Hiện nay, sản xuất ngô ở Việt Nam mới chỉ đạt năng suất 4 tấn/ha, nếu muốn đạt 6 tấn đến 8 tấn/ha cần có sự thay đổi giống mới.
|
Thu hoạch ngô ở Lai Châu. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN) |
Các cây trồng biến đổi gen là những nguồn giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, ổn định lâu dài, thích nghi được với biến đổi khí hậu và khả năng sinh thái của Việt Nam. Như vậy, nếu nhân rộng và phát triển cây trồng biến đổi gen sẽ góp phần gia tăng sản lượng cũng như thu nhập cho người nông dân.
Đó là nhận định của tiến sỹ Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Nông dân trước cơ hội ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam,” do Hội nông dân phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay tổ chức sáng nay (3/12), tại Hà Nội
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nước ta đang phụ thuộc tới 70% nguyên liệu dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài. Chỉ tính riêng trong 11 tháng qua, Việt Nam đã phải chi ra 3,03 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, trong đó riêng nhập khẩu ngô đã chiếm 1,05 tỷ USD với khối lượng lên tới 4,07 triệu tấn
“Chính vì thế, với ưu điểm có khả năng kháng sâu bệnh, thuốc trừ cỏ, cây ngô biến đổi gen là một trong những giải pháp thích hợp nhằm gia tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân, đặc biệt là tiến tới giảm lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài,” tiến sỹ Nguyễn Duy Lượng nêu rõ.
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam cho biết, cây trồng biến đổi gen là một thành tựu khoa học hiện đại và cây trồng biến đổi gen cũng chứng minh được vai trò quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người nông dân, tiết kiệm thời gian và công sức lao động trên đồng ruộng và từ đó giúp họ cải thiện cuộc sống, đặc biệt đối với nông dân ở các nước đang phát triển.
Cụ thể, báo cáo của viện PG Economics cũng cho biết, cây trồng biến đổi gen đã mang lại mức tăng trưởng về năng suất và lợi nhuận cho nông dân. Năm 2012, ở các nước đang phát triển, trung bình mỗi 1USD người nông dân đầu tư vào hạt giống biến đổi gen, thì lợi nhuận thu được tăng gấp 4 lần tương đương 4,37 USD.
Bên cạnh đó, phó giáo sư-tiến Sỹ Phạm Văn Toản, Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng cho biết, trước nhu cầu sử dụng và khả năng sản xuất thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã quyết tâm đưa cây trồng biến đổi gen vào ứng dụng thực tế.
Kết quả khảo nghiệm ở Việt Nam cho thấy khả năng kiểm soát sâu trên ngô biến đổi gen lên tới hơn 45%, trong khi các giống ngô thường khả năng kiểm soát chỉ đạt hơn 5%. Tương tự, hiệu quả kiểm soát cỏ dại của ngô biến đổi gen sau khi phun thuốc trừ cỏ cũng cao hơn nhiều so với ngô thường được phun thuốc trừ cỏ.
Tại Việt Nam, từ đầu năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cấp giấy phép khảo nghiệm diện hẹp, tiếp theo khảo nghiệm diện rộng cho 5 sản phẩm ngô biến đổi gen. Cuối tháng Tám vừa qua, Bộ này cũng đã chính thức có các quyết định về việc công nhận các sản phẩm ngô biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có các quyết định phê duyệt và cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho 3 sản phẩm ngô biến đổi gen đầu tiên. Đây là một bước phát triển pháp lý quan trọng và cụ thể nhằm tiến tới mục tiêu thương mại hóa và chính thức ứng dụng vào sản xuất đại trà cây ngô biến đổi gen tại nước ta đến năm 2015./.
Theo thống kê của Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA), năm 2013, hơn 18 triệu nông dân tại 27 quốc gia canh tác các loại cây trồng biến đổi gen trên tổng diện tích khoảng 170 triệu ha. Bên cạnh đó cây trồng biến đổi gen đang được trồng, nhập khẩu và sử dụng trong nghiên cứu thử nghiệm đồng ruộng tại 70 quốc gia trên thế giới.