Những kết quả đạt được trong năm 2017 vừa qua cùng với việc triển khai thực hiện các đề án của Tỉnh ủy là tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2018. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 trong bối cảnh kinh tế tiếp tục xu hướng cải thiện tích cực. Những kết quả đạt được trong năm 2017 vừa qua cùng với việc triển khai thực hiện các đề án của Tỉnh ủy là tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2018. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực sản lượng đã tiệm cận năng lực sản xuất và chịu sức cạnh tranh gay gắt trên thị trường như: Lắp ráp ô tô, sản xuất thép, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi còn tiềm ẩn nhiều khó khăn. Thời tiết, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường có thể tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Một số vấn đề xã hội còn nổi cộm, bức xúc tiếp tục đặt ra trách nhiệm tập trung giải quyết của các cấp, các ngành, địa phương.
I. Kinh tế
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
1.1. Trồng trọt
Nhiệm vụ trọng tâm của sản xuất nông nghiệp tháng 01/2018 là tập trung thu hoạch rau mầu vụ đông, chăm sóc mạ, bơm nước đổ ải, làm đất gieo trồng cây vụ chiêm xuân.
Vụ đông năm 2018, toàn tỉnh gieo trồng được 21.435 ha, đạt 97,4 % so với kế hoạch (KH 22.000 ha), giảm 1,7% (-374 ha) so với vụ đông năm 2017. Nguyên nhân là do thời tiết đầu vụ đông năm nay mưa nhiều, đất ấm ướt khâu làm đất gặp nhiều khó khăn nên nhiều diện tích rau màu gieo trồng ở vụ đông sớm không thực hiện được; một số diện tích gieo trồng tận dụng trong các khu công nghiệp đã bị thu hồi để đầu tư xây dựng nhà xưởng (TP Hải Dương bị thu hồi 3 ha khu công trình Hồ điều hòa ở phường Bình Hàn,...); thị trường tiêu thụ nông sản bấp bênh, giá cả không ổn định nên bà con nông dân không mạnh dạn để mở rộng diện tích gieo trồng; nguồn lao động trong nông nghiệp thiếu hụt, do nông dân dịch chuyển sang khu vực công nhân cho các nhà máy công nghiệp, dịch vụ nhằm mang lại thu nhập cao hơn.
Một số cây trồng có diện tích gieo trồng giảm nhiều so với vụ đông năm 2017 như: cây ngô giảm 380 ha, hành củ giảm 376 ha, tiếp đến là bí xanh giảm 169 ha, cà chua giảm 94 ha, rau sa lát giảm 84 ha, khoai tây giảm 79 ha, dưa lê giảm 67 ha, bắp cải giảm 57 ha và củ đậu giảm 42 ha... Nguyên nhân là do diễn biến thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều gây khó khăn cho khâu làm đất. Bên cạnh đó, do việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ còn ít, giá bán bấp bênh, thiếu ổn định nên bà con nông dân không mạnh dạn mở rộng diện tích gieo trồng.
Bên cạnh một số cây trồng có diện tích gieo trồng giảm thì một số cây trồng vụ đông năm nay tăng so với vụ đông năm 2017 như: tỏi tươi các loại tăng 187 ha, cây sắn dây tăng 178 ha, cải các loại tăng 147 ha và hành hoa tăng 80 ha...Nguyên nhân là do thời tiết đầu vụ đông mưa nhiều đất ẩm ướt ảnh hưởng đến khâu làm đất và trồng một số loại rau vụ đông sớm, vì vậy, nhiều diện tích gieo trồng đã được chuyển đổi cơ cấu sang trồng các loại cây trồng khác nhằm phù hợp với thời vụ gieo trồng. Ngoài ra, một số diện tích bãi ven đê được tận dụng chuyển đổi trồng sắn dây mang lại hiệu quả kinh tế cao, như huyện Kinh Môn.
Cơ cấu cây trồng vụ đông năm 2018 tiếp tục được dịch chuyển tích cực theo hướng mở rộng diện tích cây rau đậu có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ, quy vùng sản xuất hàng hoá tập trung theo nhu cầu thị trường, nhất là cung cấp cho các thành phố lớn và khu vực miền trung. Trong cơ cấu rau màu vụ đông đã có sự phân chia giữa các địa phương, tạo ra nét riêng biệt góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và hình thành những vùng sản xuất chuyên canh như: huyện Kinh Môn, Nam Sách trồng hành củ và mủa; huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành chuyên trồng các loại rau su hào, bắp cải, súp lơ, củ đậu; huyện Nam Sách, Cẩm Giàng chuyên trồng cà rốt....
Nhóm cây rau, đậu, hoa, cây cảnh có diện tích gieo trồng lớn nhất 18.105 ha, chiếm tỷ trọng 84,5% tổng diện tích gieo trồng, tiếp đó là nhóm cây lương thực có hạt 1.508 ha, chiếm 7,0%, nhóm cây chất bột có củ 1.088 ha, chiếm 5,1%, các nhóm cây còn lại chiếm tỷ nhỏ. Cụ thể:
Trong tổng diện tích gieo trồng, nhóm rau các loại có diện tích gieo trồng lớn nhất là các loại đạt 17.869 ha, chiếm 83,4% tổng diện tích gieo trồng vụ đông, giảm 0,9 % (-170 ha) so với vụ đông 2017. Trong số rau các loại: hành củ 5.113 ha, chiếm 29,0% diện tích rau các loại; bắp cải 1.715 ha, chiếm 9,7%; cải các loại 1.682 ha, chiếm 9,5%; su hào 1.415 ha, chiếm 8,0 %; cà rốt 1.170 ha, chiếm 6,6 %, khoai tây 942 ha chiếm 5,3%,...
So với vụ đông năm 2017, một số huyện có diện tích gieo trồng vụ đông 2018 tăng như: huyện Kinh Môn tăng 4,4 %(+190 ha); Tứ Kỳ tăng 3,4 % (+69 ha); Thanh Hà tăng 1,4% (+16 ha); Thanh Miện tăng 0,7% (+8 ha);....
Hiệu quả sản xuất vụ đông năm nay đạt khá. Ước tính trừ chi phí thu nhập một sào bắp cải, su hào, súp lơ giao động từ 5 đến 7 triệu đồng/sào. Đặc biệt, cây hành hoa vụ đông năm nay giá bán khá cao cho thu nhập từ 11 - 13 triệu đồng/sào.
1.2. Chăn nuôi
Chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn do giá bán thịt hơi duy trì ở mức thấp, người chăn nuôi thua lỗ thu hẹp quy mô sản xuất; đàn trâu có xu hướng giảm do hiệu quả chăn nuôi thấp.
Tổng đàn trâu của toàn tỉnh ước đạt 4.197 con, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước; Đàn bò ước đạt 20.900 con, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Đàn lợn thịt của toàn tỉnh ước đạt 486.300 con, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước.
1.3. Thuỷ sản
Nuôi trồng thuỷ sản phát triển ổn định, không có dịch bệnh, giá bán sản phẩm các loại thủy sản ổn định, hiệu quả nuôi trồng thủy sản đạt khá; phương thức nuôi cá lồng bè vẫn được duy trì và phát triển khá do phương thức nuôi lồng bè đem lại hiệu quả kinh tế cao, với các chủng loại cá đa dạng như: Diêu hồng, Rô phi đơn tính, Trắm cỏ, Cá chép nuôi giòn... Diện tích thuỷ sản đang nuôi ước đạt 11.200 ha, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2017. Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 5.760 tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ 2017. Công tác quản lý môi trường ao nuôi và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản được duy trì thường xuyên, nên dịch bệnh phát sinh ở mức độ nhẹ, rải rác.
2. Sản xuất công nghiệp
Trước những kết quả đạt được trong năm 2017, sản xuất công nghiệp năm 2018 tiếp tục hứa hẹn tăng trưởng ổn định.
So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng này ước tính giảm 0,9% và giảm ở tất cả các ngành, cụ thể: công nghiệp khai khoáng giảm 8,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,3%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 11,9%; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải giảm 3,2%.
So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01 năm 2018 tăng 19,5%; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,8%; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 15,8%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 13,1%; và cuối cùng là ngành khai khoáng tăng 0,2%.
Nguyên nhân là do cùng với việc môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện và có nhiều yếu tố thuận lợi cho sản xuất, năm nay còn có thời gian nghỉ tết Âm lịch rơi vào giữa tháng 02 trong khi năm trước là cuối tháng 01, vì vậy so với cùng kỳ sản xuất công nghiệp tháng 01 của tỉnh tăng khá cao 19,5% và tăng ở hầu hết các ngành, điển hình như: sản xuất thực phẩm tăng 7,5%; sản xuất đồ uống tăng 75,2%; sản xuất trang phục tăng 34,1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 39,7%; sản xuất than cốc tăng 4,2%; sản xuất cao su và plastic tăng 34,2%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 18,7%; sản xuất kim loại tăng 10,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 41,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 38,7%; sản xuất thiết bị điện tăng 35,8%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 9,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 11,0%....
Năm 2017 với nhiều kết quả tích trong sản xuất công nghiệp, là nền tảng cho tăng trưởng năm 2018; tuy nhiên, để duy trì mục tiêu “tiếp tục hồi phục và phát triển cao hơn năm trước”, trong năm 2018 ngoài những nỗ lực đến từ phía doanh nghiệp cũng cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
3. Hoạt động đầu tư
Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 12 năm 2017 đạt 182,8 tỷ đồng, giảm 21,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 111,4 tỷ đồng đạt 13,8% so với kế hoạch năm, giảm 22,4% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện, xã đạt 71,4 tỷ đồng, đạt 9,3% so với kế hoạch năm, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung năm 2017, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 1.767,4 tỷ đồng, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 1.117,0 tỷ đồng, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện, xã đạt 650,4 tỷ đồng, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Các công trình trọng điểm trên địa bàn như: Đường trục Bắc - Nam, tỉnh Hải Dương đoạn tuyến phía Nam, từ nút giao đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến cầu Hiệp (giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 1.408 tỷ đồng); Đường 62m kéo dài đoạn từ Khu đô thị mới phía Tây TPHD đi huyện Gia Lộc: Đoạn tuyến bổ sung nối đường 62m kéo dài đến nút giao đường ô tô cao tốc hà Nội - Hải Phòng (giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 357 tỷ đồng); Xây dựng cầu giao thông nông thôn sử dụng vật tư thu hồi từ dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (tổng mức đầu tư 28 tỷ đồng); Cải tạo, nâng cấp đường huyện 194B, huyện Cẩm Giàng (đoạn từ Quốc lộ 5 đến cảng Tiên Kiều với tổng mức đầu tư 56 tỷ đồng); Tu bổ đê, kè, cống địa phương giai đoạn 2016-2020 (tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng); Tu bổ bờ kênh trục Bắc hưng Hải, nạo vét kênh dẫn và cải tạo, nâng cấp một số trạm bơm trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020 (tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng)...
Một số công trình đang chuẩn bị đầu tư như: Cải tạo, nâng cấp đường 389B (Km0-Km12) đoạn từ cầu An Lưu 2 đến đường 389, huyện Kinh Môn (tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng); Trung tâm văn hóa xứ Đông (tổng mức đầu tư 599 tỷ đồng); Chống ngập úng và nuôi trồng thủy sản khu vực Hưng Đạo, TX Chí Linh (tổng mức đầu tư 166 tỷ đồng)...
Bên cạnh đó, một số công trình phải tạm dừng thi công do vướng mặt bằng hoặc thiếu vốn như: Đường 392B (Km10,5-Km11,6) (tổng mức đầu tư 15,2 tỷ đồng); Đường gom KCN Cẩm Điền-Lương Điền (tổng mức đầu tư 94,4 tỷ đồng)...
Ước tháng 01 năm 2018, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 133,8 tỷ đồng, tăng 96,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 51,9 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện, xã đạt 81,9 tỷ đồng, tăng 346,5% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2017, có 48 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy phép mới với số vốn đăng ký 254,0 triệu USD. Tháng 01 năm 2018 có 04 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó có 03 dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo, 01 dự án của hoạt động kinh doanh bất động sản, được cấp giấy phép mới với số vốn đăng ký là 14,9 triệu USD.
Năm 2018 tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả đầu tư sử dụng vốn nhà nước, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, không đồng bộ và tình trạng đầu tư cả những dự án không cần thiết, kém hiệu quả, những dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư đã tồn tại từ nhiều năm. Tăng cường quản lý đầu tư từ vốn NSNN và vốn trái phiếu chính phủ, áp dụng nghiêm ngặt các chế tài trong giám sát thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc thi công không đúng thiết kế, không bảo đảm chất lượng, tập trung bố trí đủ vốn đầu tư thực hiện các dự án quan trọng, có hiệu quả kinh tế xã hội cao, tập trung đầu tư công vào một số dự án trọng điểm để tập trung phát triển kinh tế địa phương.
4. Thương mại, giá cả, dịch vụ
4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 01 năm 2018 ước đạt 4.101,3 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 1,2% và tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước; nếu loại trừ yếu tố giá tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước.
Phân theo ngành kinh tế:
- Doanh thu bán lẻ đạt 3.438,8 tỷ đồng, chiếm 83,8% cơ cấu trong tổng chung; tăng 12,0% so với cùng kỳ; trong đó, ngành lương thực, thực phẩm tăng 13,4%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 10,9%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 15,5%.
- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 282,0 tỷ đồng, chiếm 6,9% tổng mức và tăng 11,1% so với cùng kỳ.
- Doanh thu dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 3,4 tỷ đồng, chiếm 0,08% tổng mức và tăng 23,2% so với cùng kỳ.
- Doanh thu dịch vụ khác đạt 377,2 tỷ đồng, chiếm 9,2% tổng mức và tăng 24,0% so với cùng kỳ.
Công tác quản lý thị trường được tăng cường, chủ động đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, kinh doanh trái phép, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng... Công tác xúc tiến thương mại được triển khai tích cực, tổ chức các hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại, thông tin giá cả thị trường, giới thiệu những sản phẩm tiêu biểu của tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia quảng bá sản phẩm, dịch vụ tại một số hội chợ trong khu vực.
4.2. Vận tải
Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 01 năm 2018 ước đạt 668,1 tỷ đồng; so với tháng 12 năm trước tăng 4,0%; trong đó, vận tải hành khách đạt 119,3 tỷ đồng, tăng 5,9%; trong đó, vận tải hàng hoá đạt 501,4 tỷ đồng tăng 3,9%, vận tải hàng hóa đường bộ đạt 334,8 tỷ đồng, tăng 4,7%, vận tải hàng hóa đường thủy đạt 166,6 tỷ đồng, tăng 2,3%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 47,3 tỷ đồng tăng 0,2%.
Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 01 năm 2018 so với cùng kỳ tăng 10,5%; trong đó, vận tải hành khách đường bộ tăng 8,1%; vận tải hàng hóa đường bộ tăng 9,6%; vận tải hàng hóa đường thủy tăng 14,5%; dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 9,7%.
Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 01 năm 2018 ước đạt 2,2 triệu hành khách, so với tháng 12 năm trước tăng 4,9%, so với cùng kỳ tăng 10,9%; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 163,5 triệu hành khách.km, tăng 3,4% so với tháng trước, so với cùng kỳ tăng 10,6%.
Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 01 ước đạt 6,3 triệu tấn, so với tháng trước tăng 2,4% và tăng 10,2% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 418,7 triệu tấn.km, tăng 2,6% so với tháng trước, so với cùng kỳ tăng 9,1%.
5. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến hết tháng 01 năm 2018 ước đạt 511 tỷ đồng, bằng 3,5% dự toán năm và bằng 32,9% cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa 371 tỷ đồng, bằng 3,3% dự toán năm và bằng 25,8% cùng kỳ năm trước; thu qua hải quan 140 tỷ đồng, bằng 4,4% dự toán năm và bằng 123,9% cùng kỳ năm trước.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 15 tháng 01 ước đạt 170 tỷ đồng, bằng 45,7% cùng kỳ năm trước; trong đó, chi thường xuyên 140 tỷ đồng, bằng 37,6% cùng kỳ năm trước.
6. Giá cả thị trường
Chỉ số giá tiêu dùng tháng này là 100,56 tăng 0,56% so với tháng trước; so với cùng tháng năm trước là 100,68%, tăng 0,68%. Nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng tháng này tăng chủ yếu là do một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng, cụ thể như giá lợn đã phục hồi, giá đã tăng trở lại so với trước, bình quân tăng từ 5.000-10.000đ/kg và hiện tại giá thịt lợn tiếp tục tăng tăng nhẹ và lại là tháng cuối cùng của năm âm lịch, chuẩn bị đón Tết cổ truyền nên nhu cầu tiêu dùng tăng cao hơn những tháng trước.
II. Một số vấn đề xã hội
Ngày 18 tháng 01, Đại hội Công đoàn viên chức tỉnh Hải Dương lần thứ IV, nhiệm kỳ 2018-2023 khai mạc với sự tham dự của 111 đại biểu đại diện hơn 4.500 đoàn viên đến từ 48 công đoàn cơ sở. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức tỉnh khóa IV gồm 15 đồng chí.
1. Văn hóa, thể thao
Văn hóa; Năm nay, UBND tỉnh không tổ chức lễ phát động Tết trồng cây xuân Mậu Tuất mà giao cho UBND cấp huyện thực hiện. Các địa phương tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức. Thời gian thực hiện từ ngày 26.2-26.3 (tức từ 11 tháng giêng đến hết 10.2 năm Mậu Tuất). Năm 2018, toàn tỉnh phấn đấu trồng 1 triệu cây phân tán gồm 500.000 cây ăn quả và 500.000 cây lấy gỗ, cây phong cảnh, bóng mát. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương trồng tập trung, không trồng rải rác gây khó khăn cho việc chăm sóc và bảo vệ cây.
Dịp Tết Mậu Tuất năm nay, UBND tỉnh quyết định chi hơn 37,1 tỷ đồng tặng quà các đối tượng chính sách và trợ cấp khó khăn cho các hộ nghèo với 64.000 suất quà (mỗi suất trị giá 500.000 đồng) tặng người có công, thân nhân người có công, người hưởng trợ cấp hằng tháng theo một số quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Năm nay, tỉnh tặng quà Tết cho tất cả các hộ nghèo ở 12 huyện, thị xã, thành phố với mức 200.000 đồng/hộ.
Triển khai kế hoạch tổ chức Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2018; theo đó, lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 25/02 - 05/3/2018 (tức 10 - 18/01 Âm lịch), trọng tâm là ngày 3.3 (tức 16 tháng giêng) diễn ra lễ khai hội và công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bia Côn Sơn tư phúc tự bi là bảo vật quốc gia.
Ngoài ra, trong khuôn khổ của lễ hội năm nay vẫn duy trì các hoạt động như Hội thi bánh chưng, bánh dày; Lễ dâng hương tại chùa Côn Sơn, đền Nguyễn Trãi, đền Kiếp Bạc; Lễ rước nước; Liên hoan pháo đất; thi đấu vật dân tộc, cờ tướng; tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc...
Thể thao; Ngoài việc tham gia các giải đấu lớn trong và ngoài nước, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra các phong trào thể dục thể thao: Giải Vật dân tộc truyền thống tại Côn Sơn trong dịp Lễ hội Xuân Đinh Dậu 2018, Giải Thể thao gia đình tỉnh Hải Dương năm 2018, Giải Cờ tướng mừng Đảng, mừng Xuân Đinh Dậu 2018; Tổ chức thi đấu giao hữu đua thuyền trải tại Hồ Bạch Đằng, chào mừng ngày thành lập Đảng (3/2).
Năm nay, Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao phấn đấu đào tạo luân phiên 320 VĐV của 20 môn thể thao; trong đó, có từ 100-110 VĐV đạt cấp I và kiện tướng quốc gia; dự kiến tham gia từ 45-50 giải thể thao quốc gia và quốc tế, phấn đấu giành từ 30-35 HCV, 40 HCB và 40 HCĐ.
2. Y tế
Năm 2018, ngành y tế tập trung vào mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, dịch bệnh, góp phần tăng tuổi thọ, nâng cao các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân.
Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, tập trung vào nhóm sản phẩm thực phẩm có nguy cơ cao và được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết và lễ hội; kiểm soát, bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm.
3. Giáo dục
Ngày 17/1/2018, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị sơ kết học kỳ I, triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2017 – 2018 và trao danh hiệu Nhà giáo ưu tú lần thứ XIV. Học kỳ I năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 943 trường học từ bậc mầm non đến THPT, với 432.789 học sinh ở 13.938 lớp, tăng 6 trường so với cùng kỳ năm học trước. 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2017 theo đúng kế hoạch. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường: Nhà trẻ đạt 34,36%; mẫu giáo đạt 97% (riêng mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%); trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%; huy động 99,9% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6; tỷ lệ thiếu niên từ 15-18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS đạt 97%.
4. Bảo vệ môi trường
Theo kế hoạch của công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương từ giữa tháng 12.2017 đến giáp tết Mậu Tuất 2018, đơn vị huy động tối đa nhân lực, phương tiện, dụng cụ lao động tổng vệ sinh trên 13 phường nội thành. Trong đó, tập trung xử lý các điểm rác thải tồn đọng, nhất là rác thải xây dựng. Đến ngày 17.1 công nhân của công ty đã dọn dẹp 36 km đường phố, thu gom, vận chuyển 780 tấn rác thải, chủ yếu là rác thải rắn.
Trong tháng Một, cơ quan chức năng đã phát hiện 13 vụ vi phạm quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, trong đó xử lý 13 vụ với tổng số tiền phạt 103,3 triệu đồng.
5. Trật tự an toàn xã hội
Về tai nạn cháy, nổ; trong tháng 1 trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ cháy, nổ không bị thương vong về người nhưng thiệt hại ước tính 158 triệu đồng.
Về tai nạn giao thông; Năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 262 vụ tai nạn và va chạm giao thông (169 vụ tai nạn và 93 vụ va chạm), làm 171 người chết và 167 người bị thương. So với năm 2016, tai nạn giao thông giảm 22 vụ (-11,5%), giảm 22 người chết (-11.4%) và tăng 16 người bị thương (11,0%). Trong đó, đường bộ xảy ra 251 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 163 người và bị thương 165 người; đường sắt xảy ra 07 vụ, làm chết 06 người; đường thuỷ nội địa xảy ra 04 vụ, làm 02 người chết, bị thương 02 người. Trong năm, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 38.947 trường hợp vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông, tước 3.427 GPLX, tạm giữ 1.814 phương tiện, phạt tiền trên 37,7 tỷ đồng; trong đó, lực lượng Công an kiểm tra, xử lý 36.887 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 23,09 tỷ đồng, tước GPLX 2.921 trường hợp; Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động kiểm tra, xử lý 339 trường hợp vi phạm, phạt tiền 8.51 tỷ đồng, tước 245 GPLX; Thanh tra Giao thông vận tải kiểm tra, xử lý 1.721 trường hợp vi phạm, phạt tiền 6,06 tỷ đồng, tước 261 GPLX.
Trên cơ sở kết quả đạt được năm 2017, mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế xã hội năm 2018 được đặt ra đó là: Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi và động lực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, duy trì nhịp tăng trưởng kinh tế; đổi mới sự nghiệp y tế, giáo dục, đào tạo nghề, khoa học công nghệ; Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản; Giải quyết những vấn đề bức xúc về môi trường, bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội; Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội./.