng tối đa yêu cầu về công suất của nhà máy lọc dầu Dung Quất.
(2) Sắt thép
- Rà soát, tổ chức lại hệ thống lưu thông phân phối thép, giảm các tầng nấc trung gian.
- Thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, giảm định mức tiêu hao, hạ giá thành sản phẩm.
- Rà soát quy hoạch ngành thép, trong đó chỉ nên khuyến khích các dự án sản xuất các mặt hàng thép kỹ thuật cao, trong nước chưa sản xuất được.
(3) Xi măng
- Rà soát quy hoạch ngành xi măng, nhằm đảm bảo cân bằng cung – cầu, ổn định giá bán, không để tình trạng mất cung vượt cầu quá lớn gây lãng phí tài nguyên của đất nước, gây ô nhiễm môi trường trong khi xuất khẩu chưa thực sự hiệu quả.
- Đảm bảo việc phân phối giữa các vùng, miền thông suốt, tránh tình trạng mất cân đối cục bộ gây sốt giá.
(4) Phân bón
- Tăng cường năng lực vận chuyển, đảm bảo cung ứng giữa các vùng, miền được thông suốt.
- Để sớm đạt được mục tiêu không phải nhập khẩu phân bón của cả nước, bình ổn thị trường phân bón, ngành phân bón cần hình thành hệ thống sản xuất phân bón với công nghệ hiện đại, quy mô lớn; củng cố và phát triển hệ thống phân phối hiệu quả, tham gia tích cực vào việc chống hàng giả, hàng kém chất lượng./.
[1] Hết năm tài khóa 2011, thâm hụt thương mại của Nhật Bản lên tới 4.410 tỉ yên (tương đương 54 tỉ USD); nợ quốc gia lần đầu tiên sẽ vượt quá con số 1.000 nghìn tỷ yên (tương đương 12,4 nghìn tỷ USD). OECD dự báo nợ công của Nhật Bản sẽ khoảng 219% GDP năm 2012.
File đính kèm: Bao cao Ke hoach TM-DV 2013 22.8.2012.doc
Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư