Mặc dù còn gặp không ít khó khăn, song tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Quý 1 năm 2017 đã đạt được một số kết quả tích cực. Sản xuất công nghiệp tăng cao, dịch vụ phát triển tốt, rau màu vụ đông năng suất khá, giá bán ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo.
I. Kinh tế
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
1.1. Trồng trọt
Vụ đông năm 2018, toàn tỉnh gieo trồng được 21.435 ha, đạt 97,4 % so với kế hoạch (KH 22.000 ha), giảm 1,7% (-374 ha) so với vụ đông năm 2017. Trong đó, giảm nhiều nhất là cây ngô (-380 ha) và hành củ (-376 ha), tiếp đến là bí xanh (-169 ha), cà chua (-94 ha), rau sa lát (-84 ha)... Nguyên nhân giảm diện tích gieo trồng những cây này là do diễn biến thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều gây khó khăn cho khâu làm đất; việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ còn ít, giá bán bấp bênh, thiếu ổn định nên bà con nông dân không mạnh dạn mở rộng diện tích gieo trồng.
Bên cạnh một số cây trồng có diện tích gieo trồng giảm thì một số cây trồng vụ đông năm nay tăng so với vụ đông năm 2017 như: tỏi tươi các loại (+187 ha), cây sắn dây (+178 ha), cải các loại (+147 ha), hành hoa (+80 ha), rau muống (+84 ha)... Nguyên nhân diện tích tăng so với vụ đông năm trước là do nhiều diện tích gieo trồng đã được chuyển đổi cơ cấu sang trồng các loại cây trồng khác nhằm phù hợp thời tiết và thời vụ gieo trồng. Ngoài ra, một số diện tích bãi ven đê được tận dụng chuyển đổi trồng sắn dây mang lại hiệu quả kinh tế cao (huyện Kinh Môn).
Sản xuất vụ chiêm xuân năm nay có những thuận lợi cơ bản đó là thời tiết nắng ấm, không có rét hại, nguồn nước đổ ải dồi dào, đồng thời các địa phương đã chủ động bơm nước đổ ải, làm đất; giống, phân bón, vật tư nông nghiệp được các ngành chuẩn bị khá đầy đủ nên hầu hết diện tích lúa, rau mầu được gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất.
Đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng xong diện tích lúa và cây rau mầu vụ chiêm xuân; tổng diện tích gieo trồng vụ chiêm xuân ước đạt 68.500 ha, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, diện tích lúa chiêm xuân ước đạt 59.018 ha; rau, màu vụ xuân ước đạt 9.482 ha. Tính đến ngày 15/3, toàn tỉnh đã chăm sóc được 58.000 ha lúa đợt 1, lúa chiêm xuân năm nay sinh trưởng và phát triển tốt hơn so với cùng kỳ năm trước.
1.2. Chăn nuôi
Chăn nuôi trong tỉnh ổn định, không xẩy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Hiện nay, Chi cục Thú y tỉnh đang triển khai công tác tiêm phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm vụ đông xuân 2017 - 2018 cho các huyện, thành phố, thị xã; trong đó, tiêm phòng vacxin dịch tả lợn đạt 380.000 liều, vacxin tụ dấu lợn đạt 320.000 liều, vacxin dại đạt 45.000 liều, vacxin tụ huyết trùng đạt trên 11.000 liều.
Tổng đàn trâu trên địa bàn tỉnh tiếp tục có xu hướng giảm, do hiệu quả chăn nuôi thấp, nhu cầu dùng sức trâu để cày kéo trong sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm, tổng đàn trâu của toàn tỉnh ước đạt 4.140 con, giảm 3,3%; Đàn bò ước đạt 20.710 con, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng đàn lợn thịt của toàn tỉnh ước đạt 522.000 con, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, giá bán thịt lợn hơi có xu hướng tăng trở lại, người chăn nuôi không còn bị thua lỗ, nhiều hộ đã đầu tư tái đàn, duy trì sản xuất, tổng đàn có xu hướng tăng so với đầu năm.
Tổng đàn gia cầm các loại (gà, vịt, ngan, ngỗng, gia cầm khác) của toàn tỉnh ước đạt 10.130 nghìn con, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước.
1.3. Lâm nghiệp
Trong quý I, toàn tỉnh đã trồng được trên 147.000 cây lâm nghiệp, cây ăn quả; những huyện có số lượng cây trồng nhiều như Chí Linh, Thanh Hà, Kinh Môn. Cây phân tán chủ yếu được trồng trong dịp đầu xuân, trồng tập trung ở các khu đô thị mới, công viên, công sở, trường học, các khu di tích, danh lam thắng cảnh, quanh bãi rác, đường làng, đường trục ngoài cánh đồng, các trang trại; các giống cây được trồng chủ yếu: sấu, lát, chẹo, bàng, bạch đàn, keo, long lão...
1.4. Thuỷ sản
Tình hình nuôi trồng thuỷ sản phát triển ổn định, công tác vệ sinh ao nuôi và phòng trừ dịch bệnh được duy trì thường xuyên nên cơ bản dịch bệnh phát sinh ở mức độ nhẹ, rải rác. Diện tích nuôi trồng thủy sản mặt nước được duy trì ổn định, với diện tích hiện có đang nuôi trồng thủy sản quý I ước đạt 11.195 ha, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2017; phương thức nuôi lồng bè tiếp tục được duy trì và mở rộng sản xuất.
Hiện nay, toàn tỉnh ước đạt trên 2.000 lồng nuôi cá; thể tích nuôi ước đạt 200.000 m3. Phương thức nuôi lồng bè đem lại hiệu quả kinh tế khá, tuy nhiên người nuôi trồng thủy sản đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên thị trường thấp, trong khi nguồn cung lại dồi dào. Sản lượng thủy sản nuôi trồng, khai thác quý I ước đạt 18.500 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ 2017.
2. Sản xuất công nghiệp
Sang tháng 3, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dần khôi phục trở lại sau tác động của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng này ước tính tăng 16,6%; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm tỷ trọng lớn nhất) tăng +17,9%.
So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 tăng 8,5%; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,4%; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 19,4%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà giảm 7,8%; ngành khai khoáng giảm ở mức giảm sâu 16%.
Một số sản phẩm có lượng sản xuất tăng là: bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket,… cho người lớn tăng 31%; áo phông (T-shirt), may ô cho người lớn tăng 20,8%; giày dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài tăng 15,4%; than cốc và bán cốc luyện từ than đá tăng 2,2%; sản phẩm bằng plastic (nhựa) tăng 34,5%; Sắt, thép không hợp kim… chưa dát, mạ, tráng tăng 4%; mạch điện tử tích hợp tăng 24,8%; máy kết hợp: in, quét, copy, fax tăng 20,7%; bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ tăng 15,5%;...
Tính chung 3 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,1%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13,8%. Trong công nghiệp chế biến, chế tạo nhiều ngành có lượng sản xuất tăng đó là: sản xuất trang phục tăng 24,1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 23,2%; sản xuất than cốc tăng 4,7%; sản xuất cao su và plastic tăng 38,6%; sản xuất kim loại tăng 9,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 22,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 32%; sản xuất thiết bị điện tăng 30,7%. Sản xuất và phân phối điện tăng 2,5%; cung cấp nước tăng 15%...
Tuy nhiên, cũng có một số sản phẩm do ảnh hưởng của nhiều yếu tố mà có lượng sản xuất giảm. Năm 2018, sản phẩm xe có động cơ giảm mạnh (-24,7%) do thuế nhập khẩu về 0% và chính sách ưu đãi cho sản xuất ô tô trong nước chưa thống nhất. Ngành sản xuất xi măng, trước sức ép từ sản phẩm nhập ngoại, một số doanh nghiệp lớn đang phải đối mặt với vấn đề thiếu nguyên liệu tại chỗ; nên sản lượng clanke xi măng giảm 13,1%, xi măng portland đen giảm 1,0%. Sản phẩm đá khai thác giảm 3,1% do nhiều vùng nguyên liệu hết hạn, giá bán thấp, chi phí sản xuất tăng cao.
3. Hoạt động đầu tư
Ngân sách địa phương đã giao chi tiết 1.480 tỷ đồng vốn đầu tư công trong cân đối cho các địa phương, đơn vị theo đúng danh mục và kế hoạch vốn do Hội đồng nhân dân quyết định; thông báo danh mục và kế hoạch vốn NSTW năm 2018 cho các chủ đầu tư theo Quyết định giao chi tiết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 312 tỷ 412 triệu đồng.
Đã giao chi tiết 1.479 tỷ 630 triệu đồng vốn đầu tư công nguồn trong cân đối ngân sách địa phương năm 2018 cho các địa phương, đơn vị theo đúng danh mục và kế hoạch vốn do HĐND quyết định; thông báo danh mục và kế hoạch vốn NSTW năm 2018 cho các chủ đầu tư theo Quyết định giao chi tiết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 312 tỷ 412 triệu đồng.
Tháng 02, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 31,9 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. Dự ước tháng 3 năm 2018, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 69,2 tỷ đồng, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 48,8 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện, xã đạt 20,3 tỷ đồng, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ước 3 tháng đầu năm, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 140,1 tỷ đồng, giảm 30,5% so với CK năm trước.
Thu hút đầu tư nước ngoài 3 tháng đầu năm đạt 185,5 triệu USD tăng 39,8% so với cùng kỳ 2017; trong đó, cấp mới cho 8 dự án với số vốn đăng ký 32,1 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 9 lượt dự án với số vốn tăng thêm 153,5 triệu USD. Trên địa bàn hiện có 370 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn 7,4 tỷ USD. Thu hút trên 170 nghìn lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp cùng hàng ngàn lao động gián tiếp khác.
Số vốn đầu tư thực hiện 3 tháng đầu năm của các doanh nghiệp FDI ước đạt 100 triệu USD tăng 2% so với cùng kỳ năm 2017; nâng tổng vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đạt 4,2 tỷ USD. Cũng trong 3 tháng đầu năm, đã quyết định chấm dứt 01 dự án FDI ngoài khu công nghiệp do nhà đầu tư không tiếp tục triển khai và đề xuất chấm dứt dự án, với tổng vốn đầu tư 5 triệu USD.
Về đầu tư trong nước, đến hết Quý 1, đã chấp thuận cho 15 dự án và điều chỉnh cho 6 dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh, với số vốn đầu tư đăng ký 1.124 tỷ đồng. Thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với 06 dự án.
Về đăng ký thành lập doanh nghiệp, đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thành lập mới cho 340 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 2.408 tỷ đồng (bằng 104,7% so với cùng kỳ năm 2017); cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 70 đơn vị trực thuộc; cấp thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho 300 lượt doanh nghiệp; có hơn 200 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động.
4. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến hết tháng 3 năm 2018 ước đạt 2.004 tỷ đồng, bằng 13,8 % dự toán năm và bằng 53,8% cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa 1.542 tỷ đồng, bằng 13,6% dự toán năm và bằng 50,7% cùng kỳ năm trước; thu qua hải quan 462 tỷ đồng, bằng 14,4% dự toán năm và bằng 67,9% cùng kỳ năm trước.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 15 tháng 3 ước đạt 3.233 tỷ đồng, bằng 103,7% cùng kỳ năm trước; trong đó, chi thường xuyên 2.472 tỷ đồng, bằng 97,8% cùng kỳ năm trước.
5. Tín dụng ngân hàng
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm cơ chế điều hành lãi suất của Ngân hàng nhà nước, mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định. Thực hiện tốt huy động vốn, tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý trong tầm kiểm soát, bảo đảm chất lượng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.
Tổng nguồn vốn huy động 90.000 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,1% so với cuối năm 2017. Tổng dư nợ tín dụng 66.000 tỷ đồng, tăng 15,0% so với cùng kỳ và tăng 1,1% so với cuối năm 2017. Nợ xấu chiếm 1,35% tổng dư nợ.
6. Thương mại, giá cả, dịch vụ
6.1. Doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng
Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 3 ước đạt 3.473 tỷ đồng, tăng 10,6% so cùng kỳ năm trước; tính chung 3 tháng đầu năm ước đạt 10.392 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Phân theo loại hình kinh tế, 3 tháng đầu năm kinh tế cá thể đạt 6.482 tỷ đồng, chiếm 62,4% và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước; kinh tế tư nhân đạt 3.705 tỷ đồng, chiếm 35,7% và tăng 15,3%; các khu vực kinh tế còn lại chiếm tỷ trọng rất thấp.
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 3 tháng ước đạt 3.357 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngành dịch vụ ăn uống tăng 9,6% và chiếm tỷ trọng cao (24,7%) nên đóng góp nhiều nhất và mức tăng chung.
6.2. Vận tải
Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 3 ước đạt 630,9 tỷ đồng; so với tháng trước tăng 6,1%; trong đó, vận tải hành khách đạt 113,1 tỷ đồng, giảm 7,3%; vận tải hàng hoá đạt 478,2 tỷ đồng tăng 9,4%.
Doanh thu cộng dồn 3 tháng đầu năm 2018 đạt 1.892 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó vận tải hành khách đạt 354,7 tỷ đồng, tăng 11,6%; vận tải hàng hoá đạt 1.412,3 tỷ đồng, tăng 10,8%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 125,3 tỷ đồng, tăng 10,5%.
Chia theo ngành đường: đường bộ tăng 11,0%; đường biển tăng 8,8%; vận tải đường thủy nội địa tăng 10,7%; Chia theo thành phần kinh tế: kinh tế tư nhân tăng 11%; kinh tế cá thể tăng 10,9%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,6%; kinh tế có vốn nhà nước tăng 2%.
Vận chuyển lượt khách 3 tháng đầu năm ước đạt 6,7 triệu lượt khách, so với cùng kỳ tăng 11,7%; hành khách luân chuyển đạt 390,2 triệu lượt hành khách/km, so với cùng kỳ tăng 11%.
Khối lượng hàng hóa vận chuyển 3 tháng đầu năm ước đạt 17,7 triệu tấn, so với cùng kỳ tăng 10,6%; hàng hóa luân chuyển đạt là 1.234,3 triệu tấn/km, so với cùng kỳ tăng 9,8%.
7. Giá cả thị trường
Do là tháng sau Tết Nguyên đán nên thị trường mua bán hàng hoá đã lắng xuống, nhiều mặt hàng giá đã chững lại hoặc giảm giá. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm 0,18% so với tháng trước; tăng 1,26% so với cùng kỳ năm trước; tăng 1,02% so với tháng 12 năm trước. Đây là mức tăng giá khá cao so với những năm gần đây (chỉ thấp hơn năm 2016, tăng 1,38% so với tháng 12 năm trước).
II. Một số vấn đề xã hội
1. Văn hóa, thể thao
Văn hóa; Tổ chức nhiều hoạt động Văn hoá, Thể thao chào mừng các ngày lễ lớn, mừng Đảng, mừng Xuân, đặc biệt là Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2018; giải vô địch vật dân tộc; giải vô địch các Câu lạc bộ khiêu vũ thể thao khu vực phía Bắc năm 2018; phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và chương trình Tết sum vầy 2018. Các hoạt động được tổ chức đều bảo đảm tốt an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, bảo đảm môi trường văn hoá lành mạnh gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá.
Thể thao; nằm trong chương trình Đại hội thể dục thể thao tỉnh lần thứ VIII năm 2018, Giải Điền kinh có 170 VĐV nam, nữ đến từ 10/12 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh. Các VĐV tranh tài ở 19 bộ huy chương các loại. Giải sẽ diễn ra từ ngày 9 đến ngày 11/3.
Cũng trong chương trình Đại hội, Giải bóng bàn có gần 100 VĐV nam, nữ của 13 đội đến từ 11 huyện, thị xã, thành phố (huyện Cẩm Giàng không tham gia) và hai đơn vị Công an, Bộ CHQS tỉnh. Giải diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 17/3.
2. Y tế
Duy trì tốt hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hoạt động khám, chữa bệnh có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng nâng cao chất lượng, một số kỹ thuật mới, kỹ thuật cao của tuyến trung ương được triển khai áp dụng tại các bệnh viện tuyến tỉnh, kỹ thuật tuyến tỉnh được triển khai áp dụng tại tuyến huyện. Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay tại cơ sở, giảm chi phí cho người bệnh và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Làm tốt công tác y tế dự phòng, chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Một số bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng giảm hơn so với cùng kỳ năm 2017. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị SDD thể nhẹ cân còn 10,9% (cùng kỳ năm 2017 là 11,2%); tuy nhiên tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn có xu hướng tăng, đạt 16,99% (tăng 2,94% so với cùng kỳ năm 2017).
3. Giáo dục
Đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ học kỳ 1 và triển khai nhiệm vụ học kỳ 2; tích cực triển khai Nghị quyết số 29/TW của Trung ương, Kế hoạch hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình hành động số 53/TU của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Công tác xây dựng trường học chuẩn quốc gia được đẩy mạnh. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học tăng nhanh so với cùng kỳ năm học trước. Tính đến hết học kỳ 1, toàn tỉnh có 624 trường, đạt 66,24% (tăng 79 trường, 7,7%) chuẩn quốc gia, trong đó: Mầm non 158 trường, chiếm 47,59% (tăng 27 trường, 7,39%); Tiểu học 257 trường, đạt 90,8%; THCS 182 trường, đạt 66,7 % (tăng 40 trường, 14,5%); riêng THPT 27 trường, tỉ lệ 50% (tăng 05 trường, 9,26%).
Công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng giá viên được quan tâm và thực hiện tốt; tiếp tục rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên các cấp học. Duy trì thành tích thi học sinh giỏi cấp quốc gia. Kết quả học sinh giỏi quốc gia lớp 12: tổng số có 65/98 học sinh đạt giải với 2 giải Nhất, 10 giải Nhì, 26 giải Ba và 27 giải Khuyến khích. So với năm học trước, số lượng giải giảm nhưng có thêm 2 giải Nhất.
Các huyện, thị xã, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc sáp nhập các Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề, Trung tâm Dạy nghề.
4. Giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội
Giải quyết việc làm; triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020”, đã tuyển mới đào tạo 1.534 lao động. Tổ chức các phiên giao dịch việc làm, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp và người lao động. Công tác giải quyết việc làm được quan tâm, 3 tháng đầu năm ước giải quyết việc làm cho 8.705 lao động đạt 25,01% kế hoạch năm; xuất khẩu được 1.026 lao động, đạt 25,02% kế hoạch năm.
Tổ chức kiểm tra và đôn đốc một số doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, đôn đốc các doanh nghiệp khắc phục những tồn tại về pháp luật lao động sau kiểm tra.
An sinh xã hội; tập trung triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng; triển khai có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, bảo trợ xã hội, trẻ em, bình đẳng giới và phòng chống tệ nạn xã hội, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội.
Tổ chức đi thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công và người cao tuổi tiêu biểu, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, trẻ em vùng sâu, vùng xa và một số đơn vị trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất; cụ thể như sau:
- Chuyển quà của Chủ tịch Nước đến 59.196 gia đình chính sách trong tỉnh, với tổng số tiền trên 12 tỷ đồng.
- Chuyển 62.375 suất quà của tỉnh tới các gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng với tổng số tiền là trên 31 tỷ đồng.
- Trợ cấp khó khăn cho 256 xã/phường/TT, tổng số 21.104 hộ nghèo; chúc thọ, mừng thọ cho 32.060 người cao tuổi với kinh phí là gần 8 tỷ đồng.
- Thăm, tặng quà cho 4.039 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, trẻ em vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí trên 960 triệu đồng.
5. Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của cấp huyện, triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm 2018 đã được phê duyệt; tiếp tục đôn đốc xử lý đất lấn chiếm, cấp trái thẩm quyền, đất xen kẹp, dôi dư; hoàn thiện và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính thành phố Hải Dương; tiếp tục hoàn thiện thủ tục và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân và các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Triển khai Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày Nước Thế giới, ngày Khí tượng Thế giới và Giờ Trái đất năm 2018.
Ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 02/01/2018 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn ô nhiễm; công tác quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại được quan tâm thực hiện.
Đôn đốc các cơ sở lắp đặt và vận hành các trạm quan trắc môi trường tự động, đến nay đã có 17 cơ sở lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động; tiếp nhận dữ liệu quan trắc nước thải tự động của 05 khu công nghiệp và 03 doanh nghiệp; tiếp nhận dữ liệu quan trắc khí thải tự động của 02 cơ sở: Công ty TNHH dệt Pacific Crystal và Công ty xi măng Phúc Sơn.
Trong tháng 3, cơ quan chức năng đã phát hiện 35 vụ vi phạm quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, trong đó xử lý 35 vụ với tổng số tiền phạt 373 triệu đồng.
Tính chung 3 tháng đầu năm đã phát hiện 85 vụ vi phạm quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, trong đó xử lý 85 vụ với tổng số tiền phạt 892,3 triệu đồng.
6. Trật tự an toàn xã hội
Thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm theo chuyên đề, địa bàn trọng điểm. Phạm pháp hình sự được kiềm chế, các vụ vi phạm cơ bản đã được phát hiện và xử lý.
Về tai nạn cháy, nổ; trong tháng Ba, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy, nổ thiệt hại ước tính 953 triệu đồng. Tính chung 3 tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy, nổ thiệt hại ước tính 1.513 triệu đồng.
Về tai nạn giao thông; tháng 02, trên địa bàn tỉnh xảy ra 24 vụ tai nạn giao thông làm chết 24 người, bị thương 9 người; trong đó xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm chết 01 người. So với cùng kỳ năm trước, tai nạn giao thông tăng 9 vụ (+60%), tăng 8 người chết (+50%) và giảm 9 người bị thương (-50%).
Tính đến ngày 15/3, số vụ tai nạn giao thông xảy ra 74 vụ, làm chết 67 người, bị thương 37 người (tăng 24 vụ, 20 người chết, 9 người bị thương)./.
Cục Thống kê tỉnh Hải Dương