(Ảnh minh họa: Hiền Hạnh/TTXVN) Với quy mô trên 600 triệu người, ASEAN đang trở thành đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Không chỉ vậy, cộng đồng này còn được đánh giá sẽ tạo ra một khu vực kinh tế có tính cạnh tranh cao, hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.
Do vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng cơ hội xuất khẩu vào thị trường ASEAN, các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm và tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ, tập trung xây dựng thương hiệu, tăng cường năng lực nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại.
Doanh nghiệp "đói" thông tin
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) đánh giá khi xuất khẩu vào khu vực ASEAN, các doanh nghiệp sẽ được hưởng những yếu tố tích cực qua việc tăng khối lượng trao đổi thương mại, thay đổi cơ cấu xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu và tăng kim ngạch xuất khẩu, mở rộng thị phần.
Bởi khi đó, hàng rào thuế quan bị loại bỏ, các hàng rào phi thuế bị cắt giảm tạo điều kiện cho hàng hóa dịch vụ của Việt Nam được lưu chuyển dễ dàng hơn trong khu vực ASEAN.
Đây không chỉ là cơ hội để tiếp cận và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang thị trường khu vực ASEAN mà còn mở rộng sang các khu vực thị trường đối tác của ASEAN.
Vì đây là một khu vực giao thoa giữa rất nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác ngoại khối như Ấn Độ, Trung Quốc, Australia và New Zealand.
Đưa ra minh chứng cụ thể, ông Đỗ Quốc Hưng cho hay, hiện ASEAN là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, song đến hết tháng 10/2016, lượng hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường ASEAN chỉ đạt 14,2 tỷ USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, Việt Nam lại nhập khẩu từ thị trường này tới 19,1 tỷ USD.
Cũng theo ông Đỗ Quốc Hưng, một số ngành hàng có nhiều cơ hội khi xuất khẩu sang các nước ASEAN gồm dệt may, giầy dép, phân bón, nông sản - thực phẩm, vật liệu xây dựng.
Trong số các nước ASEAN, Myanmar được đánh giá là thị trường có tiềm năng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu hàng hóa cũng như đầu tư.
Việt Nam được coi là đối tác thương mại lớn, đứng thứ 10 trong các nước đối tác về thương mại của Myanmar.
Thời gian gần đây, cùng với tăng trưởng chung trong hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam-Myanmar, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng khá ấn tượng.
Cụ thể, năm 2013, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Myanmar tăng 93,5%, năm 2014 tăng 51,7%, đến năm 2015 tăng 9,5% và đến hết tháng 5/2016 đã tăng 22%.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong xuất khẩu hàng hóa sang các nước ASEAN, nhưng trong quan hệ thương mại với ASEAN 5 năm vừa qua, Việt Nam luôn ở thế nhập siêu.
Năm 2010 Việt Nam thâm hụt thương mại với ASEAN khoảng 6 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu là 57%. Đến năm 2014, thâm hụt giảm xuống còn khoảng 4 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu là 20,3%. Năm 2015, xuất khẩu giảm so với 2014, kim ngạch đạt 20 tỷ USD, thâm hụt thương mại lại tăng lên ở mức trên 5 tỷ USD và tỷ lệ nhập siêu trên 30%.
Nhìn nhận về vấn đề này, không ít chuyên gia thương mại đã khẳng định, ASEAN cũng là một thị trường có áp lực cạnh tranh rất lớn.
Đơn cử như đối với ngành dệt may, mặc dù có quy mô ngành tương đối lớn so với các đối thủ chính (Thái Lan, Indonesia), nhưng các doanh nghiệp ngành dệt may của Việt Nam vẫn chưa làm chủ được nguồn nguyên liệu, tỷ lệ nội địa hóa hạn chế.
Còn mặt hàng phân bón cũng có lợi thế xuất khẩu nhiều hơn vào các thị trường ASEAN, dù vậy các doanh nghiệp phân bón cũng đang phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt và “vấn nạn” hàng giả, hàng kém chất lượng.
Tuy nhiên, đại diện cho phía doanh nghiệp, ông Phạm Minh Hòa, Tổng công ty Thiết bị Đông Anh cho biết, dù là một doanh nghiệp lớn, có uy tín trên thị trường, nhưng đơn vị vẫn khó khăn trong việc tiếp cận thị trường các nước ASEAN.
Lý do chính là hiện doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam rất “đói” thông tin phục vụ cho quá trình thâm nhập thị trường như danh sách khách hàng, đối thủ cạnh tranh.
Ngoài ra, trên các trang mạng, thông tin về thị trường các nước ASEAN vẫn rất chung chung. "Chúng tôi cần những thông tin chính thống và đầy đủ từ Bộ Công Thương về thị trường này để không phải tự tìm tòi liên hệ," ông Hòa nói.
Loay hoay tìm giải pháp
Khi hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng đồng nghĩa với việc mở cửa cho hàng hóa của khu vực này tràn vào nội địa.
Điều này sẽ khiến hàng hóa của Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa của khu vực ASEAN và hàng hóa xuất khẩu sang khu vực này cũng gặp nhiều áp lực.
Bên cạnh đó, khi các nước ASEAN bãi bỏ hàng rào thuế quan thì ngay lập tức dựng lên một hệ thống các tiêu chuẩn về kỹthuật để bảo vệ thị trường nội địa và hạn chế xuất khẩu của các nước khác.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Công Thương cần có giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tránh được những rủi ro trong thanh toán xuất khẩu.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu vào ASEAN, từng doanh nghiệp cần phải chủ động đổi mới quản trị, xây dựng tầm nhìn kinh doanh thích hợp. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi để gia tăng giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường AEC cả về lượng, chất và giá thành.
Bên cạnh đó, phải linh hoạt, nhạy bén, nhận diện và nắm bắt những cơ hội mà AEC mang lại trên từng lĩnh vực ngành hàng để nhắm tới, tận dụng và khai thác trong dài hạn.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm, một chuyên gia của Cục Chế biến - Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, cần phải nắm bắt kịp thời những quy định về khung pháp lý của thị trường, nhất là về vệ sinh an toàn thực phẩm; chủ động nâng cao năng lực công nghệ, chế biến, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng ngay từ khâu phân loại nguyên liệu, phân cấp sản phẩm... để có hàng hóa đáp ứng tốt các yêu cầu cạnh tranh cao của thị trường ...
Để nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng cơ hội xuất khẩu vào thị trường ASEAN, ông Đỗ Quốc Hưng cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tỷlệ nội địa hóa, xây dựng thương hiệu dựa trên chất lượng và giá trị gia tăng. Đồng thời, xây dựng kênh phân phối tại thị trường xuất khẩu, tăng cường nghiên cứu thị trường - xúc tiến thương mại. Doanh nghiệp cũng cần nâng cao hiểu biết về hội nhập để đảm bảo quyền lợi cho chính mình.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, trong thời gian tới, những thông tin chính thức về thị trường các nước ASEAN sẽ được đăng tải trên các địa chỉ website của Bộ Công Thương.
Cục Thương mại điện tử của Bộ cũng đã có hẳn một kênh thông tin tổng quan về các thị trường cũng như biểu thuế xuất nhập khẩu để doanh nghiệp có thể liên hệ tìm hiểu thông tin giúp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường đầy tiềm năng này./.