I. BỐI CẢNH CHUNG
Trong năm 2012, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng nhờ xác định đúng mục tiêu và triển khai tổ chức thực hiện chủ động, tích cực, có hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp, cùng với sự phấn đấu, nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, nền kinh tế nước ta đã đạt được những kết quả tích cực: Lạm phát kiềm chế ở mức thấp; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; an sinh xã hội được bảo đảm.
Trong bối cảnh chung của nền kinh tế đất nước, hoạt động của các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế ven biển (KKT) đặc biệt là các doanh nghiệp trong KCN, KKT cũng gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, nổi bật trong năm 2012 là các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã kiên quyết thực hiện nhiều giải pháp, chính sách quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, KKT. Để tăng cường hiệu quả của các KCN, KKT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 470/NQ-UBTVQH13 ngày 27/2/2012 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các KKT, KKT cửa khẩu, trong đó xác định những định hướng phát triển KKT trong thời gian tới. Sau Hội nghị tổng kết 20 năm phát triển KCN, KCX, KKT, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/3/2012 về chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KKT, KCN, cụm công nghiệp. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, tình hình xây dựng và phát triển KCN, KKT cũng tuy gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn chung vẫn đạt được một số kết quả tích cực, hoạt động của các KCN, KKT và doanh nghiệp trong KCN, KKT đi vào nề nếp hơn.
II. TÌNH HÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KCN, KKT NĂM 2012
1. Về tình hình thành lập mới và mở rộng KCN
Trong năm 2012 có 08 dự án đầu tư phát triển KCN được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, tổng diện tích đất tự nhiên KCN tăng thêm trong năm 2011 là 1.068 ha. Tổng vốn đầu tư đăng ký của 08 dự án phát triển kết cấu hạ tầng KCN đạt hơn 5.340 tỷ đồng và 50 triệu USD.
Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 289 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 80.718 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 52.000 ha, chiếm khoảng 65% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, 179 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 51.000 ha và 110 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 29.000 ha. Các KCN được phân bố trên 59 tỉnh, thành phố trên cả nước, tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ (chiếm 33% về số lượng và 43% về tổng diện tích), vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm 25% về số lượng và 20% tổng diện tích).
2. Về tình hình thành lập KKT.
Trong năm 2012, không bổ sung hay thành lập mới các KKT. Số lượng các KKT đã thành lập trên cả nước đến hết năm 2012 là 15 khu, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước của 15 KKT này là hơn 697.800 ha (tăng hơn 35.500 ha do sáp nhập KCN Việt Nam – Singapore vào KKT Đình Vũ Cát Hải, làm tăng diện tích KKT này từ 21.600 ha lên 22.119 ha và mở rộng KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi từ 10.300 ha lên 45.332 theo Quyết định số 38/2012/QĐ-TTg ngày 02/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ).
3. Tình hình xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, KKT
- Tình hình xây dựng kết cấu hạ tầng KCN:
Đến cuối năm 2012, trong số 289 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN trên cả nước, có 26 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 153 dự án đầu tư trong nước đã hoàn thành xây dựng cơ bản và đi vào hoạt động, các dự án còn lại đang trong giai đoạn triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản.
Tổng vốn thực hiện của các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN lũy kế đến cuối năm 2012 đạt 2,8 tỷ USD và 151,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó vốn thực hiện của các dự án đã vận hành đạt hơn 1,2 tỷ USD và 70.000 tỷ đồng. Các KCN đang xây dựng cơ bản chủ yếu là các KCN được thành lập từ năm 2009 trở lại đây.
- Tình hình xây dựng kết cấu hạ tầng KKT:
Đến hết năm 2012, tổng số vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các KKT ven biển trên cả nước là gần 250.000 tỷ đồng trong đó vốn đầu tư trong nước khoảng 75.000 tỷ đồng (chiếm 30% tổng vốn đầu tư), vốn đầu tư nước ngoài đạt xấp xỉ 175.000 tỷ đồng (chiếm 70% tổng vốn đầu tư).
Với diện tích lớn, mới được thành lập, vì vậy, các KKT ven biển đều đang trong giai đoạn đầu tư, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bước đầu đã hoàn thành một số công trình hạ tầng quan trọng để hoạt động, cụ thể như sau:
+ Các KKT ven biển: Vân Đồn, Đình Vũ - Cát Hải, Nghi Sơn, Đông Nam Nghệ An, Vũng Áng, Dung Quất, Chu Lai, Nhơn Hội, Chân Mây Lăng Cô đã tích cực triển khai và đưa vào sử dụng một số công trình quan trọng đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, gồm: một số tuyến đường giao thông trục chính, hệ thống cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, hạ tầng khu tái định cư, hạ tầng KCN … mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển của khu vực.
+ Các KKT ven biển khác như Vân Phong, Hòn La, Vân Đồn, Định An chủ yếu tập trung công tác lập quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư.
4. Tình hình thu hút đầu tư vào các KCN, KKT.
Mặc dù, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước năm 2012 còn gặp nhiều khó khăn, tình hình thu hút đầu tư trong và ngoài nước có xu hướng giảm so với năm 2011; tuy nhiên tình hình thu hút đầu tư vào các KCN, KKT vẫn có chuyển biến tích cực, có mức tăng trưởng khá, đặc biệt trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong năm 2012, các KCN, KKT của cả nước đã thu hút được 7,78 tỷ USD tăng 8% so với cùng kỳ năm 2011 (mặt bằng chung của cả nước giảm 15%), bằng 60% tổng vốn FDI của cả nước trong năm 2012, bằng 85% tổng vốn FDI thu hút được trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo.
Tình hình thu hút đầu tư vào các KCN, KKT trong cả nước năm 2012 cụ thể như sau:
4.1. Tình hình thu hút đầu tư vào các KCN.
a. Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài vào các KCN
Trong năm 2012, cácKCN của cả nước đã thu hút được 366 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4.017 triệu USD, tăng 18% về số lượng dự án, tuy nhiêm giảm 6% về tổng vốn đầu tư so với năm 2011. Điều chỉnh tăng vốn cho 329 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm là hơn 2.840 triệu USD, bằng 131% so với năm 2011. Tính chung, tổng số vốn đầu tư nước ngoài tăng thêm trong năm 2012 đạt 6.860 triệu USD (tăng 6% so với năm 2012). So sánh với tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2012 của cả nước, tổng vốn đầu tư của các dự án FDI được cấp mới trong KCN bằng 51% của cả nước, các dự án FDI tăng vốn bằng 55% của cả nước; tổng vốn đầu tư tăng thêm (cấp mới và tăng vốn) trong năm 2012 của các KCN chiếm 53% tổng vốn đầu tư FDI của cả nước, bằng 76% vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp, chế tạo.
Lũy kế đến cuối tháng 12/2012 các KCN trong cả nước đã thu hút được 4519 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 60.300 triệu USD, tổng vốn đầu tư đã thực hiện đạt 32.400 triệu USD, bằng 54% tổng vốn đầu tư đăng ký (tăng 13% vốn với năm 2011).
- Xét theo địa phương: Tính đến thời điểm hiện tại, Đồng Nai là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với 1.170 triệu USD, chiếm 17% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1.162 triệu USD, chiếm 17%. Bắc Giang đứng thứ 3, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt hơn 919 triệu USD, bằng 13% cả nước.
Tính chung 10 địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư vào các KCN, tổng vốn đầu tư đã thu hút trong năm 2011 là 5.694 triệu USD (bằng 83%).
Biểu 1: Các địa phương dẫn đầu về thu hút ĐTNN vào các KCN
STT
|
Địa phương
|
Đầu tư nước ngoài trong KCN
|
Cấp mới
|
Tăng vốn
|
Tổng vốn tăng thêm (tr. USD)
|
Số DA
|
Vốn ĐK (tr. USD)
|
Số DA
|
Vốn ĐK (tr. USD)
|
1
|
Đồng Nai
|
48
|
642,22
|
62
|
528,4
|
1170,62
|
2
|
Bắc Ninh
|
40
|
1031
|
16
|
131
|
1162
|
3
|
Bắc Giang
|
15
|
44,31
|
4
|
875,08
|
919,39
|
4
|
Hà Nội
|
22
|
335,6
|
23
|
169,7
|
505,3
|
5
|
Bà Rịa Vũng Tàu
|
15
|
411,5
|
7
|
64,7
|
476,2
|
6
|
Bình Dương
|
63
|
129
|
46
|
261
|
390
|
7
|
Quảng Ninh
|
2
|
347,44
|
2
|
21,03
|
368,47
|
8
|
Hưng Yên
|
19
|
213
|
12
|
92
|
305
|
9
|
Hồ Chí Minh
|
20
|
33
|
38
|
174,51
|
207,47
|
10
|
Tây Ninh
|
6
|
104
|
13
|
86
|
190
|
Tổng cộng
|
250
|
3291
|
223
|
2403,42
|
5694,45
|
- Xét theo Vùng thì Vùng Đồng bằng Sông Hồng là vùng thu hút được nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt trên 2.680 triệu USD, chiếm 39% tổng vốn đầu tư đăng ký cả nước. Vùng Đông Nam Bộ đứng vị trí thứ hai, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm trong năm 2012 đạt hơn 2.434 triệu USD, chiếm 36%. Do đặc điểm về vị trí địa lý và môi trường đầu tư, tình hình thu hút đầu tư tại khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long còn khiêm tốn, với tổng vốn ĐTNN năm 2011 đạt 28 triệu USD và 438 triệu USD.
- Một số dự án đáng chú ý được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong 11 tháng đầu năm 2012: dự án đầu tư giai đoạn 2 của Samsung tại KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh với tổng vốn tăng thêm 830 triệu USD; dự án tăng vốn mở rộng sản xuất thêm 870 triệu USD của Công ty TNHH Wintex Việt Nam tại KCN Quang Châu, tỉnh Bắc Giang; dự án của Công ty TNHH sản xuất Toàn cầu LIXIL Việt Nam tại KCN Long Đức, tỉnh Đồng Naivới tổng vốn đầu tư 441 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất sợi tại KCN Hải Yên, TP Móng Cái, Quảng Ninh của nhà đầu tư Hồng Kông với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD; dự án Công ty TNHH Thép KYOEI Việt Nam của nhà đầu tư Nhật Bản tại KCN Khánh Phú, tỉnh Ninh Bình với tổng vốn đầu tư 184,4 triệu USD.
b. Tình hình thu hút đầu tư trong nước vào các KCN:
Về tình hình thu hút đầu tư trong nước, trong 12 tháng đầu năm, các KCN đã thu hút được 336 dự án với tổng vốn đăng ký 38.900 tỷ đồng và điều chỉnh tăng vốn cho 85 dự án với tổng vốn tăng thêm 7.080tỷ đồng.Như vậy, trong gần 12 tháng đầu năm tổng vốn đầu tư trong nước thu hút được đạt xấp xỉ 46.000 tỷ đồng, giảm 25% so với năm 2011.
Tính lũy kế đến hết tháng 12/2012, các KCN cả nước đã thu hút được 5.063dự án đầu tư trong nướcvới tổng vốn đăng ký gần 530.040 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 242.630 tỷ đồng, bằng 46% vốn đăng ký.
Tổng vốn đầu tư trong và ngoài nước vào KCN tương đương 87 tỷ USD, trung bình 3,6 triệu USD/ha đất công nghiệp đã cho thuê, cao hơn tỷ lệ tương tự vào thời điểm cuối năm 2005 (gần 2 triệu USD/ha) và cuối năm 2001 (1,2 triệu USD/ha).
Tính đến hết năm 2012, các KCN trên cả nước đã cho thuê được 24.100 ha đất công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 46%. Riêng các KCN đã đi vào hoạt động đạt tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê 65%.
4.2. Tình hình thu hút đầu tư vào các KKT
Trong năm 2012, các KKT ven biển đã cấp mới cho 15 dự án đầu tư FDI và 116 dự án đầu tư DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 888 triệu USD và 44,7 nghìn tỷ đồng; tăng vốn cho 6 dự án đầu tư FDI và 21 dự án đầu tư DDI với vốn tăng thêm là 26,3 triệu USD và 7,37 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Như vậy, trong năm 2012, các KKT đã thu hút được 917,77 triệu USD và hơn 52 nghìn tỷ đồng.
Một số dự án tiêu biểu đã thu hút trong năm 2012: dự án sản xuất và xuất khẩu 100% sản phẩm lốp cao su do Nhật Bản đầu tư tại KCN Đình Vũ, Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 574,8 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất thuốc của Công ty TNHH Công nghiệp Nipro Pharma Việt Nam tại KCN VSIP với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD... Tính lũy kế các KKT cả nước hiện thu hút được 150 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 38 tỷ USD và 600 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 410 nghìn tỷ đồng.
Luỹ kế đến nay, các KKT ven biển đã thu hút được 27,5 tỷ USD vốn FDI và gần 414 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tổng diện tích đất đã cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất trong KKT ven biển khoảng trên 20.000 ha, chiếm gần 40% tổng diện tích đất dành cho sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ trong KKT ven biển; trong đó có khoảng 7.000 ha đã triển khai các dự án thứ cấp. Trong đó, có một số dự án lớn và quan trọng tại KKT Nghi Sơn, KKT Vũng Áng, KKT DungQuất gồm nhà máy lọc dầu số 1 và số 2, Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Formossa, nhà máy cơ khí nặng Doosan, các nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn và Vũng áng, cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong... Đây là các dự án hứa hẹn sẽ mang lại thế và lực mới cho các ngành công nghiệp nặng của nước ta.
5. Tình hình sản xuất kinh doanh
Mặc dù vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới, tình hình thu hút đầu tư đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào KCN, KKT đã đạt được những kết quả khả quan, dần phục hồi tốc độ tăng trưởng so với giai đoạn trước khủng hoảng.
Các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của các KCN, KKT cả nước trong năm 2012 đã đạt mức tăng trưởng cao, theo đó:
- Doanh thu: Các doanh nghiệp KCN đã đạt tổng doanh thu trên 60 tỷ USD (tăng 57% so với năm 2011) và 86,73 nghìn tỷ đồng (tăng gần 20.000 tỷ đồng so với năm 2011).
- Giá trị xuất nhập khẩu: Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của các doanh nghiệp đạt xấp xỉ 38 tỷ USD và 37,7 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2011, bằng 33% so với giá trị xuất nhập khẩu của cả nước năm 2012.
- Đóng góp NSNN: Các doanh nghiệp cũng đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước với 30,5 nghìn tỷ đồng và 416 triệu USD (tăng hơn 15% so với năm 2011).
Các KKT ven biển mặc dù được thành lập chưa lâu nhưng đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của địa phương. Riêng trong năm 2012, các KKT ven biển đạt tổng doanh thu 8,8 tỷ USD và 23 nghìn tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2011), giá trị xuất nhập khẩu đạt hơn 3,9 tỷ USD, đóng góp vào ngân sách nhà nước 21,4 nghìn tỷ đồng (tăng 1.400 tỷ đồng với cùng kỳ 2011). Bên cạnh các lợi ích kinh tế, các KKT ven biển còn tạo điều kiện cho các địa phương giải quyết việc làm, thu hút lao động có trình độ tay nghề cao. Đến nay, các KKT ven biển đã giải quyết việc làm cho khoảng 56 nghìn lao động. Một số khu du lịch, nghỉ dưỡng tại các KKT ven biển đã hình thành một mặt thu hút phát triển ngành du lịch, mặt khác là nơi sinh sống của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước đến làm việc trong các KKT ven biển.
Đến cuối năm 2012, các KCN, KKT đã giải quyết việc làm cho hơn 2,15 triệu lao động trực tiếp.
6. Về công tác bảo vệ môi trường trong KCN
Về xử lý nước thải: Đến hết năm 2012, tổng số KCN đã vận hành có hệ thống xử lý nước thải tập trung là 125 KCN, chiếm 70% tổng số KCN đã vận hành, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2011. Tổng công suất xử lý nước thải của các nhà máy hiện có là 382 nghìn m3/ng.đ, đáp ứng được lượng nước thải hiện có của các doanh nghiệp trong KCN. Ngoài ra, có hơn 19 KCN đang xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế là 45,5 nghìn m3/ng.đêm. Trong thời gian tới, các địa phương cũng đã lập kế hoạch để xây dựng mới và mở rộng thêm 66 nhà máy XLNT với tổng công suất 257 nghìn m3/ng.đêm. Như vậy, trong trường hợp tất cả các KCN được lấp đầy 100%, thì công suất xử lý nước thải của các nhà máy XLNT hiện có và sẽ xây dựng về cơ bản sẽ đáp ứng lượng nước thải trong KCN, đảm bảo môi trường cho KCN và các khu vực xung quanh.
Về xử lý chất thải rắn: Đa số các doanh nghiệp trong KCN đã có biện pháp phân loại và lưu giữ tạm thời trước khi thu gom đến nơi xử lý. Một số KCN đã tổ chức thu gom, xử lý chất thải tập trung. Do vậy, về cơ bản, việc thu gom, xử lý chất thải rắn được đảm bảo.
7. Về việc xây dựng nhà ở công nhân
Hiện nay, số công nhân lao động đang làm việc trong các KCN, KCX trên cả nước là hơn 1,8 triệu người, trong đó khoảng 80% là lao động nhập cư. Tại Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa- Vũng Tàu tỷ lệ này thường từ 87- 92%. Tuy nhiên, vấn đề lưu trú của công nhân, người lao động nhập cư trong KCN, KCX chủ yếu là thuê nhà do tư nhân xây và cho thuê (chiếm khoảng 90%). Loại nhà này thực tế mới chỉ giải quyết phần trước mắt là có chỗ ở, còn về chất lượng ở và các công trình phục vụ công cộng là rất thấp, tính ổn định của loại hình lưu trú này là không cao. Đối với loại hình xây dựng Nhà do công ty kinh doanh xây dựng, nhà ở do doanh nghiệp xây dựng: tại một số KCN có tỷ lệ lấp đầy cao, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng nhiều lao động, việc xây dựng nhà ở công nhân cũng đã được triển khai và góp phần giải quyết chỗ ở cho một phần người lao động trong KCN, như KCN Long Hậu (Long An), Công ty TNHH Điện tử Samsung Việt Nam (KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), Công ty Formosa (KCN Nhơn Trạch 3, tỉnh Đồng Nai) là những mô hình cần khuyến khích, nhân rộng trong thời gian tới.
8. Nhận xét và đánh giá tình hình xây dựng và phát triển KCN, KKT
8.1. Kết quả
- Cơ chế, chính sách phát triển KCN, KKT đã dần được hoàn thiện theo hướng tăng cường phân cấp cho các Ban quản lý KCN, KKT thực hiện quản lý Nhà nước KCN, KKT trên các lĩnh vực.
- Ban quản lý các KCN, KKT đã dần ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự và nâng cao năng lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ mới được phân cấp.
- Các KCN, KKT đóng góp ngày càng lớn vào phát triển kinh tế – xã hội địa phương, góp phần tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế-lao động theo hướng công nghiệp hóa, giải quyết việc làm.
- Các địa phương có điều kiện thuận lợi đã chủ động định hướng thu hút các dự án đầu tư phù hợp với lợi thế so sánh của địa phương; các dự án có hàm lượng công nghệ và vốn cao để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
8.2. Hạn chế
- Vấn đề bảo vệ môi trường KCN tuy đã được cải thiện, song vẫn còn tồn tại một số KCN, doanh nghiệp KCN chưa tuân thủ nghiêm túc pháp luật về môi trường. Việc phối hợp kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường KCN, KKT của các cơ quan Nhà nước chưa thật chặt chẽ.
- Cơ cấu đầu tư, lao động trong các KCN, KKT chưa thực sự hợp lý, hàm lượng công nghệ, lao động tri thức trong các KCN, KKT còn hạn chế.
- Công tác quy hoạch KCN và tuân thủ các điều kiện quy hoạch, thành lập KCN của các địa phương còn hạn chế.
- Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của một số KCN còn gặp khó khăn, không hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
- Vấn đề nhà ở, điều kiện sống, làm việc của người lao động trong KCN vẫn chưa có giải pháp thực sự hữu hiệu.
- Công tác xây dựng hạ tầng KKT còn chậm; huy động các nguồn vốn cho phát triển hạ tầng KKT còn gặp nhiều khó khăn.
8.3. Định hướng, giải pháp phát triển KCN, KKT
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển KCN, KKT gắn với giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường, để đảm bảo tính bền vững.
- Tập trung ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, ít ảnh hưởng đến môi trường, giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động địa phương.
- Quy hoạch KCN gắn với quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư và các quy hoạch ngành đảm bảo hiệu quả thu hút đầu tư, điều kiện sinh hoạt, ăn ở và dịch vụ khác phục vụ cho doanh nghiệp KCN và người lao động trong KCN.
- Phát triển về số lượng và quy mô KCN cần phù hợp và hài hoà với điều kiện phát triển thực tế của địa phương, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất KCN; nghiên cứu xây dựng thí điểm một số KCN chuyên sâu dành cho một số đối tác quan trọng đầu tư vào Việt Nam.
- Tiếp tục tập trung đầu tư phát triển nhóm các KKT được ưu tiên lựa chọn nhằm sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng và phát huy hiệu quả
- Xem xét, sửa đổi chính sách phát triển KKT hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong KKT, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
III. TÌNH HÌNH PHÂN BỔ VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH VỐN ĐÀU TƯ PHÁT TRIỂN THUỘC NSNN VÀ TPCP NĂM 2013
Trong kế hoạch đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2013, trên cơ sở Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 18/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN năm 2013 và kế hoạch đầu tư từ NSNN 3 năm 2013-2015 và công văn hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Vụ quản lý các KKT đã tiến hành rà soát và xem xét bố trí vốn cho các dự án đáp ứng các tiêu chí như sau:
(1) Chỉ bố trí vốn cho các dự án có đầy đủ thủ tục thẩm định nguồn vốn, phê duyệt dự án theo quy định.
(2) Các dự án thuộc đối tượng hỗ trợ theo các Quyết định số 126/2009/QĐ-TTg (KKT ven biển), 43/2009/QĐ-TTg (KCN) và 60/2010/QĐ-TTg (CCN).
(3) Ưu tiên bố trí cho các công trình, dự án hoàn thành năm 2012, 2013, sau đó đến các công trình, dự án chuyển tiếp.
(4) Các dự án khởi công mới phải là những dự án hạ tầng quan trọng, cấp bách đối với KKT, KCN, CCN.
(5) Dành 65% tổng nguồn vốn KKT ven biển cho các KKT được lựa chọn ưu tiên đầu tư.
(7) Đối với KCN, bố trí vốn tập trung cho các KCN đểhoàn thành mức hỗ trợ tối đa theo quy định tại Quyết định số 43/2009/QĐ-TTg./.
Trên cơ sở các nguyên tắc nêu trên, việc bố trí vốn KH2013 để phát triển kết cấu hạ tầng các KKT ven biển, KCN và CCN cụ thể như sau:
- Đối với KKT ven biển: tổng cộng 72 dự án với tổng vốn bố trí 2.116 tỷ đồng, trong đó có 24 dự án hoàn thành (440 tỷ đồng), 31 dự án chuyển tiếp (1.159 tỷ đồng) và 17 dự án khởi công mới (517 tỷ đồng, chiếm 24% tổng vốn bố trí).
- Đối với KCN: tổng cộng 28 dự án với tổng vốn bố trí 414 tỷ đồng, trong đó có 9 dự án hoàn thành mức vốn tối đa theo quy định (142 tỷ đồng), 19 dự án chuyển tiếp (272 tỷ đồng), không có dự án hạ tầng KCN mới khởi công được bố trí vốn.
- Đối với CCN: tổng cộng có 24 dự án với tổng vốn bố trí 55 tỷ đồng, toàn bộ là dự án chuyển tiếp.
Về cơ bản, ngay sau khi có Quyết định giao vốn kế hoạch 2013 của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương đã tích cực triển khai các dự án được giao vốn trong năm kế hoạch, và cam kết giải ngân đúng thời gian theo quy định.
IV. DỰ BÁO TÌNH HÌNH ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN KCN, KKT NĂM 2013
Năm 2013, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có chuyển biến theo hướng tích cực, tình hình FDI trên thế giới dự báo sôi động hơn, dự kiến các KCN sẽ thu hút được thêm khoảng 6,5-7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và 50-55.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, nâng tổng số dự án trong KCN đến cuối 2012 đạt 10.000 dự án trong đó có 4.700 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 5.300 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 63 tỷ USD và 580 ngàn tỷ đồng.
Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của KCN dự kiến sẽ tăng khá so với năm năm 2012 (khoảng 5%). Dự kiến doanh thu của các doanh nghiệp KCN (kể cả trong nước và nước ngoài) trong năm 2012 ước đạt 63-65 tỷ USD; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 39 - 41 tỷ USD, giá trị nhập khẩu đạt khoảng 38-40 tỷ USD; nộp ngân sách đạt khoảng 40 nghìn tỷ đồng và thu hút khoảng 2,2 triệu lao động trực tiếp./.
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư