1. Vị trí địa lý của Vùng
Vùng KTTĐ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 4 tỉnh, thành phố là Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau có diện tích là 16618,4 km2 với dân số khoảng 6,2 triệu người, có mật độ dân số là 375 người/km2, tỷ lệ đô thị hóa là 33,6% (cả nước là 29,6%).
Vùng KTTĐ vùng ĐBSCL có thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và 3 thành phố (Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau), 2 thị xã (Châu Đốc, Hà Tiên). Hệ thống đô thị phân bố tương đối đều khắp trên điạ bàn. Dự kiến trong thời gian tới thành phố Cần Thơ đạt các tiêu chí của đô thị loại I, các thị xã Châu Đốc, Hà Tiên được nâng cấp lên thành phố; hình thành đô thị Phú Quốc, các thị xã Kiên Lương, Năm Căn, Sông Đốc, Tân Châu, Tịnh Biên... Đây là điều kiện thuận lợi để vùng KTTĐ phát triển mạnh các dịch vụ: tài chính - ngân hàng, thương mại, đào tạo, y tế, chuyển giao công nghệ, vui chơi - giải trí... cho bản thân các địa phương trong vùng và cả đồng bằng sông Cửu Long.
Vùng KTTĐ vùng ĐBSCL có vị trí rất đặc biệt trong phát triển KT-XH của vùng ĐBSCL và cả nước, hội tụ các tiềm năng phát triển to lớn, đầu mối giao thương quan trọng bằng cả đường thuỷ, đường bộ, đường hàng không và tương lai sẽ có cả đường sắt với các vùng trong cả nước với quốc tế, là trung tâm kinh tế lớn, nhất là sản xuất và chế biến nông lâm thủy sản, năng lượng, du lịch..
2. Tài nguyên
- Tiềm năng lớn về sản xuất lúa và nuôi trồng và khai thác thủy sản. Trong 4 tỉnh trên, An Giang và Kiên Giang là 2 tỉnh có sản lượng lúa đứng đầu cả nước (năm 2007 sản lượng lúa của An Giang là 3,14 triệu tấn, của Kiên Giang là 2,98 triệu tấn), Kiên Giang là tỉnh có sản lượng thủy sản lớn nhất nước (năm 2007 là 397,3 ngàn tấn), An Giang có diện tích và sản lượng nuôi cá da trơn (cá ba sa, cá tra) lớn nhất nước (diện tích nuôi cá nước ngọt năm 2007 là 1.734,3 ha, sản lượng cá năm 2007 là 262,5 ngàn tấn), Cà Mau có diện tích nuôi và sản lượng nuôi tôm đứng đầu cả nước (năm 2007 diện tích nuôi tôm là262,2 ngàn ha, sản lượng tôm nuôi năm 2007 là 89,7 ngàn tấn).
- Tài nguyên khoáng sản: Vùng Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau tuy không nhiều khoáng sản, song có một số khoáng sản quan trọng có ý nghĩa quyết định đến phát triển kinh tế của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long như trữ lượng đá chiếm 98%, sét chịu lửa 90, vùng biển có dầu khí, chiếm 80% trữ lượng về dầu và 70% trữ lượng khí đốt của ĐBSCL.
+ Ở thềm lục địa Tây Nam thuộc vùng biển Cà Mau - Kiên Giang có tiềm năng lớn về dầu khí, có nhiều bể trầm tích có triển vọng dầu khí, quan trọng nhất là bể Malay - Thổ Chu, gồm nhiều lô thăm dò đầu khí (từ lô 36 đến lô 51; các lô A, lô B; vùng thoả thuận thương mại giữa Việt Nam và Malaysia PM-3CAA và vùng mới phân định giữa Việt Nam và Thái Lan), đây là những lô có trữ lượng và tiềm năng đáng kể về khí thiên nhiên. Tiềm năng dầu khí của bể Malay - Thổ Chu khoảng 380 triệu m3 dầu quy đổi (theo đánh giá của PetroVietnam), trữ lượng đã phát hiện khoảng 230 triệu m3, riêng trữ lượng khí đã phát hiện khoảng 212 tỷ m3, sản lượng khai thác khoảng trên 10 tỷ m3/năm. Đây là nguồn tài nguyên quý của đất nước, là điều kiện để phát triển công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và vùng KTTĐ Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau nói riêng. Với tiềm năng dầu khí như trên, hiện nay trên địa bàn 4 tỉnh đã và đang hình thành cụm khí - điện - đạm Cà Mau và Trung tâm điện lực Ô Môn. Ngoài ra, dự kiến xây dựng trung tâm nhiệt điện lớn tại khu vực Kiên Lương (Kiên Giang) sử dụng than đá nhập khẩu.
+ Đá vôi phân bố chủ yếu ở khu vực Hà Tiên, Kiên Lương với trữ lượng khoảng 440 triệu tấn, trữ lượng có khả năng khai thác công nghiệp khoảng 246 triệu tấn, hiện khai thác khoảng 2 triệu tấn/năm.Đá Andezit, granit phân bố chủ yếu tại Núi Sam - Châu Đốc, Núi Tra Sư - Tịnh Biên, Núi Cấm, Núi Lương Phi, Núi Bà Đội, Ba Thê và Núi Sập - An Giang. Tổng trữ lượng các loại gộp lại khoảng 450 triệu tấn. Hiện nay các vùng mỏ đã và đang được khai thác phục vụ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng với trữ lượng khai thác hàng năm khoảng 1 triệu m3.
- Tài nguyên du lịch:
+ Có diện tích rừng ngập mặn và rừng tràm rộng lớn tại Cà Mau, Kiên Giang và An Giang; các vườn quốc gia Mũi Cà Mau, U Minh, Phú Quốc; các vườn chim tự nhiên ở Cà Mau, vườn cò ở Cần Thơ. Du lịch rừng ngập mặn có ưu thế ít bị trùng lặp với các địa phương khác.
+ Tiềm năng du lịch biển: Đảo Phú Quốc có thể phát triển thành khu du lịch mang tầm cởkhu vực và quốc tế. Ngoài ra, tại khu vực ven biển Cà Mau, Kiên Giang có thể phát triển khu du lịch biển tại Hòn Chông, Hòn Trẹm, Mũi Nai, quần đảo Hải Tặc (Kiên Giang) và các đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc (Cà Mau).
+ Tiềm năng du lịch núi: An Giang và Kiên Giang là 2 tỉnh của ĐBSCL có hệ thống núi có thể khai thác phát triển du lịch với các điều kiện địa hình, thời tiết thích hợp để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo.
+ Các di tích văn hoá - lịch sử - tôn giáo - tín ngưỡng: Có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Chùa Bà Chúa Xứ ở núi Sam, Lăng Thoại Ngọc Hầu, Khu lưu niệm Bác Tôn, đồi Tức Dụp (tỉnh An Giang);đình Nguyễn Trung Trực, mộ chị Sứ, nhà tù Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); Hồng Anh Thư quán, đình Tân Hưng, khu căn cứ Lung Lá Nhà Thể, căn cứ Xẻo Đước (tỉnh Cà Mau); Tượng đài Bác Hồ, Bảo tàng Quân khu 9, đình Bình Thuỷ, Chùa Ông, mộ Thủ khoa Nghĩa, mộ Phan Văn Trị (TP.Cần Thơ)...
3. Về đào tạo nguồn nhân lực
Trên vùng KTTĐ có 3 trường đại học: Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau có các trường cao đẳng. Trường Đại học Cần Thơ đang được xây dựng trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia đào tạo đa ngành. Trường Đại học An Giang đang từng bước vươn lên, mở thêm nhiều ngành nghề mới để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài các trường đại học và cao đẳng, trên vùng KTTĐ có các cơ quan nghiên cứu trực thuộc các Bộ, ngành hiện đang hoạt động. Đó là Viện nghiên cứu lúa đồng bằng sông Cửu Long, Viện Cây ăn quả Miền Nam, Viện Nghiên cứu và phát triển hệ thống canh tác, Phân viện nghiên cứu Thuỷ sản Minh Hải (Bộ Thuỷ sản), Viện Khoa học Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn),Viện Môi trường và phát triển bền vững (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Ngoài ra, còn hai viện thuộc trường ĐH Cần Thơ là Viện Công nghệ Sinh học và Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long. Các cơ quan nghiên cứu này đều đã được trang bị những phòng thí nghiệm với các thiết bị hiện đại, đồng bộ phục vụ một số hướng nghiên cứu quan trọng của vùng.
4. Tổng quan tình hình phát triển kinh tế – xã hội của vùng
a. Về phát triển kinh tế
Tăng trưởng kinh tế: Vùng KTTĐ vùng ĐBSCL đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, đạt khoảng 12,2% thời kỳ 2001-2009, trong đó tốc tộ tăng trưởng của ngành công nghiệp- xây dựng đạt 16,9%, ngành thương mại - dịch vụ đạt 14,8% và ngành nông nghiệp đạt 6,3%.
Cơ cấu kinh tế: Năm 2009, tỷ trọng của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế Vùng vào khoảng 33,0%. Tỷ trọng của ngành công nghiệp đạt khoảng 25,8% .Tỷ trọng của ngành dịch vụ đạt41,2%.
Thu nhập bình quân đầu người của vùng liên tục tăng trong thời gian qua. GDP/người của vùng năm 2000 chỉ đạt khoảng 4,9 triệu thì đến năm 2005 đã lên đến 9,4 triệu đồng/người và đến năm 2009 đạt khoảng 19,6 triệu đồng.
b. Về thu chi ngân sách
Thu ngân sách: Tốc độ tăng thu ngân sách thời kỳ 2001-2009 đạt khoảng 13,2%/năm. Năm 2009, thu ngân sách của vùng đạt trên 9,6 nghìn tỷ đồng.
Chi ngân sách: Tốc độ tăng chi ngân sách thời kỳ 2001-2009 đạt khoảng 33,3%/năm. Năm 2009, chi ngân sách của vùng đạt trên 14,3 nghìn tỷ đồng.
c. Về xuất nhập khẩu
Xuất khẩu: Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu của vùng thời kỳ 2001-2009 đạt khoảng 20,4%/năm. Năm 2009, xuất khẩu của vùng đạt gần 2,7 tỷ USD
Nhập khẩu: Tốc độ tăng giá trị nhập khẩu của Vùng thời kỳ 2001-2009 đạt khoảng 24,4%. Năm 2009, giá trị nhập khẩu của Vùng đạt khoảng 787,5 triệu USD.
d. Về thu hút vốn đầu tư
Vốn đầu tư: tốc độ tăng trưởng bình quân thời kỳ 2001-2009 đạt khoảng 27.8%/năm. Năm 2009, vốn đầu tư toàn xã hội của vùng đạt 64,9 nghìn tỷ đồng.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Từ năm 1988 đến nay, Vùng KTTĐ phia Nam đã thu hút được 126 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 3682 triệu USD. Riêng năm 2009, Vùng đã thu hút được 9 dự án với tổng vốn đăng ký là 24,4 triệu USD.
e. Về phát triển các ngành kinh tế
Giá trị sản xuất công nghiệp: Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp của vùng đạt 14,4%/ năm thời kỳ 2006-2009, trong đó công nghiệp nhà nước giảm 0,3%/năm, công nghiệp ngoài nhà nước tăng 22,4%/năm, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 20,8%/năm. Năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 1994) của vùng đạt gần 29,9 nghìn tỷ đồng, trong đó công nghiệp nhà nước chiếm 25,23%, công nghiệp ngoài nhà nước chiếm 70,65% và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 4,12%.
Khu công nghiệp: Trên vùng KTTĐ đã hình thành khu công nghiệp Trà Nóc 1 (135 ha) và Trà Nóc 2 (165 ha) tại thành phố Cần Thơ; KCN Khánh An (360 ha) tại Cà Mau; KCN Bình Hoà 132 ha, Vàm Cống (199 ha) tại An Giang; 4 khu công nghiệp được đang tiến hành san lấp mặt bằng là khu CN Thạnh Lộc (Châu Thành) quy mô 250 ha và khu CN Thuận Yên (Hà Tiên) quy mô 141 ha tại tỉnh Kiên Giang; KCN Hưng Phú 1, Hưng Phú 2 tại Cần Thơ.Ngoài các khu công nghiệp tập trung, đến nay đã hình thành một số cụm công nghiệp như CCN Phường 8, Phường 1 thành phố Cà Mau, CCN Trí Phải huyện Thới Bình, CCN Sông Đốc huyện Trần Văn Thời, (tỉnh Cà Mau); cụm công nghiệp Mỹ Quý (An Giang); cụm Kiên Lương - Ba Hòn - Hòn Chông (tỉnh Kiên Giang).
Giá trị sản xuất nông nghiệp: Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của vùng năm 2009 đạt trên 33,7 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành nông, lâm, thủy sản thời kỳ 2006-2009 đạt 5,0%/năm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa: tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa thời kỳ 2001-2009 đạt 20,8%/năm. Năm 2009, tổng mức bán lẻ hàng hóa của vùng đạt gần 100,7 nghìn tỷ đồng.
f. Về phát triển kết cấu hạ tầng
Hạ tầng giao thông: Hiện nay kết nối vùng Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau với các địa phương khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ có QL 1 đã được nâng cấp, hiện đang xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương và dự kiến kéo dài đến Cần Thơ, các tuyến đường N1, N2. Trong tương lai xây dựng đường cao tốc Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cần Thơ - Cà Mau, Hà Tiên - Rạch Giá (Kiên Giang) - Bạc Liêu, trục cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Hiện nay vùng đồng bằng sông Cửu Long có 4 sân bay, tất cả các sân bay này đều nằm trong tứ giác Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau, bao gồm các sân bay Trà Nóc (Cần Thơ); Cà Mau (tỉnh Cà Mau); Rạch Giá và Dương Đông (tỉnh Kiên Giang). Sân bay Trà Nóc đang được nâng cấp trở thành sân bay quốc tế, sân bay quốc tế Dương Tơ ở Phú Quốc đã được khởi công xây dựng. Hiện nay trên địa bàn các tỉnh Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau đã và đang hình thành một số cảng lớn như cảng Cái Cui (Cần Thơ), cảng Năm Căn (Cà Mau), cảng An Thới (Phú Quốc - Kiên Giang), trong đó cụm cảng Cần Thơ - Cái Cui là cảng trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cấp điện: Ngoài các nguồn điện đã được xây dựng trước đây bao gồm Nhà máy nhiệt điện chạy dầu FO Cần Thơ (1x33 MW, vận hành từ năm 1963), Nhà máy nhiệt điện tua bin khí chạy dầu DO Cần Thơ (2x37,5+2x37,5 MW) với tổng công suất đặt là 183 MW, công suất khả dụng là 169 MW, tổ máy diesel Phú Quốc công suất 4 MW, trên vùng KTTĐ đã hình thành một số nguồn điện mới như Nhà máy điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2 với tổng công suất 1.500 MW, Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I công suất 300 MW chuẩn bị hoàn thành. Về mạng lưới truyền tải điện, đường dây 500kV Nhà Bè - Ô Môn (giai đoạn đầu vận hành ở cấp điện áp 220kV) và các dự án điện 220kV đồng bộ của NMĐ Ô Môn như Ô Môn - Thốt Nốt, Thốt Nốt- Châu Đốc đưa vào vận hành năm 2007. Trên vùng KTTĐ mạng lưới 220KV kết nối nội tiểu vùng và với bên ngoài bao gồm các tuyến Trà Nóc - Rạch Giá, NMĐ Cà Mau 1 - Ô Môn, Cai Lậy - Rạch Giá, Cai Lậy - Trà Nóc, Cà Mau - Bạc Liêu.
5. Tiềm năng, lợi thế của vùng
(1) Vùng có tiềm năng lớn phát triển nông nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến nông thủy sản, đảm nhận vai trò đầu tàu về xuất khẩu nông, thuỷ hải sản của cả nước
(2) Vùng có điều kiện phát triển công nghiệp đa dạng, quy mô lớn; bước đầu hình thành các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu. Tiềm năng và điều kiện phát triển công nghiệp dầu khí và năng lượng, hoá chất. Tiềm năng phát triển công nghiệp sản xuất xi măng và các vật liệu xây dựng khác.Tiềm năng phát triển công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu thuyền.Bước đầu hình thành các khu kinh tế
(3) Vùng có tiềm năng lớn về du lịch
(4) Vùng có hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối phát triển
(5) Hệ thống đô thị tương đối phát triển và bước đầu hình thành đô thị trung tâm vùng ở Cần Thơ
6. Quan điểm phát triển
-Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và toàn vùng KTTĐ, trên cơ sở phát triển hiệu quả, toàn diện các khu vực đồng bằng, ven biển, và kinh tế biển, trong thế liên kết với các địa phương khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và hợp tác với các địa phương vùng khác trong cả nước, trước hết là vùng Đông Nam Bộ. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ cả trong GDP và cơ cấu lao động.
-Chủ động hội nhập sâu rộng, đẩy mạnh mở rộng giao thương kinh tế với các nước trong khu vực và quốc tế. Huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn so với bình quân cả nước, nâng cao chất lượng tăng trưởng.
- Gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, giảm chênh lệch về phát triển xã hội giữa các khu vực và giữa đồng bào dân tộc Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số.
-Phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững.
- Phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường, củng cố an ninh - quốc phòng, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.