Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/07/2012-16:08:00 PM
VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG
1. Vị trí địa lý của vùng
Vùng kinh tế trọng điểm miền trung bao gồm 5 tỉnh Thừa Thiên Huế (thuộc vùng Bắc trung bộ), Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (thuộc vùng duyên hải nam trung bộ). Vùng kinh tế trọng điểm miền trung, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Trị, phía Nam giáp tỉnh Phú Yên, phía Tây giáp tỉnh KonTum và nước CHDCND Lào và phía Đông giáp biển Đông.
Vùng KTTĐ miền Trung có một thành phố trực thuộc trung ương là TP. Đà Nẵng, có 4 thành phố trực thuộc tỉnh, 55 quận, huyện (gồm 6 quận và 49 huyện), 46 thị trấn và 746 xã, phường (gồm 111 phường và 635 xã). Tổng diện tích tự nhiên là 27.976,7 km2 chiếm khoảng 29,1% diện tích tự nhiên vùng Bắc trung bộ và duyên hải nam trung bộ và chiếm khoảng 8,4% diện tích tự nhiên của cả nước. Dân số trung bình năm 2009 là 6,1 triệu người bằng 7,1% dân số cả nước. Dân số đô thị chiếm 33,1% dân số của vùng (tỷ lệ này của cả nước là 29,6%).
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn có lợi thế giao lưu kinh tế với các nước láng giềng bằng hệ thống đường bộ với các vùng Tây nguyên, Lào, Đông Bắc Campuchia, qua các hành lang Đông - Tây và tương lai không xa là cho cả vùng Đông Bắc Thái Lan và Myamar. Khi tuyến đường xuyên á ra biển nối với đường hàng hải quốc tế được hình thành, nơi đây sẽ trở thành đầu mối giao lưu kinh tế quốc tế quan trọng với các nước trong khu vực và trên thế giới.
2. Tài nguyên của vùng
Tài nguyên nước: Nước sông, tổng lượng dòng chảy của các con sông chính trong vùng trung bình hàng năm khoảng 37 tỷ m3. Tài nguyên nước mặt ở thượng lưu các con sông trong vùng hầu hết chảy qua các vùng rừng núi nên chất lượng nước sông tốt, chưa có dấu hiệu bị nhiễm bẩn, bảo đảm các yêu cầu cấp nước sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt. Theo điều tra sơ bộ, trữ lượng nước ngầm của Vùng kinh tế trọng điểm miền trung không lớn, nằm trong khu vực có đặc điểm địa chất thủy văn tương đối phức tạp, lượng nước phân bố không đều.
Tài nguyên khoáng sản: Than đá ở Nông Sơn, An Điềm có quy mô mỏ trung bình, than có nhiệt lượng cao nhưng vỉa than không lớn, điều kiện khai thác và vận chuyển không thuận lợi, than có chứa hàm lượng nhỏ urani, sau khi đốt thường tích tụ lại ở xỉ nên dễ gây ô nhiễm. Quặng urani có hàm lượng từ nghèo đến trung bình đã phát hiện được ở vùng Khe Hoa, Khe Cao, Tabhinh và có triển vọng trở thành mỏ. Trên lãnh thổ Quảng Nam đã phát hiện được mỏ vàng Bồng Miêu, Phước Sơn và nhiều điểm quặng vàng có triển vọng khai thác; Sa khoáng ilmenit được phân bố ở vùng bờ biển Bắc Thừa Thiên Huế và Bình Định, có quy mô nhỏ; Quặng sắt ở Mộ Đức có trữ lượng đáng kể nhưng trữ lượng thấp, chưa được thăm dò đầy đủ. Mỏ Kaolin tại Bốt Đỏ (phía Tây Thừa Thiên Huế) có quy mô trung bình và chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu chế biến các sản phẩm gốm sứ có chất lượng cao; Cát thủy tinh có trữ lượng lớn được phân bố tập trung tại Quảng Nam và Bình Định, một số mỏ ở Quảng Nam đã được thăm dò và đang cho khai thác.; Nguyên liệu Felsapt có trữ lượng nhỏ được phân bố ở Đại Lộc (Quảng Nam), Graphit ở Hưng Nhượng (Quảng Ngãi) có quy mô nhỏ và chất lượng thấp và trung bình. Đá vôi và sét làm nguyên liệu xi măng có trữ lượng không lớn ở Huế, Nam Đông và Thạnh Mỹ; Đá xây dựng và sét gạch ngói có trữ lượng khá lớn và được phân bố rải rác gần các khu đô thị, thuận lợi cho khai thác và sử dụng; Đá ốp lát Granit có chất lượng tốt, màu đỏ, vàng rơm, hồng,... có trữ lượng lớn ở Bình Định; Đá ốp lát màu đen (đá gabro) có trữ lượng lớn và chất lượng tốt và được phân bố ở Phú Lộc (Thừa Thiên Huế).
Tài nguyên rừng: Vùng kinh tế trọng điểm miền trung có trên 1.085 nghìn ha diện tích đất lâm nghiệp có rừng, chiếm khoảng 38,9% diện tích tự nhiên toàn vùng. Trong đó, rừng tự nhiên có 860,7 nghìn ha, chiếm 79,3% diện tích rừng của vùng và rừng trồng có 224,9 nghìn ha rừng trồng, chiếm 20,7%
Tài nguyên đất: Đất đai trong vùng có độ phì thấp, cấu tạo địa hình dốc nên dễ bị rửa trôi và thoái hóa đất. Đất phù sa của hệ thống sông phân bố ở các vùng đồng bằng nhưng do đồng bằng hẹp nên quá trình hình thành đất còn hạn chế, và do các vùng đất này đều ở gần các cửa biển nên có hiện tượng các cấp hạt dinh dưỡng trong đất bị cuốn ra biển nên làm giảm độ phì trong đất. Đất trống, đồi núi trọc hiện còn có một diện tích khá lớn cần có biện pháp khai thác hợp lý để đưa vào sử dụng cho các mục đích kinh tế – xã hội của mỗi địa phương nói riêng và của toàn Vùng kinh tế trọng điểm miền trung nói chung.
Tài nguyên biển: Các tỉnh nằm trong vùng đều có bờ biển với hàng trăm nghìn ha mặt nước để nuôi trồng và phát triển nguồn lợi thủy sản. Tổng diện tích tiềm năng nuôi trồng thủy sản của vùng khoảng 65.731 ha, trong đó vùng diện tích nước lợ (các bãi ngang ven biển, ruộng nhiễm mặn) có khoảng 18.920 ha. Tuy nhiên, nguồn lợi biển tại các ngư trường ven bờ đã tập trung khai thác đến trữ lượng cho phép và đang có nguy cơ làm cạn kiệt nguồn lợi. Ngoài điều kiện thuận lợi về nguồn hải sản, vùng kinh tế trọng điểm miền trung có bờ biển trải dài với nhiều vũng, vịnh và các bãi tắm thoai thoải, nước ấm đã tạo ra những bãi tắm đẹp hàng năm thu hút hàng triệu du khách đến du lịch, tham quan và nghỉ dưỡng...Về cảng biển, trên địa bàn vùng có hệ thống cảng biển có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế vùng gồm các cảng Liên Chiểu, Tiên Sa, Kỳ Hà, Dung Quất, Quy Nhơn. Hầu hết các cảng có mức nước sâu và đều có khả năng tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn...
Tài nguyên du lịch: Vùng kinh tế trọng điểm miền trung là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh như đèo Hải Vân, bán đảo Sơn Trà, Bà Nà, núi Chúa, Ngũ Hành Sơn, các bãi tắm Mỹ Khê, Non Nước (Đà Nẵng); Thiên ấn, Niêm Hà, Thiên Bút, Phê Vân, Thạch Bích, Tà Dương, Cổ Luỹ, Cô Thôn, Nước Trong – Ca Đam…, nhiều bãi biển như Mỹ Khê, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi); bán đảo Phương Mai, bãi tắm Hoàng Hậu, Đảo Yến, Quy Hòa, Bãi Dài, Vĩnh Hội, Tân Thanh và một quần thể di tích với những tên gọi đã trở nên quen thuộc như tháp Dương Long, Cánh Tiên, Bánh ít, Bình Tiên, Tháp Đôi (Bình Định) tạo nên các cụm công trình và các tour du lịch với các loại hình dịch vụ du lịch vui chơi, tắm biển được trang bị tiện nghi cao cấp. Nơi đây sẽ xây dựng con đường du lịch song hành và các khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế từ 3 đến 5 sao. Cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, di tích lịch sử, văn hoá phong phú,... Đặc biệt là Huế nơi có cảnh quan thiên nhiên sông núi, rừng, biển rất kỳ thú và hết sức hấp dẫn với địa danh nổi tiếng như: sông Hương, núi Ngự, đèo Hải Vân, núi Bạch Mã, cửa An Thuận, bãi biển Lăng Cô, Cảnh Dương, đầm phá Tam Giang và vẻ đẹp thân thương của vùng cố đô...
Tài nguyên nhân văn: Vùng kinh tế trọng điểm miền trung có tài nguyên nhân văn độc đáo, giàu chất dân gian như các làn điệu dân ca đặc sắc, đặc biệt là nhã nhạc cung đình Huế đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại... Các loại hình âm nhạc này thường gắn liền với các lễ hội đặc sắc như: hội hát sắc bùa, hội sài sán, lễ cầu mưa, lễ hội Rước Hến, Lễ hội Xuân Điền, lễ hội Nhượng Bạn, lễ hội báo ân Búi Cẩm Hồ, lễ hội đua thuyền... và đặc biệt gần đây là các Festival Huế được tổ chức 2 năm một lần. Các lễ hội này có ý nghĩa lớn về mặt lịch sử văn hóa, có tác dụng giáo dục truyền thống yêu nước, động viên lao động sản xuất và hấp dẫn khách du lịch. Trên địa bàn vùng có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như đô thị cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ngoài ra còn có Viện bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chàm (Đà Nẵng) và kinh đô Trà Kiệu (Duy Xuyên - Quảng Nam) là quần thể di tích tiêu biểu cho nghệ thuật Chăm từ thế kỷ VII- XIII với các công trình văn hóa, kiến trúc độc đáo và nghệ thuật điêu khắc quyến rũ; Nhà chứng tích chiến tranh ở Sơn Mỹ, các di tích lịch sử như Ba Tơ (Quảng Ngãi), Bảo tàng Quang Trung (Bình Định),... là những di sản văn hóa quý hiếm cần phải được tôn tạo và gìn giữ cho muôn đời sau. Các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền trung đã trải qua hàng ngàn năm có sự định cư của con người. Bề dày lịch sử của vùng đất này có thể thấy qua các di chỉ cổ xưa như: Văn hóa Sa Huỳnh, Di chỉ Gò Đá (huyện Sơn Tịnh - Quảng Ngãi), di chỉ Bình Châu (huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi),... Những làng thủ công mỹ nghệ đã trở nên nổi tiếng như làng mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, dâu tằm Duy Trình.
3. Về đào tạo nguồn nhân lực
Vùng KTTĐ miền Trung có tổng số 141 cơ sở dạy nghề, trong đó có 16 trường dạy nghề; 25 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp có đào tạo nghề; 60 trung tâm dạy nghề và 40 cơ sở dạy nghề khác. Mạng lưới đào tạo nghề của Vùng tập trung chủ yếu ở Đà Nẵng, chiếm 50% tổng số trường dạy nghề.
4. Tổng qnan về tình hình kinh tế – xã hội của vùng
a. Về phát triển kinh tế
Tăng trưởng kinh tế: Trong những năm gần đây, nền kinh tế của Vùng KTTĐ miền Trung gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, đạt khoảng 11,6% thời kỳ 2001-2009, trong đó tốc tộ tăng trưởng của ngành công nghiệp - xây dựng đạt 17,4%, ngành thương mại - dịch vụ đạt 11,5% và ngành nông nghiệp đạt 4,6%.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Tỷ trọng của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế Vùng năm 2009 vào khoảng 20,41% (năm 2000 là 30,4%). Tỷ trọng của ngành công nghiệp năm 2009 đạt khoảng 39,93% (năm 2000 là 29,1%). Tỷ trọng của ngành dịch vụ đạt39,66%(năm 2000 là 40,5%).
b. Về thu chi ngân sách
Thu nhập bình quân đầu người của vùng liên tục tăng trong thời gian qua. GDP/người của vùng năm 2000 chỉ đạt khoảng 3,5 triệu thì đến năm 2005 đã lên đến 7,2 triệu đồng/người và đến năm 2009 đạt khoảng 16,5 triệu đồng.
Thu ngân sách: Tốc độ tăng thu ngân sách thời kỳ 2001-2009 đạt khoảng 14,7%/năm. Năm 2009, thu ngân sách của vùng đạt trên 17 nghìn tỷ đồng.
Chi ngân sách: Tốc độ tăng chi ngân sách thời kỳ 2001-2009 đạt khoảng 18,0%/năm. Năm 2009, chi ngân sách của vùng đạt trên 20,4 nghìn tỷ đồng.
c. Về xuất nhập khẩu
Xuất khẩu: Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu của vùng thời kỳ 2001-2009 đạt khoảng 19,0%/năm. Năm 2009, xuất khẩu của vùng đạt gần 2 tỷ USD
Nhập khẩu: Tốc độ tăng giá trị nhập khẩu của Vùng thời kỳ 2001-2009 đạt khoảng 12,3%. Năm 2009, giá trị nhập khẩu của Vùng đạt trên 1,3 tỷ USD.
d. Về thu hút vốn đầu tư
Vốn dầu tư: Trong những năm qua, vốn đầu tư phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của vùng tiếp tục tăng nhanh, với tốc độ tăng trưởng bình quân thời kỳ 2001-2009 đạt khoảng 24.3%/năm. Năm 2009, vốn đầu tư toàn xã hội của vùng đạt trên 66,0 nghìn tỷ đồng.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Từ năm 1988 đến nay, Vùng KTTĐ miền Trung đã thu hút được 416 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 15755,4 triệu USD. Riêng năm 2009, Vùng đã thu hút được 44 dự án với tổng vốn đăng ký là 4624,7 triệu USD.
e. Về phát triển các ngành kinh tế
Giá trị sản xuất công nghiệp: Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp của vùng đạt 14,2%/ năm thời kỳ 2006-2009, trong đó công nghiệp nhà nước giảm 5,5%/năm, công nghiệp ngoài nhà nước tăng 27%/năm, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 24,5%/năm. Năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 1994) của vùng đạt gần 26,8 nghìn tỷ đồng, trong đó công nghiệp nhà nước chiếm 22,59%, công nghiệp ngoài nhà nước chiếm 55,96% và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 21,45%.
Khu công nghiệp: Toàn vùng KTTĐ miền Trung đến cuối năm 2008 có 11 khu công nghiệp, trong đó có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 1 khu đã được thành lập và đang xây dựng cơ bản với tỷ lệ lấp đầy là 70,6%
Giá trị sản xuất nông nghiệp: Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của vùng năm 2009 đạt gần 11,2 nghìn tỷ đồng, trong đó nông nghiệp chiếm 60,1%, thủy sản chiếm 34,5% và lâm nghiệp chiếm 5,4%. Tốc độ tăng trưởng của toàn ngành nông, lâm, thủy sản thời kỳ 2006-2009 đạt 4,2%/năm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa thời kỳ 2001-2009 đạt 18,8%/năm. Năm 2009, tổng mức bán lẻ hàng hóa của vùng đạt trên 70 nghìn tỷ đồng.
f. Về phát triển các lĩnh vực xã hội
Thuê bao điện thoại: Năm 2009, toàn vùng đã có 1207,8 nghìn thuê bao điện thoại cố định
Giáo dục: Năm 2009,toàn vùng có 6916 giáo viên đại học và cao đẳng với 187368 sinh viên, Vùng có 1384 giáo viên với 64071 sinh viên trường trung cấp chuyên nghiệp, toàn vùng có 1964 trường phổ thông các cấp với 60541 giáo viên và 1219095 học sinh. Tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học của vùng đạt bình quân hàng năm 86-89%.
Y tế: Toàn vùng có 910 cơ sở khám chữa bệnh (chưa tính đến các bệnh viện thuộc trung ương đóng trên địa bàn Vùng) với 14401 giường bệnh. Toàn vùng có 3451 bác sỹ, tỷ lệ bác sỹ/1 vạn dân là 5,4 bác sỹ.
Tỷ lệ hộ nghèo của vùng năm 2009 là 14,9% (cao nhát so với 4 vùng kinh tế trọng điểm).
g. Về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội
Hạ tầng giao thông: Mạng lưới đường bộ của vùng được phân bố tương đối hợp lý với 2 trục dọc chính là QL1A và đường Hồ Chí Minh, năm trục ngang chính là QL49, QL14B-14D-14E, QL24 và QL 19. Một số QL quan trọng vừa được mở rộng và nâng cấp. Tỷ lệ đường rải mặt đạt 91,4% đối với các Quốc lộ, 72,5% đối với tỉnh lộ và các tỷ lệ này đều đạt cao hơn mức bình quân của cả nước. Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống đường bộ vẫn chưa hoàn chỉnh, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, chưa có đường cao tốc, đường tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Trên địa bàn Vùng hiện có 17 cảng biển, trong đó có 2 cảng tổng hợp quốc gia, còn lại là các cảng phục vụ khu kinh tế, các cảng tổng hợp địa phương và các cảng chuyên dụng. Vùng kinh tế trọng điểm miền trung hiện có 4 cảng hàng không, trong đó cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn phân cấp của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), với công suất hiện tại là 1 triệu hành khách/năm.
Cấp điện: Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia của vùng đạt 90%, cao hơn mức bình quân của cả nước (86%) với tiêu chuẩn 300-500kwh/người/năm.
Cấp thoát nước: Nhìn chung hệ thống cấp thoát nước không đáp ứng được nhu cầu phát triển của các tỉnh trong vùng.
5. Tiềm năng,lợi thế phát triển của vùng:
(1) Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên trục giao thông quốc gia Bắc Nam về đường sắt, đường bộ, đường biển và đường hàng không. Có các sân bay lớn (Đà Nẵng, Phú Bài, Chu Lai) có những vịnh nước sâu (Chân Mây, Đà Nẵng và Dung Quất) sát gần đường hàng hải quốc tế thuận lợi để xây dựng các cảng nước sâu cùng hệ thống đường bộ (quốc lộ 1A, 14B, 24 và cả đường 9 về phía Bắc) nối các cảng biển với cả nước, là cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên và các quốc gia láng giềng phía Tây như Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan...
(2) Vùng có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử, văn hoá nổi tiếng như: Cố đô Huế, Bạch Mã - Lăng Cô, phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, văn hoá Chàm, rừng Sơn Trà, Hải Vân, Cù Lao Tràm, cảnh quan sông Hương - Núi Ngự, Ngũ Hành Sơn, bãi biển Non nước và nhiều bãi tắm đẹp rất thuận lợi cho phát triển du lịch dịch vụ.
(3) Huế - Đà Nẵng cũng là một trung tâm văn hoá, tập trung một số trường đại học và viện nghiên cứu khoa học. Các thị xã Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, cùng với các thị trấn tạo thành một chuỗi đô thị đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực này phát huy vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung và Tây Nguyên.
(4) Sự tham gia của Việt Nam vào khối ASEAN/AFTA và WTO, tạo cho việc hợp tác Đông - Tây trong vùng Mê Kông ngày càng phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy hình thành hành lang thương mại quốc tế, trong đó VKTTĐMT sẽ là đầu mối trung chuyển quan trọng và là trung tâm thương mại, chế tác của khu vực
6. các vấn đề cần giải quyết.
- Vấn đề phát triển ven biển, đồng bằng, trung du miền núi phía Tây.
- Xây dựng đường cao tốc, thương cảng quốc tế.
- Phát triển hệ thống đô thị hiện đại gắn với phát triển KKT, KCN.
- Phát triển các hành lang kinh tế, phát triển cảng biển.
- Hình thành hệ thống thương cảng và sân bay quốc tế.
- Hình thành phát triển các ngành và sản phẩm chủ lực: cơ khí chế tạo, lọc hóa dầu, điện.
- Giải quyết bài toán năng lượng, đặc biệt là thiếu điện để sản xuất và sinh hoạt.
- Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nước, không khí tại các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp và các làng nghề.
- Xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại.
- Phòng tránh bão, lũ lụt.
7. Mục tiêu phát triển
- Đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng các Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất, Chân Mây – Lăng Cô, Nhơn Hội để sau năm 2010 các khu kinh tế này từng bước trở thành những hạt nhân, trung tâm phát triển của vùng. Xây dựng và phát triển khu kinh tế mở Chu Lai nhằm thử nghiệm các thể chế, chính sách mới, tạo môi trường đầu tư, phù hợp các thông lệ quốc tế cho các loại hình kinh doanh của các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, qua đó có thêm kinh nghiệm cho hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Áp dụng các mô hình động lực mới cho phát triển kinh tế, khắc phục những yếu kém và ách tắc trong chính sách và cơ chế quản lý kinh tế hiện hành trong khi chưa có điều kiện thực hiện trên phạm vi cả nước. Ngoài khu kinh tế mở Chu Lai, đồng thời hình thành và phát triển các Khu kinh tế khác theo mô hình "khu trong khu" bao gồm các khu vực chủ yếu là: Khu thương mại tự do, Khu công nghiệp; các khu giải trí đặc biệt, khu vực dành cho du lịch; khu dân cư hành chính... ở Dung Quất, Nhơn Hội, Chân Mây- Lăng Cô.
- Đẩy mạnh vai trò trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của thành phố Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn để đảm nhận chức năng dịch vụ thương mại và trung tâm du lịch của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
- Hình thành các trung tâm du lịch là: Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn và vùng phụ cận. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu du lịch tổng hợp Huế - Cảnh Dương - Hải Vân - Non Nước
- Đẩy nhanh việc thực hiện dự án lọc - hoá dầu ở Dung Quất
- Hoàn thành việc xây dựng các công trình lớn về kết cấu hạ tầng để gắn kết khu vực này với các vùng lân cận, góp phần thực hiện chương trình hành lang Đông - Tây của Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, gắn với nhiệm vụ phát triển khu tam giác biên giới ba nước Việt Nam, Lào và Cămpuchia..
- Hoàn thành trước năm 2007 tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Chu Lai - Quảng Ngãi, Đà Nẵng - Huế - Quảng Trị (trong đường cao tốc Bắc Nam).
- Hình thành trung tâm đào tạo đa ngành chất lượng cao ở Huế.
- Từng bước đầu tư xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố biển - trung tâm của miền Trung với các chức năng: Trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ của miền Trung; thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng (cảng biển, sân bay quốc tế, giao thông xuyên Việt, xuyên á) về trung chuyển và vận tải quốc tế của miền Trung, Tây Nguyên và các nước khu vực sông Mêkông. Xây dựng khu sinh dưỡng công nghiệp (nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, công nghệ cho các xí nghiệp công nghiệp) trung tâm tài chính, ngân hàng và bưu chính viễn thông của khu vực miền Trung; một trong những trung tâm văn hoá, giáo dục, đào tạo, trung tâm khoa học công nghệ của miền Trung; một trong những địa bàn giữ vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.
- Ngoài Đà Nẵng thực hiện đầu tư phát triển các đô thị khác như xây dựng Huế trở thành thành phố Festival, thành phố Quy Nhơn thành đô thị trung tâm phía Nam của vùng và các đô thị Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi theo hướng hình thành các trung tâm đô thị hiện đại, văn minh.
- Đầu tư có trọng điểm vào một số lĩnh vực như: Đầu tư hoàn thiện cơ bản kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội. Tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển, các khu, điểm du lịch, các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu; các lĩnh vực thủy lợi, giao thông, bưu chính viễn thông, phát triển lưới điện, cơ sở hạ tầng nông thôn, kết cấu hạ tầng đô thị.
    Tổng số lượt xem: 11410
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)