(MPI) – Trong quá trình xây dựng dự án Luật PPP, Chính phủ luôn yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan như dân sự, đầu tư, đầu tư công, đất đai, xây dựng, đấu thầu, ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, tài sản công...
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì buổi họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Luật PPP ngày 07/8/2018. Ảnh: MPI |
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát và thực hiện thống nhất dự thảo Luật theo hướng nguyên tắc áp dụng phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Do đó, hầu hết các nội dung liên quan đến pháp luật khác, dự thảo luật có các điều khoản viện dẫn cụ thể đến các luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các luật.
Cụ thể, các nội dung quy định tại dự thảo liên quan đến Luật đầu tư công đều được dẫn chiếu tuân thủ theo pháp luật về đầu tư công. Riêng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục dự án PPP, tại Luật đầu tư công quy định nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Đối với Luật xây dựng, các nội dung về phương án thiết kế sơ bộ trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án có cấu phần xây dựng; thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc; thẩm định thiết kế xây dựng; nghiệm thu công trình với nhà thầu được dẫn chiếu tuân thủ theo pháp luật về xây dựng. Trong khi đó, Luật Xây dựng đã quy định những nội dung bảo đảm tính thống nhất với pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP.
Đối với Luật doanh nghiệp, các nội dung về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp dự án PPP; tổ chức quản lý, hoạt động, giải thể, phá sản doanh nghiệp dự án PPP; thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tuân thủ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Luật PPP quy định doanh nghiệp dự án PPP chỉ có mục đích duy nhất là thực hiện dự án PPP mà không được “tự do” kinh doanh các ngành nghề khác. Quy định này cũng hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật doanh nghiệp.
Đối với Luật đầu tư, các nội dung về ưu đãi đầu tư và bảo đảm đầu tư khác tại dự thảo được dẫn chiếu tuân thủ theo quy định của pháp luật về đầu tư. Quốc hội đã giao Chính phủ quy định Luật đầu tư công chi tiết lĩnh vực, điều kiện, thủ tục thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP (Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, trước đây là Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về PPP).
Bên cạnh các luật nêu trên, các nội dung tại dự thảo Luật liên quan đến Luật đất đai, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật ngân sách nhà nước và Luật chuyên ngành khác đều được dẫn chiếu tuân thủ theo các pháp luật này.
Về nội dung lựa chọn nhà đầu tư (đang được quy định tại Luật đấu thầu) cần được chuyển hóa tại dự thảo Luật PPP để bảo đảm đầy đủ quy trình thực hiện dự án PPP và báo cáo đánh giá tác động môi trường cần được sửa đổi để thống nhất với nội dung được sửa đổi tại Luật đầu tư công, dự thảo Luật PPP sửa đổi quy định của một số luật bao gồm: Bãi bỏ nội dung về lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP tại một số Điều của Luật đấu thầu; Sửa đổi nội dung về báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Luật bảo vệ môi trường.
Do tính chất phức tạp và dài hạn của mô hình đầu tư theo phương thức PPP, việc tạo một môi trường pháp lý ổn định, không chồng chéo và có tính chất “là Luật được ưu tiên áp dụng khi có nội dung khác nhau” là một biện pháp cần thiết, khẳng định sự quan tâm, cam kết của phía Nhà nước khi thực hiện dự án PPP, qua đó tạo sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
Mặt khác, hiện quy định về PPP nói riêng và luật pháp tại Việt Nam nói chung được các nhà đầu tư đánh giá là có tính ổn định chưa cao. Vì vậy, từ kinh nghiệm của Hàn Quốc - quốc gia được đánh giá là thành công trong triển khai PPP, dự thảo Luật (khoản 2 Điều 3) quy định: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và các luật khác về trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP; luật áp dụng; bảo đảm đầu tư; cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án PPP thì thực hiện theo quy định của Luật này”. Đây là quy định về một số nội dung đặc thù cho dự án PPP nhằm bảo đảm tính minh bạch phạm vi áp dụng quy định của pháp luật; tính ổn định, xuyên suốt của một dự án PPP; hơn nữa, quy định này cho thấy cam kết rõ ràng từ phía Nhà nước đối với khu vực tư nhân để tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư tổ chức tài chính khi đầu tư các dự án PPP quy mô lớn, dài hạn và tiềm ẩn rủi ro trong tương lai./.
Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư