Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/07/2017-10:08:00 AM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2017 tỉnh Hải Dương

Ước tính 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn 3 tháng đầu năm và kế hoạch đề ra.

1. Tăng trưởng kinh tế

Ước tính 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn 3 tháng đầu năm và kế hoạch đề ra; trong đó:

- Giá trị tăng thêm ngành nông lâm nghiệp thuỷ sản tăng 2,6%; đóng góp 0,4 điểm % vào tăng trưởng GRDP. Sản xuất vụ đông tăng khá do diện tích, năng suất một số loại cây trồng chính đều tăng; diện tích lúa giảm, năng suất tương đương vụ Chiêm 2016; năng suất vải ước giảm 16,5% so với cùng kỳ; chăn nuôi lợn gặp khó khăn, do giá bán lợn hơi giảm sâu, chăn nuôi gà vẫn phát triển ổn định; nuôi trồng thủy sản tăng khá (+2,5%) do không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai.

- Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp, xây dựng tăng 9,3%; đóng góp 4,9 điểm % vào tăng trưởng GRDP. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng 8,7% so với cùng kỳ. Ngành xây dựng tăng trưởng khá; một số dự án nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp (khu nhà ở cho công nhân và người có thu thập thấp xã Ái quốc, khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới phía Nam TP. Hải Dương) đang được triển khai thực hiện.

- Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ tăng 7,7%; đóng góp 2,5 điểm % vào tăng trưởng GRDP. Chi ngân sách thường xuyên tăng 14,3% so với cùng kỳ; trong đó một số khoản chi lớn gồm: chi giáo dục đào tạo +13,8%; chi sự nghiệp kinh tế +8,5%; chi bảo đảm xã hội +28,2%; chi quản lý hành chính +25,4%. Doanh thu các ngành dịch vụ hỗ trợ cho sản xuất như vận tải, kho bãi (+9,6%), thương mại bán lẻ (+11,2%) tăng so với cùng kỳ năm trước và tăng cao hơn những tháng đầu năm.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

2.1. Sản xuất nông nghiệp

Giá trị sản xuất cây hàng năm 6 tháng đầu năm (theo giá so sánh 2010) ước đạt 5.852 tỷ đồng, tăng 3,3% (+185 tỷ đồng); trong đó, cây vụ đông đạt 2.757 tỷ đồng, tăng 7,0%; cây hàng năm vụ chiêm xuân đạt 3.095 tỷ đồng, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông xuân đạt 90.851 ha, giảm 0,71% (-652 ha) so với cùng kỳ năm trước (vụ đông giảm 46 ha, vụ chiêm xuân giảm 606 ha); trong đó, diện tích vụ đông 21.809 ha, chiếm 24,0%; vụ chiêm xuân 69.042 ha, chiếm 76,0% tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân.

Trong cơ cấu diện tích gieo trồng vụ đông xuân năm nay, cây lúa chiếm tỷ trọng cao nhất đạt 65,35% (năm 2014 là 67,6%; năm 2015 là 66,9%; năm 2016 là 66,4%), tiếp đó là nhóm cây rau, đậu, hoa, cây cảnh (27,24%), các nhóm cây còn lại chiếm tỷ trọng nhỏ không đáng kể.

Hầu hết năng suất các loại cây hàng năm khác vụ đông xuân đều cao hơn so với vụ đông xuân năm 2016, chủ yếu là tăng ở vụ đông. Các loại cây có năng suất tăng nhiều như: cải các loại, súp lơ, dưa hấu, dưa chuột, bí xanh, su hào, cà rốt, hành củ, đặc biệt là củ đậu. Năng suất lúa chiêm xuân ước đạt 64,73 tạ/ha, tăng không đáng kể so với năm 2016.

Tổng diện tích gieo trồng vụ Chiêm xuân ước đạt 69.042 ha, giảm 0,87 % (-606 ha) so với vụ Chiêm xuân năm 2016; trong đó, cây lương thực có hạt đạt 60.574 ha, chiếm 87,74% tổng diện tích gieo trồng vụ chiêm xuân, giảm 2,04 % (-1.263 ha) so với vụ chiêm xuân 2016; cây có củ chất bột đạt 272 ha, chiếm 0,39%, tăng 21,43 % (+48 ha) so với vụ chiêm xuân 2016; cây có hạt chứa dầu đạt 1.097 ha, chiếm 1,59 %, tăng 0,46 % (+ 5 ha) so với vụ chiêm xuân 2016; rau, đậu hoa cây cảnh đạt 6.489 ha, chiếm 9,4 % tổng diện tích gieo trồng, tăng 8,95 % (+533 ha) so với vụ chiêm xuân 2016; các cây còn lại chiếm tỷ lệ nhỏ không đáng kể.

Diện tích trồng cây lâu năm toàn tỉnh 6 tháng đầu ước đạt 21.706 ha, cơ bản ổn định so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, diện tích trồng cây ăn quả ước đạt 21.117 ha, chiếm 97,3% diện tích cây lâu năm toàn tỉnh; cây gia vị, dược liệu ước đạt 208 ha, chiếm 1,0%; cây lâu năm khác ước 253 ha, chiếm 1,2%; các cây lâu năm còn lại là cây lấy dầu và cây chè búp chiếm tỷ trọng nhỏ.

Cây vải là cây lâu năm trọng điểm của tỉnh, 6 tháng đầu năm diện tích cây vải ước đạt 10.590 ha, (giảm 15 ha so với 2016), chiếm 50,1% diện tích cây ăn quả, chiếm 48,8% tổng diện tích cây lâu năm hiện có của tỉnh.

Sản lượng vải ước đạt 32.000 tấn, giảm 16,5% so với năm 2016; diện tích trồng tập trung chủ yếu ở huyện Thanh Hà và Thị xã Chí Linh. Những tháng đầu năm diễn biến thời tiết bất thuận đối với cây vải, nhất là trà vải muộn, ở thời kỳ phân hóa mầm hoa thời tiết nắng nóng, không có rét đậm làm cây vải phân hóa mầm hoa kém, tỷ lệ ra hoa, đậu quả thấp; đồng thời do hiệu quả kinh tế cây vải những năm gần đây không cao, nên người trồng vải ít đầu tư chăm sóc nên vải sinh trưởng, phát triển kém.

Giá vải năm nay cao và ổn định từ đầu vụ đến; giá vải sớm (vải u trứng, vải u hồng) đầu vụ đạt 50.000đ/kg, giá bình quân đạt 35.000đ/kg - 40.000đ/kg; vài thiều chính vụ hiện naygiá đạt 35.000đ/kg. Người trồng vải có thu nhập khá, đặc biệt với vải sớm có giá bán và sản lượng đều cao hơn năm trước.

2.1.2. Chăn nuôi

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, không có dịch bệnh xảy ra. Các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi; tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên đàn vật nuôi; thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại, kết hợp tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin.

Tổng đàn trâu, bò có xu hướng giảm nhẹ; ước tại thời điểm 1/7/2017, tổng đàn trâu ước 4.273 con, giảm 2%; đàn bò ước 19.960 con, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đàn lợn thịt tại thời điểm tháng 6 ước đạt 571.590 con, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 47.878 tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Tổng đàn gia cầm các loại (gà, vịt, ngan, ngỗng, gia cầm khác) của toàn tỉnh ước đạt 10.670 nghìn con, tăng 5,7 % so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gia cầm 6 tháng đầu năm ước đạt 12.955 tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có 213 ha diện tích rừng phòng hộ được trồng mới, tăng 76 ha, cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 770 nghìn cây; giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2016 và 6.027 ha rừng trồng được giao khoán bảo vệ.

Ước tính 6 tháng đầu năm sản lượng khai thác gỗ từ cây trồng phân tán đạt 662 m3, tăng 2,5% (+16 m3) so với cùng kỳ năm 2016; sản lượng khai thác củi đạt 74.728 ster, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,3%. Củi khai thác chủ yếu là chặt cành, làm cỏ, phát quang và tận dụng thu gom khi khai thác gỗ của cây trồng phân tán.

Diện tích rừng của tỉnh tuy không nhiều nhưng phân tán ở 34 xã,phường,thị trấn thuộcthị xãChí Linh vàhuyệnKinh Môn.Do làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy nên trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng nào.

Sản xuất thuỷ sản về cơ bản vẫn duy trì ổn định và phát triển tốt, dịch bệnh phát sinh rải rác ở một số ít diện tích. Tỷ lệ diện tích nuôi thâm canh bán thâm canh ngày càng tăng, cơ cấu giống cá tiếp tục chuyển biến tích cực, các giống cá có chất lượng thịt ngon, dễ tiêu thụ được mở rộng.

Diện tích nuôi trồng thuỷ sản 6 tháng đầu năm ước đạt 10.977 ha, tăng 1,2% (+127 ha) so với cùng kỳ năm 2016; nguyên nhân do hiệu quả kinh tế từ việc nuôi trồng thủy sản đạt khá, một số diện tích mặt nước được đầu tư nuôi thâm canh, bán thâm canh rút ngắn thời gian cho thu hoạch.

Trong tổng diện tích nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi cá ước đạt 10.896 ha, chiếm 99,2% trong tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, có 9.701 ha nuôi theo phương thức thâm canh, bán thâm canh; 1.195 ha nuôi theo phương thức quảng canh, quảng canh cải tiến. Nuôi cá cho hiệu quả kinh tế ổn định ở mức cao, dễ tiêu thụ, đồng thời người sản xuất có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên bệnh chỉ phát sinh rải rác ở một số ít diện tích ao nuôi.

Nuôi trồng thủy sản lồng bè tiếp tục phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao; một số địa phương ở gần khu vực các sông lớn đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Tổng số lồng nuôi 6 tháng đầu năm ước đạt 2.961 lồng tăng 16,9% (+428 lồng) so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, cá diêu hồng ước đạt 1.287 lồng, chiếm 43,5%; cá lăng 1.051 lồng, chiếm 35,6%; cá chép 310 lồng, chiếm 10,4%; cá khác 313 lồng, chiếm 10,5%. Hiện nay ngoài dòng cá có giá trị cao như cá lăng, cá diêu hồng tiêu thụ khá tốt; cá trắm giòn, chép giòn cũng đang được các hộ ưu tiên nuôi thả vì chất lượng cá ngon, được người tiêu dùng lựa chọn.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng 6 tháng đầu năm ước đạt 34.850 tấn, tăng 2,6% (+890 tấn) so với cùng kỳ năm 2016; trong đó sản lượng cá ước đạt 34.825 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng cá tăng do điều kiện thời tiết diễn biến thuận lợi, không có dịch bệnh; đồng thời số lồng bè nuôi cá tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016.

Về sản xuất cá giống; 6 tháng đầu năm ước đạt 574 triệu con cá giống các loại; giảm 4% so với cùng kỳ năm năm 2016. Hiện nay, phần lớn đàn cá bố mẹ của các trại giống trong tỉnh được tuyển chọn từ cá thương phẩm, không được tạo giống riêng nên chất lượng con giống không cao. Nhiều cơ sở sản xuất giống chưa mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Bể nuôi cá giống chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật… Vì vậy, sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh cung không đủ cầu, dẫn đến việc người dân phải tìm mua giống thủy sản với giá cao từ nước ngoài, chủ yếu là nhập từ Trung Quốc.

3. Công nghiệp

Theo giá so sánh 2010, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 10,1% so với cùng kỳ 2016; trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 20,0%; chế biến chế tạo tăng 10,8%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt... giảm 1,0%; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 5,3%.

Công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là ngành công nghiệp chủ yếu với cơ cấu chiếm 92,8% giá trị sản xuất; tiếp theo, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt... chiếm 6,4% giá trị sản xuất.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm ước tăng 8,7%; dù vẫn tăng so với cùng kỳ nhưng do ảnh hưởng từ hoạt động chăn nuôi nên sản xuất thức ăn chăn nuôi chững lại; sản xuất xi măng, sản xuất kim loại màu tăng thấp so với những tháng đầu năm, nên tăng IIP của 3 tháng đầu năm (+9,2%) nhưng cao hơn cùng kỳ năm trước (+8,2%). Khái quát chung, ngành khai khoáng giảm 22,0%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,4%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 0,3%; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 12,0%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh tháng 6 ước tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước; tăng 3,1% so với tháng trước. Một số ngành tăng (so với tháng trước) như: sản xuất SP từ khoáng phi kim loại khác +4,3%; sản xuất kim loại +2,4%; sản xuất SP từ kim loại đúc sẵn +4,4%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu +16,3%; đa số các ngành sản xuất còn lại giảm (so với tháng trước), trong đó, một số ngành có lượng sản xuất giảm như: sản xuất chế biến thực phẩm -1,1%; sản xuất trang phục -2,0%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan -0,2%; sản xuất than cốc -0,3%.

4. Xây dựng, đầu tư

4.1. Xây dựng

Dự tính quý II, giá trị sản xuất xây dựng (giá so sánh 2010) đạt 3.300 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2016. Nguyên nhân tăng chủ yếu do hoạt động xây dựng nhà ở khu vực dân cư tăng cao (+24%).

Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất xây dựng (giá so sánh 2010) ước đạt 5.480 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ 2016 (quý I tăng 9,0%; quý II tăng 11,4%).

Công trình xây dựng nhà để ở chiếm 43,6% trong tổng giá trị; chủ yếu ở khu vực hộ dân cư. Tăng trưởng kinh tế ổn định, tích lũy từng bước được nâng lên, giá cả vật liệu xây dựng ít biến động nên khu vực hộ dân cư đầu tư cho xây dựng tăng. Một số khu đô thị đã tiến hành san lấp mặt bằng bàn giao đất cho hộ dân cư nên hoạt động xây dựng nhà ở vẫn sẽ giữ tốc độ tăng cao như các tháng đầu năm.

Mặc dù thị trường bất động sản phục hồi còn chậm; tình trạng nợ đọng khối lượng công việc từ những năm trước của các doanh nghiệp xây dựng vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để; song hoạt động xây dựng trong năm 2017 vẫn sẽ giữ mức tăng trưởng khá như các tháng đầu năm.

4.2. Vốn đầu tư

Ước quý II, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh đạt 8.136 tỷ đồng, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, Vốn nhà nước trên địa bàn đạt 1.322 tỷ đồng, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước; Vốn ngoài nhà nước đạt 5.412 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.402 tỷ đồng, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm trước.

Ước chung 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh đạt 15.489 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, Vốn nhà nước trên địa bàn đạt 2.257 tỷ đồng, tăng 0,9%; Vốn ngoài nhà nước đạt 9.587 tỷ đồng, tăng 11,6%; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3.645 tỷ đồng, tăng 8,1%.

Vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp FDI trong 6 tháng ước đạt 197 triệu USD tăng 29,4% so với cùng kỳ (năm 2016 đạt 152,2 triệu USD), đạt 56,3% so với kế hoạch cả năm.

Trong 6 tháng đầu năm đã chấp thuận cho 20 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 1.661,5 tỷ đồng; điều chỉnh dự án cho 30 dự án, với tổng vốn đầu tư giảm so với trước khi điều chỉnh là 51,3 tỷ đồng.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức PPP, đang tổ chức triển khai lập đề xuất dự án đầu tư cho 08 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông. Hoàn thành việc sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư đối với Dự án đầu tư xây dựng công trình Đường dẫn nối cầu Hàn với QL37 (đoạn nối đường 5B với QL37, từ Km4+485, 68-Km10+760,83) theo hình thức Hợp đồng BT và Dự án đầu tư xây dựng cầu Cậy và đường hai đầu cầu đường tỉnh 394 theo hình thức Hợp đồng BOT.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; trong 6 tháng đầu năm, đã thu hút khoảng 197 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 29,4% so với cùng kỳ 2016, trong đó cấp mới cho 20 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 136,3 triệu USD, điều chỉnh bổ sung tăng vốn cho 13 lượt dự án, tổng số vốn 69,7 triệu USD.

Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài duy trì sản xuất ổn định, một số doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh tổng vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp FDI tại địa bàn đạt 3 tỷ 762 triệu USD trên tổng số vốn đăng ký 7 tỷ 181,3 triệu USD (chiếm 52,3%).

5. Thương mại, giá cả, dịch vụ

5.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 6 ước đạt 3.949 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 2,0%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng ước đạt 22.776 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực Nhà nước tăng 2,3%; tập thể tăng 6,7%; cá thể tăng 9,6%; tư nhân tăng 12,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,3%. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng ước tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Phân theo ngành kinh tế, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng ước đạt 18.814 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 1.697 tỷ đồng, tăng 6,9%; doanh thu dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 5,6 tỷ đồng, tăng 5,8%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 2.260 tỷ đồng, tăng 9,6%.

5.2. Vận tải hành khách và hàng hóa

Vận chuyển hành khách 6 tháng đầu năm ước đạt 11,8 triệu hành khách, tăng 10,5% so với cùng kỳ; luân chuyển đạt 693,9 triệu hành khách.Km, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước.

Vận chuyển hàng hóa 6 tháng năm nay ước đạt 32,8 triệu tấn, tăng 9,1% so với năm trước; luân chuyển đạt 2.285,8 triệu tấn.Km, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đường bộ ước đạt 18,0 triệu tấn, chiếm 55,0% và tăng 10,4% (luân chuyển chiếm 31,3% và tăng 10,8%); đường sông ước đạt 14,4 triệu tấn, chiếm 44,0% và tăng 8,0% (luân chuyển chiếm 60,8% và tăng 7,9%); đường biển đạt 0,3 triệu tấn, chiếm 1,1% và giảm 4,8% (luân chuyển chiếm 7,9% và giảm 5,9%).

Trong 6 tháng đầu năm doanh thu vận tải ước đạt 3.512 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vận tải đường bộ ước tăng 10,7%; vận tải đường thủy ước tăng 6,7%; kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước tăng 8,7%.

5.3. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng(CPI) tháng 6 giảm 0,28% so với tháng trước; so với cùng kỳ (tháng 6/2016) tăng0,79%. Bình quân 6 tháng đầu năm so với CK năm trước tăng 3,49%.

Nguyên nhân làm cho chỉ số tháng này giảm nhẹ chủ yếu là do nhóm hàng lương thực, thực phẩm, ga đun, xăng, dầu... giảm: giá thịt lợn vẫn ở mức thấp, chưa có dấu hiệu khởi sắc; giá gạo các loại giảm khoảng 500 đồng/kg do lúa vụ chiêm được mùa; giá xăng, dầu tiếp tục điều chỉnh giảm (ngày 05/6 và ngày 20/6).

6. Tai nạn giao thông

Tháng 5/2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 vụ tai nạn và va chạm giao thông làm chết 10 người, bị thương 20 người. Năm tháng đầu năm 2017 xảy ra 69 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 54 người và bị thương 54 người; so với cùng kỳ năm 2016, tai nạn giao thông giảm 26 vụ (-32,5%), giảm 23 người chết (-29,9%) và tăng 20 người bị thương (59,0%)./.


Cục Thống kê tỉnh Hải Dương

    Tổng số lượt xem: 2664
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)