Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/10/2019-15:36:00 PM
Đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 10/10/2019, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ để hỗ trợ các bộ, ngành và đơn vị liên quan triển khai Đề án.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Hội thảo nhằm mục tiêu phân tích các quan điểm cơ bản được nêu trong Quyết định 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 về Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Đồng thời, nhận dạng và áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực ngân hàng và giao thông vận tải. Từ đó, đề xuất các phương thức quản lý đối với các mô hình kinh tế chia sẻ nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích các bên tham gia vào mô hình kinh tế này.

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, CIEM giới thiệu nội dung chính của Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, các quan điểm, định hướng quản lý nhà nước. Ông Nguyễn Mạnh Hải đưa ra một số bất cập và nguyên nhân của thực trạng phát triển mô hình kinh tế chia sẻ như việc cấp giấy phép kinh doanh còn gặp vướng mắc do hoạt động này vẫn chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh; khung pháp lý về hoạt động kinh doanh hiện nay chưa có các quy định hay điều chỉnh các hoạt động kinh doanh “chia sẻ”; Luật công nghệ thông tin chưa có quy định đối với các cá nhân hay tổ chức nước ngoài có hợp tác, kinh doanh không có văn phòng đại diện tại Việt Nam; thực hiện hóa đơn điện tử và quản lý kê khai thuế của kinh tế chia sẻ còn bất cập.

Ngoài ra còn những bất cập liên quan đến chính sách như chưa có quy định pháp luật liên quan đến kinh tế chia sẻ và thiếu các chính sách đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống và kinh tế chia sẻ trong từng ngành cụ thể. Cùng với đó là thiếu cơ chế, chính sách quản lý các giao dịch thanh toán điện tử xuyên biên giới cũng như các quy định về an toàn thông tin.

TS. Nguyễn Mạnh Hải cho rằng, sự phát triển của kinh tế chia sẻ là tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin hiện đại và có nhiều tác động tích cực tới nền kinh tế. Đây là mô hình kinh doanh mới nhưng không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần riêng rẽ trong nền kinh tế. Vì vậy, cần có sự ủng hộ để thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh doanh này trong điều kiện phát triển rất nhanh của nền kinh tế số và của công nghệ số trên thế giới. Cùng với đó, cần thay đổi tư duy và cách thức quản lý nhà nước cho phù hợp với xu thế kinh tế số và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Để thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, Quyết định 999/QĐ-TTg đưa ra các nhóm giải pháp về thực hiện quyền và trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ, của doanh nghiệp cung cấp nền tảng trong kinh tế chia sẻ và nhóm giải pháp đối với Nhà nước nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái cho kinh doanh, đầu tư theo mô hình kinh tế chia sẻ.

Trình bày về cơ hội, rủi ro, thách thức và một số khuyến nghị chính sách trong trong hoạt động cho vay ngang hàng (P2P), TS. Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng, đối với các hoạt động cho vay này cần được bổ sung vào lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, có cơ chế đăng ký giấy phép rõ ràng với các công ty P2P, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, đưa ra các giới hạn để quản lý rủi ro như hạn mức tín dụng, loại hình cho vay. Thêm vào đó, cần làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và người vay trong việc tìm hiểu rõ hoạt động của công ty P2P, cũng như các điều khoản sử dụng, hợp đồng trước khi vay và trong quá trình cho vay. Không nên cho phép gửi vốn vào các công ty P2P dưới dạng gọi vốn cộng đồng, vì đây là hành vi trái với quy định của pháp luật. Việc làm rõ các quy tắc vận hành cũng như trách nhiệm của các bên liên quan là tiền đề vô cùng quan trọng để phát huy tính hiệu quả của loại hình kinh doanh mới này.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng phụ trách CIEM cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hoạt động kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống. Đồng thời, đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng. Khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải thay đổi tư duy, chấp nhận cái mới, đồng thời cho phép thử nghiệm các mô hình tiên phong./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1314
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)