Tại hội nghị tổng kết niên vụ càphê 2013-2014 và phương hướng nhiệm vụ niên vụ 2014-2015 diễn ra ngày 5/12, ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội càphê cacao Việt Nam, cho biết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài, dự kiến niên vụ 2014-2015, sản lượng càphê cả nước sẽ giảm khoảng 20% so với niên vụ trước.
|
Nông dân thu hoạch càphê. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN) |
Theo đó, mục tiêu xuất khẩu càphê trong niên vụ mới là 1,4 triệu tấn, với kim ngạch trên 3 tỷ USD, giảm 200.000 tấn so với niên vụ 2013-2014.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng lượng xuất khẩu càphê toàn vụ 2013-2014 đạt 1,66 triệu tấn, đạt kim ngạch 3,4 tỷ USD. So với niên vụ trước, lượng xuất khẩu đã tăng 17,2%, nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 12,5%. Việt Nam vẫn là quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới về sản lượng xuất khẩu càphê, chỉ sau Brazin
Theo Hiệp hội càphê cacao Việt Nam, thị phần xuất khẩu càphê của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong niên vụ 2013-2014, từ 19% (niên vụ 2012-2013) lên 21,3%. Tuy giá càphê có nhiều biến động, nhưng thu nhập của người trồng càphê vẫn được đảm bảo.
Việc miễn thuế VAT cho các doanh nghiệp xuất khẩu cũng là một trong những động thái tích cực góp phần giảm bớt khó khăn và tạo đà tăng trưởng cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, càphê Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu thô với hơn 90% tổng giá trị xuất khẩu. Trong niên vụ này, Đức và Hoa Kỳ vẫn là 2 thị trường nhập khẩu càphê lớn nhất của Việt Nam.
Trong danh sách 30 doanh nghiệp xuất khẩu càphê Việt Nam có kim ngạch lớn nhất, có 16 doanh nghiệp Việt Nam, còn lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong niên vụ mới này, ông Lương Văn Tự cho rằng, càphê Việt Nam sẽ chịu nhiều sức ép và thách thức do sự cạnh tranh gay gắt về thị trường từ các hiệp định thương mại tự do như Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015 có hiệu lực; các hiệp định với Liên minh châu Âu, Nga… đang đi vào giai đoạn kết thúc.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của biến đối khí hậu đang diễn biến phức tạp sẽ tạo ra sự biến động của thị trường càphê thế giới. Do đó, giá càphê trong nước có xu hướng lên xuống không theo quy luật nên người trồng càphê và các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất trong ngành hàng này cần hạn chế xuất khẩu với số lượng lớn và không nên bán trừ lùi và giao xa.
Hiệp hội cũng sẽ có báo cáo gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch mua tạm trữ càphê khi giá xuống dưới giá thành, gây bất lợi cho người trồng và kinh doanh.
Trong khi Quỹ phát triển ngành hàng càphê Việt Nam chưa được thành lập, Hiệp hội tiếp tục hỗ trợ giống miễn phí cho các hộ thực hiện tái canh càphê. Đồng thời, phối hợp với Cục An toàn thực phẩm xây dựng Quy chuẩn Việt Nam đối với sản phẩm càphê rang xay và hoà tan trong năm 2015 và có bộ hướng dẫn uống càphê an toàn.
Trong niên vụ 2014-2015, Hiệp hội cũng sẽ tập trung hỗ trợ nông dân trong vấn đề tái canh càphê và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào lĩnh vực chế biến./.