Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/12/2016-15:47:00 PM
Đề xuất một số vấn đề hạ tầng cảng và vận tải biển tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2016

Toàn cảnh Diễn dàn Doanh nghiệp Việt Nam 2016. Nguồn: MPI
(MPI) – Nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển trung tâm trung chuyển (hub) quốc tế và trung chuyển nội địa tại Cái Mép, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam diễn ra ngày 05/12/2016, tiểu nhóm Công tác Hạ tầng Cảng và Vận tải biển đã đưa ra đề xuất một số vấn đề hạ tầng cảng và vận tại biển góp phần giải quyết tình trạng mất cân đối cung/cầu nghiêm trọng thị trường cảng công-te-nơ tại miền Nam Việt Nam, đồng thời, tạo ra quy mô cần thiết để khai thác cảng nước sâu như thị trường yêu cầu cho Việt Nam và cho toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước.

Với sự ra đời của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU, việc tạo ra một trung tâm trung chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế là rất cần thiết đối với Việt Nam. Tính đến năm 2020, sự gia tăng kết quả trong thương mại đang được kỳ vọng sẽ vượt xa tốc độ tăng trưởng dự báo trước đây là 7- 8%. Để phát huy tối đa tiềm năng mà TPP và FTA Việt Nam – EU mang lại, sự tồn tại một cảng biển công-te-nơ nước sâu là vô cùng cần thiết để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng gia tăng.

Theo đó, tiểu nhóm Hạ tầng cảng và Vận tải biển đưa ra một số giải pháp đối với Việt Nam như: cần phải tạo ra một môi trường cạnh tranh để vận hành cảng công-te-nơ; Giảm phí và lệ phí hàng hải cho các tàu có kích cỡ nhất định nhằm thu hút số lượng các tàu đến Việt Nam nhằm tăng nguồn thu cho đất nước. Đồng thời, cần phải duy tu nạo vét luồng vào khu cảng Cái Mép tối thiểu đạt độ sâu 14 mét (ở mức thủy triều thấp).

Tiểu nhóm Hạ tầng cảng và Vận tải biển chỉ ra rằng, các tiềm năng về mặt tài chính của Việt Nam sẽ được cải thiện khi một hub được tạo ra và hoạt động gom hàng đến các trung tâm trung chuyển ở Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a và Hồng Kông giảm đi. Theo ước tính ban đầu của nhóm nghiên cứu, việc giảm 2 tàu gom hàng feeder và thêm 10 chuyến tàu mẹ cập cảng sẽ giúp giảm chi phí cho tàu gom hàng feeder khoảng 14 triệu USD và một nguồn thu bổ sung cho Việt Nam là 10 triệu USD/năm thông qua phí và lệ phí hàng hải.

Ngoài ra, với việc tạo ra một hub Việt Nam sẽ có những lợi ích: Giảm thiểu ô nhiễm trong thành phố Hồ Chí Minh thông qua việc chuyển lưu lượng xe tải lưu thông ở thành phố Hồ Chí Minh về Cái Mép; Giảm thiếu tắc nghẽn giao thông và nguy cơ ùn tắc tại cảng trong thành phố Hồ Chí Minh nhờ vào cảng có quy mô lớn hơn tại Cái Mép; Giảm thiếu được lưu lượng lưu thông trên sông do ít xà làn và tàu bè di chuyển và dòng sông có thể được khai thác cho mục đích du lịch mang lại nhiều thu nhập hơn cho Việt Nam;…

Đặc biệt, theo Tiểu nhóm, Chính phủ cần quan tâm tới việc nạo vét luồng vào cảng Cái Mép, đây là yêu cầu hết sức cấp thiết và cần phải khẩn trương thực hiện bởi hàng hóa xuất, nhập khẩu đang tiếp tục gia tăng./.

Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 987
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)