Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/03/2012-14:15:00 PM
ASEAN tăng gấp đôi quỹ dự trữ chống khủng hoảng

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 28/3, các nhà kinh tế Liên hợp quốc và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đối tác là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đã sẵn sàng tăng gấp đôi quỹ dự trữ ngoại tệ phòng chống khủng hoảng kinh tế theo Sáng kiến Chiang Mai từ 120 tỷ USD lên 240 tỷ USD.
Các nhà kinh tế Liên hợp quốc và IMF cho biết quyết định tăng này nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nguồn hỗ trợ tài chính truyền thống chống khủng hoảng như IMF, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu đã làm cạn kiệt nguồn tín dụng của thể chế tài chính này.
Các nhà kinh tế Liên hợp quốc nhấn mạnh khu vực đồng euro (eurozone) có thể chiếm tới 80% tổng nguồn tín dụng của IMF vào năm 2014. Trong bối cảnh này, các nước châu Á như các nước ASEAN phải ngày càng dựa vào khu vực của họ để bảo vệ các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới của châu Á.
Tăng quỹ dự trữ ngoại tệ phòng chống khủng hoảng của ASEAN theo Sáng kiến Chiang Mai cũng nằm trong tổng quỹ dự trữ ngoại tệ lên tới 6500 tỷ USD của châu Á. Quỹ này cũng mở rộng tiếp cận để giúp các nước ASEAN trước đây phải nhận cứu trợ khủng hoảng từ IMF với các điều kiện khắt khe như phải cắt giảm chi tiêu và tăng lãi suất nay có thể bảo vệ được đồng tiền của họ trong thời khủng hoảng.
Tuy nhiên, các nước châu Á vẫn kêu gọi IMF đóng vai trò tích cực và hỗ trợ cho các hiệp định tài chính khu vực như Sáng kiến Chiang Mai.
Các nhà kinh tế Liên hợp quốc và IMF cũng nêu ra hai nhân tố khiến các nước ASEAN và các đối tác tăng gấp đôi quỹ dự trữ chống khủng hoảng.
Một là do khủng hoảng kinh tế khởi đầu phần lớn mang tính khu vực nên trì trệ có thể lan rộng nhanh chóng trong khu vực, làm giảm khả năng của mạng lưới an toàn tài chính khu vực.
Hai là trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu, châu Á tiếp tục dẫn đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế và là nơi nhận dòng vốn đầu tư ồ ạt của các nhà đầu tư quốc tế tìm kiếm lợi nhuận cao, các mạng lưới an toàn khu vực cần được tăng cường để bổ sung cho mạng lưới an toàn toàn cầu đã bị suy yếu.
Sáng kiến Chiang Mai bổ sung cho các hiệp định tài chính quốc tế hiện hành thông qua các giao dịch trao đổi tiền tệ giữa các nước thành viên ASEAN và các đối tác cần nguồn cứu trợ để vượt qua khủng hoảng.
Sáng kiến này cũng hành động như là nguồn hỗ trợ tài chính tin cậy cho các nền kinh tế đang mất cân bằng cán cân thanh toán hoặc gặp khó khăn về nguồn vốn trong ngắn hạn./.

TTXVN

    Tổng số lượt xem: 964
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)