Báo cáo của Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 25 tháng 8 năm 2012.
1. Tình hình chung:
Tính chung 8 tháng đầu năm 2012, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,7% so với cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng tuy thấp so với cùng kỳ (năm 2011 so với năm 2010 tăng 9,7%) nhưng đã có sự chuyển biến theo chiều hướng cải thiện dần qua từng tháng (so với cùng kỳ năm trước, chỉ số IIP 3 tháng đầu năm tăng 4,1%; 4 tháng tăng 4,3%; 5 tháng tăng 4,2%, 6 tháng tăng 4,5%, 8 tháng tăng 4,7%). Kết quả này cho thấy các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh như: giảm thuế (giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng; miễn thuế môn bài đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối); giảm tiền thuê đất và hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực,... đã bắt đầu có tác dụng.
8 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm 2011, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành như sau: công nghiệp khai khoáng tăng 4,9% (tăng chủ yếu là do ngành khai thác dầu thô tăng 13,6%, trong khi khai thác than và thu gom than cứng giảm 1,8%; ngành khai thác đá, cát, sỏi, đất sét và cao lanh giảm 21,8% (nguyên nhân là do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế thế giới nên tác động đến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu nói chung, các doanh nghiệp trong nước sản xuất cầm chừng để giảm lượng hàng tồn kho nên nhu cầu nguyên liệu giảm; các văn bản pháp luật hướng dẫn về đấu giá quyền khai thác khoáng sản bắt đầu có hiệu lực nên trữ lượng khai thác khoáng sản đã bị tác động một phần); công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,9%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 12,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,8% so với cùng kỳ.
Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm 2011 như: khai thác dầu thô tăng 13,6%; chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 9,2%; chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 16,3%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 12,8%; sản xuất bia tăng 9,6%; sản xuất, truyền tải và phân phối điện tăng 11,7%, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 18,6%, sản xuất phân bón v
à hợp chất nitơ tăng 9,6%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 29,1%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 64,1%... Tuy nhiên, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất giảm như: sản xuất xi măng giảm 7,6%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao giảm 12,9%; sản xuất xe có động cơ giảm 16,7%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 17,9%; sản xuất hàng may sẵn giảm 16%;…
Dựa trên sự phục hồi của nền kinh tế, Chỉ số sản xuất công nghiệp đã có sự chuyển biến theo chiều hướng cải thiện dần qua từng tháng (so với cùng kỳ năm trước, chỉ số IIP Quý I/2012 tăng 4,1%; Quý II/2012 tăng 4,5%; 8 tháng tăng 4,7%). Dự kiến Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2012 (tính theo năm gốc 2005) tăng 5% so với năm 2011, trong đó: chỉ số sản xuất công nghiệp ngành khai khoáng tăng 4,9%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,9%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước năng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 12,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10% so với cùng kỳ năm 2011.
2. Tình hình sản xuất của một số ngành công nghiệp chủ yếu:
a. Ngành điện:
8 tháng đầu năm sản lượng điện sản xuất và mua đạt 77,65 tỷ kWh, tăng 10,82% so với cùng kỳ năm 2011 (điện mua Trung Quốc đạt 1,8 tỷ Kwh, giảm 50,8% so cùng kỳ), Sản lượng điện thương phẩm đạt 69,29 tỷ kWh, tăng 12,09% so với cùng kỳ, trong đó điện cung cấp cho công nghiệp và xây dựng tăng cao nhất đạt 36,13 tỷ Kwh, tăng 11,81%; điện dùng cho thương nghiệp,dịch vụ đạt 3,29 tỷ Kwh, tăng 15,74%; quản lý và tiêu dùng dân cư đạt 25,55 tỷ Kwh, tăng 12,72%; nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 881 triệu Kwh, tăng 15,34%; các hoạt động khác đạt 3,44 tỷ Kwh, tăng 6,34% so với cùng kỳ (bán điện cho Campuchia đạt 800 triệu Kwh, tăng 6,63% so với cùng kỳ).
Tình hình đầu tư xây dựng của một số dự án nguồn điện như sau: đã đưa vào vận hành trong 6 tháng đầu năm 2012 04 tổ máy: TĐ Đồng Nai 4 (2x170 MW) và TM1-TĐ Kanak (6,5 MW), TM5-TĐ Sơn La (400MW). Các dự án Thủy Điện Trung Sơn, Nhiệt Điện Ô Môn I #2; NĐ Thái Bình, NĐ Duyên Hải 3, cảng duyên Hải đang giữ vững tiến độ thi công các hạng mục chuẩn bị và đang gấp rút hoàn tất các thủ tục để khởi công trong năm 2012.
Tình hình đầu tư xây dựng của một số dự án về lưới điện như sau: Đã hoàn thành 16 công trình 220-500kV, 43 công trình lưới 110kV và khởi công 15 công trình lưới điện truyền tải 500-220kV. Đã khởi công 04 dự án cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La; Lai Châu, Điện Biên, Kiên Giang, các dự án lưới điện cấp bách cấp điện cho miền Nam tình hình thi công tiến triển tốt mặc dù còn nhiều vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng.
b. Ngành dầu khí:
Tính chung 8 tháng đầu năm dầu mỏ thô khai thác đạt 10,88 triệu tấn tăng 13,3% (trong đó: khai thác tại nước ngoài đạt 698 nghìn tấn); khí đốt thiên nhiên dạng khí đạt 6,31 tỷ m3 tăng 5,2% (khai thác khí ở nước ngoài đạt 39 triệu m3); khí hóa lỏng (LPG) đạt 417 nghìn tấn, tăng 17,4%; Sản lượng xăng dầu các loại ước đạt 3,38 triệu tấn.
Ngành tập trung đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác đầu khí. 7 tháng đầu năm 2012, Gia tăng trữ lượng đầu khí đạt 26-30 triệu tấn thu hồi, bằng 74,3% kế hoạch năm. Đãký 01 Hợp đồng dầu khí mới ở trong nước, 01 hợp đồng mua tài sản Lô 67-Peru, 01 hợp đồng nghiên cứu chung trầm tích Paleozoic- Uzebekistan. Thu nổ trên 3.690 km địa chấn 2D và 4.718 km2. Hoàn thành đầu tư và tổ chức bàn giao để đưa vào vận hành giàn khoan 90m nước, đây là sản phẩm được sản xuất trong nước và thuộc Chương trình Cơ khí trọng điểm quốc gia; hoàn thành lắp đặt Giàn khai thác Hải Thạch, hạ thủy Giàn khai thác Sư tử trắng,...
c. Ngành than:
Theo đánh giá của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam thì do khai thác xuống sâu, nguy cơ về bục nước, khí, cháy nổ, áp lực mỏ cao hơn, cung độ vận chuyển tăng, hệ số đất tăng; các chi phí về thăm dò, an toàn bảo hộ lao động, môi trường tăng cao; thuế tài nguyên than tăng nhiều lần (từ 230 tỷ đồng năm 2007 lên 2.990 tỷ đồng năm 2011, tăng 13 lần trong vòng 3 năm).
Giá than thế giới năm 2012 giảm mạnh (giảm tư 25% đến 36% so với năm 2011 tùy từng chủng loại) và có xu hướng tiếp tục giảm. Giá than cho điện hiện nay mới bằng khoảng 55% giá thành (than bán cho điện năm 2012 thấp hơn giá thành trên 8000 tỷ đồng).
Về thuế suất thuế xuất khẩu than: mức thuế suất khaair 20% được điều chỉnh áp dụng từ 16/9/2011 khí giá than xuất khẩu tăng cao. Hiện nay, giá than xuất khẩu đã giảm 30-40% so với thời điểm tháng 9/2011, nhưng thuế xuất khẩu than chưa giảm, cho nên sau khi trừ thuế xuất khẩu 20%, thuế GTGT không khấu trừ than xuất khẩu 10%, thuế tài nguyên 5-7%,... thì Tập đoàn không cân đối được chi phí cho nên sản lượng than xuất khẩu giảm mạnh.
Sản xuất và tiêu thụ than sạch 8 tháng đầu năm đạt 28,3 triệu tấn giảm 5,9% so với cùng kỳ. Tình hình tiêu thụ than tiếp tục gặp khó khăn cả về than xuất khẩuvà tiêu thụ trong nước (8 tháng năm 2012, xuất khẩu 8,7 triệu tấn, giảm 23,8% so với cùng kỳ năm 2011). Tính đến cuối tháng 7 lượng than tồn kho của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (bao gồm cả than nguyên khai và than thành phẩm) là 9 triệu tấn tăng 2,5 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2011.
d. Ngành thép:
Sản lượng thép các loại 8 tháng đầu năm ước đạt 3,9 triệu tấn, trong đó thép tròn đạt 2,1 triệu tấn, giảm 11,4%; thép thanh, thép góc ước đạt 1 triệu tấn giảm 9,1% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép gặp khó khăn phải dừng hoặc gián đoạn sản xuất, để tiếp tục tồn tại và phát triển các doanh nghiệp sản xuất thép cần tính toán lựa chọn phương án sản xuất phù hợp, có giải pháp tiêu thụ sản phẩm (bao gồm cả xuất khẩu sản phẩm sang thị trường các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanma và tìm kiếm các thị trường tiềm năng khác; lượng sắt thép xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt 1,12 triệu tấn giảm 7,8% so cùng kỳ), tránh tồn kho, ứ đọng vốn.
e. Ngành luyện kim màu:
Theo báo cáo của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, tính đến hết Quý II/2012, sản xuất thiếc thỏi đạt 398 tấn (bằng 47%KH); kẽm thỏi đạt 4.591 tấn (bằng 46%KH); tinh quặng đồng đạt 21.907 tấn (bằng 48%KH);đồng tấm đạt 4.780 tấn (bằng 53%KH).
Dự án Tổ hợp bauxit Nhôm- Lâm Đồng: tính đến cuối tháng 6/2012, khoảng 98% tổng khối lượng thiết bị đã lắp đặt xong trên công trình, đã tiến hành chạy thử đơn động một số thiết bị.
Dự án alumin Nhân Cơ: khu vực công nghệ sản xuất Alumin, khu vực nhà máy nhiệt điện, khu vực trạm khí hóa than đã thi công xong các hạng mục phần móng, đang tiếp tục thực hiện các hạng mục còn lại.
f. Ngành phân bón, hóa chất:
Sản xuất, kinh doanh phân bón 8 tháng đầu năm tương đối tốt. Sản lượng một số loại phân bón ure 8 tháng đầu năm ước đạt 1 triệu tấn, tăng 61,4% so với cùng kỳ do nhà máy đạm Cà Mau và Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình đã đi vào sản xuất; phân DAP đạt 178,7 nghìn tấn, tăng 28,5%; phân lân đạt 1,05 triệu tấn; phân NPK đạt 1,89 triệu tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Lượng phân bón nhập khẩu 7 tháng đầu năm giảm 10,2% so với cùng kỳ. Ngành phân bón đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp. Riêng đối với sản phẩm sơn hóa học giảm 9,7% so với cùng kỳ.
g. Ngành cơ khí, điện tử:
Do suy thoái kinh tế thế giới, thị trường bị thu hẹp, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu nên đã vào mùa tiêu thụ nhưng các sản phẩm điện tử, điện lạnh vẫn tiêu thụ chậm (tính đến 01/8/2012, chỉ số tiêu thụ ngành sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng giảm 20,5%; sản xuất dây, cáp điện và dây dẫn điện tử khác giảm 62,2%; sản xuất thiết bị dẫn điện các loại giảm 30,6% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, ngành sản xuất thiết bị truyền thông và sản xuất linh kiện điện tử có chỉ số tiêu thụ tăng cao hơn so với cùng kỳ (sản xuất thiết bị truyền thông tăng 22,9%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 9,5%).
Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2012 của mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 7,3 tỷ USD, tăng 134,4%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,75 tỷ USD, tăng 83,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 3,5 tỷ USD, tăng 34,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 3 tỷ USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2011.
Sản xuất chế tạo máy móc, thiết bị phụ tùng đã có tiến bộ đáng kể trong những năm vừa qua. Hầu hết các thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện đã được chế tạo trong nước. Việc chế tạo thiết bị, chi tiết phụ tùng phục vụ công tác sửa chữa các nhà máy xi măng, nhiệt điện, phân bón cũng được đẩy mạnh. Ngày 22/6/2012,dự án nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ Chu Lai- Trường Hải đã được khởi công, dự án đầu tư theo Chương trình cơ khí trọng điểm theo Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất chi tiết phụ tùng cho lắp ráp ô tô, máy công cụ, máy nông nghiệp; nguyên liệu cho ngành dệt may, da giầy đã dần được hình thành và phát triển, tuy nhiên, do khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi còn hạn chế nên tiến độ chuẩn bị đầu tư còn chậm
h. Nhóm ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến nông lâm sản:
Sản xuất ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn do tình hình tài chính khó khăn, khách hàng không đặt các đơn hàng với số lượng lớn và dài hạn như những năm trước, do vậy, số lượng đơn hàng không ổn định. Mặt khác, các chi phí đầu vào đang tăng cao như nguyên phụ liệu như sợi, vải; khả năng tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng nhà nước gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp thì sản lượng một số mặt hàng 8 tháng năm 2012 tăng so với cùng kỳ như: vải dệt từ sợi bông tăng 7,2%; giày, dép, ủng bằng da giả cho người lớn đạt 37,5 triệu đôi tăng 16,8%; giầy thể thao đạt 245,9 triệu đôi, tăng 1,1%.
Về kim ngạch xuất khẩu: hàng dệt may đạt gần 9,72 tỷ USD, tăng 7%; hàng giày dépđạt 4,7 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may đạt 2 tỷ USD, tăng 2,8%; vải các loại đạt 4,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ.
Sản xuất, tiêu thụ giấy đang gặp những khó khăn về thị trường tiêu thụ, doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước phải cạnh tranh với giấy nhập khẩu và những biến động về chi phí như: giá bột giấy, giá nguyên liệu, điện, than,... Sản lượng giấy bìa các loại 8 tháng đạt 1,2 triệu tấn, giảm 3,3% so với cùng kỳ, nhập khẩu 780 ngàn tấn giấy các loại, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2011 (kim ngạch nhập khẩu 760 triệu USD.
Các sản phẩm khác như sản xuất bia- rượu-nước giải khát, sữa, chế biến đường, chế biến thủy hải sản, dầu tinh luyện, sản xuất thuốc lá điếu vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ (thủy hải sản chế biến đạt 1,2 triệu tấn tăng 11,8%; sữa bột đạt 51,3 nghìn tấn tăng 20,1%; bia các loại đạt 1,8 triệu lít tăng 5,8%; thuốc lá điếu đạt 3,6 triệu bao tăng 2,7%; dầu thực vật tinh luyện tăng 9,1%).
i. Ngành sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng:
Chỉ số sản xuất ngành ngành khai thác đá, cát, sỏi, đất sét và cao lanh giảm 21,8% so với cùng kỳ, theo đó, Sản xuất xi măng 8 tháng đầu năm đạt 36,9 triệu tấn giảm 5,7%; gạch lát ceramic giảm 4,1%, gạch xây bằng đất nung giảm 6,5%, tình hình tiêu thụ xi măng gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất xi măng đã phải sản xuất cầm chừng để giảm lượng hàng tồn kho. Tính đến 01/8/2012, chỉ số tồn kho ngành sản xuất xi măng tăng 50,6% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của Hiệp hội xi măng Việt Nam thì 6 tháng đầu năm 2012 sản xuất và tiêu thụ giảm, nhưng năng lực sản xuất của toàn ngành lại tăng.
Do cung lớn hơn cầu, sức tiêu thụ nội địa giảm, các doanh nghiệp xi măng đã tích cực tìm thị trường xuất khẩu clinker, xi măng. 6 tháng đầu năm đã xuất khẩu được khoảng 3 triệu tấn clinker và 0,7 triệu tấn xi măng.
Trong bối cảnh thị trường xi măng nội địa suy giảm, cung lớn hơn cầu giá xi măng không tăng được (thực tế qua các hình thức khuyến mại, 6 tháng đầu năm giá bán mỗi tấn xi măng đã giảm từ 50.000 đến 100.000đ) thì giá đầu vào như điện, than vẫn tiếp tục tăng nên xi măng càng gặp khó khăn.
3. Tình hình tiêu thụ và tồn kho một số ngành công nghiệp:
a. Tình hình tiêu thụ một số ngành công nghiệp
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tính đến ngày 01/8/2012) tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2011; trong đó:
- Một số ngành công nghiệp có mức tiêu thụ tăng so với cùng kỳ như sau: chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản tăng 29,5%; sản xuất đường tăng 11,6%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 21,8%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 15,6%; sản xuất sắt, thép, gang tăng 43%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 47,8%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 22,9%;…
- Một số ngành công nghiệp có mức tiêu thụ giảm so với cùng kỳ năm 2011 như sau: chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa giảm 16%; sản xuất bia giảm 8%; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa giảm 27,5%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ giảm 9,4%; sản xuất xi măng giảm 15,2%; sản xuất xe có động cơ giảm 23,3%; sản xuất thiết bị dẫn điện các loại giảm 30,6%;…
b. Tình hình tồn kho của một số ngành công nghiệp
- Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 01/8/2012, Chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2011, cụ thể như sau: ngành sản xuất phân bón và hợp chất nitơ tăng 81,6%; chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản tăng 34,5%; sản xuất xi măng tăng 50,6%; sản xuất sản phẩm từ plastic tăng 69,2%; sản xuất bia tăng 28,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 11,1%;…
4. Xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2012:
a. Tình hình xuất khẩu
Ước tính 9 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 82 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt hơn 45 tỷ USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 54,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó: nhóm nông lâm thủy sản đạt 15 triệu USD, tăng 4,2%; nhóm nhiên liệu và khoáng sản đạt 9 tỷ USD, tăng 11,1%; nhóm công nghiệp chế biến đạt 52 tỷ USD, tăng 25,6%; hàng hóa khác ước đạt 6 tỷ USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2011.
Xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu 9 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt gần 6,8 triệu tấn, tăng 8,5% về lượng; than đá ước đạt 9,6 triệu tấn, giảm 25% về lượng; hàng dệt may đạt gần 10,5 tỷ USD, tăng 1,1%; hàng giày dépđạt 5,25 tỷ USD, tăng 13,3%; gỗ và sản phẩm gỗ hơn 3,2 tỷ USD, tăng 15,8%; điện thoại các loại và linh kiện gần 7,5 tỷ USD, tăng 94,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5 tỷ USD, tăng 67,8%; cao su tăng 14,1% về lượng; sản phẩm nhựa tăng 16,3%;...
b. Tình hình nhập khẩu
Ước kim ngạch nhập khẩu 9 tháng năm 2012 đạt 82,5 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2011 (kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ước đạt 43 tỷ USD), trong đó: kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 70 tỷ USD, tăng 6,7%; nhóm hàng nhập khẩu cần kiểm soát ước đạt 3,2 tỷ USD, giảm 25,6%; nhóm hàng hạn chế nhập khẩu ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 2,4%; nhóm hàng hóa khác đạt 5 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2011.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 9 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm trước như sau: xăng dầu đạt 7,4 triệu tấn, giảm 12,2% về lượng; sắt thép các loại đạt 4,38 triệu tấn, giảm 9,1% về lượng và giảm 3,6% về kim ngạch; phân bón các loại đạt 2,5 triệu tấn, giảm 7,8% về lượng; giấy các loại đạt 680 nghìn tấn, tăng 11,5% về lượng và tăng 7,7% về kim ngạch; máy móc thiết bị, phụ tùng đạt hơn 11,48 tỷ USD, bằng cùng kỳ năm 2011; máy tính và linh kiện đạt 8,5 tỷ USD, tăng 65,7%; nguyên phụ liệu dệt may đạt 2,2 tỷ USD, tăng 1,8%;...
5.Về các giải pháp, kiến nghị:
Tiếp tục triển khai một cách quyết liệt hơn các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 01/ NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2012 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 và Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và đồng thời đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
- Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước:
Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 17/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, các Tập đoàn/Tổng công ty khối sản xuất kinh doanh đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án tái cơ cấu, theo đó, cơ cấu lại ngành, nghề kinh doanh tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính và nhiệm vụ được giao; chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2015 có tính đến năm 2020; xây dựng phương án tổ chức lại sản xuất, kinh doanh; kế hoạch đầu tư phát triển; tái cơ cấu các đơn vị thành viên và nguồn nhân lực; kế hoạch thoái vốn đã đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chính theo các hình thức bán vốn, chuyển vốn, chuyển giao doanh nghiệp.
Sau khi được phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp, đề nghị các Tập đoàn/Tổng công ty đẩy mạnh việc triển khai theo phương án đã xây dựng, cân đối nguồn vốn đầu tư phù hợp với Kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 05 năm, giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Về chính sách vĩ mô:
Tiếp tục theo dõi và dự báo kịp thời diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước; tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường, chủ động phương án ứng phó với những biến động của thị trường hàng hoá thế giới và trong nước. Kiên trì nhất quán trong điều hành giá điện, xăng dầu, than theo cơ chế thị trường trên cơ sở tính toán lộ trình, thời điểm phù hợp tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt theo tín hiệu của thị trường trên cơ sở mối quan hệ với lãi suất giữa tiền Việt Nam và ngoại tệ, chỉ số giá tiêu dùng, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ cần thiết cho các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị và vật tư sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội đối với người thu nhập thấp.
- Về đầu tư:
Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát chặt chẽ việc cắt, giảm và điều chuyển vốn đầu tư sử dụng nguồn NSNN, Trái phiếu Chính phủ, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, vốn vay nước ngoài do nhà nước bảo lãnh, kiên quyết cắt giảm nguồn vốn đầu tư vào những dự án không hiệu quả, chưa thực sự cần thiết, chậm tiến độ, kéo dài; ưu tiên và tập trung vốn cho các công trình cấp thiết và hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2012 và năm 2013.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành và địa phương thực hiện rà soát lại các dự án đầu tư đã được cấp phép nhưng không triển khai hoặc triển khai quá chậm so với tiến độ đăng ký trong giấy phép đầu tư để có biện pháp thúc đẩy tiến độ/ hoặc thu hồi giấy phép đầu tư dành quỹ đất cho dự án khác có tính khả thi cao hơn nhưng chưa có mặt bằng. Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư để hoàn thành các dự án trọng điểm nhà nước, áp dụng linh hoạt các phương án quản lý để tập trung các nguồn vốn nhàn rỗi trong doanh nghiệp phục vụ công tác đầu tư.
Đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài, đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư và mang ngoại tệ ra nước ngoài nhằm cải thiện cán cân thanh toán, chủ động điều hành tỷ giá và thị trường.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư ngành công nghiệp như: ngành điện; ngành chế biến dầu khí, chế biến sâu khoáng sản,…Các doanh nghiệp sản xuất cần tập trung cân đối nguồn vốn đầu tư, thu xếp các nguồn vốn cho phù hợp với tiến độ thực hiện dự án.
Trên cơ cở Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22/12/2011, cần sớm hoàn thiện và ban hành một số quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản như: quặng boxit; titan;…
- Về kiểm soát thị trường
Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về đăng ký, kê khai, niêm yết giá, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường,...Tăng cường quản lý thị trường xăng dầu, lương thực, thực phẩm,... Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, nâng cao chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước, thực hiện đồng bộ các giải pháp kích cầu tiêu dùng để giảm lượng hàng hóa tồn kho.
- Về thị trường xuất khẩu:
Chỉ đạo điều hành xuất khẩu đảm bảo hiệu quả, gắn với ổn định giá cả trong nước. Tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu để gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp tục giữ mức thuế cao đối với việc xuất khẩu khoáng sản thô chưa qua chế biến (bao gồm cả tinh quặng) để tăng thu ngân sách và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dài hạn chế biến sâu khoáng sản.
Chủ động rà soát những mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu do việc cắt giảm thuế quan theo cam kết WTO và AFTA mà trong nước có khả năng sản xuất để có biện pháp hạn chế nhập khẩu, khuyến khích sản xuất trong nước.
- Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tiếp tục đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ có sản phẩm đầu ra có chất lượng và giá trị gia tăng cao để tạo đà phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại./.
File đính kèm: BCKinh te Cong nghiep T8.12.pdf
Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư